Chào các bạn, lại là mình - phóng viên thường trú tại Thâm Quyến đây :)) Phải nói qua, mình là một đứa hám fame, 3 phần trước dụ khị mọi người upvote + follow và coi như có chút độc giả, mình lại có thêm động lực viết tiếp :D 
    Phần 3 có hứa là sẽ viết về Hoàng Cương - Hồ Bắc, nhưng nhân cái sự vụ đi công tác hôm qua, mình xin viết về một đại đô thị khác - người anh em của Hongkong, hàng xóm của Thâm Quyến - thành phố Quảng Châu! Hẹn Hoàng Cương ở phần 5 nhaaaaa :*
Thành phố Quảng Châu, nguồn: baidu.com
  Quảng Châu, tên tiếng Anh: Guangzhou, là thành phố thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, nằm trong đồng bằng châu thổ sông Châu Giang. Tên quốc tế của nó trước đây là Canton. Quảng Châu cách Hong Kong khoảng 120 km về phía Tây Bắc, 145 km phía Bắc Ma Cao. Quảng Châu có lịch sử hơn 2.200 năm, là một điểm cuối chính của con đường tơ lụa hàng hải và vẫn tiếp tục phục vụ như một cảng lớn, một trung tâm vận tải ngày nay. Tính đến năm 2017, cùng với Thượng Hải, Bắc Kinh và Thâm Quyến, Quảng Châu là một trong những thành phố có GDP cao nhất Trung Quốc. Trong ba năm liên tiếp từ 2013-2015, tạp chí Forbes xếp hạng Quảng Châu là thành phố thương mại tốt nhất Trung Quốc đại lục.

Đọc thêm:

    Tóm lại, Quảng Châu là một anh có gia thế khủng - vừa nhiều tuổi, giàu lại có vị trí kinh tế tuyệt vời, là trái tim của vùng kinh tế chế xuất hàng đầu Trung Quốc. Người Việt mình hay nhắc đến thành phố này với danh hiệu " quần áo Quảng Châu", tức đại loại chưa đến sẽ nghĩ đây là kinh đô thời trang giá rẻ :D Nhưng với mình, Quảng Châu chính là phiên bản hoàn hảo của Hongkong tại đại lục.
    Có một điều rất thú vị, Quảng Châu và Thâm Quyến là anh em láng giềng, cách mỗi giậu mùng tơi, í chết, cách mỗi 25 phút đi xe lửa :v, nhưng lại nói 2 ngôn ngữ khác nhau. Người Thâm Quyến nói tiếng phổ thông, còn người Quảng Châu nói tiếng Quảng Đông - cùng hệ ngôn ngữ với Hongkong. Nếu Thâm Quyến nhộn nhịp một thì Quảng Châu nhộn nhịp gấp 5 lần. Nhịp sống vội vã hệt như HongKong vậy. Quảng Châu quy tụ số lượng lớn người nước ngoài đến sinh sống, làm việc và du lịch, đặc biệt là người Châu Phi. Cứ 10 người bạn gặp trên đường, ít nhất sẽ có 1 người Phi. 
Guangzhou Taojin metro station
    Khung cảnh ở ga metro thì tấp nập thôi rồi, không khác gì ở ga sân bay Hongkong, 3 lượt thang máy lên xuống full người, đủ các màu da, tiếng nói, ai nấy cũng như đang chạy đua với thời gian, hối hả bước những bước dài. Ở Thâm Quyến mình cũng đi tàu điện ngầm vài lần, nhưng chỉ có các máy mua vé (có hình tròn giống như đồng xu nhựa màu xanh lá) bằng xu hoặc tiền mặt ( mệnh giá 5 và 10 nhân dân tệ), nên nếu chẳng may mà không có tiền lẻ thì phải đi đổi. Nhưng Quảng Châu thì khác, không có tiền lẻ chứ gì? có máy scan trả tiền qua điện thoại! Bạn có thể scan qua wechat, qua thẻ tín dụng, hoặc qua app của sân ga, đơn giản như đan rổ! 

Đọc thêm:

   Vì thành phố có rất nhiều cư dân + một số lượng lớn người nước ngoài, nên Quảng Châu có đội ngũ an ninh dày đặc. Khi mình vừa theo thang máy cuốn từ metro lên đến đường phố thì gặp ngay 3 cảnh sát, tay cầm súng, tay cầm máy scan chứng minh thư đứng ngoài, cứ gặp thanh niên nào khả nghi là hỏi chứng minh để kiểm tra. Sếp mình hôm đó mặc vest, tay xách cặp nom bossy nên không bị hỏi, mình cũng không bị kiểm tra passport, nhưng các thanh niên khác, đi qua rồi vẫn bị gọi lại check. Bọn mình đi bộ lên một chút thì thấy một xe cảnh sát khác đang đậu ngay đầu đường. Bên phía kia đường cũng có một xe cảnh sát nữa, hoặc có thể họ đang giăng bắt đối tượng tình nghi nào chăng? :3 
Cảnh sát đang kiểm tra chứng minh thư mọi người ở lối ra trạm ga tàu điện ngầm
     Quảng Châu không có quá nhiều tòa nhà cao tầng, cao kiểu 135 tầng như Thâm Quyến, Thượng Hải, nhưng nổi tiếng với tháp truyền hình cao 600 mét - cao thứ hai thế giới chỉ sau Tokyo Sky Tree (634.0 m) ở Nhật. Tháp được thiết kế khá phức tạp và do một công ty Hà Lan là IBA đảm nhiệm. Đây cũng là biểu tượng của thành phố sầm uất nhất đồng bằng châu thổ Châu Giang này.
Tháp đài truyền hình Quảng Châu, nguồn: baidu.com
      Nhắc đến Quảng Châu mà không nhắc đến Canton Fair thì quả là một thiếu sót nghiêm trọng. Hội chợ Quảng Châu là hội chợ thương mại lớn nhất ở Trung Quốc, được tổ chức vào mùa xuân và mùa thu hàng năm. Canton Fair lần đầu được tổ chức năm 1957. Mỗi phiên hội chợ được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1(Mùa xuân: 15-19 tháng 4, Mùa thu: 15-19 tháng 7): Trưng bày các sản phẩm điện tử, đồ dùng gia đình, máy móc, thiết bị chiếu sáng, phần cứng và công cụ, xe cộ, phụ tùng, vật liệu xây dựng, sản phẩm hóa học. Giai đoạn 2( Mùa xuân: 23-27 tháng 4, Mùa thu: 23-27 tháng 10): Hàng tiêu dùng, hàng trang trí, quà tặng. Giai đoạn 3( Mùa xuân:1-5 tháng 5, Mùa thu:31 tháng 10 - 4 tháng 11): Hàng dệt may, giày dép, vật tư văn phòng, túi xách, sản phẩm giải trí, thuốc men, thiết bị y tế và các sản phẩm y tế. 
Canton Fair 2017
    Người Trung Quốc rất thích mở và dự các hội chợ. Mình cũng từng tham gia vài cái, đúng là nô nức yến anh luôn :D Các gian hàng được chia thành từng khu vực, có đánh số, trang trí cực kỳ bắt mắt, đủ thể loại công ty. Công ty nào cũng có đội ngũ tiếp viên cầm catalogue, quà tặng ra giúi tận tay khách rồi dắt vào xem hàng. Qùa thì cũng đa dạng vô kể: cốc chén, bát đĩa, xoong nồi, bình giữ nhiệt, quạt siêu mini, con quay, ốp lưng điện thoại, áo mưa... Nói chung, khi bạn ra khỏi 1 cái hội chợ, thì đúng như vừa đi siêu thị về vậy, đủ thứ hầm bà lằng. Khi bạn còn đang lớ ngớ không biết xem gì, thì sẽ được dăm bảy anh chị kéo vào, dẫn đến bàn của sales, nói một thôi một hồi, xin số điện thoại, wechat các kiểu. Bạn hoảng sợ quá, lại phải bịa số :D, không thì sau đó, hôm nào cũng có cuộc gọi với tin nhắn đổ về ầm ầm :))))
    Quay trở lại với đại đô thị Quảng Châu, đây đúng là nơi ở của" Hội con nhà giàu" :D. Hồi tháng 6 mình có đến Quảng Châu một lần, cũng là theo sếp đến đại sứ quán xin Visa đi Mỹ dự triển lãm Infocomm. Thời tiết nóng thấy bà cố nội, nhưng hàng dài các em học sinh cấp 1, 2 mặc đồng phục đứng nắng đợi vào phỏng vấn để sang Mỹ du lịch nghỉ hè. Vâng, là du lịch nghỉ hè chứ không phải xin visa du học đâu ạ! 
    Người Quảng Châu không ăn đồ cay, và ở đây có rất nhiều người Việt mình sinh sống. Sau gần một năm sang đây, cuối cùng mình cũng được ăn đồ Việt. Giây phút thấy nhà hàng món Việt, mình kiểu reo lên sung sướng, chắc mẩm kiểu gì cũng gặp đồng hương! Nhưng không ạ, chỉ là người Trung nấu đồ Việt thôi, đồ ăn khá là ngon, và việc kinh doanh cũng rất tốt, nhân viên thoăn thoắt ship hàng, khách hàng đến ăn cũng kín cả quán. Và thú thật, là giờ mình mất khả năng phân biệt đâu là người Việt, đâu là người Trung - cho đến khi nghe họ nói :(( Lúc tuyệt vọng nhất về việc nghe đâu đó tiếng dân tộc, mình lướt qua 2 cô gái, 3 chữ cuối vang lên, to, rõ ràng, rành rọt "bỏ con m*" :((( Cảm thấy: frozen! :o
Nhà hàng món Việt :)
     Mình tự hỏi, không biết những người Việt đã sang đây, họ sống chủ yếu ở khu nào? Họ làm nghề gì, và họ có cuộc sống tốt hay không? Lần đầu tiên mình gặp một người Việt, là dịp về Hoàng Cương, 2 đứa mình đáp xe xuống Caohe, thì mẹ bạn mình đã chờ sẵn để mua sắm. Mình đang nói chuyện với bác gái, thì một chị tầm ngoài 30, có vóc dáng đậm, nom hiền lành, rụt rè bước vào. Chị nói bằng tiếng Trung:" em là người Việt à? Chị cũng là người Việt". Giây phút ấy, mình bất ngờ vô cùng, chỉ lắp bắp được:" Chị... chị có nói được tiếng Việt không ạ?" ( giời ạ, nghĩ lại sao mà hỏi “ngâu” thế không biết :((). Chị nói tiếng Việt không rõ lắm, mình không hiểu do giọng chị bẩm sinh như vậy, hay 5 năm ở đây rồi, nên tiếng quên đi kha khá. Chị kể chị là người Lào Cai, lấy chồng bên này, có 1 bé 4 tuổi, chị nghe mấy bà bán hàng bảo có người Việt về chơi với bạn nên hỏi họ ra tận đây để gặp. Mình hỏi: "chị có hay về nhà không? ", chị nói:" một năm về một lần. Năm nay xây nhà, không có tiền, không về được." Chị nói giọng như mấy cô dân tộc, thật thà, chất phác,làm mình tự nhiên khựng lại - mình không biết phải tiếp tục câu chuyện như thế nào nữa, mình không muốn hỏi thêm. 
     Những người tốt, sẽ nói con gái Việt chăm làm chịu khó, những người ác miệng hơn sẽ nói Việt Nam nghèo, con gái sang đây lấy chồng vì tiền. Dân kinh doanh nói lao động Việt Nam không tốt, hay trốn bỏ về, làm ăn bát nháo, toàn tầng lớp lao động chân tay, học vấn thấp. 
     Ngày bé hay nghe chuyện phụ nữ, trẻ em bị bắt cóc sang Trung Quốc, thấy Trung Quốc xấu xa từ lịch sử đến những bản tin hằng ngày. Sang đến đây rồi, thấy họ cũng không đánh giá cao người Việt. Vậy thì lỗi là do ai? Chính là do cái bầu trời định kiến ăn sâu từ hàng ngàn năm trước, rằng Trung Quốc là cái nước "thâm như Tàu", chỉ chăm chăm hại người, muốn chiếm đất nước ta. Rồi trong định kiến của người Trung Quốc, Việt Nam lại là cái nước bé bằng mắt rận, toàn ana mít, sang đây làm thuê kiếm sống. 
     Hôm trước mình có inbox một người anh đáng kính, đã đi qua nhiều nước, có vốn kiến thức sâu rộng, uyên bác để hỏi xin ebook về Phật  giáo. Anh nói :"em sang Trung Quốc là sai rồi, sai mọi nhẽ. Em nên đến những nước hiện đại hơn, chứ Google, Facebook không có, thì đúng là thụt lùi"...
Một thoáng Quảng Châu
    Đáng suy ngẫm lắm chứ! Rất nhiều người Việt đã thành công, thành danh ở những trời Tây hiện đại ấy rồi, mình cũng chỉ là một hạt cát bé nhỏ giữa 7 tỷ người trên thế giới này thôi, nhưng mình muốn đem lại cho những người ở Việt Nam, những người ở Trung Quốc một cái nhìn khách quan hơn. Rằng, chúng ta đã để định kiến dắt mũi quá lâu rồi, trước khi nói, hãy nhìn, hãy nghe, hãy cảm nhận. Trừ phi bạn đã đến đó, hãy nhìn nhận mỗi quốc gia với đặc trưng tốt đẹp của họ. Và mình tin, bạn không được chọn quốc tịch, nhưng bạn được chọn làm thế nào để mang hình ảnh đẹp nhất của đất nước bạn đến bạn bè quốc tế!
Xem thêm các bài viết cùng series của mình tại đây: