Ta đã làm chi đời ta?” Trong một buổi triển lãm của thiền sư Thích Nhất Hạnh, tôi đã vô tình bắt gặp câu nói này trong một bức thư pháp của thầy. Hầu hết chúng ta đều cố công gán cho cuộc đời một hoặc nhiều ý nghĩa. Đó có thể là ý nghĩa mang tới lợi ích cho một cá nhân, một tổ đội hay một cộng đồng. Quan điểm “sống có nghĩa” luôn tồn tại như một mạch chảy ngầm của nhiều tác phẩm văn chương.
“Nếu là con chim, chiếc lá
Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh”
“Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng
Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương”
Nhưng nếu chim không biết hót, lá chuyển màu đỏ, bồ câu bay mất chỉ còn sẻ nhỏ, hướng dương ngược nắng chỉ có hoa giấy nở rộ thì sao? Cuộc sống sẽ mất đi ý nghĩa? Hay cuộc đời vốn đã luôn vậy, chưa bao giờ phải vận hành để trở nên có nghĩa? 
Không biết từ bao giờ chuyến hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống lại trở nên cực đoan hóa. Trong những cuốn sách self-help hay các workshop phát triển bản thân, người ta vẫn thường hô hào nhau giương cao ngọn cờ “sống ý nghĩa”. Mục tiêu ý nghĩa hoá cuộc sống đó được chuyển hoá thành những nỗ lực để làm mới, thay đổi và cải tạo cuộc đời cũ. Đối với một số người, “sống ý nghĩa” là khi họ cổ động và thúc đẩy phong trào chống bạo lực gia đình, đòi bình quyền cho người phụ nữ. Nhưng “ý nghĩa” mà họ đang theo đuổi và cố công kiến tạo ấy có thực sự đem lại giá trị lợi ích cho đối tượng mục tiêu? Nạn nhân của bạo lực gia đình có cần một phong trào bảo vệ, tranh giành quyền lợi cho họ? Đôi ba bài viết tuyên truyền cổ động, vài lời động viên sáo rỗng hay thái độ gay gắt đòi “nhanh chóng xóa bỏ vấn nạn” của những “kẻ ngoài cuộc” có thực sự giải quyết được những uẩn khúc, mặc cảm, thống khổ của người phụ nữ vốn đã bị tổn thương cả về thể chất và tinh thần? Chứng kiến tình cảnh đáng buồn của người đàn bà làng chài nhưng nhà văn Nguyễn Minh Châu hiểu rằng bản thân ông không thể đòi hỏi cuộc sống đổi thay một cách “có ý nghĩa tốt đẹp hơn” bằng cách hô hào cổ động, nhà văn chỉ có thể lặng lẽ ghi chép sự thật trần trụi đó trong tác phẩm truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”. 
Sống có ý nghĩa ở phạm trù cá nhân còn được ngầm hiểu là sống có đam mê, có ước mơ, có lý tưởng. Điều này đã được phản ánh trong bộ phim điện ảnh Soul. Đối với thầy giáo dạy âm nhạc Joe, đam mê với nốt nhạc và mơ ước trở thành nhạc công chính là tinh hoả (Spark), là ý nghĩa cuộc đời anh. Tuy nhiên, trong suốt hành trình tiến hóa qua hàng triệu năm, con người có thực sự cần ý nghĩa hoá cuộc sống bằng những lý tưởng? Đối với một linh hồn mãi không chịu đầu thai vì nỗi chán ghét cuộc sống như 22, sự nên thơ của những tia nắng sớm, tiếng xào xạc va chạm của lá vàng mùa thu hay mùi hương đậm vị phô mai của miếng pizza nướng củi mới chính là những điều kéo cô gần lại với cuộc đời. Khoảnh khắc bắt đầu cuộc đời mới của 22 ở cuối phim đã giúp người xem nhận ra việc tinh hoả không thể quyết định quyền sống của một con người. Cuộc sống về bản chất không chỉ diễn ra với những người có giấc mơ rõ ràng. 
Việc “ghim” hai chữ “ý nghĩa” lên chính giữa cuộc đời giống như tự tiêm một liều thuốc độc dần dà ăn mòn tâm hồn con người. Là một bộ phim thuộc thể loại melodrama của đạo diễn người Đức Fassbinder, “Fear eats the soul” (Nỗi sợ ăn mòn tâm hồn) đã khắc hoạ trần trụi sức tàn phá không tưởng của những nỗi ám ảnh sâu thẳm trong tâm can và trái tim con người. Loạt câu hỏi tự vấn về “ý nghĩa cuộc đời” cũng là một trong những nỗi sợ có khả năng vùi lấp cảm giác hạnh phúc thuần tuý - cảm giác mà 22 đã có được khi ngắm nhìn, lắng nghe và nếm thử hương vị sống. 
Không thể phủ nhận rằng việc ý nghĩa hoá cuộc sống đôi khi đem tới nhiều cảm xúc tích cực nhưng hạnh phúc vốn có khả năng sản sinh ra từ nhiều điều vô nghĩa khác (meaningless/ nonsense). Endorphin vẫn được sản sinh một cách tự nhiên trong cơ thể chúng ta khi nằm dài trên sofa nhai kẹo nổ trong một ngày mưa lạnh rả rích, khi dành hàng giờ đồng hồ cuộn tròn trong chăn ấm chơi slime, khi nghe tiếng nổ “tí tách” của chiếc giấy bọc hàng chống sốc,... Trong bộ phim hoạt hình dành cho người lớn “Bojack Horseman”, nhân vật chính Bojack đã từng nói: “Maybe, we’re dumb to try to pin significance onto every little thing” (Có lẽ chúng ta đều quá ngốc nghếch khi cố khiến tất cả những điều nhỏ nhặt trở nên có ý nghĩa). Cuộc sống của chính Bojack Horseman và anh bạn thân Todd cũng có thể bị đánh giá là vô nghĩa bởi những tháng ngày hoàn-toàn-không-làm-gì. Tuy nhiên, phần lớn người xem Bojack đều cho biết rằng họ nhìn thấy chính bản thân qua cuộc đời các nhân vật trong phim. Việc liên tục truy vấn chính mình bằng những câu hỏi dồn dập như: “Hôm nay tôi đã làm được gì ý nghĩa?”, “Cuộc đời tôi đang sống có ý nghĩa gì?” đã vô tình bóp nghẹt trái tim, khối óc và tầm mắt của chúng ta. 
Rồi rốt cuộc, ta đã làm chi đời ta?