"GIẬN" - Học Thương Yêu Cuộc Sống Này
Mẹ tôi kể, con gái của bạn mẹ, tạm gọi là A, năm nay con bé thi vào cấp ba, con bé mới bị cô giáo đánh lằn cả lưng vì quay ngang quay...
Mẹ tôi kể, con gái của bạn mẹ, tạm gọi là A, năm nay con bé thi vào cấp ba, con bé mới bị cô giáo đánh lằn cả lưng vì quay ngang quay ngửa khi cô đang giảng bài. Lúc nghe chuyện, tôi nghĩ thế này, con bé lớp 9 rồi, đang trong thời điểm xây dựng lòng tự tôn, phương pháp giáo dục bằng đánh đập không còn nhiều tác dụng nữa, trái lại, lòng tự tôn của con bé có thể bị ảnh hưởng tiêu cực. Hơn nữa, lưng không phải vị trí nên đánh, đánh vào lưng rất đau, vì trên lưng chẳng có mấy thịt. Hơn nữa, đánh bằng cái thước dài hay dùng để vẽ hình trên bảng, càng không dễ chịu gì.
Em họ của tôi, tạm gọi là B, năm nay thi vào cấp ba. Nó không thích học Văn, lúc nào cô giáo cũng chửi, cũng mắng, ngu dốt yếu kém đủ cả, bao nhiêu tính từ cô nghĩ ra được, cô dùng trút hết lên nó. Nó bảo nó thích tôi dạy kèm, nhưng thực ra tôi chẳng làm gì cả, tôi chẳng dạy nó cái gì vì nó đã học hết rồi, tôi chỉ ngồi nghe nó kể chuyện nó học hành ra sao, khích lệ nó cố lên. Nó chịu đủ áp lực rồi nên không cần thêm áp lực nữa.
Giận, giáo dục bằng sự tức giận.
Thực ra tôi không nghĩ cô giáo của A đang tâm đánh con bé nặng như thế nếu cô còn bình tĩnh. Thực ra tôi không nghĩ cô giáo của B sẽ mắng chửi thằng bé suốt ngày như thế nếu không phải chịu áp lực vô hình bởi thành tích, bởi nhà trường, bởi phụ huynh, bởi chính bản thân cô. Họ đều có nỗi khổ, họ đều có ẩn ức, tôi chỉ không biết ẩn ức trong họ là gì. Nhưng thực sự một người có cuộc sống vui vẻ sẽ không bao giờ để cơn giận đi quá trớn, không bao giờ trút cơn giận lên người khác, không bao giờ nghĩ rằng làm người khác khổ thì mình sẽ bớt khổ. Cuộc sống đập vào người họ như thế nào, họ trả lại thế giới như thế.
Nhưng thế không có nghĩa là họ không đáng trách. Tôi cảm thông cho họ, nhưng cũng trách họ nhiều.
Làm sao phải gieo rắc nỗi khổ sở ra xung quanh làm chi, trong khi chúng ta vốn đã đủ khổ sở rồi?
Họ có thể lựa chọn kiểm soát cơn giận của mình hay không? Có. Cơn giận dữ của họ, là cơn giận dữ có lựa chọn. Nếu trước mặt những cô giáo ấy là cấp trên, là sếp, là phóng viên, là những người có vẻ trên cơ, các cô sẽ không bao giờ trút nỗi giận dữ vào người họ. Các cô không dám. Các cô sẽ mất việc, sẽ khủng hoảng, sẽ vỡ vụn nếu trút giận dữ vào những người trên cơ. Nên các cô nén lại, các cô lựa chọn trút cái ẩn ức mà mình phải chịu đựng lên những đối tượng nhỏ yếu hơn. Giả mà đổi học sinh thành cấp trên, các cô có bộc lộ cơn giận ra như thế không? Có đánh, có mắng chửi như thế không? Sự giận dữ ấy là một sự giận dữ có chọn lọc, một sự giận dữ được sử dụng như công cụ để nâng cao vị thế của bản thân trước người khác, gia cố lòng tự tôn vốn còn nhiều sứt mẻ của chính mình. Viết đến mấy dòng này, tự dưng thấy buồn buồn. Vẫn có rất nhiều người không biết xoay sở với nỗi khổ sở của mình như thế nào, rồi họ lại đem gieo rắc những khổ sở của họ cho những người xung quanh. Làm sao phải gieo rắc nỗi khổ sở ra xung quanh làm chi, trong khi chúng ta vốn đã đủ khổ sở rồi?
Có trường hợp nào mà nỗi giận lớn đến mức không thể kiểm soát được hay không? Tôi nghĩ là có. Nhưng nó cũng giống như đổ nước vào bình, đổ mãi rồi cũng tràn, nó cũng giống như núi lửa, dồn nén mãi cũng đến lúc phun trào. Người ta hay nghĩ một cơn giận dữ dội bộc phát ra ngoài là cảm xúc bị kích phát bởi một hành động ngu xuẩn, quá trớn tột đỉnh. Nhưng không, làm gì có. Một cơn giận bộc phát dữ dội là vì trong lòng ta đã tích trữ đủ nhiều hạt mầm của cơn giận, và sự vụ trước mắt chỉ là giọt nước tràn ly. Thế, ta đã làm gì? Ta đã làm gì khi cơn giận còn chưa lớn đến mức ấy? Đáng ra, ta đã phải gỡ nút thắt của cơn giận từ ngày nó còn bé tin hin. Nhưng nhiều khi ta không biết cách, thay vì gỡ nút thắt cơn giận, ta để mặc, ta giải quyết nó bằng các phương pháp đối phó tiêu cực, thế là chỉ “chữa” được phần ngọn không chữa được phần gốc, nút thắt của cơn giận vẫn còn. Cứ tiếp diễn như thế, cơn giận này chồng cơn giận kia, đến một ngày không kìm giữ được nữa, bộc phát ra ngoài. Nhưng những lúc như thế, hậu quả chẳng ai muốn nhìn.
Cơn giận dễ gieo rắc tổn thương, ta hay lấy cớ rằng phải dùng đến cơn giận, dùng đến trấn áp thì mới có thể thiết lập được trật tự. Nhưng trật tự do cơn giận đặt ra chỉ là thứ trật tự nơm nớp lo sợ, dồn nén, áp lực, đó không phải thứ trật tự nâng con người ta lên.
Vì vậy, sẽ phải tập, ai cũng phải tập để học cách yêu thương thế giới này. Lòng yêu thương sẵn có trong mỗi con người, nó không bao giờ chết, nhưng nếu không học cách trao gửi, thì nó mãi bị chôn vùi dưới những giận dữ không tên, thể hiện ra thành đánh mắng, chửi rủa.
Tôi không viết lại về việc ôm ấp cơn giận nữa vì thấy bài hơi dài rồi, nếu muốn, bạn có thể đọc về việc ôm ấp cơn giận trong bài viết này . Tôi chỉ muốn nói thêm vài lời nữa, cơn giận dễ gieo rắc tổn thương, ta hay lấy cớ rằng phải dùng đến cơn giận, dùng đến trấn áp thì mới có thể thiết lập được trật tự. Nhưng trật tự do cơn giận đặt ra chỉ là thứ trật tự nơm nớp lo sợ, dồn nén, áp lực, đó không phải thứ trật tự nâng con người ta lên. Người ta không nhất thiết phải dùng đến giận dữ để trở nên bản lĩnh và mạnh mẽ. Ta phải tập cho mình nhẹ nhàng lại, yêu thương lại. Ấy không phải nhu nhược, ấy không phải yếu đuối, ấy là ta làm chủ được mình và tỉnh táo trước mọi sự. Ta không muốn ai đối xử tàn tệ với mình, thì ta không nên đối xử tàn tệ với bất kỳ ai. Ta không muốn bản thân mình khổ, ta cũng đừng nên gieo rắc sự khổ lên người khác. Ta cứ hay nghĩ mình trút khổ lên người khác thì mình được thanh thản, nhưng làm gì có chuyện ấy. Ta lại càng khổ, ta dùng uy áp để dọa nạt người khác, cũng chỉ giải quyết được phần ngọn chứ không giải quyết được phần gốc. Nút thắt vẫn còn, và nó cứ tiếp tục làm khổ ta, làm khổ người khác. Ta phải tự tạo những năng lượng tích cực để chuyển hóa những năng lượng tiêu cực trong tâm trí ta bấy giờ.
Từ đầu đến giờ chưa nhắc gì về cuốn sách này nhỉ? Nhưng trên đây là một vài điều tôi có được từ “Giận” của thầy Thích Nhất Hạnh. Với sự đọc của mình, tôi coi trọng mình đã đạt được điều gì từ cuốn sách, hơn là cuốn sách nói gì. Thực ra thông điệp của cuốn này rất đơn giản, đọc vài trang đầu đã có thể nắm bắt được tinh thần của cuốn sách rồi. Nhưng thầy Thích Nhất Hạnh có tài, hoặc không, có lòng quảng đại, lời thầy viết là ái ngữ, toàn những lời chỉ lối dịu dàng và thương yêu. Tôi thiết nghĩ khi đọc cuốn sách này, điều quan trọng nhất không phải kỹ thuật xử lý cơn giận, mà là quá trình tâm hồn được tưới tắm bởi một năng lượng gì đó rất chở che, rất dịu dàng, làm lòng ta tĩnh lại, bình ổn lại, tươi mới lại.
Trong khi đọc cuốn sách này, tôi nhận ra có rất nhiều quan điểm hay phương pháp tu tập tương đồng với việc đối diện với cảm xúc tiêu cực, nhận thức phần ý thức, vô thức trong tâm lý học. Khá thú vị khi nhận ra tôn giáo cũng có nhiều điểm gần gũi với khoa học, chỉ là tôn giáo dùng những thuật ngữ của riêng mình, lý giải bằng ngôn ngữ khác. Nếu được, tôi nghĩ bạn có thể đọc và tìm hiểu về Phật giáo (tất nhiên là Phật giáo chân chính chứ Phật giáo biến tướng thì :)) tuy nhiên, nếu hỏi tôi làm thế nào để phân biệt chân chính và biến tướng thì tôi không biết, tôi tìm hiểu chưa đủ nhiều, không dám phát ngôn linh tinh, chỉ đưa ra một nhắc nhở nhỏ nhẹ vậy, là đọc gì cũng nên có một chút cảnh giác là thứ mình đọc có thể sai). Đôi khi mọi người hay nghĩ kiểu đọc về Phật giáo là sắp sửa… đi tu. Nhưng thực ra có nhiều pháp môn tu tập của nhà Phật có thể ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày để chúng ta sống tốt hơn.
Thôi kết lại nhỏ nhẹ, chúc mọi người biết cách ôm ấp cơn giận của mình và có nhiều thương yêu với cuộc sống này.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất