Không thể có hòa bình lúc này, ngoại trừ một nền hòa bình chung trên toàn thế giới; không thể có sự thịnh vượng ngoại trừ sự thịnh vượng chung.  Nhưng không thể có hòa bình và thịnh vượng chung nếu không có những ý niệm lịch sử chung... [Thế  giới] không có gì ngoài những truyền thống dân tộc hẹp hòi, sự ích kỷ và xung đột, các chủng tộc và  dân tộc bị cuốn vào các cuộc đấu tranh và sự hủy diệt…
Đó là những lời mà H.G Wells, tượng đài tiểu thuyết gia viễn tưởng người Anh, đã nói sau khi chứng kiến hậu quả khủng khiếp của Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Từ xưa đến nay, chúng ta lao vào tranh đấu lẫn nhau vì chưa từng có một câu chuyện để cùng nhau tin vào. Nếu như ở thời cổ đại, ta có thể biết đến Chaos sinh ra Gaia, Gaia sinh ra vạn vật với Thần thoại Hy Lạp, hay Bàn Cổ từ hỗn mang mà khai thiên lập địa, hay với người Nhật thì quần đảo Nhật Bản được sinh ra từ cuộc giao hợp của hai vị thần tối cao trong Thần Đạo là Izanagi và em gái Izanami. Thế nhưng tất cả những câu chuyện trên chỉ mang tính chất địa phương, nếu vào năm 711 bạn đến Nhật Bản và kể cho họ nghe chuyện các vị thần Hy Lạp, sẽ chẳng có ai tin bạn cả, và tệ nhất là họ cho rằng bạn bị điên, là tà giáo... Đó chính là bi kịch của nhân loại chúng ta trong quá khứ, khi ta có quá nhiều những câu chuyện nhưng không hề có sự kết nối nào cả.
Vậy còn ở thời điểm hiện tại thì sao? Dường như với sự tiến bộ khoa học và toàn cầu hoá, các niềm tin vào kiến thức truyền thống đang dần bị xói mòn đi rất nhanh. Ngay cả đối với những người sùng đạo chân chính cũng đã đặt câu hỏi rằng “tại sao câu chuyện nguồn gốc của chúng ta lại khác nhau đến thế”. Mất đi niềm tin vào cội nguồn cũng là nguyên nhân dẫn đến cảm giác bất lực, mất đi ý nghĩa của cuộc sống mà không gì bù đắp nổi. Vậy ta nên làm thế nào đây?
Để trả lời cho câu hỏi đó, tác giả David Christian đã viết một bộ đại sử về nguồn gốc của chúng ta, trong đó CỘI NGUỒN: LỊCH SỬ VĨ ĐẠI CỦA VẠN VẬT là cuốn sách đầu tiên của ông được dịch sang tiếng Việt. Đây là cuốn sách chiếm vị trí quan trọng trong các bộ đại sử (lịch sử lớn), bởi vì từ trước đến nay chúng ta chỉ tập trung vào lịch sử truyền thống, mà ở vị trí thống trị là lịch sử của các cuộc chiến, các vương triều hay các đế quốc. Việc bắt tay vào viết một bộ sách đi từ lịch sử vũ trụ tới lịch sử loài người là một hành động liều lĩnh nhưng cần thiết để có cái nhìn toàn cảnh hơn về thế giới mà chúng ta đang sống, góp phần hình thành nên một mảnh ghép lớn cho câu chuyện nguồn gốc của loài người.
David Christian cho rằng ngày nay chúng ta có thể hiểu được một cách chính xác, chặt chẽ và khoa học câu chuyện làm thế nào mà chúng ta có thể tiến hoá và làm chủ Trái đất, nhưng để làm được điều đó, ta phải đi ngược thời gian để tìm về lịch sử phát triển và hình thành của Trái đất, nghĩa là hiểu được sự tiến hoá của các hành tinh, các tinh vân và xa hơn nữa là của vũ trụ từ sau vụ nổ Big Bang. Ông giả định rằng nếu như 13,8 tỉ năm tuổi của vũ trụ được rút gọn thành 13,8 năm thì thời hiện đại của chúng ta chỉ mới xuất hiện từ 6 giây trước. Nhưng chỉ trong 6 giây ấy chúng ta đã biến đổi được cả hành tinh để nâng cao điều kiện sống của mình như thế nào, và ta phải trả giá bằng gì để đạt được năng lực đến nhường ấy.
Câu chuyện diễn ra đơn giản như sau: Vũ trụ của chúng ta bắt đầu từ một điểm nhỏ hơn một nguyên tử. Trong điểm nhỏ bé đó chứa tất cả năng lượng và vật chất hiện diện trong vũ trụ ngày nay. TẤT CẢ. Đó là một ý tưởng khó hiểu, thậm chí lúc đầu nó có vẻ điên rồ. Tất cả các bằng chứng chúng ta có hiện tại cho chúng ta biết rằng điểm lạ lùng, nhỏ bé và rất nóng này thực sự tồn tại vào khoảng 13,82 tỉ năm trước. Vũ trụ sơ khai không có ngôi sao, không có hành tinh và không có sinh vật sống. Sau đó, từng bước, những điều hoàn toàn mới bắt đầu xuất hiện. Các ngôi sao được tạo thành từ các nguyên tử hydro và heli, các nguyên tố hóa học mới được tạo ra bên trong các ngôi sao đang chết, các hành tinh và Mặt Trăng hình thành từ các đốm băng và bụi sử dụng các nguyên tố hóa học mới này và các tế bào sống đầu tiên tiến hóa trong môi trường hóa học phong phú của các hành tinh đá. 
Nhưng cái gì đã khiến vũ trụ bùng nổ và diễn tiến tới tận thời điểm hiện tại? Nếu như câu chuyện nguồn gốc của chúng ta có vai chính và kẻ phản diện, thì entropy đồng thời đóng cả hai vai trò đó. Đó là đặc trưng chung của vạn vật: đều có xu hướng trở nên hỗn loạn, mất trật tự như trong định luật II của nhiệt động lực học. Nó sẽ làm mọi cấu trúc của nguyên tử, mọi hình thái, mọi tế bào, mọi ngôi sao và thiên hà tan biến. Dù vậy, nó lại là xu hướng khiến cho vạn vật có thể ngẫu nhiên va chạm và tương tác lẫn nhau một cách hoàn toàn ngẫu nhiên, giống như cách mà chúng ta chúng ta xuất hiện trong vũ trụ này, thời gian và địa điểm xuất hiện không phải do chúng ta lựa chọn. Trong một vài khoảnh khắc, cũng giống như các vật thể lấp lánh trong vũ trụ, chúng ta sẽ đồng hành với những người khác, với cha mẹ, với  anh chị em, với con cái, với bạn bè và kẻ thù.
Entropy là khái niệm mà tác giả David Christian sẽ khai thác xuyên suốt trong toàn bộ cuốn sách này. Để giải thích tại sao dù entropy không thích các cấu trúc bền vững nhưng vũ trụ vẫn có thể cấu thành được, ông cho rằng tất cả mọi thứ đều phải đóng thuế cho entropy, bằng cách buộc phải từ bỏ một phần năng lượng của mình để có được cấu trúc giúp cho sự tồn tại của chúng, điều này cũng giải thích tại sao không có một vật thể nào từ sự sống của các loài đơn bào cho tới các cỗ máy hiện đại của con người có được hiệu suất 100%. Bằng cách đi dọc theo dòng thời gian cùng với bóng ma của entropy, tác giả cùng chúng ta dừng chân tại các điểm chuyển tiếp quan trọng được gọi là ngưỡng: những bước ngoặt lớn giúp tính phức tạp của vũ trụ, của sinh quyển và sự sống, những nút thắt trong toàn bộ câu chuyện về cội nguồn của chúng ta.
Con người là một phần được đề cập nhiều nhất trong câu chuyện này, vì cho đến giờ chúng ta biết rằng giữa bao nhiêu loài khác nhau, chỉ có chúng ta mới có khả năng ghi chép lại hành trình phát triển của chính mình là sản phẩm của sự tiến hóa và đa dạng hóa sự sống trên hành tinh Trái Đất. Trong quá trình lịch sử ngắn ngủi nhưng đáng chú ý của con người, chúng ta đã tạo ra rất nhiều dạng phức tạp hoàn toàn mới, do đó ngày nay chúng ta dường như chi phối hầu hết sự thay đổi trong thế giới này. Và để có thể vật lộn với những thách thức về tính không bền vững trong tương lai, chúng ta sẽ cần những hiểu biết mới về quá khứ khi chúng ta vật lộn với những thách thức và cơ hội hoàn toàn mang tính toàn cầu ở thế kỷ 21. Cuốn sách CỘI NGUỒN: LỊCH SỬ VĨ ĐẠI CỦA VẠN VẬT này là nỗ lực của để trình bày một phiên bản cập nhật của câu chuyện lớn công phu, đẹp đẽ và đầy cảm hứng này.