Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:

    Chào các bạn, lại là mình - phóng viên thường trú tại Thâm Quyến Trung Quốc đây. Sau thời gian lặn một hơi dài dằng dặc vì bận sml, mình đã trở lại và ăn hại gấp đôi :v Thực ra phải cảm ơn bạn nào đó vô cùng có tâm, đã share series "BƠI RA BIỂN LỚN" và bài về ALIBABA của mình, từ đó có kha khá bạn gửi lời mời kết bạn trên Zalo/ WECHAT/ Whatsapp giao lưu trò chuyện, lượt follow của mình trên này cũng tăng đáng kể. Cảm ơn tình cảm của các bạn rất nhiều, nhờ có các bạn mà mình có thêm động lực viết những bài tiếp theo <3 <3
  Có nhiều bạn hỏi mình rằng sao không viết những bài về chủ đề nóng hổi trong nước hiện nay? Thì thú thực, mình đang không ở trong nước, nhiều vấn đề chỉ biết được qua các phương tiện truyền thông, cũng chưa có được nhiều hiểu biết sâu sắc để khua tay múa phím. Vậy thì cứ để mình là phóng viên thường trú tự do, viết những thứ mình được trải nghiệm thực sự, là người đưa tin từ bên này đi ạ. Những bài viết của mình cũng sẽ không bao giờ đả động đến vấn đề chính trị, không bàn đúng sai. Mình viết như ký sự, có một chút quan điểm cá nhân ở cuối bài.
   Nhân kỳ nghỉ Quốc Khánh dài 7 ngày, mình quyết tâm ngồi lại biên bài đăng đàn :p Hy vọng rằng, bài viết lần này về Thâm Quyến - nhân dịp sinh nhật lần thứ 40 của thành phố trẻ nơi mình đang sinh sống và làm việc, sẽ đem lại những kiến thức thú vị, sống động và khách quan hơn về một trong những mô hình thành công nhất của đặc khu kinh tế trong quá khứ, hiện tại và tương lai trên thế giới.

Đọc thêm:


  Trước tiên, mời các bạn nghía qua những hình ảnh nhân ngày 29/6/2018, kỷ niệm 40 năm thành lập thành phố. Video được share qua Wechat, rồi lại reup trên Youtube nên chất lượng hơi mờ :3

Hoành tá tràng không ạ :p? Quả thực hôm đó, cả thành phố siêu lung linh. Dù không phải là người Thâm Quyến, nhưng mình, cũng như những người đang sinh sống, làm việc ở đây đều dấy lên niềm tự hào khó tả. Danh sách bạn bè trên Wechat của mình đồng loạt chia sẻ những video quay được, kèm lời chúc " HAPPY BIRTHDAY SHENZHEN!" Thành phố này, so với tuổi của một đời người, thì nó đã thuộc hàng trung niên, nhưng so với tuổi của các thành phố lớn khác ở Trung Quốc, em ấy chỉ là "nhi đồng". Tuy nhỏ nhưng có võ, và có võ như thế nào thì cùng mình lội ngược dòng lịch sử và phân tích nhé!
   Trong những năm gần đây, mọi người thường nói đến điều thần kỳ của Trung Quốc khi tăng trưởng nhanh chóng trở thành thị trường số 1 thế giới và nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu. Tuy nhiên, câu chuyện của vùng đồng bằng Châu Giang (Pearl River Delta- PRD), trung tâm của sự bùng nổ kinh tế Trung Quốc mới thực sự khiến các chuyên gia trên toàn thế giới ngạc nhiên.
     Nơi dòng Châu Giang chảy ra biển có 9 thành phố lớn gồm: Quảng Châu, Đông Quản, Huệ Châu, Thâm Quyến, Triệu Khánh, Phật Sơn, Châu Hải, Giang Môn, Trung Sơn, cách đây 40 năm chỉ là những làng chài nhỏ. Nhưng hiện nay khu vực này là siêu đô thị chiếm tới 5% dân số Trung Quốc.
      Trong khi Hong Kong, thành phố cách Thâm Quyến chỉ một con sông, đang chật vật với nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào ngành tài chính, Thâm Quyến đã tìm ra con đường riêng khi trở thành "thủ phủ công nghệ cao" của Trung Quốc. Thành phố này là nơi đặt trụ sở của các “ông lớn” công nghệ như Huawei, Tencent, ZTE. Viện Gen Bắc Kinh - “một thế lực trong nghiên cứu ADN”, cũng chuyển từ thủ đô về Thâm Quyến để tìm kiếm một môi trường tốt hơn.

Đọc thêm:

Như ở bài viết đầu tiên về Thâm Quyến mình đã đề cập, thành phố này có đến 99% người nhập cư, từ các lãnh đạo tập đoàn cao cấp, sinh viên mới ra trường đến hàng triệu công nhân. Thâm Quyến chỉ có vài trường đại học nhỏ và không thể sánh được với Bắc Kinh trên “bản đồ học thuật”, nhưng lại là nơi các cử nhân tốt nghiệp ở thủ đô tìm về. Thâm Quyến cũng là "nhà" của 20% tiến sĩ Trung Quốc, là nơi có số người làm chủ doanh nghiệp cao nhất nước và có số tỉ phú cao hơn bất cứ đâu ở đất nước tỷ dân. Năm 2014, tạp chí Economist xếp hạng Thâm Quyến là nơi tốt nhất thế giới để thành công bằng con đường sản xuất, sáng tạo phần cứng. Dân số chính thức của Thâm Quyến là gần 12 triệu, dù vậy người ta ước tính còn khoảng 6 triệu lao động nhập cư đang sống ở đây.
      Vậy làm sao chỉ trong 40 năm từ một làng chài nghèo, Thâm Quyến... biến thành siêu đô thị lớn nhất thế giới, GDP lớn hơn cả Hà Lan? 
    Để mình kể các bạn nghe :) Hiện nay, Trung Quốc có 6 đặc khu kinh tế(SEZ) là Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu, Hạ Môn, Kashgar và đảo Hải Nam. Ngoài ra, Trung Quốc cũng thành lập các "khu vực thương mại tự do" (FTZ) gồm Thượng Hải, Thiên Tân, Quảng Đông, Phúc Kiến. Các SEZ được đánh giá là đã góp phần lớn vào việc thay đổi bộ mặt Trung Quốc sau hơn 40 năm cải cách mở cửa. Tuy nhiên, câu chuyện thành công của những thành phố như Thâm Quyến không hoàn toàn chỉ có màu hồng. Bởi theo Business China, mô hình đầu tư tại các SEZ cũng khác nhau và chỉ Thâm Quyến thực sự thành công. 
    Tất cả bắt đầu vào năm 1979, khi Thâm Quyến được chọn để trở thành đặc khu kinh tế (SEZ) đầu tiên của một Trung Quốc - lúc này vừa quyết định mở cửa với thế giới. SEZ Thâm Quyến hình thành vào đầu thập niên 1980 khi Trung Quốc đang bắt đầu các chính sách cải cách, mở cửa nền kinh tế. Thâm Quyến là một mô hình đặc biệt ở Trung Quốc và cả thế giới, tất cả các chính sách mở cửa được áp dụng thử nghiệm ở Thâm Quyến.

Đọc thêm:

   Thực ra, Chính phủ Trung Quốc muốn đưa Thâm Quyến đi theo hướng kinh tế cải tiến, công nghệ cao. Tại Trung Quốc, đầu tư đóng góp đến hơn 50% GDP của cả nước, nhưng tỷ trọng này ở Thâm Quyến chỉ dưới 20% trong khi các ngành nghề công nghệ cao đóng góp đến hơn 40%. Từ những năm 1980-1990, các công ty đã tận dụng các chính sách ưu đãi của Thâm Quyến để mở công xưởng tại đây, thu hút một lượng lớn nhân công giá rẻ từ các vùng nông thôn của Trung Quốc. 
  Ngày nay, thành phố này có hệ sinh thái hoàn chỉnh cung cấp mọi thứ cần thiết cho các công đoạn sản xuất thiết bị điện tử tại chỗ. Thâm Quyến cũng thành nơi quy tụ nhiều nhà sản xuất công nghệ cao, các công ty khởi nghiệp và cả những nhà đổi mới công nghệ toàn cầu muốn gặt hái thành công. Huawei, ZTE và Tencent đều "lớn lên" tại đây, bên cạnh rất nhiều công ty khác. 
Trong một thập kỷ gần đây, Thâm Quyến nổi rần rần như một " Thung lũng Silicon của châu Á", với nguồn hàng điện tử dồi dào, từ authentic, super fake, fake 1, fake 2... fake n :v Có dịp ghé Thâm Quyến, các bạn có thể đến thăm chợ công nghệ lớn nhất thế giới Hoa Cường Bắc( Huaqiangbei), khu chợ này đang tập trung khoảng hơn 20 trung tâm thương mại lớn nhỏ với tổng diện tích lên đến gần 70 triệu m2 (đi 3 ngày không hết chợ nhé :3)
Bên trong khu chợ điện tử Huaqiangbei
   Theo thống kê, 90% thiết bị điện tử của thế giới được sản xuất tại Thâm Quyến. Hàng chục nghìn nhà máy, 5.000 nhóm tích hợp sản phẩm và hàng nghìn xưởng thiết kế, thành phố nay đã trở thành cửa ngõ của những thứ liên quan tới mạch điện, chip, đèn LED và màn hình cảm ứng. 
   Thâm Quyến có mạng lưới tập trung hàng chục nghìn nhà máy và các xưởng sản xuất hàng nhái chuyên nghiệp. Các sản phẩm bắt chước mẫu mã thường được gọi bằng cái tên "shanzhai". Theo giới phân tích, chính "shanzhai", chứ không phải Apple, là thủ phạm khiến các "tượng đài công nghệ" về điện thoại di động như Motorola và Nokia sụp đổ.
  Shanzhai là hệ sinh thái cộng tác bao gồm các nhà sản xuất sẵn lòng làm bất cứ sản phẩm nào dễ bán. Nếu là điện thoại, thì đó sẽ là iPhone hoặc các thương hiệu smartphone "hot" khác. Tất cả thiết kế, danh sách vật liệu và quy trình sản xuất đều được các nhà sản xuất chia sẻ với nhau. Chi tiết hơn, mời các bạn ghé đọc bài viết "Vén màn những bí mật về mô hình thương mại điện tử của Alibaba", mình đã viết rất rõ mô hình của các xưởng và công ty thương mại bên này :)
  Ở đây, hoàn toàn không có khái niệm về sở hữu trí tuệ. Họ có thể phát triển, sản xuất, bán ra thị trường những sản phẩm mà không có bất cứ thương hiệu (theo đúng nghĩa) nào có thể làm được. Đây là lực lượng hùng hậu có lúc lên tới 25.000 công ty, sản xuất 1/4 điện thoại di động cho cả thế giới. 
  Tuy nhiên, shanzhai không đơn thuần chỉ có nhái y nguyên sản phẩm. Họ cũng tìm cách cải tiến và chỉ nhái những điểm mạnh, đồng thời biết cân đối với chi phí bỏ ra. Dễ nhận thấy nhất là những chiếc điện thoại 2 SIM, loa ngoài cực lớn, tích hợp đèn UV để phát hiện tiền giả, và pin có thể dùng hơn một tuần. Đó là những cải tiến rất đáng học hỏi và hoàn toàn có sự sáng tạo. Đáng kể nhất là sự phát triển vượt bậc về màn hình điện tử, màn hình quảng cáo. Các dòng LCD lẫn LED, những máy tự thanh toán kết hợp bản đồ, chạy các phần mềm như một máy tính hoàn chỉnh hay những màn LED lượn sóng ở các sân khấu lớn, trung tâm thương mại cao cấp thực sự sẽ khiến bạn phải ố á. 
  Từ khi sang đây, mình đã biết một sự thật là: cứ đưa cho người Trung ý tưởng, họ sẽ làm sản phẩm của bạn hoàn thiện, thậm chí là tốt hơn cả bạn kỳ vọng! Tuy nhiên cũng phải cảm ơn những ý tưởng từ các nước phát triển, các sản phẩm sau đó trở thành cảm hứng để họ sáng tạo các chức năng mới hơn, hay ho và bắt mắt hơn rất nhiều. Bạn nào tò mò về dòng sản phẩm này, mời ghé website: www.chestnuter.com (ahihi, công ty mình làm đấy ạ :p), nhá ẻm hàng vừa ship hôm qua dưới này :p

  Quay trở lại với hệ sinh thái shanzhai, nó đã tạo ra nhiều thương hiệu đổi mới toàn cầu. Chỉ cách đây 5 -7 năm, các nhà sản xuất điện tử Trung Quốc luôn bị coi là lừa đảo với lợi thế duy nhất là sản phẩm giá rẻ, 70% smartphone bán tại Trung Quốc thời đó là từ 3 thương hiệu nước ngoài. Nhưng giờ đây, tất cả đã thay đổi, 8 trong tổng số 10 thương hiệu smartphone hàng đầu Trung Quốc là công ty Trung Quốc. 3 trong số này đang đứng trong top 6 nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới. Chất lượng cải thiện cộng với marketing được thực hiện tốt hơn đã giúp nâng cao đáng kể vị thế của thương hiệu smartphone Trung Quốc.
    Từ bên trên, dưới thời chủ tịch nước Tập Cận Bình, chính sách cũng chuyển dịch theo hướng hỗ trợ phát triển khu công nghệ cao trưởng thành hơn. Chính phủ khuyến khích sáng tạo và tăng trưởng kinh tế theo hướng mới. Các nhà sản xuất hiểu điều đó có nghĩa là phải tự đổi mới, tìm hướng đi mới để không mang tiếng copy ý tưởng nước ngoài. 
   Vài năm trở lại đây, Thâm Quyến đã cung cấp nhiều khoản hỗ trợ lớn cho các ý tưởng đổi mới, trong đó có hội thảo chia sẻ ý tưởng, các khoản vay lãi suất thấp hoặc không lãi suất, ủng hộ thiết bị cho các hội chợ công nghệ và thu hút sự quan tâm nhiều hơn của giới truyền thông.
  Từ đây người Tàu dùng hàng Tàu, với những Baidu thay thế Google, Weibo, Sina thay thế Facebook, Twitter, Youku thay thế Youtube... Đặc biệt, sự ra đời của Wechat như một cú hit lớn trong nền cách mạng công nghệ 4.0, made by Chinese. Cùng với đó là các trung tâm đổi mới như Hax, Shenzhen Open Innovation Lab và Chaihuo, giúp cung cấp sự hỗ trợ cho các nhà đổi mới công nghệ trên khắp thế giới muốn khởi nghiệp từ Thâm Quyến.
  Nếu chỉ nói đến công nghệ, các công ty, nhà máy, xưởng sản xuất ở Thâm Quyến, thì e rằng hơi bất công với thành phố này. Thâm Quyến khiến người ta muốn ở lại, không chỉ bởi cơ hội việc làm hấp dẫn, mà còn bởi sự văn minh, sạch đẹp. Như phần đầu đã đề cập, Thâm Quyến có 20% tiến sĩ của Trung Quốc, là nơi làm việc của những tập đoàn lớn, nên mặt bằng dân trí ở đây rất cao. Ở các khu trung tâm, bạn hiếm khi thấy rác, vì luôn được quét dọn 24/24, ý thức của người dân cũng được nâng cao, chấp hành tốt việc bảo vệ môi trường. Thâm Quyến cấm xe máy, là thành phố không khói bụi, không cả những tiếng còi xe inh ỏi( vì tiếng ồn thập cẩm ở các xưởng, nhà hàng, siêu thị đã làm người ta mệt mỏi rồi, thêm tiếng xe như ở Việt Nam, chắc chẳng mấy dân chúng hóa điên :v) . Ở Thâm Quyến, trừ trường hợp cực kỳ khẩn cấp, bấm còi xe là một hành động bất lịch sự. 
Một góc đường Luohu (La Hồ)
  Thâm Quyến đẹp, không phải đẹp cổ kính, yên bình, mà mang vẻ đẹp hiện đại, trẻ trung, không quá xô bồ nhưng nhịp sống nhanh. Người Trung work hard, play hard. Bằng chứng là những kỳ nghỉ lễ dài mỗi tháng, nghỉ 7 ngày Quốc Khánh, nghỉ cả tháng Tết Nguyên đán. Nhưng trước những kỳ nghỉ ấy, họ làm việc thâu đêm, tăng ca để kịp giao đơn hàng trước ngày nghỉ. Đó là một trong những đức tính mình thấy ngưỡng mộ và cực kỳ thích thú ở người Trung. Ở Thâm Quyến, không có chỗ cho người lười lao động, lười sáng tạo. Ai cũng làm, cũng muốn tìm thấy tương lai tốt hơn, Thâm Quyến là mảnh đất nuôi dưỡng và biến ước mơ của họ thành hiện thực. Thú thực là nhiều khi đi ngang qua các công viên, thấy người trẻ chơi bóng chuyền, cầu lông, người già tập thể dục nhịp điệu, trẻ em chạy nhảy tung tăng, mình thấy đây quả là một thành phố đáng sống. 
Một góc công viên gần nhà :v
  Bên lề một chút, hôm qua mình mới thấy một bài đăng của một bạn về thành phố Bắc Kinh. Đọc qua thì thấy review tệ của tệ, trong đó có đoạn không có soái ca như trên phim ảnh đâu :))) Vậy chắc bạn ấy không may, chứ bên này mình thấy nhiều trai xinh gái đẹp lắm, ăn mặc có gu, xinh xắn, năng động. Còn mấy chuyện như trong truyện ngôn tình hay đọc mình cũng từng chứng kiến rồi, đúng là truyện cũng lấy chất liệu từ cuộc sống đấy chứ :v Đọc đến đây đừng nghĩ mình là đứa nhìn cuộc sống màu hường nhé. Bởi mấy vụ yêu đương drama như trong phim thâm cung bí sử cũng có, không nhiều nhưng cũng gọi là ghê gớm. Xin được đề cập ở bài viết nào đó sau :))
Gái Trung toàn bạn xinh như này nhé ;)
   Kết, sau hai năm ăn dầm ở dề, và hơn 1 năm kinh nghiệm viết bài review về Thâm Quyến, mình thực sự mong những trải nghiệm này được chia sẻ với các bạn  - những người trẻ với tư duy khoáng đạt, không phân biệt Tây Tàu. Ở đâu cũng sẽ có những điều tốt đẹp, đừng "nghe đồn", đừng để truyền thông dắt mũi, nhất là trong bối cảnh hôm nào cũng thức giấc là được hít hà drama này. Nhìn vào sự thành công của Thâm Quyến, hy vọng trong tương lai không xa, Việt Nam ta cũng có những đặc khu kinh tế như thế, để trí tuệ Việt, lao động Việt có một mảnh đất màu mỡ, viết tiếp những ước mơ, hoài bão làm giàu trên chính quê hương mình. Càng hy vọng hơn, với những đặc khu như thế, chúng ta có những sản phẩm made in Vietnam độc đáo, chất lượng, vươn xa, hòa cùng những đại ngư, vươn ra biển lớn.

Đọc thêm bài viết của mình tại đây, và muốn đọc nhiều hơn hãy follow ạ :p