Pioneer Disadvantage - lý do các tác phẩm kinh điển bị nhạt nhẽo
Tác phẩm đi trước và tác phẩm đến sau Bài viết được chia sẻ lại từ group Hội thích truyện Sci Fi (khoa học viễn tưởng/giả tưởng)...
Bài viết được chia sẻ lại từ group Hội thích truyện Sci Fi (khoa học viễn tưởng/giả tưởng) với sự cho phép của chủ bài viết kiêm admin Long Nguyen. Nội dung đã có một chút chỉnh sửa cho phù hợp.
The Lord of the Rings là một cột mốc rất đáng chú ý của Epic Fantasy nói riêng và toàn bộ Fantasy nói chung. Tuy nhiên, có một điều thú vị là đối với một lượng người không nhỏ, trong đó có cả fan cứng của Fantasy, lại thấy đây là cuốn dở nhất họ từng đọc.
Đó là bởi The Lord of the Rings dính phải một hiệu ứng có tên Pioneer Disadvantage.
Pioneer Disadvantage thực chất là một biến thể của một khái niệm trong kinh doanh, có tên là The First Mover Advantage (FMA). FMA được dùng để chỉ việc thằng nào nhảy vào một thị trường mới trước tiên thì thằng đấy sẽ có rất nhiều lợi thế, chẳng hạn cho phép nó hốt hết các tài nguyên quý giá của thị trường, xây dựng niềm tin với khách hàng, thành lập rào cản đối với những thằng khác, định hướng thị trường theo cách có lợi nhất cho mình,…
Nói cách khác, FMA là hiện thân của câu nói, “Trâu nhanh uống nước trong, trâu chậm uống nước đục,” của các cụ nhà mình.
Tuy nhiên, cuộc đời nó chẳng bao giờ đơn giản như mấy câu tục ngữ cả. Chính thế nên song song tồn tại với FMA còn một thằng nữa tên là FMD: First Mover Disavantage.
Đúng như cái tên của nó, First Mover Disavantage, hay như hồi mình được học thì gọi là Pioneer Disadvantage, là phiên bản đảo ngược của FMA. Là người đầu tiên nhảy tòm vào thị trường mới thì bên cạnh cơ hội sẽ luôn có những rủi ro, chẳng hạn như không biết liệu thị trường có đủ lớn để mình phát triển không, không có mô hình mẫu nào để nghiên cứu thực hiện, không kiếm được nhân sự đủ phù hợp với một cái thị trường quá mới,…
Nếu liệt kê đầy đủ mọi thứ liên quan đến First Mover/Pioneer Disadvantage cũng như cái phiên bản đối nghịch của nó thì sẽ phải hết cả ngày mới xong. Nhưng vì group chúng ta không phải là group kinh doanh, thế nên anh em chỉ cần biết đến một trong những cái Pioneer Disadvantage nghiêm trọng nhất thôi, ấy là Free Rider Effect.
Free Rider Effect chỉ việc những thằng đến sau sẽ có thể “hưởng sái” công sức của thằng đi trước. Có hai kiểu hưởng sái căn bản: một là nó trực tiếp nhìn vào những gì thằng đi trước đã làm, xong rồi sau đấy phát triển một phiên bản tương tự. Nếu thấy thằng đi trước làm A được lợi, thế thì thằng đi sau cũng sẽ lập tức nhảy vào làm cái A. Để tăng tính cạnh tranh thì thằng đi sau có thể cải tiến thêm cho phiên bản A để tạo thành một sản phẩm A’ mượt mà hơn trước, hay chỉ đơn thuần là có giá thành rẻ hơn.Nếu thấy thằng đi trước làm A mà phế quá, thằng đi sau sẽ rút kinh nghiệm và làm B. Mặc dù cách này không chắc kèo được như cách trước, nhưng ít nhất thì thằng đi sau cũng sẽ có tỉ lệ thành công cao hơn thằng trước, bởi vì số lượng con đường nó phải lựa chọn đã được thu hẹp lại.
Kiểu hưởng sái thứ hai sẽ mang tính gián tiếp hơn. Thằng đi trước khi vào một thị trường mới sẽ bắt buộc phải bỏ ra một lượng tiền khổng lồ để giáo dục người mua, phát triển các cơ sở hạ tầng cần thiết để giúp công việc mua bán sản phẩm/dịch vụ diễn ra được thuận lợi, đào tạo các nhân viên chuyên ngành để phục vụ công việc vận hành và nghiên cứu,… Thằng đi sau sẽ không phải chịu các chi phí này, vì lúc nó đến thì khách đã biết sản phẩm là cái gì rồi, hệ thống phân phối đã hiểu phải bán sản phẩm kiểu gì rồi, và thợ lành nghề cũng đã có sẵn rồi, chỉ cần ung dung vào bán thôi.
The Lord of the Rings bị dính cái Pioneer Disadvantage mang tên Free Rider Effect này khá nặng, và chết nỗi là lại gần như không thể tận dụng được chiến lược phòng ngừa nào mà những doanh nghiệp đi tiên phong có thể sử dụng. The Lord of the Rings có nhiều mô típ với cách xây dựng truyện mới lạ, nhưng chẳng thể nào đăng ký bản quyền hay bảo vệ được gì mấy cái mô típ đấy hết (không tính những thứ cực kỳ cụ thể chẳng hạn như cái chữ “hobbit”), đặc biệt là nó lại còn không thể tự cải tiến bản thân để cạnh tranh với những tác phẩm đến sau mình. Thế nên là nhiều hậu bối của nó cứ điềm nhiên copy lại mô típ của The Lord of the Rings, và tí toáy chỉnh sửa thêm một chút xíu nữa là đã có một sản phẩm xin hơn rồi. Trải qua vài thế hệ cứ copy và tinh chỉnh dựa trên cách độc giả đón nhận như thế, ta ngày nay đã có rất nhiều tác phẩm Epic Fantasy không hẳn là quá đột phá, nhưng nó đã chắt lọc và nâng cấp những thứ nền tảng The Lord of the Rings đặt ra một cách vượt bậc, tìm được đường hướng phát triển cốt cũng như tỉ trọng xây dựng thế giới/hành động/triết lý sao cho thật hợp lý, để vừa giữ được độ sâu sắc vừa đảm bảo độc giả không ngủ gật giữa chừng. Chính thế nên một số người quen đọc các tác phẩm Fantasy hiện đại sẽ thấy rất khó ngấm The Lord of the Rings, kể cả nếu có hiểu được và trân trọng ý nghĩa lịch sử của nó đối với cả dòng Fantasy.
Fantasy không phải là thằng duy nhất có thể bị ăn ấy với cái Free Rider Effect này. Sci Fi cũng có thể dính chưởng một cách nghiêm trọng không kém. Ví dụ nổi nhất của Sci Fi chắc sẽ là The War of the Worlds do H. G. Wells viết. Anh em cần phải hiểu là thời quyển truyện này ra đời, chưa từng có bất kỳ một tác phẩm nào bàn về đề tài người ngoài hành tinh xâm lăng Trái Đất hết (mặc dù thời đấy thì việc để một thế lực bên ngoài xâm lược Anh Quốc đang là “mốt”). Wells đã một tay khai mở ra toàn bộ cái nhánh mà về sau trở thành hết sức kinh điển của Sci Fi với cuốn truyện này, và lúc đương thời nó cũng được khen ngợi nức lời. Ngay cả ngày nay, cuốn truyện vẫn thường xuyên được liệt kê trong các danh sách truyện Sci Fi cần phải đọc. Chỉ có điều nếu đọc vào thì khả năng rất cao là mọi người sẽ thấy nó chán òm. Chúng ta đã có hơn một thế kỷ để mài giũa những gì Wells vạch ra, thế nên bất chấp ý nghĩa lịch sử của nó, cái kẻ đi tiên phong mang tên The War of the Worlds kia cũng sẽ thất thế nếu đem ra so với hậu duệ đương đại của mình.
Chính thế mà nếu có đọc cuốn nào được tung hê là kinh điển này nọ nhưng mà thấy không ngấm nổi thì anh em cũng đừng lấn cấn làm gì. Chẳng phải không cảm được nó thì là não không to đâu, mà vẫn đề chỉ là quyển đấy có đám con cháu quá tởm mà thôi. Nếu có đọc tiếp thì hãy đọc với tâm thế là để hiểu được cái dòng này nó đã tiến xa đến thế nào, còn nếu ớn quá không nuốt nổi và không có nhu cầu tìm hiểu lịch sử dòng thì cứ bỏ ngang mà đọc mấy quyển hiện đại hơn cho lành. Đời ngắn mấy tí, việc gì phải tự hành xác cho nó khổ 🐧?
----- Bài đăng gốc:
Pioneer Disadvantage - lý do các tác phẩm kinh điển bị nhạt nhẽo
Như trong bài kỷ niệm hồi trưa mình có nói, The Lord of the Rings là một cột mốc rất đáng chú ý của Epic Fantasy nói riêng và toàn bộ Fantasy nói chung. Tuy nhiên, có một điều thú vị là đối với một lượng người không nhỏ, trong đó có cả fan cứng của Fantasy, lại thấy đây là cuốn dở nhất họ từng đọc.www.facebook.com
Như trong bài kỷ niệm hồi trưa mình có nói, The Lord of the Rings là một cột mốc rất đáng chú ý của Epic Fantasy nói riêng và toàn bộ Fantasy nói chung. Tuy nhiên, có một điều thú vị là đối với một lượng người không nhỏ, trong đó có cả fan cứng của Fantasy, lại thấy đây là cuốn dở nhất họ từng đọc.www.facebook.com
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất