Một trận cầu giàu cảm xúc trên sân vận động quốc gia Singapore khép lại với nụ cười cuối cùng nở trên môi người Thái.
Có khá nhiều điểm tương đồng giữa trận lượt về này với trận đấu diễn ra 3 ngày trước đó: thế trận chia 2 nửa rất rõ rệt trong 2 hiệp đấu, và những thay đổi về chiến thuật của 2 HLV đã tạo tác động cực lớn.
Ảnh: Trang chủ AFF Suzuki Cup.
Ảnh: Trang chủ AFF Suzuki Cup.
Trong bài viết này, trận đấu – và cả những điều xa hơn nữa về 2 nền bóng đá - sẽ được phân tích qua những phần sau:
Thứ nhất, lý do Việt Nam lấn lướt Thái Lan trong hiệp 1 – sai lầm của Polking.
Thứ hai, sự điều chỉnh đã giúp Thái Lan lấy lại thế trận trong hiệp 2 - việc tung Elias Dolah vào sân và chuyến sơ đồ sang 3-5-2.
Thứ ba, dự báo những điều sẽ xảy đến với bóng đá Thái Lan và Việt Nam sau trận đấu này.

HIỆP 1: SAI LẦM ĐƯỢC BÁO TRƯỚC CỦA MANO POLKING

Trong bài phân tích về trận lượt đi, tôi đã chỉ ra lý do Thái Lan bị lấn lướt hoàn toàn trong hiệp 2 của trận đấu mà họ thắng chung cuộc 2-0. Đó là sai lầm về chiến thuật của Mano Polking: từ bỏ lối đá tấn công dựa trên kiểm soát bóng, thay vào đó lùi thật sâu về phần sân nhà để bảo vệ thành quả và chờ đợi phản công.
Ý đồ này phá sản do dàn tuyển thủ Thái dường như không quen với cách chơi lùi sâu này. Họ đã mắc những sai lầm chết người, bao gồm: không giữ được khối đội hình - tuyến dưới và tuyến trên đứng cách nhau quá xa để lộ ra khoảng trống nơi trung lộ (sai lầm hệ thống); sự chậm chạp trong xoay trở, bọc lót của nhiều vị trí, đặc biệt là Manuel Bihr (sai lầm cá nhân).
Tôi đã khẳng định rằng Polking cần từ bỏ cách đá này trong trận lượt về, bởi để Việt Nam có nhiều khoảng trống chơi bóng như vậy quá nguy hiểm. Nhưng cựu HLV Thành phố Hồ Chí Minh có vẻ không đồng tình với tôi, vẫn quyết định giữ nguyên cách tiếp cận lùi sâu đó ở trận lượt về.
Đội hình xuất phát của Thái Lan theo Google. Đồ họa của BTC trước trận đấu sắp xếp bộ tứ tiền vệ của Voi chiến theo dạng kim cương là chính xác hơn.
Đội hình xuất phát của Thái Lan theo Google. Đồ họa của BTC trước trận đấu sắp xếp bộ tứ tiền vệ của Voi chiến theo dạng kim cương là chính xác hơn.
Hậu quả đã không đến muộn.
Thái Lan nhập cuộc bị động, bị Việt Nam át vía. Theerathon trong những pha phòng ngự đối đầu Quang Hải, Tấn Tài liên tục ăn hành, khung thành của Chatchai Bootprom bị đặt trong tình trạng báo động thường trực.
Thủ môn đang bắt cho CLB BG Pathum ở Thai League có một hiệp đấu khốn khổ, hết lần này đến lần khác phải chống chịu những quả phạt góc của đối thủ, rồi lại còn phải băng ra xa để lót cho bộ đôi trung vệ cứ để bị rót bóng ra phía sau. Trong một lần bang ra như thế, Chatchai cuối cùng đã phải gục ngã, chấp nhận rời cuộc chơi sớm trên cáng.
Hiệp 1 của trận bán kết lượt về là cơn ác mộng của các CĐV Thái Lan. Ngược lại, đó là tất cả những gì Việt Nam cần để thắp lên hy vọng.
Xét về mặt chiến thuật, thật khó để gọi điều Park Hang Seo đã làm là thay đổi thực sự: Ông thay người thật đấy, nhưng không hề thay đổi hệ thống, thay đổi cách vận hành.
Dù sao thì, thay người như trận này thôi - tôi đã nói điều này, nhưng thực sự muốn nhắc lại - đã là rất cấp tiến, cấp tiến đến bất ngờ trong tương quan so sánh với sự bảo thủ đến mức không bao giờ thay đổi trước kia của Park.
Đội hình xuất phát của Việt Nam theo Google.
Đội hình xuất phát của Việt Nam theo Google.
Trên hàng công, xuất phát với Tiên Linh đá cắm là không có gì phải bài cãi.
Về trường hợp của 2 tiền đạo cánh Phan Văn Đức – Hà Đức Chinh, ban đầu tôi có chút băn khoăn vì Công Phượng – Văn Toàn rõ ràng là bộ đôi có khả năng tạo nhiều đột biến hơn. Nhưng nếu ý đồ là dùng Đức Chinh, Văn Đức di chuyển pressing không ngừng để phá sức hàng thủ đối phương (dù chỉ có thể làm thế trong một hiệp), để tạo điều kiện cho Công Phượng và Văn Toàn vào sân tỏa sáng trong hiệp 2, thì cũng là một tính toán không hề tệ.   
Màn trình diễn của Văn Đức và Đức Chinh trong hiệp 1 tốt đến bất ngờ với nhiều tình huống xử lý khéo léo, thông minh. Kết hợp cùng với bộ đôi Quang Hải – Hoàng Đức chơi hay, lại bớt phần áp lực ở giữa sân khi Thitiphan Puangchan chơi đặc biệt tệ, các cầu thủ áo trắng trên tuyến đầu đã làm tốt nhiệm vụ gây áp lực với đối thủ.
Cũng không thể không dành lời khen cho quyết định thay Văn Thanh bên cánh phải bằng Hồ Tấn Tài. Cầu thủ của Bình Định hỗ trợ tốt cho hàng tấn công, tranh chấp mạnh mẽ, biết đổi điểm tấn công (change point of attack - đổi cánh là một dạng đổi điểm tấn công etc.).
Tấn Tài đã chơi hay, thậm chí suýt ghi bàn trong tình huống đánh đầu từ quả phạt góc. Ảnh: Zing.
Tấn Tài đã chơi hay, thậm chí suýt ghi bàn trong tình huống đánh đầu từ quả phạt góc. Ảnh: Zing.
Tuy vậy, điểm trừ vẫn nằm bên cánh đối diện của Hồng Duy.
Vẫn là những điểm yếu của Hồng Duy đã phân tích ở trận lượt đi: đóng góp trên mặt trận tấn công hạn chế (một phần lý do khách quan là Việt Nam tấn công bên cánh phải nhiều hơn), vẫn đi bóng trên sân nhà rườm rà không cần thiết rồi mất bóng, đặc biệt có một tình huống suýt chút nữa khiến Việt Nam bị thua bàn vì không dâng lên bẫy việt vị cùng đồng đội.
Ở vị trí biên trái, rõ ràng thầy Park có lựa chọn cho Văn Thanh chơi, hoặc tung ngay Văn Xuân vào từ đầu, sẽ hợp lý hơn một Hồng Duy có lẽ còn chưa hoàn toàn hồi phục tâm lý sau trận lượt đi thảm họa.
Hồng Duy. Ảnh: Bóng đá.
Hồng Duy. Ảnh: Bóng đá.
Tổng kết về hiệp một: Việt Nam sắp xếp nhân sự tốt, chơi áp đảo với liên tục những đường bóng dài đánh trực diện, những đường chọc khe tốt tận dụng khoảng trống mà các hậu vệ Thái tạo ra, và các tình huống cố định (đá phạt, phạt góc) khá đa dạng về bài vở.
Thái Lan bị động quá mức do chơi lùi sâu, dù kiểm soát bóng đến 59% nhưng chủ yếu chỉ dừng lại ở ban bật giữa sân, và có những mắt xích đặc biệt yếu như Manuel Bihr hay Thitiphan. Tỷ số 0-0 là kết quả của việc Việt Nam vẫn thiếu đi độ chính xác trong những pha chuyền bóng hay dứt điểm quyết định - một vấn đề đã quá quen thuộc từ vòng loại thứ 3 World Cup 2022, nếu có thể cải thiện cũng sẽ tốn không ít thời gian.
Việt Nam hay hơn trong 45 phút đầu tiên, nhưng khi tiếng còi kết thúc hiệp đấu vang lên, đã manh nha những dấu hiệu rằng hiệp 2 sẽ là một câu chuyện khác. Thái Lan có liên tiếp 2 cú sút, một rất nguy hiểm của Theerathon trong tình huống Voi chiến chuyển hướng tấn công hay, và một cú volley chân phải lên trời của Chanathip. Phía Việt Nam, Hà Đức Chinh thì lại dường như bị căng cơ.
Việt Nam đã đốt không ít sức lực trong hiệp 1 mà chẳng nhận lại được thành quả nào. Đó là điều kiện thuận lợi để Thái Lan, với thay đổi hợp lý trong hiệp 2, có cơ hội cải thiện thế trận.  

HIỆP 2: GOOD JOB, POLKING!

Công Phượng cuối cùng cũng được Park Hang Seo tung vào sân. Như đã đề cập, nhà cầm quân người Hàn Quốc có lẽ mong muốn chất đột biến của cựu cầu thủ Mito Hollyhock sẽ mang lại bàn thắng.
Trong cơn khát bàn thắng, thầy Park còn mạo hiểm rút cả Hồng Duy ra sân để Văn Toàn xuất trận. Lúc này Việt Nam chơi với 3 tiền đạo là Văn Toàn - Tiến Linh – Công Phượng, Phan Văn Đức lùi lại lấp vào vị trí của Hồng Duy.
Thế nhưng, bạn đừng quên rằng, xoay đi xoay lại thì về bản chất, Việt Nam vẫn chơi 3-4-3, vẫn đá bóng dài, tạt cánh. Park Hang Seo nếu nghĩ rằng đối thủ Polking sẽ chỉ trơ mắt ếch ra xem ông đưa quân vào tấn công, thì người Hàn Quốc đã nhầm.
Cuộc đấu chiến thuật ở hiệp 2, Polking đã đánh bại Park một cách thuyết phục. Ảnh: Trang chủ AFF Cup.
Cuộc đấu chiến thuật ở hiệp 2, Polking đã đánh bại Park một cách thuyết phục. Ảnh: Trang chủ AFF Cup.
Chứng kiến những giọt nước mắt của Chatchai dường như đã làm Polking thức tỉnh. Từ cuối hiệp 1, ông đã có dấu hiệu thúc đẩy học trò dâng cao hơn, cầm bóng hướng về phía trước để tấn công.
Sang hiệp 2, ý đồ chiến thuật ấy được cụ thể hóa bằng các quyền thay người ngay khi 2 đội trở lại sân.
Thanawat, cầu thủ có khả năng kiểm soát bóng, tịnh tiến bóng tốt hơn Thitiphan được tung vào sân. Một sự thức thời của Polking: lượt đi, Thitiphan vào sân thay chính Thanawat cũng ở đầu hiệp 2, và rõ ràng trong 2 hiệp đấu số 8 có mặt trên sân (hiệp 2 trận trước và hiệp 1 trận này), Thái Lan tệ đi. Thay đổi là không phải bàn cãi.
Tuy nhiên, quan trọng hơn - chính xác là QUAN TRỌNG NHẤT, chính là quyết định thay tiền đạo Pathompol (số 14) bằng trung vệ Elias Dolah.
Elias Dolah - cái đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài dành cho Việt Nam. Ảnh: Goal.com.
Elias Dolah - cái đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài dành cho Việt Nam. Ảnh: Goal.com.
Được tin tưởng đá thay ngôi sao Supachok (cầu thủ không được đăng ký trận này), thi đấu bên cạnh huyền thoại sống Teerasil Dangda, Pathompol đã có một vài tình huống thể hiện kỹ thuật cá nhân tốt. Song như thế làm sao có thể là đủ, trong một thế trận Thái Lan bị áp đảo hoàn toàn. Thay đổi vị trí của số 14 là nước đi rất đúng đắn (nghi vấn: có lẽ nào Polking cũng dùng cầu thủ này như một con bài phá sức giống Park dùng Hà Đức Chinh?).
Khi Dolah vào sân, Thái Lan chuyển sang chơi 3-5-2 rất rõ ràng.
Dùng từ ‘’rõ ràng’’ ở đây vì nhìn chung Thái lan chơi khá mập mờ ở nửa đầu trận: Đội hình hiệp 1 của họ có thể hiểu là 4-4-2 kim cương, với Pathompol đá cặp với Teerasil, khi đó Chanathip lùi về đá như đỉnh của bộ tứ tiền vệ xếp theo hình thoi. Cũng chính đội hình ấy lại cũng có thể là 4-3-3, với Teerasil đá cắm, Pathompol đá tiền đạo trái và Chanathip đá tiền đạo phải, số tiền vệ lúc này là 3.
Lẽ thông thường, khi Thái Lan đá tốt, cái cách họ chuyển đổi giữa 2 đội hình chiến thuật này sẽ được miêu tả bằng từ ‘’linh hoạt’’, bởi nó khiến đối phương không biết đâu mà lần. Nhưng với một hiệp đấu tệ như hiệp 1, sự thật là sơ đồ của Thái Lan ‘’mập mờ”: các cầu thủ thi đấu không rõ vị trí, dẫn đến liên lạc và phối hợp khó khăn hơn, kém hiệu quả hơn.
Một trong những hệ quả tích cực nhất mà Thái Lan nhận được khi chuyển sang đá 3-5-2 là những sai lầm cá nhân của Bihr giảm hẳn. Trong sơ đồ 3 trung vệ, anh này cùng Dolah là những người ‘’dọn dẹp’’ các pha bóng bổng, còn nếu bóng (hiếm hoi) có được đẩy về sau lưng tòa tháp đôi thì đã có Kritsada dọn dẹp. Ảnh: VNExpress.
Một trong những hệ quả tích cực nhất mà Thái Lan nhận được khi chuyển sang đá 3-5-2 là những sai lầm cá nhân của Bihr giảm hẳn. Trong sơ đồ 3 trung vệ, anh này cùng Dolah là những người ‘’dọn dẹp’’ các pha bóng bổng, còn nếu bóng (hiếm hoi) có được đẩy về sau lưng tòa tháp đôi thì đã có Kritsada dọn dẹp. Ảnh: VNExpress.
Trở lại với đội hình 3-5-2 của hiệp 2, xin khẳng định lại, nó rõ ràng và tường minh, chỉ cho từng cầu thủ áo bã trầu biết họ phải di chuyển, phối hợp như thế nào, đảm nhận những nhiệm vụ gì khác. 
3 trung vệ là Elias Dolah – Kritsada – Manuel Bihr có nhiệm vụ đánh chặn tất cả các đường bóng tạt từ biên (hiếm hoi) và những đường chuyền bóng bổng (rất nhiều) của Việt Nam.
Theerathon cùng Narubadin đẩy lên đá wing back, tăng quân số nơi tuyến giữa lên 5, áp đảo hoàn toàn về số lượng trước hàng tiền vệ của Việt Nam để kiểm soát bóng chủ động (triết lý rất Xavi – ‘’outnumber’’ là thắng).
Cuối cùng, Teerasil Dangda cùng Chanathip đá cắm cao nhất (về cuối trận Teerasil được thay bằng Supachai, vị trí vẫn tương ứng). Hai người này vẫn kéo về giữa sân khi cần thiết để phối hợp với các tiền vệ, nhưng nhiệm vụ chủ yếu là chờ đợi có bóng để phản công nguy hiểm.
Chanathip đã có không dưới 2 tình huống dẫn bóng từ giữa sân lên đối đầu 1-1 với trung vệ áo trắng - một pha bóng kết thúc bằng cú trượt chân khá lãng xẹt, minh chứng rằng chất lượng mặt sân quốc gia Singapore cũng đã bị ảnh hưởng đáng kể sau các trận đấu liên tục.
Hiệp 1, các BLV của VTV nhắc đi nhắc lại rằng ông Park đã gây nhiều bất ngờ cho Polking, dù như tôi đã trình bày, sơ đồ chiến thuật của Việt Nam chẳng thay đổi chút gì từ lượt đi (hay là từ tận vòng loại World Cup?). Con người thay tới thay lui vẫn là những cái tên mà BHL Thái - có lẽ là cả Đông Nam Á, thậm chí là cả châu Á - chẳng còn lạ lẫm gì.
Nhưng điều ngược lại thì tôi dám chắc đúng: Hiệp 2, Polking đã tặng đối thủ một bất ngờ, một cú sốc, đóng chiếc đinh cuối cùng vào cỗ quan tài tiễn đối thủ rời giải.
Ai mà ngờ được một Polking đã luôn vận hành sơ đồ 4 hậu vệ từ CLB Thành phồ Hồ Chí Minh sang Đội tuyển Thái Lan, lại có thể chuyển sang sơ đồ 3 trung vệ mượt mà đến như vậy?
Tôi từng đề xuất rằng HLV sinh ra tại Brazil có thể đẩy Theerathon lên đá tiền vệ trụ, thay Tristan Đỗ vào hậu vệ trái để tăng sức mạnh kiểm soát nơi tuyến giữa; thay Manuel Bihr bằng Elias Dolah để chống bóng bổng tốt hơn và giải quyết các sai lầm cá nhân.
Nhưng Polking thậm chí còn đưa ra một phương án bá đạo hơn: đổi hẳn sơ đồ chiến thuật - một dạng thay đổi khá phức tạp mà không phải HLV và đội tuyển nào ở đẳng cấp Đông Nam Á cũng làm được!
Vỗ tay cho Polking. Ảnh: Sài Gòn Giải phóng.
Vỗ tay cho Polking. Ảnh: Sài Gòn Giải phóng.
Hãy nhìn vào hệ quả khi Thái chuyển sang 3-5-2.
Việt Nam không thể triển khai tấn công bằng bóng ngắn từ sân nhà, vì tuyến giữa của họ đã gãy. Trận lượt đi cũng như trận này, chỉ có một cách tấn công duy nhất: bóng dài.
Con bài ấy vô tác dụng trong hiệp 2 trận lượt về, khi Bihr (cao 184cm) và Dolah (196cm) dễ dàng đánh đầu hóa giải các tình huống bóng bổng được phất lên từ Quế Ngọc Hải hay Thành Chung.
Tuyến giữa của Việt Nam bất lực đuổi bóng khi các cầu thủ Thái tập trung đông đúc ở giữa sân, chuyền đan qua lại rất khó chịu. Phút 69, Tuấn Anh vào sân thay Văn Đức có lẽ để giúp cân bằng tuyến giữa và khu vực phía dưới hàng tiền đạo, nhưng cũng không giúp cải thiện được tình hình.
Chỉ số kiểm soát bóng của Thái Lan vẫn hoàn toàn vượt trội (58%) trong khi số cơ hội có ý nghĩa của Việt Nam lại giảm hẳn đi so với hiệp 1. Số cơ hội thực sự giảm đi, trong khi số quả phạm lỗi của Tiến Dũng, Văn Đức, Công Phượng với Teerasil hay Narubadin lại tăng lên, thể hiện sự khó khăn của các cầu thủ áo trắng trong việc ngăn chặn các pha phối hợp của đối thủ.
Bạn có thể tranh luận rằng hiệp 2, Việt Nam có số cú sút không kém hơn hiệp 1 (7 lần sút mỗi hiệp) thì sao lại nói là ít cơ hội hơn, tôi xin nhấn mạnh là ‘’cơ hội có ý nghĩa’’. Thực tế những tình huống khiến Biên Cương và Khắc Cường hét lạc cả giọng chỉ là rủi ro bình thường, nằm trong ngưỡng chấp nhận được của mọi trận bóng đá.
Trong một nỗ lực sau cuối, phút 82, ông Park tung 2 cầu thủ chạy cánh mới vào sân là Văn Xuân – Xuân Mạnh. Những người rời sân là Tấn Tài (đã xuống thể lực) và... Tuấn Anh (biết nói gì đây, khi đó chỉ còn có thể thay Tuấn Anh thôi).
Trung vệ Thành Chung được đẩy lên đá như một tiền đạo. Ý đồ rất rõ ràng: Tận dụng 2 cánh khỏe mạnh, cố gắng tạt biên nhiều nhất có thể.
Nỗ lực trong vô vọng.
Khi tuyến giữa bị áp đảo, Tuấn Anh cũng đã rời sân, Việt Nam không có con đường nào đưa bóng ra cánh. Một phần lỗi thuộc về Công Phượng và Văn Toàn, những cầu thủ đáng ra cần lùi về nhiều hơn để phối hợp với đồng đội, thay vì cùng với Tiến Linh đợi bóng trong vòng cấm đối thủ.
Không thể phối hợp bóng ngắn từ dưới lên, không thể đá cánh, vậy thì phải làm gì đây? Tiếp tục là phất bóng dài, rồi bất lực nhìn Dolah và Bihr thắng mọi pha tranh chấp trên không.
Bên cạnh Dolah và Bihr, thủ môn Siwarak đã chơi rất an toàn. Ảnh: AFP.
Bên cạnh Dolah và Bihr, thủ môn Siwarak đã chơi rất an toàn. Ảnh: AFP.
Là người hâm mộ Thái Lan, bạn hẳn phải an tâm nhất với hiệp đấu này trong tổng số 4 hiệp đấu bán kết.
Tất nhiên, sự vụng về, lóng ngóng của tòa tháp đôi Dolah – Bihr cũng đôi khi tạo ra chút hồi hộp, nhưng cuối cùng thì mọi chuyện vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Những cơ hội dứt điểm của Văn Đức, Hoàng Đức chỉ kết thúc bằng trái bóng nằm gọn trong tay của thủ môn Siwarak mà thôi.     
Nhân nhắc đến Siwarak Tedsungnoen, thủ môn này đã có màn trình diễn thay thế Chatchai thực sự đáng khen (tương tự như Nguyên Mạnh bên phía Việt Nam). So sánh với Chatchai hay thủ môn tiếng tăm khác đang ngồi trên ghế dự bị là Kawin Thamsatchanan, Siwarak thua thiệt hơn một chút về thể hình, nhưng bù lại phán đoán tình huống rất tốt.
Quả bay người giữa một rừng cầu thủ, bắt dính cú tạt bóng từ chấm phạt góc của Công Phượng phút 60 là teaser hoàn hảo cho ngày thi đấu đáng nhớ của thủ môn mang áo số 23.   
Đánh đổi một vài lỗi cá nhân không quá nghiêm trọng của Dolah – Bihr cho một thế trận vững chãi trải dài trên khắp mặt sân là lựa chọn quá dễ dàng cho Polking. Nhưng để chọn được giải pháp ‘’dễ dàng’’ ấy, Polking phải nhìn ra nó trước đã.  
Và đấy chính là cái tài của nhà cầm quân này, khi ông (cuối cùng) đã phân tích đúng và trúng.

TƯƠNG LAI NÀO CHỜ ĐỢI THÁI LAN VÀ VIỆT NAM?

Hãy nói về Thái Lan trước. Cái nhìn ngắn hạn nhất của họ không hướng về điều gì khác ngoài trận chung kết.
Thắng lợi trước Việt Nam là hết sức quan trọng cho thầy trò HLV Mano Polking. Xét trên tương quan lực lượng và màn trình diễn từ đầu giải, Thái Lan ở cửa trên so với Indonesia trong kèo đấu chung kết AFF Cup 2020.
Tuy nhiên, rủi ro không phải là không có. Theerathon Bunmathan sẽ vắng mặt ở trận chung kết lượt đi (treo giò), Chatchai, Sarach Yooyen bị chấn thương cũng có khả năng làm khán giả.
Theerathon nhận 2 thẻ vàng trong 2 trận bán kết, sẽ bị treo giò ở chung kết lượt đi.
Theerathon nhận 2 thẻ vàng trong 2 trận bán kết, sẽ bị treo giò ở chung kết lượt đi.
Bên phía Indo, Đại bàng Garuda phải đá lượt về 120 phút, nhiều hơn Thái Lan, song thế trận lại dễ dàng hơn khi chỉ đấu với 9 - và sau cùng là 8 - người của Singapore. Thêm nữa, Indo được nghỉ nhiều hơn Thái Lan 1 ngày.
Ngôi sao bóng đá số 1 Xứ Vạn đảo, Egy Maulana đã ghi bàn ở bán kết và tỏ ra hoàn toàn sẵn sàng. HLV Shin Tae Yong thì đã cho thấy ông cũng không phải dạng vừa về mặt chiến thuật, xứng danh ‘’Mourinho châu Á’’.
Trong tay thầy Shin, Indo cầm hòa Việt Nam bằng sơ đồ 5 hậu vệ và khối đội hình xe bus ấn tượng, nhưng gặp các đối thủ khác như Malaysia, Singapore, 4-2-3-1 cân bằng, giàu sức tấn công của Indo lại cũng rất lợi hại. Có thể dự đoán tâm lý của Indonesia sẽ hoàn toàn thoải mái và tươi mới, là cơ sở để họ tin sẽ chấm dứt thành tích ‘’vua về nhì’’.
Dẫu sao, tôi tin là Mano Polking vẫn sẽ tìm được cách để giành thắng lợi cuối cùng. Dù thắng lợi ấy có thể vất vả, chứ không phải kiểu thắng như chẻ tre của Thái Lan thời hoàng kim 2014-2017 được dẫn dắt bởi Kiatisuk, nhưng chung quy lại - vẫn là thắng.
Và thực tế thì AFF Cup 2020 kết thúc, dù có mang cúp về nhà hay không, bóng đá Thái Lan cũng có một tương lai khá hứa hẹn.
Nhiều người vẫn còn nói về màn trình diễn kém thuyết phục của U22 Thái Lan ở vòng loại U23 châu Á vừa qua, nhưng đó xem chừng chỉ là một tai nạn.
Nhìn rộng hơn về cả nền bóng đá Xứ Chùa vàng: Giải VĐQG Thai League của họ đã vận hành theo mô hình thời gian của châu Âu, các cầu thủ tiếp tục xuất ngoại đều đặn rồi trở về cống hiến cho ĐTQG. Tiềm lực tài chính đầu tư cho bóng đá hùng hậu, các CLB ngày một vươn tầm châu Á,... có quá nhiều yếu tố để NHM Thái Lan tin rằng các đội tuyển của họ sẽ sớm trở lại với đường đua châu lục.
Chỉ có một điều lăn tăn: trên con đường phát triển ấy, không thể cho phép nhân vật tai tiếng Somyot Poompanmoung, ông chủ tịch hiện tại của Liên đoàn Bóng đá Thái Lan, tiếp tục tồn tại. Quãng thời gian đi xuống từ sau thời Kiatisuk đã là quá sức chịu đựng của NHM Thái rồi. Somyot nên biết tự trọng, từ chức sau đỉnh cao ở AFF Cup 2020 sẽ là cái kết đẹp để cứu vãn phần nào hình ảnh của ông.
Nói vậy thôi nhưng tôi tin là Somyot sẽ không từ chức đâu. Và khi ấy thì bóng đá Thái Lan lại chưa chắc đã tiến lên được nhanh chóng.
Somyot (trái), làm ơn ra đi.
Somyot (trái), làm ơn ra đi.
Với bóng đá Việt Nam, bức tranh dường như mang màu xám nhiều hơn.
Nói riêng về ĐTQG, với những phân tích ở trên, thật không khỏi thắc mắc: Làm thế nào mà một tập thể với cùng những con người được ăn tập với nhau liên tục suốt nửa năm trời lại không thể chơi một sơ đồ chiến thuật nào khác ngoài 3-4-3? Làm thế nào họ lại có thể kém cỏi đến mức không thể lên bóng nổi khi chơi với đối thủ ở khu vực, dù đã tự hào vươn đến Vòng loại cuối cùng World Cup?
So sánh với ngay đội tuyển Thái Lan, sự khó hiểu càng rõ nét. Thái Lan tập trung chuẩn bị cho AFF Cup ngắn hơn Việt Nam rất nhiều, 2 ngôi sao Theerathon, Chanathip thậm chí còn lên tuyển muộn 1 trận. Ấy vậy mà đối đầu Việt Nam, họ vẫn có thể chơi linh hoạt đến đáng ngạc nhiên, chuyển sơ đồ ngay giữa trận đấu, đập tan ý đồ chiến thuật của thầy Park tương đối dễ dàng.
Phải thừa nhận rằng hầu hết các cầu thủ Việt Nam có hiểu biết và nhãn quan chiến thuật, thậm chí là cả phẩm chất kỹ thuật, thua kém đáng kể những ngôi sao của Thái. Nhưng trách nhiệm cao nhất phải nói đến Park Hang Seo, vì cơ sự cho đến ngày hôm nay, sự bảo thủ đến cùng cực của người đàn ông này không thể vô can. Một lối chơi được ôm khư khư từ hết kỳ giải này đến kỳ giải khác, cùng một dàn nhân sự đang ngày một mỏng đi nhưng không được bổ sung gì thêm, tất cả như báo hiệu ngày tàn sắp điểm.
Trách ai bây giờ đây?
Trách ai bây giờ đây?
Xem Việt Nam đấu Thái Lan, chứng kiến Đội quân Sao vàng không thể tấn công chủ động mà toàn phải phất bóng dài làm tôi nhớ đến một trận đấu từ năm 2016.
Ngày 20/01/2016, giải vô địch U23 châu Á, U23 Việt Nam thi đấu với U23 UAE. Trận đấu chỉ còn mang ý nghĩa thủ tục vì Việt Nam chắc chắn đã bị loại, nhưng họ lại chơi hay đến bất ngờ, chỉ để thua sát nút 2-3 với một thẻ đỏ, một bàn phản lưới và một quả pen tranh cãi cho đối thủ.
Đây là lần đầu tiên tôi được xem một đội tuyển Việt Nam chơi tấn công đẹp mắt, sòng phẳng trước đối thủ top đầu khu vực, trong một giải đấu chính thức.
Đây là lần đầu tiên tôi được xem một đội tuyển Việt Nam chơi tấn công đẹp mắt, sòng phẳng trước đối thủ top đầu khu vực, trong một giải đấu chính thức.
Trận đấu thủ tục ấy đã chứng kiến những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Hồng Duy, Văn Thanh, Đức Huy, Bùi Tiến Dũng (trung vệ chứ không phải thủ môn) chơi đôi công với đối thủ trên cơ, sòng phẳng, cống hiến và đẹp mắt. Với nhiều khán giả Việt Nam gen Z (như tôi), đó có thể là lần đầu tiên họ được thấy một đội tuyển bóng đá nước nhà chơi tấn công chủ động ở đẳng cấp cao, đẳng cấp châu lục. Ngày hôm đó trên băng ghế dự bị của Việt Nam còn có Duy Mạnh, Văn Toàn.
Xuân Trường này...
Xuân Trường này...
Gần 6 năm sau, vẫn là những cầu thủ ấy, nhiều người còn chẳng được tin tưởng đưa vào sân. Những người được chơi thì phải đá tấn công theo cái cách bị động, cầu may là phất bóng bổng liên tục. Mà nào có phải họ đang đọ sức với đối thủ nào hàng đầu châu lục; đó là họ đang đá với Thái Lan, ‘’chỉ là’’ Thái Lan thôi.
... và Tuấn Anh, và Công Phượng, và tất cả những người khác nữa, họ đã từng chơi tấn công cống hiến mà vẫn hiệu quả đấy.
... và Tuấn Anh, và Công Phượng, và tất cả những người khác nữa, họ đã từng chơi tấn công cống hiến mà vẫn hiệu quả đấy.
Theo đánh giá của tôi, những cầu thủ tốt nhất Việt Nam hiện tại hoàn toàn có khả năng chơi một thứ bóng đá chủ động hơn, phối hợp tấn công có đường nét, đẹp mắt và bản lĩnh hơn khuôn khổ mà Park Hang Seo đang gò họ vào.
Hoặc, nếu muốn biết họ có thực sự đá được như thế hay không, sao ông Park không ít nhất thử nghiệm lấy một lần, từ sân tập cho tới một trận đấu chính thức?
Quyết định là ở ông Park, những gì chúng ta thấy chỉ là ở bề ngoài. Nhưng nhiều biểu hiện bề ngoài có thể nói rõ vấn đề bên trong.
Chu kỳ thành công của Park Hang Seo có lẽ đã kết thúc. Như vòng đời của một sản phẩm: mới tung ra thị trường thì rất hot vì độ độc đáo, bán cực chạy, sau đó doanh số chạm đỉnh, và rồi dần dần đi xuống dốc, chạm đáy do chẳng thể tự làm mới được nữa.
Thêm nữa, vấn đề với bóng đá Việt Nam sau AFF Cup 2020 còn lớn hơn, nằm ở tầm vĩ mô.
Nếu bóng đá Thái Lan có thể chỉ thẳng mặt ông chủ tịch Somyot là ''tội đồ'', thì ở Việt Nam, nền bóng đá chất chứa vấn đề hơn, chẳng biết phải nói về ai nữa, vì có lẽ là cả hệ thống chẳng đâu là không thấy vấn đề. Trong ảnh là ông Lê Khánh Hải, chủ tịch VFF hiện tại. Ảnh: An Ninh Thủ Đô.
Nếu bóng đá Thái Lan có thể chỉ thẳng mặt ông chủ tịch Somyot là ''tội đồ'', thì ở Việt Nam, nền bóng đá chất chứa vấn đề hơn, chẳng biết phải nói về ai nữa, vì có lẽ là cả hệ thống chẳng đâu là không thấy vấn đề. Trong ảnh là ông Lê Khánh Hải, chủ tịch VFF hiện tại. Ảnh: An Ninh Thủ Đô.
Cùng với thầy Park, lứa cầu thủ hiện tại của đội tuyển có vẻ đã bị vắt kiệt.
Sau kỳ giải này, tôi thực sự lo lắng cho Đình Trọng, Tiến Dũng. Văn Hậu với quãng nghỉ quá dài có thể đã để lại đỉnh cao của mình ở phía sau. Hùng Dũng, Trọng Hoàng, Văn Lâm, các anh có thể lấy lại những gì tốt nhất trước chấn thương hay không?
Không bị vắt kiệt đến chấn thương thể chất thì chắc tâm lý của nhiều cầu thủ cũng đã sang chấn rồi. Quá thiếu những gương mặt mới, những giải pháp mới, những môi trường mới (tập huấn, tập luyện, thi đấu) được đưa ra.
Bây giờ nhìn Văn Thanh, Hồng Duy, Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng chơi bóng, rất khó để nhận ra chính họ ở phiên bản đẹp đẽ nhất với U19 Hoàng Anh Gia Lai. Thứ cảm hứng bóng đá ấy sẽ là điều mà sau thời ông Park, Việt Nam cần tìm lại, bởi bạn thừa hiểu rằng chúng ta không thể đá bóng dài mà mong vươn tới sánh vai cùng Nhật Bản, Hàn Quốc được.
Tuy nhiên, điều đáng báo động là sau lứa tuyển thủ này, chúng ta chưa nhìn thấy một ánh sáng hy vọng nào lấp lánh.
Gần 2 tháng trước, đội U22 Việt Nam thi đấu với U22 Đài Loan và U22 Myanmar ở Vòng loại U23 châu Á 2022. Nhìn màn trình diễn vất vả trước 2 đội bóng này - cộng thêm các pha đấu võ bao năm vẫn còn đó của Việt Nam, thật không dám dự báo thành tích tiếp theo của bóng đá nước nhà.
Gần 2 tháng trước, đội U22 Việt Nam thi đấu với U22 Đài Loan và U22 Myanmar ở Vòng loại U23 châu Á 2022. Nhìn màn trình diễn vất vả trước 2 đội bóng này - cộng thêm các pha đấu võ bao năm vẫn còn đó của Việt Nam, thật không dám dự báo thành tích tiếp theo của bóng đá nước nhà.
U23 Việt Nam đã chơi không hề ấn tượng trong 2 năm qua. Năm sau, SEA Games trên sân nhà sẽ là nhiệm vụ cực khó khăn với sự vươn lên của các đối thủ trong khu vực, trong đó có Campuchia với lối đá tấn công kiểm soát đang ngày càng được mài sắc (hoàn toàn nghiêm túc).
Lối đá tấn công kiểm soát cũng là thứ Lào, Thái Lan, Indonesia đang cố gắng xây dựng. Đó là xu hướng phù hợp với bóng đá hiện đại. Vậy Việt Nam có đang làm điều này? Đội tuyển, không; các CLB, hầu như không nốt.
Ở V-League, chẳng mấy đội bóng có một triết lý xuyên suốt, nhất quán hay lối chơi được đầu tư chăm chút. Ở cấp độ thấp hơn, các giải đấu trẻ ở quốc tế vốn là cái nôi sản sinh ra cả cầu thủ mới lẫn những phát kiến chiến thuật (kể cả phát kiến điên rồ như kéo thủ môn lên chơi 2-7-2 của Thiago Motta một thời thử nghiệm ở Paris Saint-Germain), thì ở Việt Nam lại vẫn mang nặng bệnh thành tích.
Như cái cách đội một Nam Định... nhường 8 cầu thủ cho đội U21 đá vòng chung kết U21 quốc gia đang diễn ra ở Hưng Yên. Nhân nhắc đến vòng chung kết này, chưa thấy ai nhắc đến phát kiến chiến thuật hay sao mai đang lên nào, mà đã thấy vô vàn những cái cùi chỏ, những cú vào bóng đặc sản ‘’Võ Lích’’.
Giải trẻ như thế thì kỳ vọng phát triển lên làm sao?
Liên đoàn và giải VĐQG bao nhiêu năm vẫn chưa thể chuyên nghiệp, cơ sở vật chất thiếu thốn (so với Thái Lan, Indo, Malaysia đã thua xa), tư duy sai lầm về bóng đá còn được phổ biến rộng khắp ‘’nhờ ơn’’ truyền hình, truyền thông thiếu tâm, thiếu tầm. Những yếu tố nền tảng để phát triển một nền bóng đá đều rệu rã như thế, thử hỏi tương lai nằm ở đâu?
Một vài CLB chuyên nghiệp, một vài lò đào tạo trẻ hứa hẹn chỉ là những hiện tượng mang tính cục bộ, như những cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần Vương chỉ bùng nổ tản mát, cục bộ, chẳng có tư tưởng lãnh đạo cao nhất thì chẳng bao giờ mang lại thắng lợi cả.

VĨ THANH

Một điều này có thể khá tranh cãi, nhưng tôi vẫn sẽ nói: nếu Hùng Dũng, Văn Hậu, Trọng Hoàng có thể thi đấu ở AFF Cup lần này, có lẽ Việt Nam sẽ thắng Thái Lan. Tất nhiên là khi Thái chơi đúng theo cách đã được phân tích ở trên.
Nhưng bóng đá, và cuộc sống cũng thế thôi, làm gì có chữ ‘’nếu’’. Khi không có trong tay những con bài tốt nhất, thay vì lựa chọn đổi thay, Park Hang Seo lại vẫn bấu víu vào những niềm tin cố hữu, bảo thủ của bản thân, và ông chỉ nên tự trách chính mình mà thôi.
Một điều đáng tiếc là dường như Việt Nam và Thái Lan sẽ không bao giờ đọ sức khi cả 2 cùng đang ở đỉnh cao. Sẽ không có phiên bản Thái Lan 2014 của Kiatisuk đọ sức cùng Việt Nam 2018 của Park Hang Seo. Sắp tới đây, có thể quy luật ấy sẽ còn tiếp nối khi chúng ta vừa phân tích rằng ai đang lên, ai đang xuống rồi.
Dù sao, thắng hay thua thì ngày tiếp theo cũng là một ngày mới. Mỗi nền bóng đá phải tự nỗ lực trên con đường của chính mình.
Hy vọng rằng trên 2 con đường ấy, những cá nhân không phù hợp, những hiện tượng xấu xí và cả những vận rủi sẽ ngày càng tan biến đi. Để rồi một ngày kia, 2 con đường sẽ giao ở một điểm - một giao lộ mà ở đó, cả Việt - Thái đều đang đi trên lộ trình đỉnh cao nhất.
_ Ảnh minh họa sưu tầm từ Internet _
Bên cạnh Spiderum, mình còn chia sẻ các bài viết về bóng đá trên fanpage Facebook. Nếu các bạn quan tâm, xin hãy ghé qua địa chỉ này nhé ^^:
Hoặc nếu các bạn muốn trao đổi, kết bạn với tư cách cá nhân thì đây là địa chỉ FB của mình:
Rất cảm ơn các bạn đã đọc bài viết. Hy vọng đã mang lại cho các bạn điều gì đó có giá trị.
À, cho mình quảng cáo nốt một page Facebook nữa thôi :pp
https://www.facebook.com/20DGL18 là trang Facebook chính thức của cộng đồng bóng rổ do mình xây dựng và quản lý tại Mai Lâm, ngoại thành Hà Nội. Mình luôn tự hào rằng đây là một dự án ý nghĩa, đã tạo nhiều điều kiện được vui chơi, học hỏi cho các bạn học sinh, nên nếu có thể thì mong mọi người có thể ủng hộ nó bằng cách theo dõi hoặc like page nhé, cảm ơn các bạn ^^~