Tớ nhận được cuộc gọi từ chị HR ngay sau buổi phỏng vấn cho vị trí công việc mới. Không rõ tớ phù hợp bao nhiêu phần trăm với bộ phận ứng tuyển, nhưng tuyệt nhiên chưa có tiếng nói chung với chị HR tại thời điểm này.
Tớ được đề nghị mức lương thấp hơn con số tự đề xuất, cũng thấp hơn với con số đang có của hiện tại. Lý do nghe chẳng thuyết phục tí nào:
- Công ty chị là công ty lớn, em vào đây sẽ được học rất nhiều, có rất nhiều cơ hội để lăn xả. Em thử cân nhắc xem. Mình còn trẻ mà. Tiền đâu phải quan trọng. Bên chị không có lộ trình tăng lương nhưng em sẽ được tăng lương ngay khi có kết quả công việc.
Còn lộ trình review kết quả công việc như thế nào thì chị không nói. Tớ luôn nghĩ mình cần sống khiêm tốn. Khi lựa chọn mức lương mong muốn, tớ thường hoài nghi bản thân có xứng đáng với con số đó không, trước cả lo lắng từng đó tiền hàng tháng liệu đủ để trang trải không. Có thể tiêu bao nhiêu, gửi tiết kiệm bao nhiêu, cho bố mẹ bao nhiêu, trả nợ bao nhiêu. Hicc, thật ra ba câu hỏi sau mới nảy ra khi viết lại những dòng này.
Tớ tin là có nhiều bạn cũng giống tớ và hoài nghi về giá trị lao động của bản thân. Vì chúng mình đâu phải 1 cân gạo, 1 quả trứng hay 1 chai nước coca để mặc định theo mức giá thị trường. Bởi chúng mình bằng xương bằng thịt và có thứ được gọi là “kinh nghiệm làm việc”, thế nên đôi khi người ta hoang mang không biết “giá” của bản thân nên cao hay thấp. Và dù được học hành đầy đủ thế nào đi chăng nữa, cứ đến giai đoạn này trong đời ắt ai cũng chông chênh chút ít khi tự đặt giá chính mình. 

Thế nào là cơ hội lăn xả?

Thế nhưng tớ vẫn không thấy việc thuyết phục ứng viên rằng “Cơ hội lăn xả nhiều hơn” là cái cớ để giảm mức lương xuống thấp hơn. Đây không phải một cạm bẫy từ ngữ à? Thế nào thì được hiểu thành cơ hội lăn xả? Đó là khi bạn tham gia vào 7749 job cùng lúc, sẵn sàng overtime cả cuối tuần, check tin nhắn Skype vào 2h sáng. Dưới con mắt của người đi làm, tớ giải nghĩa cụm “Cơ hội lăn xả” thành “Áp lực công việc” có được không.
Con mắt chúng ta cho mỗi người một góc nhìn khác nhau, thế nên tớ nghĩ bất kỳ mối quan hệ gì cũng được xây dựng bằng sự VỪA MẮT trước. Không như yêu ghét có thể chỉ từ một phía, vừa mắt là thứ gì đấy hài hòa, đã được cân nhắc cả hai chiều. Người ta sẽ không quá yêu để trở nên kỳ vọng vào đối phương, cũng không ghét bỏ để biến mình thành kẻ khắc nghiệt. Trong trường hợp này, khi thiếu đi lời giải thích hợp lý cho mức lương thấp, tớ thấy mình và chị HR không còn vừa mắt nhau.
Nhân tiện, chuyện lăn xả với chuyện học việc là hai phạm trù khác nhau nhé. Tớ cũng từng đi thực tập, từng làm quá giờ không lương để bản thân trở nên cứng cáp hơn. Thế nên tớ biết trong cuộc đời mình có những giai đoạn tiền chẳng phải ưu tiên quan trọng nhất. Nhưng tớ rõ ràng với mục đích của mình trong công việc, tớ cũng mong người khác đừng mập mờ trong cách giải thích về nhiệm vụ và quyền lợi công việc đó mang lại. Các cụ mình bảo như vậy mới thuận mua vừa bán.
Tớ cứ nghĩ mãi không hiểu sao mình lại buồn vì một câu nói tính ra cũng chẳng sai. Huống chi chính tớ cân đo đong đếm rồi từ chối công việc này. Liệu chuyện chúng mình còn trẻ đúng là cái cớ hợp lý để cống hiến hay vùi mình vào công việc không? Nhưng có lẽ chẳng phải đâu các cậu ạ.
Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu - Quyển này tớ đọc không ấn tượng gì nhưng tiêu đề đúng là ám ảnh
Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu - Quyển này tớ đọc không ấn tượng gì nhưng tiêu đề đúng là ám ảnh

Ai cũng bảo vừa làm vừa học, nhưng cả tuổi trẻ chỉ học ở một chỗ à?

Tớ đồng ý làm việc là cách học hiệu quả. Không chỉ về kiến thức chuyên môn mà còn cả kỹ năng giao tiếp, nhờ vả, thủ tục giấy tờ, cách nói từ chối, vân vân và mây mây. Quan trọng hơn, chuyện bắt tay vào làm vạch trần những sai lầm ngớ ngẩn mà nếu chỉ đọc sách chẳng bao giờ chúng ta tin mình mắc phải. Và nếu mắc phải rồi thì cần làm gì. Một tháng đi làm ở tập đoàn lớn tớ thấy nhiều điểm yếu suốt 20 năm được moi móc ra gội rửa bóng loáng. Biết sai rồi thì mới biết sửa được.
Thế nhưng chuyện học là chuyện dài, không chắc cứ cắm mặt vào làm đã đúng. Một ngày viết 8 chiếc post facebook chỉ khiến khả năng đánh máy và sử dụng phím tắt của tớ nhanh hơn. Nó không đồng nghĩa với sự sáng tạo hay kỹ thuật viết lách tiến bộ hơn. Cuối tuần gắn bot vào 200 bài đăng dạy tớ biết set up tính năng trả lời tự động, nhưng ngày chủ nhật đã tan biến trên bàn phím thế đấy. Những dự án liên tiếp gối đầu nhau giúp tớ có khả năng duplicate kế hoạch truyền thông, order thiết kế, xào xáo bài như robot. Còn khả năng phân tích, quan sát hay xây dựng chương trình thì… ôi còn đầu óc nào mà nghĩ tới. Làm slide liên tục khiến tớ tự động “adapt template” như cậu tự động nhớ người yêu cũ, nhưng tư duy thiết kế vẫn y nguyên .
Chúng mình bị lấy đi nhiều thời gian đến thế liệu có xứng đáng với mức lương thấp không? So với “cơ hội lăn xả” kiểu vậy, các cậu nghĩ sao về “Một mức lương thấp hơn nhưng em có thời gian để học thêm những kỹ năng khác, hoặc đơn giản là tìm hiểu sâu về điều mà em đang làm”. Nó gần giống như mức lương intern học việc vậy.
Tớ dành cuối tuần để đọc thêm vài trang sách, gặp gỡ người bạn làm ở chỗ này chỗ kia, nấu một món ăn ngon, tập thử bài thiền mới. Những thứ đó không làm ra tiền thật, thế nhưng cuộc đời tớ sẽ rỗng tuếch nếu cả 4 chủ nhật chỉ ngồi gắn bot. Nhất là khi số tiền nhận được chẳng đủ gây hào hứng hay phấn khích gì.

Còn trẻ là lời nhắc nhở về sự lựa chọn.

Nếu phải chọn ra hai ưu điểm lớn nhất của việc còn trẻ, tớ xin mạnh dạn đề cử hai điều sau:

Được tìm vui, tìm vui và tìm vui.

Khi 22 tuổi, tớ không còn vui vì giáng sinh được ông già Noel tới nhà tặng gấu bông nữa. Thế có nghĩa là lúc 40 tuổi, tớ có thể sẽ chẳng vui phát điên lên sau mỗi lần hoàn thành deadline. Những điều khiến chúng mình vui ở hiện tại, nếu không vượt quá khả năng cho phép, đừng tìm cách trì hoãn nó nha.

Được chọn, được làm lại, được chọn lại.

Không ai biết chúng ta sẽ sống được tới bao lâu. Nhưng ít ra khi còn trẻ, chúng mình có nhiều cơ hội được chọn. Chọn sai thì chọn lại. Chọn không được thì ngúng nguẩy bỏ đi. Không chọn cái này thì chọn cái khác. Chúng mình thích nhìn sự vật này là cơ hội thì nó sẽ đóng vai món quà, nhìn sự vật kia đầy thách thức thì đích thực sẽ khó khăn. Ăn học đầy đủ đâu biến người ta thành ông lớn, điều đó chỉ cung cấp kiến thức để chúng mình biết bản thân nên lựa chọn điều gì - tại thời điểm này mà thôi.
Nếu chọn vùi mình vào công việc thì căn nguyên sâu sa đâu phải là do chúng ta còn trẻ. Nó sẽ là thứ gì đó cụ thể hơn như tiền bạc, ước mơ, danh tiếng, người thân hay thậm chí cả cảm giác sợ hãi sự nhàn rỗi. 
Tuổi trẻ đâu phải cái cớ hoa mỹ, rõ ràng tuổi trẻ của chúng mình xứng đáng có nhiều điều tuyệt vời hơn. Dẫu rằng điều tuyệt vời ấy không hẳn là mức lương cao.
Tranh hôm nay của @sii.hyun__
Lâu lắm rùi tui mới viết lại bài trên Spiderum hicc. Một dạo còn đặt deadline tuần nào cũng viết bài cơ.