Từ khi nào một vùng biển đánh cá của các ngư dân sinh sống xung quanh các quốc gia khu vực Đông Nam Á trở thành một điểm nóng nhạy cảm về các xung đột chính trị. Ở nơi này, các xung đột xuất hiện chủ yếu thay vì sự thoả hiệp trong quan hệ quốc tế. Một khu vực địa chính trị khảm trong mình nhiều lợi ích kinh tế chính trị mà bắt cứ quốc gia nào xung quanh, thậm chí ở nơi xa xôi đều muốn thâu tóm. Các quốc gia dù lớn hay nhỏ đều có các tuyên bố hùng hồn bằng nhiều phát ngôn, chính sách đối ngoại nhằm khẳng định nhiều vùng địa lợi thuộc về chủ quyền quốc gia của họ. Một vùng biển mà được chính trị quốc tế thay đổi cấu trúc địa lý trở thành cấu trúc địa chính trị. Tất cả các vấn đề đó được gói gọn trong Biển Đông, một vùng biển giàu tài nguyên và sở hữu một lợi thế chiến lược để mở rộng chi phối các nước nếu ai thâu tóm được nó. Ở xung đột Biển Đông, nước lớn Trung Quốc trở thành chủ thể chính vì việc thực hiện “Một vành đai, một con đường” ảnh hưởng trực tiếp, toàn diện tới vùng biển này. Bởi, sự mở rộng thâu tóm bằng biển gặp bất lợi ở phía Đông Trung Hoa vì gặp Hàn, Nhật – đồng minh của Mỹ. Vì vậy, hiển nhiên việc mở rộng quyền lực ở khu vực biển Đông là điều sống còn đối với “giấc mộng Trung Hoa” của chủ tịch Tập Cận Bình.
Trên cơ sở đó, bài viết của mình sẽ mô tả, giải đáp và phân tích cặn kẽ những chiều cạnh và lợi ích rõ ràng và các xung đột của vùng biển Đông liên với các quốc gia liên quan từ năm 2016 – 2020.
nguồn ảnh: pixabay.com
nguồn ảnh: pixabay.com
Những nét chính về Biển Đông
Biển Đông là vùng biển phía Đông theo hướng tính trên bản đồ Việt Nam, ngoài ra nó còn gọi theo tên tiếng Anh là “The South China Sea” và tiếng Pháp “Mer de Chine Méridionale”. Nằm ở rìa Tây Thái Bình Dương, biển Đông là một biển nửa kín, có diện tích khoảng 3,5 triệu km vuông, trải rộng từ vĩ độ 3o lên đến vĩ độ 26o Bắc và từ kinh độ 100o đến 121o Đông. Hơn nữa, ngoài Việt Nam, Biển Đông được tiếp xúc với tám nước khác nhau là Bruney, Philippin, Indonesia, Campuchia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Trung Quốc. Biển Đông không chỉ có vị trí chiến lược quan trọng đối với cộng đồng ASEAN  và Trung Quốc mà còn hết sức quan trọng trong chiến lược về châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ.
nguồn ảnh: pinterest.com
nguồn ảnh: pinterest.com
Biển Đông được coi là một trong năm bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Các khu vực thềm lục địa có tiềm năng dầu khí cao là các bồn trũng Bruney - Saba, Sarawak, Malay, Pattani Thái, Nam Côn Sơn, Mê Công, Sông Hồng, cửa sông Châu Giang. Hiện nay, hầu hết các nước trong khu vực đều là những nước khai thác và sản xuất dầu khí từ biển như Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia, Thái Lan. Tại vùng biển và thềm lục địa Việt Nam đã xác định nhiều bể trầm tích có triển vọng dầu khí, trong đó các bể trầm tích Cửu Long và Nam Côn Sơn được đánh giá có triển vọng dầu khí lớn nhất, điều kiện khai thác tương đối thuận lợi. Tổng trữ lượng dự báo địa chất về dầu khí của toàn thềm lục địa Việt Nam đạt xấp xỉ 10 tỷ tấn dầu qui đổi, trữ lượng khai thác khoảng 02 tỷ tấn và trữ lượng dự báo của khí khoảng 1.000 tỷ mét khối.[1]
Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, Châu Âu - Châu Á, Trung Đông - Châu Á. Năm trong số mười tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới liên quan đến Biển Đông gồm: tuyến Tây Âu, Bắc Mỹ qua Địa Trung Hải, kênh đào Xuy-ê, Trung Đông đến Ấn Độ, Đông Á, Úc, Niu Di Lân; tuyến Đông Á đi qua kênh đào Panama đến bờ Đông Bắc Mỹ và Caribe; tuyến Đông Á đi Úc và Niu Di Lân, Nam Thái Bình Dương; tuyến Tây Bắc Mỹ đến Đông Á và Đông Nam Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Mỗi ngày có khoảng từ 150 - 200 tàu các loại qua lại Biển Đông, trong đó có khoảng 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên. Trong khu vực Đông Nam Á có khoảng 536 cảng biển, trong đó có hai cảng vào loại lớn và hiện đại nhất thế giới là cảng Singapore và Hồng Công.
Nhiều nước ở khu vực Đông Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào con đường biển này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và cả Trung Quốc. Đây là mạch đường thiết yếu vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông. Lượng dầu lửa và khí hoá lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama. Khu vực Biển Đông có những eo biển quan trọng đối với nhiều nước, với 4 trong 16 con đường chiến lược của thế giới nằm trong khu vực Đông Nam Á (Malacca, Lombok, Sunda, Ombai - Wetar). Đặc biệt eo biển Malacca là eo biển nhộn nhịp thứ hai trên thế giới (sau eo biển Hormuz). Hàng năm có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hoá xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua Biển Đông. Trung Quốc có 29/39 tuyến đường hàng hải và khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển qua Biển Đông [2].
Rõ ràng, biển Đông từ trong lịch sử tới hiện tại luôn là một điểm trung chuyển vận tải biển nhộn nhịp cho các quốc gia ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Hơn nữa, biển Đông vốn sở hữu trong mình nhiều giá trị về nguồn tài nguyên khoáng sản và năng lượng phong phú. Với ý nghĩa đó, biển Đông đã và đang trở thành điểm nóng địa chính trị không chỉ với các cường quốc trên thế giới mà còn sân chơi hợp tác đa phương của các nước nhỏ.
Vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ vùng biển trên biển Đông
Biển Đông tiếp giáp với nhiều quốc gia trong khu vực và nơi “sinh hoạt chung” cho các hoạt động giao lưu đường biển. Ngoài những thành công và cơ hội có được từ biển Đông thì ngược lại nó cũng hình thành nhiều mâu thuẫn giữa các quốc gia trong khu vực. Để tranh giành những lợi ích chính trị - kinh tế, các quốc gia luôn khó tránh khỏi những xung đột không mong muốn ở biển Đông. Tuy nhiên, để phù hợp với phạm vi nghiên cứu của đề tài cho nên tác giả chỉ đi sâu vào tranh chấp biển phổ biến và nổi bật nhất ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ - Trung giai đoạn 2016 – 2021, đó là:
nguồn ảnh: nghiencuuquocte.org
nguồn ảnh: nghiencuuquocte.org
Hiện khu vực biển Đông đang tồn tại hai loại tranh chấp chủ yếu: tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa[3] và quần đảo Trường Sa[4]; và tranh chấp ranh giới các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa các nước có bờ biển đối diện hoặc liền kề. Hai loại tranh chấp này được hình thành vào các thời điểm khác nhau, có nội dung, mức độ khác nhau và diễn ra trên những phạm vi đại lý có liên quan đến các bên tranh chấp.
Có thể thấy, Trung Quốc tiếp tục trở thành trung tâm của xung đột trên biển Đông. Bắc Kinh đã đẩy mạnh hơn bao giờ hết các chiến lược nhằm mở rộng phạm vi ảnh hưởng ra toàn châu Á. Thay vì từ bỏ chính sách “quyết không đi đầu” trong các vấn đề của thế giới và “giấu mình chờ thời cơ” như trong suốt kỷ nguyên của Đặng Tiểu Bình, một Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đã thông qua một chính sách thể hiến một sự hung hăng có chủ ý. Bằng việc triển khai kết hợp các phương thức khác nhau, Trung Quốc tìm cách cân bằng lợi ích với Mỹ, kiềm chế Nhật và Hàn Quốc, giữ ASEAN trong vòng ảnh hưởng, lôi kéo Nga can dự, đồng thời hạn chế tối đa tác động cộng hưởng từ nhiều điểm nóng, tiếp tục kiểm soát tranh chấp Biển Đông để tránh các hệ lụy bất lợi cho các mục tiêu chiến lược mà Trung Quốc đã đặt ra[6]. Về dài hạn, Trung Quốc muốn kiểm soát các khu vực xung quanh mình nhằm tạo lợi thế để Bắc Kinh trở thành chủ thể có ảnh hưởng lớn nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương với vị thế tương đương và có thể vượt trội hơn Mỹ. Trong trung hạn và ngắn hạn, các mối lo ngại về an ninh truyền thống – quân sự vẫn sẽ tiếp tục chi phối động thái của Trung Quốc; bởi vậy, mục tiêu mà Bắc Kinh phải đạt được là đẩy lùi sự hiện diện của quân đội Mỹ và đồng minh ra khỏi châu Á – Thái Bình Dương. Lý tưởng nhất với Bắc Kinh là trạng thái cân bằng hoặc mạnh hơn về sức mạnh quân sự tại các vùng biển chiến lược so với Mỹ, mà biển Đông sẽ là sân chơi chính.
Ở phía ngược lại, tổng thống Mỹ Donald Trump công bố Chiến lược An ninh quốc gia mới, vạch ra nền tảng và những ưu tiên sẽ định hướng chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiệm kỳ của ông. Theo các chuyên gia phân tích, chiến lược an ninh mới của ông chủ Nhà Trắng tập trung vào 4 trụ cột chính: bảo vệ nước Mỹ, thúc đẩy sự thịnh vượng Mỹ, duy trì hòa bình bằng sức mạnh và phát huy ảnh hưởng của Mỹ[7]. Trong trụ cột “phát huy ảnh hưởng của Mỹ”, Trump nhiều lần nhắc đến Trung Quốc và Nga như hai “cường quốc đối thủ” đang “thách thức quyền lực, ảnh hưởng, lợi ích của Mỹ, tìm cách làm xói mòn an ninh và thịnh vượng Mỹ”. Trung Quốc sẽ trở thành mục tiêu chính trong ưu tiên bảo vệ an ninh kinh tế của chính quyền Trump, và chiến lược của Mỹ nhiều lần đề cập đến các hành vi thương mại trái luật của nước này, chẳng hạn như việc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ và sự bành trướng của Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương.
Về phía Trung Quốc, những tính toán dựa trên lợi ích kinh tế không còn là động lực để thúc dẩy Trung Quốc gia tăng kiểm soát biển Đông. Các động thái gần đây của nước này tập trung việc biến các đảo ở Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) thành các căn cứ quân sự - nơi Trung Quốc có thể mở rộng khả năng tấn công hoặc ngăn chặn từ xa các mối đe dọa.
Rõ ràng, Mỹ và Trung Quốc đang là những chủ thể được chú ý đến nhiều nhất đối với các xung đột ảnh hưởng của mình tại khu vực biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đóng vai trò là tác nhân chính gây mất an ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thì Mỹ tiếp tục được đánh giá là nhân tố có thể kiềm chế quyền lực trỗi dậy của Trung Quốc.
Phản ứng của các quốc gia trong khu vực đối với các vấn đề tranh chấp tại biển Đông
Tại biển Đông, sức ảnh hưởng của Trung Quốc đang dần mạnh mẽ bằng các chính sách mở rộng ảnh hưởng của mình đối với các quốc gia tại khu vực vùng biển này. Chủ tịch Tập Cận Bình cùng mong muốn thực hiện mục đích vĩ đại “giấc mộng Trung Hoa”, song mục tiêu bước đầu là phải làm chủ được vùng biển Đông bằng yêu sách “đường chín đoạn”. Vì vậy, yêu sách đã hình thành những vấn đề tranh chấp dai dẳng đối với các quốc gia khu vực biển Đông. Song, đối với yêu sách của Trung Quốc, các quốc gia trong vùng tranh chấp cũng có những thái độ khác nhau thay đổi theo từng bối cảnh và giai đoạn. Tuy nhiên, có thể thấy rõ rệt được ba xu hướng phản ứng của quốc gia đối với yêu sách tranh chấp, như sau:
<i>nguồn ảnh: wikipedia.com</i>
nguồn ảnh: wikipedia.com
Thứ nhất, xu hướng ủng hộ Trung Quốc và yêu sách. Phán quyết không có lợi của Tòa Trọng tài thường trực tại The Hague, Hà Lan về yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc đã dần mở rõ xu hướng, thái độ của các quốc gia trong khu vực biển Đông. Điển hình là Campuchia, Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền sẽ không ủng hộ phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài Thường trực. Ông Hun Sen nhấn mạnh: "Campuchia đã nhìn thấy điều này và xem nó là sự thông đồng chính trị. Kết quả của nó sẽ dẫn đến sự chia rẽ trong các nước thành viên ASEAN cũng như quan hệ ASEAN - Trung Quốc".[8]
            Thứ hai, xu hướng phản đối yêu sách của Trung Quốc. Trong số các quốc gia gửi công hàm phản đối Trung Quốc lên Liên hợp quốc, Philippines, Việt Nam và Malaysia - các nước có tuyên bố chủ quyền với Trung Quốc ở vùng biển đó, là những quốc gia đầu tiên gửi tuyên bố bác yêu sách của Bắc Kinh. Indonesia - bên không có tranh chấp trực tiếp với Bắc Kinh, cùng Trung Quốc nhất trí rằng lãnh hải của Indonesia nằm ngoài “đường chín đoạn”, thừa nhận có một số chồng lấn tồn tại giữa các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia cạnh quần đảo Natuna. Tuy nhiên, hồi tháng 5, Indonesia gửi công hàm tương tự phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.[9]
            Thứ ba, xu hướng trung lập đối với yêu sách của Trung Quốc. Trường hợp Thái Lan là một ví dụ, Tướng Paradorn nói, với tư cách là nước điều phối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc, Thái Lan cần phải tăng cường tìm hiểu về vấn đề Biển Đông, vì lợi ích của đất nước; đồng thời phải cân nhắc tới các mối quan hệ quốc tế. Điều quan trọng là, Thái Lan phải thể hiện lập trường về vấn đề Biển Đông trước cộng đồng quốc tế, dựa trên cơ sở luật pháp, quan hệ quốc tế và sự hợp tác quân sự.[10]
            Nhìn chung, cách thể hiện ứng xử của các quốc gia liên quan tới vấn đề tại khu vực biển Đông tỏ ra phân hoá rõ rệt với số đông là ủng hộ hoặc phản đối. Nhóm ủng hộ mang trong mình nhiều tính giá trị đối với Trung Quốc về lợi ích kinh tế - chính trị. Nhóm phản đối như một cách thể hiện tính quyền lực “nối dài” từ phía Mỹ hoặc giữ vững lập trường về chủ nghĩa quốc gia – dân tộc. Mặc dù, nhóm trung lập vẫn tồn tại nhưng đối với hoàn cảnh nóng bỏng cụ thể việc xoay chuyển, phụ thuộc là rất nhanh chóng
TÀI LIỆU THẢM KHẢO
[1] TTXVN, (2016), “Tiềm năng của biển Đông”, https://www.bacgiang.gov.vn/web/guest/chi-tiet-bien-dao vn/-/asset_publisher/YiOFlAxwJhRr/content/tiem-nang-cua-bien-ong
[2]Nguyễn Ngọc Thanh (2016). Cạnh tranh quyền lực Trung - Mỹ ở biển Đông dưới góc nhìn của chủ nghĩa hiện thực, Luận văn thạc sỹ quốc tế học, Hà Nội, trg.46.
[3] Hoàng Sa là một quần đảo nằm án ngữ ngang cửa vào vịnh Bắc Bộ, cách đảo Lý Sơn hơn 120 hải lý, hòn đảo ở gần đảo Hải Nam (Trung Quốc) nhất cũng cách khoảng 140 hải lý. Gồm trên 30 hòn đảo, cồn san hô, bãi bát.
[4] Trường Sa là một quần đảo nằm ở phía Đông Nam của biển Đông, hòn đảo gần nhất là đảo Trường Sa, cách vịnh Cam Ranh 250 hải lý, các đảo Hòn Hải thuộc huyện đảo Phú Quốc 210 hải lý.
[5] Hoàng Văn Lưu, (2021): Biển Đông trong cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, đề tài nghiên cứu khoa học ĐHKHXH & NV, Hà Nội, trg.17.
[6]Dương Linh, (2017), “Phương thức mới của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông”, http://nghiencuubiendong.vn/y-kien-va-binh-luan/6485-phuong-thuc-moi-cua-trung-quoc-doi-voi-van-de-bien-dong.
[7]Trí Dũng, (2017), “4 trụ cột trong chiến lược an ninh quốc gia mới của Trump”, https://vnexpress.net/the-gioi/4-tru-cot-trong-chien-luoc-an-ninh-quoc-gia-moi-cua-trump-3686458.html
[8] Tùng Đinh, (2016), “Thủ tướng Campuchia phản đối ASEAN ủng hộ phán quyết “đường lưỡi bò””, https://vtc.vn/thu-tuong-campuchia-phan-doi-asean-ung-ho-phan-quyet-duong-luoi-bo-ar264030.html
[8] Kông Anh, (2020), “Từ Á tới Âu, yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc bị bác bỏ”, https://vtc.vn/tu-a-toi-au-yeu-sach-duong-chin-doan-cua-trung-quoc-bi-bac-bo-ar583088.html
[10] Tống Sơn, (2013), “Thái độ của Thái Lan đối với vấn đề biển Đông”, https://vov.vn/the-gioi/thai-do-cua-thai-lan-doi-voi-van-de-bien-dong-262146.vov
Đọc thêm: