Cách để kiếm cơm và tồn tại trong công sở khi chuyên môn yếu kém
Sau bài viết về lương lậu sao cho tình cảm và hợp lý thì nay trong lúc rãnh ruồi và đang bí một tí khi cập nhật thêm tính năng ẩn trả...
Sau bài viết về lương lậu sao cho tình cảm và hợp lý thì nay trong lúc rãnh ruồi và đang bí một tí khi cập nhật thêm tính năng ẩn trả lời cho Bum De Guys thì tôi chợt thấy mình quá là bất tài vô tướng. Cơ mà thay vì bỏ cuộc giữa một cuộc đời trái ngang thì tôi chợt nhớ về những anh, những chú bác và các em mà tôi từng gặp. Những người cũng có chuyên môn kém, già lù khù hơn tôi mớ tuổi mà code ciết còn thua mấy bạn sinh viên năm cuối hoặc là mấy em mới ra trường nhưng cắm đầu làm mà chả ăn thua gì. Đương nhiên cuộc sống là thế, có người hay kẻ kém nên cũng chả lạ gì. Cơ mà từ họ lại thắp cho tôi sự an ủi về sự bất tài của mình. Bởi họ vẫn sống, sống khỏe và sống mạnh ở công ty. Thật là phi thường! Do vậy mà trong dòng hồi tưởng trong như nước rạch Thị Nghè, tôi mơ hồ xem lại họ đã làm gì và ghi ra đây để dành thực hành mà còn sinh tồn trong một xã hội quá khắc nghiệt hiện tại.
Đánh giá về độ ngu chuyên môn của bản thân
Bước đầu tiên đây, come out nào anh em. Ý tôi là come out về khả năng nhé. Code ngu thì là ngu thôi. Hãy ngưng tô vẽ và trốn tránh cái việc sau bao năm anh em code vẫn ngu, vẫn bị bọn măng non nó gõ đầu cốc cốc, bạt tay bốp bốp và cười hí hí mỗi khi code hoặc phát ngôn cái gì đó ngu ngục. Điều đó chẳng có gì phải lo cả, tôi từng thấy nhiều tay tuổi gần ba mươi hoặc ba mươi hơn, code thua cả sinh viên nhưng vẫn ăn trên ngồi tróc được nên anh em cứ yên chí. Cơ bản là anh em phải chấp nhận sự thật để mà thực hiện chiến dịch an trí triệt để này. Come out sớm thì tốt cho anh em thôi đó mà. Ahihi, chuẩn bị bước đầu tiên nào.
À mà khoan, có một điều anh em phải hiểu là với cái vốn tự có trong não của anh em thì đừng mong mà kiếm công ty lương cao, ngẫng mặt hiên ngang với đời. Nhưng vẫn sẽ có những nơi an nhàn và lương không kém, nếu như anh em luồn lách tốt và gặp thời.
Chọn công ty
Bước đầu tiên cũng chính là bước quyết định hầu hết sự thành bại, ăn cơm hay cạp đất là điều ở bước này cả. Công ty nào cho chúng ta nhỉ? No company for st.. ah old men? Có chứ, nhiều là khác. À nhắc lại cú nửa cho chắc kèo là anh em phải come out chuẩn chỉ ở bước trên trước khi mò qua bước này nhé! Nếu anh em đã quán triệt tư tưởng về bản thân thì chúng ta bắt đầu thôi. Đầu tiên là dẹp cái ý định kiếm mấy công ty mà đầu tư mạnh mảng công nghệ tính cả tốc độ lẫn chất lượng. Tốc độ ở đây là tốc độ cập nhật công nghệ mới. Anh em làm công nghệ cũ còn bị bọn nhóc gõ đầu thì tới mấy chổ đu công nghệ thì chẳng khác nào đào hố mà chô xác mình. Sức thì yếu mà chơi pressing thì chẳng khác nào tự hủy. Còn về tính chuẩn chỉ và chất lượng cũng thế, né mấy công ty yêu cầu mấy cái lằng nhằng như coding rule, testing, viết tài liệu... Code chay thôi mà anh em đã khó thở và sai lè ra rồi thì vô mấy công ty đó chẳng khác gì diễn hề cả. Hai cái tiêu chí này anh em nên nhớ nhé, vì trong phần "thanh trừng bè lũ cách mạng" sẽ gặp lại hai yếu tố này lần nửa.
Sau những thứ nên tránh thì chúng ta đến với những công ty nên bám vào. Chúng ta sẽ có một số yếu tố chính là chuyên môn hoặc công nghệ, tổ chức và văn hóa.
Thứ nhất là công nghệ, nên chọn những công ty có yêu cầu công nghệ thấp hoặc cũ kỹ, không chịu cập nhập xu hướng mới. Anh em có thể tin tôi là kiểu công ty này ở Việt Nam nó nhiều lắm từ mấy công ty outsource đến cả những công ty product bóng bảy hào nhoáng hoặc nổi bậc là các công ty sản xuất. Thứ nhất ở các công ty outsource, anh em có thể kiếm mấy công ty outsource cho Việt Nam hoặc tốt hơn là cho Nhật. Thị trường outsource công nghệ cũ cho xứ Phù Tang thì phải nói là nhiều vô kể, thêm nửa là một số người Nhật có tính cách là họ luôn tin tưởng một cái gì đó mù quáng, đại để như công nghệ nào đó. Do đó mà họ sẽ sống chết đòi sử dụng công nghệ đó. Đương nhiên những công ty chủ quản kiểu đó cũng sẽ chẳng dại gì mà đòi làm những công nghệ mới khi mà làm công nghệ cũ vừa có tiền, vừa đỡ phải tốn nhiều lương để thuê mấy nhân sự hiện đại hơn. Riêng product cũng thế, có rất nhiều product vẫn xài công nghệ cũ kỹ và thậm chí không chịu cập nhật. Nếu là outsource thì đôi lúc khách hàng sẽ đòi hỏi một sự khắc khe nào đó và công ty sẽ không thể chối từ được. Nhưng ở product thì CTO hoặc tech lead là những ông trời con, họ mà lười thì cũng chả ai bắt bẽ gì được họ. Cuối cùng là một trong những thiên đường cho anh em, những công ty sản xuất, nhà máy. Họ sẽ có những phần mềm quản lý nội bộ hoặc thương mại điện tử xây từ thời thượng cổ và chẳng buồn đối mới. Thứ họ cần chỉ là lâu lâu thêm cái này, chỉnh cái kia cho họ, đương nhiên sẽ có những yêu cầu chuối và khó cực kì nhưng khả năng đu công nghệ là rất ít xảy ra.
Sau công nghệ thì sẽ là tổ chức và văn hóa, hai thứ này thật ra cũng khá liên quan tới công nghệ. Nên nếu giải quyết được khâu chọn công ty theo công nghệ thì lọc tiếp hai yếu tố này cũng dễ thôi. Đầu tiên là văn hóa, theo ngu ý của tôi thì nên chọn những công ty có văn hóa Nhật hoặc tốt hơn hết là văn hóa Việt Nam. Nói thiệt là tôi cũng chẳng biết định nghĩa văn hóa Việt Nam là sao nhưng ngu từ quá nên xài đại thôi. Nên nhớ là văn hóa chứ không phải quốc tịch nhé. Nên công ty Việt mà văn hóa Âu Mỹ thì cũng gãy hoặc nếu ngược lại gặp công ty Âu Mỹ mà văn hóa, bang bệ Việt Nam thì lại ngon. Có thể định nghĩ một số từ trong văn hóa này như là "kính lão đắc thọ", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây", "uống nước nhớ trả tiền... à nhầm nhớ nguồn", lớn hơn là auto đúng, tuổi trẻ nên biết cúi đầu tôn trọng tiền bối. Những từ thường được hô hào trong công ty sẽ là gia đình (hoặc family nếu như là công ty đú Âu), trung thành, siêng năng, cần cù, lành tính... đại loại là ngoan, [thái độ ăn c... à nhầm ăn đứt trình độ] thái độ hơn trình độ... Còn tổ chức thì theo kiểu kim tự tháp hoặc bang bệ thì càng tốt. Hãy nhớ điểm này rất quan trọng, nó như một cái tường thành sẽ bảo vệ anh em khỏi những cuộc tấn công bất ngờ tự những thế lực nổi dậy. Việc thăng chức, lên cấp tương đối lằng nhằng là một điểm cộng. Đơn giản vì chúng ta quá kém nên như kiểu đem xe máy với xe đạp ra đua đường nhựa thì chỉ có nước phơi áo. Nhưng chuyển về hẻm nhỏ ngập nước mùa mưa là khác ngay. Ở những môi trường như như thế thì dù lương không cao, không học được nhiều (mà anh em có học hành ra gì đâu mà lo) thì bù lại sẽ có thể đu bám bằng cái mác trung thành, dễ mến. Ấm êm cuộc đời nhé.
Còn một yếu tố cuối cùng nhưng cực kì quan trọng dù không bắt buộc. Nhưng nếu có yếu tố này thì phải nói theo cách mấy trò chơi chiến thuật là "bản đồ quá đẹp"! Đó là bạn có một ông anh, bà chị nào làm tay to mặt bự trong một công ty mà hội đủ các tiêu chi ở trên. Tay to ở đây nhiều khi không hẳn phải là CTO hay leader mà chỉ cần là một người có tiếng nói, thân với sếp hoặc là khai quốc công thần là đủ. Ở những môi trường thấm đẫm tình người và lòng nhân ái như thế thì việc có một cây cao bóng mát che chở thì chẳng có gì mà bằng. Hết nước chấm nhóe.
Phỏng vấn
Bước này thì không biết nói gì vì mỗi người sẽ có cách vượt phỏng vấn khác nhau. Chỉ có tí lưu ý là trong lúc phỏng vấn chính là lúc thăm dò công ty tốt nhất, hãy cố tận dụng nó. Về kỹ thuật thì khỏi nói rồi, anh em dốt đặc cán mai mà kỹ thuật cái nổi gì. Nên phải tỏ vẻ nịnh nọt tí, không biết thì dựa cột mà nghe. Xây dựng hình ảnh trung thành, yêu công ty và cần cù để làm bàn đạp tốt. Đó cũng là một cách để đánh giá công việc, ví dụ như anh em dốt đặc nhưng mà tô vẽ đủ màu về hình ảnh siêng năng, cần cù và được nhận thì đó cũng là một dấu hiệu có biết công ty anh em phỏng vấn đã đáp ứng yêu cầu ở mục trên rồi. Khi được hỏi về lý do nghỉ việc thì các anh em cũng nên tạo ra các lý do xuôi theo dòng của người phỏng vấn. Nếu người phỏng vấn là kiểu thủ cựu, ghét phát triển công nghệ thì anh em có thể thử luôn với lý do là môi trường cũ ham mê đú trend quá, anh em theo không được và cũng thấy điều đó không cần thiết. Công nghệ nào cũng thế, quan trong là tư duy các kiểu. Hoặc người phỏng vấn có vẻ là người thích những ai nghe lời, thích tỏ vẻ và quan trọng tôn tri trật tự thì mình vẽ ra câu chuyện bị bọn nhóc bố láo vả mồm. Nhiều câu chuyện để anh em chế lắm, anh em nếu code yếu thì cũng nên đầu tư tí khoảng rót mật vào tai này.
Đánh giá địa bàn
Nếu một cách hiển nhiên hoặc thần kì nào đó mà anh em vượt ải thành công và được nhận vào thì bước này sẽ là bước khá quan trọng. Ở bước này chúng ta sẽ phải đưa ra những cái nhìn sơ bộ cũng như những đánh giá đầu tiên chuẩn bị cho quá trình cắm rể và bành trướng của anh em. Đầu tiên các anh em phải xác định được người có quyền sinh sát anh em trong hai tháng thử việc là ai. Tập trung một tí vào họ để mà còn toàn mạng trong hai tháng. Tiếp đó phải quan tâm đến một số vị trí như nhân sự, quản lý trực tiếp (có thể là leader hoặc manager) và mentor. Phải có sự đánh giá nhất định về họ như phong cách lãnh đạo, giao việc, mong đợi và những điểm giới hạn. Có những thông tin như trên chúng ta sẽ biết được những ranh giới nên và không nên đi. Trong hai tháng cam go này thì việc tồn tại sẽ là ưu tiên trên hết, do thế nên thay vì tô vẽ thì hãy tập... tô màu. Tô những màu mà cấp trên yêu cầu, cố gắng đừng làm gì sai như đi trễ hoặc vi phạm nội quy. Tập trung bắt chuyện với anh em để tìm hiểu tình hình cũng như những "lệ làng" của team. Đương nhiên ngoài lệ làng anh em cũng nên tìm hiểu thêm một chút về tích cách về mảng công nghệ của họ. Ví dụ như cách họ code, cách họ đánh giá giải pháp qua các câu hỏi anh em đặt cho họ thông qua quá trình làm. Ngoài ra chúng ta cũng nên biết về trình trạng gia đình cũng như nơi ở của họ, điều này rất tốt cho việc tìm chủ đề để nói chuyện. Giờ nghỉ trưa cũng rất quan trọng khi anh em có thể để ý xem các tay to trong công ty làm, xem gì và ghi chú vào. Ví dụ như họ xem phim gì, web drama nào, hài nhãm kênh nào, tik tok gì, vloger nào hoặc đơn giản là chơi cái gì lửa chùa hay liên quân. Ngoài những người đó ra thì anh em phải đặc biệt chú ý tới hai nhân vật mà thường thì họ là một. Đầu tiên là mentor, người sẽ truyền đạt cũng như kéo anh em qua hai tháng gian khổ này. Người thì hai thì có thể có hoặc không, đó là một người sắp rời đi và anh em chính là người thế vào. Với người đầu tiên thì phải tìm hiểu cho kỹ những thứ tôi đã nói trên và trong thời gian làm cùng nếu hắn không phải là người sắp đi thì hãy đầu tư tình cảm anh em nhiều vào vì rất có thể tay đó sẽ là người đưa ra thông số đánh giá bạn. Còn nếu hắn là kẻ sắp bay màu thì anh em nên tìm hiểu hắn là người thế nào và lý do nào rời công ty. Thường thì mấy tay này sẽ ít khi nào nói ra lý do mà thay vào đó sẽ để lại những thông tin úp mở anh em cần phải để ý. Thêm một yếu tố nửa là hãy để ý xem hắn thân với ai trong những người còn lại và khoanh vùng những người đó. Nếu được hãy cố tử tế với hắn, trong những ngày cuối đẹp nhất là tìm cách farewell nhẹ nhàng hắn bằng ly cà phê, cốc trà sữa. Đẹp nhất là ngồi cà phê quán cốc giờ nghỉ với nhau và đẹp hơn nửa là một buổi nhậu riêng. Đẹp nhất là buổi nhậu có mặt những tay bạn bè của hắn cũng như là đẹp nhất là có cả những cựu nhân viên khác. Hãy chú ý ghi lại những thông tin cực kì quý giá đó. Nó sẽ cho anh em biết được nội tình hiện tại của công ty. Ngoài những người trong team thì cũng phải để ý nhiều đến team chị em như nhân sự, kế toán hoặc office admin, đó cũng là thành phần có thể cho anh em nhiều thông tin cũng như giúp đỡ anh trong nhiều trường hợp.
Theo những thông tin trên thì phần nào anh em sẽ hiểu được sở thích, xu hướng cũng như màu sắc của team. Có thể là thủ cựu, già khú, gia trưởng hoặc ăn chơi hoặc cứng nhắc, từ đó phác ra cách ứng xử phù hợp. Tiếp đến là tìm hiểu đến sở thích của team như chơi gì, bàn về gì, xem gì và ăn nhậu, đàn đúm ra sao. Cuối cùng là phần cực kì quan trọng, bạn phải nhìn ra được những nhóm nhỏ trong team cũng như công ty, những mâu thuẩn chủ yếu và căng thẳng nhất là của ai và ai, những sóng gió nào có thể sắp tới, ví dụ như làn sóng bỏ việc có sắp, đang hoặc đã diễn ra chưa. Biết thế sẽ giúp chúng ta có xu hướng ứng xử và chọn phe tốt hơn trong thời gian tới.
Trở thành người em quốc dân
Sau khi đánh giá sơ bộ được các thông tin về địa chính trị của công ty và một cách nào đó vượt qua được thử việc (thật ra nếu bước chọn công ty làm chuẩn chỉ thì việc vượt thì việc không quá khó, code ngu thì thiếu gì công ty quèn chứa) thì chúng ta sẽ đến bước tiếp theo. Ở bước này chúng ta sẽ đặc những nền mống đầu tiên cho việc ăn cư lạc thú ở vùng đất mới này. Các thực thể chúng ta cần bang giao sẽ được chia tương tự như ở trên gồm sếp hoặc các tay to mặt bự trong team, nếu công ty nho nhỏ kiểu Việt Nam thì sẽ có bộ phận nhân sự, kế toán gồm các chị em vui vẻ thì đó sẽ làm nhóm thứ hai, nhóm còn lại là các đồng nghiệp thường dân khác.
Ở nhóm đầu tiên cũng là nhóm quan trọng nhất, chúng ta phải phát hiện ra những thành phần cừu đen trong nhóm này. Cừu đen có thể là những người có khác văn hóa với văn hóa chung nhưng vì trình cao nên chưa bị trảm hoặc cũng có thể là những thành phần đối lập còn sót lại. Đặc điểm nhận dạng là hay tranh luận với sếp trong các cuộc hợp, hay chê bai hoặc chèn ép mấy thằng code ngu như anh em vì anh em code ngu quá nên dễ làm mấy tay đó chướng mắt. Với mấy tay này thì anh em cần phải đề phòng, tránh bị bọn chúng nã đạn vào, đồng thời luôn phải tỏ ra chấp nhập và xuống nước dù đôi khi tụi nó đáng tuổi con cháu nhưng vì anh em ngu quá nên tụi nó vẫn dư sức ngồi lên đầu anh em được. Ngoài ra cần để ý xem tụi nó có điểm nào công phá được không. Ví dụ như tụi nó thích chơi cái gì mà anh em chơi được như bàn phím, máy tính, xe cộ thì anh em lân la chơi chung với để lấy thêm tình cảm đồng thời để hắn ta nhẹ tay hơn với anh em. Còn nếu hắn thuộc dạng hiền lành thì anh em cũng phải biết điều, tỏ ra biết ơn mỗi khi được chỉ dạy rồi cho mấy lời khen kiểu "giỏi ghê ta, xưa học trường nào?"... Đó là với những thanh niên tay to còn đối với sếp thì cũng tương tự, phải biết sếp thích gì và phụ họa theo. Thường những công ty này thì sếp thì không quá giỏi (nếu giỏi thì anh em đã chẳng mò được vào) thường là có thâm niên, chém gió giỏi và mặt dày. Do thế nên anh em vào công ty này gặp sếp chỉ cần làm cho sếp thấy tin cẩn cũng như cố đọc được cảm xúc của sếp để mà quét sân dọn được trước để có thơm thì ôm vào mà có biến thì biến luôn. Lâu lâu đi mua cà phê dùm sếp hoặc mentor thì nên biết ý mà không lấy tiền và cộng thêm câu nói ma thuật "anh em không hà" vào. Trưa thấy sếp coi gì là về tập coi cái đó để còn bàn với sếp, tin tôi đi mấy công ty dạng này sếp thường coi Tik tok hoặc là mấy cái kiểu "người từng trãi" thôi chứ không coi mấy cái kỹ thuật hoặc là triết học gì đó cao siêu đâu.
Ở nhóm chị em nhân sự thì bạn nên thường tìm cách tiếp cận kiểu chị em, trà nước, sữa, bánh để cho nó thông dụng. Thường mấy công ty kiểu này nhân sự hay suốt ngày trà sữa, bánh trái và bàn mấy chủ đề showbiz này nọ. Anh em nên tiếp cận xem họ hay order nước gì, thứ gì rồi lâu lâu inbox nhắn xem có order thì hú anh em. Ngoài ra nên siêng năng xung phong giúp họ mấy việc bưng bê này nọ, sẵn tiện trà nước kể chuyện này, chuyện nọ. Đây là kênh thông tin cực tốt cho anh em trong tương lai. Có thông tin và có sự ủng hộ của họ thì anh em sống sẽ dễ thở hơn.
Kế đến là một nhóm mà trong các công ty ít người hoặc công ty sản xuất anh em sẽ gặp rất nhiều. Đó là các cộng sự ở các mảng khác, ví dụ như khi làm công ty sản xuất và làm hệ thống nội bộ thì sẽ làm việc với các bộ phận như bán hàng, quản lý nhà máy, vận chuyển, chăm sóc khách hàng... Họ chính là những người có ảnh hưởng cực kì nhiều tới yêu cầu công việc hằng ngày cũng như đánh giá của bạn trong mắt cấp trên. Do đó nên tìm cách làm thân với họ, biến họ thành bạn bè, đồng chí. Đương nhiên là vẫn trà nước và lân la tám chuyện như cũ, đồng thời nhờ họ chúng ta có thể biết được những nội tình các bên khác nhằm có thêm nhiều thông tin hơn.
Bộ phận cuối cùng đương nhiên là những đồng nghiệp làm chung team, phải thân thiện hơn, dạ thưa đầy đủ trong thời gian đầu. Tìm xem họ thích gì, có cần giúp gì đỡ gì trong cũng như ngoài công việc không. Đồng thời ở phần task sẵn sàng OT giúp họ hoàn thành, hãy cho họ những ân tình vì mình sẽ có cách thó lại sau. Hãy thường xuyên đem đồ ăn, thức uống quà vặt lên cho anh em. Một trong những cách phổ biến là nếu anh em có bồ hoặc có vợ có thể nói là "vợ em bán..." đưa cho anh em ăn thử. Tóm lại hãy biến mình thành một hoa hậu thân thiện, một anh nuôi của team, một người cần lao tốt tính. Dẫu code ngu tí nhưng mà ai nỡ sút một thằng như anh chứ nhỉ?
Xây dựng thương hiệu cá nhân
Đến bước này thì chỉ là phát triển của bước trước thôi. Ở bước này anh em phải nắm được sơ gu và nhu cầu của các đối tượng trên. Gom nhóm những yêu cầu lại dự trên số lượng người và vị trí ưu tiên. Ví dụ như chơi máy tính, ăn nhậu, ăn vặt... Từ đó tìm ra nhiều thông tin cũng như địa chỉ có thể thõa mãn họ. Ví dụ như team cần đi nhậu thì anh em phải là người đưa ra được những địa điểm mà sếp và team gật gù mỗi khi đi, mỗi lần cần ăn vặt, anh em sẽ là người gợi ý là đặt hàng cho anh em. Hãy theo dõi những đợt sale cũng như giảm giá trà nước để từ việc order ké bị động anh em có thể phát động những đợt order trà sữa giảm giá cho chị em. Hãy trở nên dí dỏm khi chọc phá một cách vừa phải những anh em khác như việc họ FA hoặc là đi trễ để tạo tiếng cười nhẹ nhàng. Lâu lâu hãy rủ anh em cùng mua cái gì đó như lót chuột, gối hoặc ly nước với một mã giảm giá. Hãy cố để những mục tiêu quan trọng đều có một thói quen hoặc một món đồ gì đó liên quan tới anh em. Giống như xem phim anh em thấy bọn nịnh thần hay đi kiếm của ngon vật lạ về cho mấy tay hôn quân vậy, anh em nên học theo bọn đó. Hẳn anh em biết vụ cho chó ăn và bật đèn. Mấy trò order đồ ăn cũng tương tự thế đó. Hãy biến mình thành một family guy, party manager, người mà làm team trở nên vui hơn. Điều này sẽ rất quan trọng trong phần kế.
Đối với công ty hãy là một người em thiện lành, giúp đỡ hết thảy mọi người. Công ty cần trang trí Giáng Sinh, trung thu anh em hãy tham gia hết mình. Luôn đăng ký mọi hoạt động to nhỏ từ đi nhậu, team building đến company trip. Khi tham gia trò chơi thì tham gia nhiệt tình hết mình dù trò chơi nó nhổn làm thế nào, vì các đó là điều mà những tay nịnh thần nên biết. Công ty cần lao công, hãy thành lao công. Công ty cần tạp kỹ, hay phóng ra mà diễn hề. Đặc biệt là mỗi lần sếp gặp thế bí như bị ép bia, bị ép nhảy nhót vì thua trò chơi, hay lao lên mà làm dùm hết nhé. Điểm cộng đó!
Ngoài ra đừng quên mặt trận mạng xã hội. Hãy cố kết bạn Facebook với hầu hết những người quan trọng. Theo dõi Facebook công ty, like, share, comment nhiệt tình. Hãy đặt những khung ảnh của công ty kèm theo những dòng cap đầy tự hào. Ngoài ra thay vì đợi công ty có động thái, anh em phải lâu lâu làm cái ảnh sống ảo ở các góc của công ty như góc cà phê, cửa số, bàn làm việc... Mỗi lần đi event công ty về là chụp ngay một tấm, lộng kính mà để lên avatar...
Tóm lại hãy xây dựng cho mình một thương hiệu mà ai cũng biết mặt, gọi tên, yêu thương hết mực, quý mến vô cùng.
Tìm cách gia nhập nhóm bảo hoàng
Đây là bước cực quan trọng trong những ngày tháng sau này đây. Như đã tìm hiểu ở các bước trước thì sẽ không quá lạ nếu như công ty có nhiều phe phái. Trong đó sẽ có một phe gọi là phe bảo hoàng hay nói cách khác là phe thân sếp, binh triều đình... Làm một người thân thiện, dễ mến cũng tốt đấy nhưng sẽ chắc ăn hơn nếu muốn đi lên cao. Muốn vững chắc và leo trèo lên nơi cao hơn thì sẽ cần phải chọn phe. Đương nhiên phe bảo hoàng sẽ là phe hợp lý nhất trong điều kiện "hoàng" mà anh em bảo chính là người xây dựng cũng như phần nào giữ vững cái văn hóa cũng như tổ chức hiện tại của công ty, một văn hóa mà anh em có thể lân la kiếm cơm. Để vào phe bảo hoàng thì đương nhiên bước đầu tiên phải là thân và có lòng tin với sếp cũng như mấy tay cộm cán trong phe đó rồi. Sau đó là khai thác hố sâu khác biệt giữa hai phe để xây dựng lên một hình ảnh của sự quán triệt tư tưởng. Ví dụ như trong một task mà anh em được giao và vô tình trở thành chiến trường cho hai phe bem nhau thì anh em phải hóa kiếp dân thường ngay, ai sai gì nghe nấy. Đến một lúc quá nhiều thứ chồng chéo thì nhắn lên group hoặc một kênh công cộng về vấn đề này để cho hai bên choảng nhau. Nếu bên bảo hoàng thắng thì tốt, anh em yên chí làm tiếp. Nếu bên còn lại thắng thì anh em nên xem sếp có khó chịu không, nếu có thì có thể lân la kiểu "em thấy cách của anh cũng ổn mà ta..." để ngầm cho sếp thấy rằng anh em cũng đang có cùng tư tưởng với sếp. Trong những cuộc nhậu mà không có thành viên phe đối lập tham gia, anh em nên tìm một số câu chuyện để nói ví dụ như "cái nào đúng, cái nào sai". Chờ sếp trả lời rồi cứ thế gật gù mà đi theo. Theo bước đó mà đi từ từ vào phe này. Một số cách khác có thể thực hiện như khổ nhục kế chẳng hạn. Thường mấy thằng ngu như anh em mà làm chúng với bọn giỏi kiểu gì cũng kéo tụi nó xuống, anh em hãy cố làm một task chung kiểu đó thật "cẩn thận". Cẩn thận ở đây là đụng đâu cũng chờ ý sếp hoặc khách hàng. Để có gì anh em sẽ được xem là người ăn coi nồi ngồi coi gái... à nhầm coi hướng. Đương nhiên task sẽ làm chậm và nếu bọn đối lập ức chế với cái ngu của anh em đôi lúc sẽ to tiếng hoặc trách anh em. Trong những lần đó thì tốt nhất là tìm một lỗi gì đó được tạo ra bởi một cuộc tranh luận mà sếp đã thua để mà đem ra làm chiến trường. Lúc này chỉ cần đem đổi qua cách của sếp và anh em làm ngon lành thì coi như thắng. Lúc này thì kiểu gì bọn kia cũng cạch mặt anh em. Đương nhiên đây là giai đoạn khá nhạy cảm, hãy chắc rằng sếp sẽ nhận bạn vào phe bảo hoàng thì hãy làm. Nếu được làm bên phe sếp thì cứ thế mà làm thôi, coi như đặt được một chân vào chiến thắng.
Tiếp theo thì có thể lúc này bạn sẽ được thêm vào một group chat hoặc một nơi nào đó của phe bảo hoàng, hãy cố mà thể hiện sự trung thành của mình. Đương nhiên sẽ có những bước cao tay hơn mà tôi từng thấy nhiều cao thủ dùng. Đó là gia nhập nhóm chống đối trước và rồi quy hàng nhóm bảo hoàng, sau đó bán thông tin cho nhóm bảo hoàng. Những tay này thì đúng là hào kiệt đương thế, nếu mà vào thời võ hiệp chắc đã được lên một cái núi nào đó để làm chưởng môn. Đương nhiên sẽ có lúc xảy ra những cuộc thanh trừng trong công ty, điển hình là việc càng lúc thì các giải pháp của nhóm cải cách sẽ bị xem xét kỷ hơn cũng như là sẽ có những ngày họ bị phê bình trước team. Những lúc đó nếu cần biểu quyết phải hết lòng theo phe sếp. Đồng thời hãy cố mà dùng cái thâm niên cũng như những cái mà anh em đã xây dựng được để dập tắt các cuộc cách mạng. Đáng sợ nhất là cách mạng khoa học và cách mạng tổ chức. Bọn đó mà thành công thì mấy thằng ngu như anh em có nước mà bị sút ra khỏi công ty. Nên dập tắt những cuộc khởi nghĩa là điều tối quan trọng khi mà anh em đã leo được kha khá và có ít nhiều tiếng nói. Để bọn đó lớn là chết anh em đó!
Kết
Tôi chưa làm giờ thực hành mấy cái tôi vừa kể cả. Nhưng tôi những năm lăn lộn kiếm cơm tôi đã thấy hàng khối những người đã và đang thành công với những cách nói trên. Nên hy vọng là sẽ giúp ít cho anh em ít nhiều. Hy vọng anh em sẽ thành công và truyền thụ những điều này cho những đàn em kế cận. Tôi sẽ rất vui vì điều đó.
Tóm lại lời khuyên cho anh em là lúa chín cúi đầu, cúi không được thì quỳ, mà quỳ không được thì bò.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất