Làm Thế Nào Để Lựa Chọn “Nghề Nghiệp Trong Mơ” Của Bạn
Với Tư Duy Nhân Đạo Hiệu Quả
Chúng ta thường không giỏi khi xác định điều gì sẽ khiến bản thân mình hạnh phúc. Phần lớn mọi người, khi được hỏi yếu tố nào họ đang tìm kiếm cho “công việc mơ ước”, đều nhắc đến hai yếu tố: việc nhẹ và lương cao. Thoạt đầu, hai điều này nghe có vẻ thú vị, nhưng bằng chứng cho thấy tình trạng ít bị stress hay có một mức lương cao không hề chiếm vị trí quan trọng trong việc quyết định hạnh phúc của mỗi người, thậm chí ảnh hưởng rất ít lên hạnh phúc nói chung và cảm giác thỏa mãn trong công việc của người đó. Trong bài viết này, tôi sẽ phân tích 5 yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng trong công việc của một người chứ không đơn thuần là 2 yếu tố việc nhẹ và lương cao đã đề cập ở trên.
Các bạn học sinh trung học hoặc sinh viên mới tốt nghiệp rất hay được khuyên câu nói này: “hãy theo đuổi đam mê” hoặc “hãy nghe theo con tim mách bảo”. Tuy nhiên, hiểu theo nghĩa đen, ý niệm theo đuổi đam mê là một lời khuyên khủng khiếp. Niềm đam mê năm 18 của phần lớn chúng ta thường khác xa niềm đam mê khi ta 35 tuổi. Hơn nữa, liệu chúng ta có đảm bảo rằng bản thân sẽ không ngán ngẩm thứ mà mình hằng đam mê? Bên cạnh đó, hầu hết mọi người đều không có niềm đam mê phù hợp với thế giới của công việc. Vì thế, các yếu tố dự đoán chính xác nhất sự hài lòng trong công việc là các đặc điểm của chính công việc đó, chứ không phải những sự thật về đam mê cá nhân. Thay vì cố gắng tìm ra nghề nghiệp để theo đuổi dựa trên bất cứ điều gì bạn cảm thấy hứng thú nhất thời ngày hôm nay, bạn nên bắt đầu bằng cách tìm kiếm công việc với một số đặc điểm quan trọng nhất định. Nếu tìm thấy điều đó, đam mê sẽ theo chân bạn.
Tiền có thể mua được hạnh phúc (nhưng ít hơn nhiều so với bạn nghĩ)
Chúng ta thường nghe câu “tiền không thể mua được hạnh phúc”, nhưng khi được hỏi thứ gì khiến cuộc sống con người trở nên tốt đẹp hơn, phần lớn câu trả lời là có nhiều tiền.
Với lý do chính đáng, sự ổn định về tài chính là tiêu chí hàng đầu của phần lớn mọi người khi quyết định dấn thân vào một công việc. Vậy liệu tiền bạc có khiến bạn hạnh phúc hơn không? Thực chất, câu trả lời có thể có hoặc không. Các nghiên cứu tốt nhất hiện tại cho thấy rằng mức độ hài lòng trong cuộc sống sẽ tăng lên theo hàm lô-ga-rít của thu nhập. Điều này có nghĩa là dù tiền có thể làm bạn hạnh phúc hơn, nhưng số tiền cần dùng sẽ ngày càng tăng chỉ để “mua” được cùng một lượng hạnh phúc. Càng kiếm được nhiều tiền, bạn sẽ càng khó hạnh phúc. Trên thực tế, nếu số tiền bạn kiếm được mỗi năm vào khoảng 30.000 bảng (không trợ cấp cho ai), bạn phải tăng gấp đôi thu nhập của mình chỉ để đổi lại thêm 3% mức độ hạnh phúc trong cuộc sống.
“Nghiên cứu cho thấy yếu tố có thể dùng để dự đoán nhất quán nhất về sự hài lòng trong công việc là tính chất hấp dẫn của công việc.”
Stress không phải lúc nào cũng tồi tệ
Rất nhiều người tin rằng mức độ hạnh phúc sẽ tỉ lệ nghịch với tình trạng căng thẳng trong công việc. Điều này đúng, bởi các căng thẳng đi cùng cảm giác mất kiểm soát hoặc khả năng tự chủ thấp sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe lẫn sự hài lòng trong công việc. Tuy nhiên, bức tranh thực tế về căng thẳng phức tạp hơn nhiều, và có bằng chứng cho thấy một số mức độ căng thẳng nhất định sẽ tốt hơn là không có bất kỳ căng thẳng nào cả.
Điều này đặc biệt đúng khi yêu cầu của công việc phù hợp với khả năng và các kỹ năng của bạn. Đây cũng là dấu hiệu tích cực nhất cho thấy “căng thẳng” trở thành các thách thức để tiến tới cảm giác hài lòng trong công việc. Thật vậy, cố tình tránh khỏi căng thẳng không phải một chiến thuật hay khi lựa chọn công việc, bởi việc gì quá dễ sẽ khiến bạn chán chường và mất động lực.
5 yếu tố quyết định sự hài lòng trong công việc
Vậy bạn đang tìm kiếm điều gì ở công việc mơ ước? Nghiên cứu cho thấy yếu tố có thể dùng để dự đoán nhất quán nhất về sự hài lòng trong công việc là một công việc hấp dẫn, yếu tố này có thể được chia thành năm yếu tố nhỏ hơn:
Độc lập: bạn có thể kiểm soát cách thức thực hiện công việc của mình ở mức độ nào?
Cảm giác hoàn thiện: Đóng góp từ công việc của bạn vào việc hoàn thiện sản phẩm cuối cùng có thể dễ dàng được nhận ra ở mức độ nào?
Đa dạng – Công việc đòi hỏi bạn phải thực hiện một loạt các hoạt động khác nhau, sử dụng các kỹ năng và năng khiếu khác nhau ở mức độ nào?
Phản hồi từ công việc – Có dễ dàng để biết bạn đang thực hiện tốt hay kém, hoặc có cơ hội phát triển không?
Đóng góp – Ở mức độ nào, công việc của bạn “tạo ra sự khác biệt”, được định nghĩa bằng những đóng góp tích cực cho hạnh phúc của người khác?
Giống như sự hài lòng trong công việc, mỗi yếu tố này cũng tương quan với động lực, năng suất và cam kết với nhà tuyển dụng của bạn. Hơn nữa, những yếu tố này tương tự như những yếu tố cần thiết để phát triển được khả năng làm việc sâu, trạng thái thú vị khi đắm mình trong một hoạt động đến mức bạn hoàn toàn không bị phân tâm và quên đi thời gian, điều mà một số nhà tâm lý học đã lập luận là chìa khóa để có những trải nghiệm thực sự thỏa mãn.
Có những yếu tố khác cũng quan trọng đối với sự hài lòng trong công việc, chẳng hạn như bạn có cảm nhận được thành quả từ công việc hay không, mức độ hòa đồng với đồng nghiệp và các yếu tố liên quan đến “sức khỏe”, chẳng hạn như không mất quá nhiều thời gian di chuyển đến chỗ làm hoặc làm việc trong môi trường thoải mái dễ chịu.
Nếu để ý, ta sẽ thấy rằng những yếu tố trên ít dính dáng đến việc liệu công việc đang đảm nhận có hay không liên quan đến những “niềm đam mê” của bạn. Tôi đã đồng thành lập 80.000 Hours (80.000 Giờ) (cái tên này liên quan đến thời gian mà bạn thường dành để làm việc trong đời), một tổ chức đưa ra lời khuyên và huấn luyện giúp lựa chọn nghề nghiệp và cho phép bạn có thể tạo ra sự khác biệt lớn nhất đến xã hội. Sau nhiều năm nghiên cứu, chúng tôi đã đi đến kết luận rằng niềm tin vào việc bắt buộc phải tìm ra đam mê của bản thân và theo đuổi sự nghiệp phù hợp với niềm đam mê ấy là hoàn toàn sai lầm.
Vấn đề khi theo đuổi đam mê: mối quan tâm của bạn sẽ thay đổi.
Trong một nghiên cứu về sinh viên đại học Canada, người ta thấy 84% sinh viên có niềm đam mê nào đó và 90% trong số này liên quan đến thể thao, âm nhạc và nghệ thuật. Nhưng trong thực tế chỉ có 3% công việc là trong các ngành thể thao, âm nhạc và nghệ thuật.
Thêm vào đó, điều quan trọng nhất là mối quan tâm của chúng ta thường thay đổi rất nhiều trong suốt cuộc đời. Các nhà tâm lý học Jordi Quoidbach, Daniel T. Gilbert và Timothy Wilson đã chỉ ra rằng những thứ ta quan tâm thay đổi nhiều hơn ta dự đoán, vì vậy, ta thường đánh giá quá cao tầm quan trọng của chúng.
Niềm đam mê của bạn sẽ lớn dần nếu bạn tập trung kiếm tìm một công việc đem lại cảm giác thỏa mãn và ít nhiều thách thức. Có thể bạn chưa biết, Steve Jobs không hề đam mê công nghệ từ đầu. Ban đầu, ông chỉ miễn cưỡng tham gia vào lĩnh vực này như một cách để kiếm tiền. Chỉ khi đạt được những thành công nhất định, niềm đam mê của Jobs với Apple và máy tính mới thực sự nở rộ, để từ đó ông trở thành một trong những nhân vật ủng hộ nổi tiếng nhất cho khẩu hiệu “hãy làm những gì bạn yêu thích”.
“Sự phù hợp cá nhân trả lời cho câu hỏi nếu đầu tư đủ thời gian, bạn sẽ phát triển tốt đến đâu trong một sự nghiệp cụ thể, đặt trong tương quan với những lựa chọn sự nghiệp khác. Hãy chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân, đam mê sẽ theo chân bạn.”
Việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp đương nhiên sẽ có một phần do yếu tố cá nhân, bởi những người khác nhau sẽ có khả năng khác nhau, nhưng điều quan trọng là phải tìm được một công việc phù hợp với bản thân bạn. Tại 80.000 Hours, chúng tôi chú trọng nói về “sự phù hợp cá nhân” hơn là “làm theo trái tim” hoặc “theo đuổi đam mê”. Sự phù hợp cá nhân trả lời cho câu hỏi nếu đầu tư đủ thời gian, bạn sẽ phát triển tốt đến đâu trong một sự nghiệp cụ thể, đặt trong tương quan với những lựa chọn sự nghiệp khác. Hãy chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân, đam mê sẽ theo chân bạn.
Điều cần làm là theo đuổi điều tạo ra đam mê, chứ không phải đam mê
Những người có tư duy cống hiến sau cùng sẽ thành công hơn, bởi 2 lý do. Thứ nhất, mọi người thường muốn giúp đỡ những ai có mong muốn giúp đỡ người khác. Thứ hai, ý thức về mục đích cống hiến sẽ thúc đẩy những người này đạt được các thành tựu trong cuộc sống. Tuy nhiên, có một sự thật là cảm giác thỏa mãn cá nhân và thành công chỉ đến sau khi bạn đã tạo ra các tác động lên xã hội, với mục đích giúp đỡ người khác thông qua công việc.
Một sinh viên tốt nghiệp đại học ở một nước phát triển có nhiều cơ hội để giúp đỡ người khác và gây dựng nhiều điều tốt cho sự nghiệp. Tôi không nói rằng chúng ta nên lựa chọn nghề nghiệp vì lợi ích lớn hơn mà khiến bản thân phải khổ sở. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, đam mê và sự thích thú không phải yếu tố dự đoán chính xác nhất sự hài lòng trong công việc. Vì vậy, lựa chọn tập trung tạo ra điều tốt sẽ vừa khiến bạn phát triển một sự nghiệp xứng đáng, vừa có khả năng tạo ra nhiều ảnh hưởng to lớn tích cực đến thế giới.
Bạn nghĩ thế nào về vấn đề theo đuổi đam mê? Hãy cùng tác giả William McAskill thảo luận về vấn đề này trong cuốn sách Doing Good Better tại đây nhé:
Đọc thêm:
Người trong muôn nghề
/nguoi-trong-muon-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất