Match Review - Bán kết AFF Suzuki Cup 2020 - Việt Nam 0-2 Thái Lan
Bài viết sẽ được trình bày trong 4 phần phân tích: Về hiệp 1; Về hiệp 2; Về trọng tài; Và một cái nhìn tổng kết - hướng đến trận lượt về.
Một cặp đấu Việt - Thái được chờ đợi từ lâu cuối cùng đã khép lại với tỷ số 2-0 nghiêng về Voi Chiến.
Như thường lệ, vẫn có quá nhiều điều để nói về cặp đấu này. Nhưng để tóm gọn lại những điểm nổi bật nhất, bài viết này sẽ được trình bày trong 4 phần phân tích: Về hiệp 1; Về hiệp 2; Về trọng tài; Và một cái nhìn tổng kết - hướng đến trận lượt về.
VỀ HIỆP 1: CÁI QUÁI GÌ VẬY, HỒNG DUY?
Xét về mặt chiến thuật, cả Park Hang Seo và Mano Polking (xin phép được dùng nickname "Mano" thay cho tên thật Alexandre) đã có cách tiếp cận chuẩn mực trong điều kiện của họ.
Nói về Park trước.
Lựa chọn bộ 3 tấn công Văn Toàn, Công Phượng, Quang Hải, rõ ràng ý đồ là phản công bằng tốc độ và sự đột biến. Ông thầy người Hàn Quốc đã chấp nhận sự thật: Thái Lan không phải là đối thủ để chơi áp đặt, kiểm soát thế trận - một sự thức thời đáng khen ngợi, nếu nhìn vào sự bảo thủ của nhà cầm quân này từ trước đến nay. Quyết định cho học trò cưng Phan Văn Đức dự bị (finally) để Văn Toàn có lần đầu đá chính ở AFF Cup là hoàn toàn đúng đắn.
Ở các vị trí khác, Tuấn Anh - Hoàng Đức đã là bộ đôi đá giữa tốt nhất, cân bằng nhất. Các vị trí cánh và hàng thủ trong starting line-up cũng không phải bàn cãi nhiều.
Trường hợp của Nguyên Mạnh bắt thay Tấn Trường là quyết định khá thú vị. Nguyên Mạnh đã chơi tốt, thậm chí là một trong những người chơi tốt nhất của Việt Nam trận này, nhưng dường như thủ thành người Nghệ An quá ‘’nặng vía’’ ở sân chơi quốc tế. AFF Cup 2014, sai lầm bắt bóng mắc lỗi Taibi (để bóng lọt qua 2 chân vào lưới) khi gặp Indonesia. AFF Cup 2016, tấm thẻ đỏ ở trận bán kết thua Indo. AFF Champions League 2021, khoác áo Viettel thua BG Pathum cả 2 lượt trận. Và giờ, lại thất bại trước người Thái.
Trở lại câu chuyện chuyên môn, HLV Park Hang Seo đã nhập cuộc đúng. Điều tương tự có thể dành để nói về Mano Polking.
Các trận vòng bảng, Thái Lan chọn sơ đồ xuất phát 4-4-2 kim cương, linh hoạt chuyển sang vận hành 3-5-2 bất đối xứng nhờ việc đẩy LB Theerathon Bunmathan lên đá cao, RB Narubadin đá lùi thấp như một trung vệ. Thực tế thì ở những trận Thái có thế trận tốt, thì cả Narubadin cũng dâng lên, nghĩa là Thái Lan thực chất đá 2-6-2 khi tấn công - một sức ép khủng khiếp cho các hàng thủ như của Myanmar và Philippines.
Đối đầu Việt Nam, ông Polking đã dành sự tôn trọng đúng mực cho khả năng phản công đã đưa đội bóng áo đỏ đến Vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Theerathon không dâng cao nữa mà chơi thuần LB hơn, đội hình Thái Lan cũng chuyển sang 4-3-3 với bộ 3 chơi cao nhất là Supachok Sarachat - Teerasil Dangda - Chanathip Songkrasin.
Trùng hợp là với cùng cách bố trí này, Akira Nishino từng giúp Supachok trở thành MVP của trận hoà 0-0 của 2 đội trên đất Thái ở vòng loại 2 WC. Trận đấu ấy số 7 của Thái Lan đã quần Duy Mạnh tơi tả. Polking có thể đã "học bài" rất kỹ.
Thái Lan chơi kiểm soát, tấn công chủ động, Việt Nam đá phòng ngự phản công. Kịch bản tốt nhất ấy đã xảy ra trên sân vận động quốc gia Singapore. Nói là tốt nhất, vì 2 đội mang thứ vũ khí mạnh nhất của mình ra chiến đấu.
Chỉ đáng tiếc cho Việt Nam, bước ngoặt lại xảy đến quá sớm và theo cách gây sốc nhất: Sai lầm của Hồng Duy.
Sai lầm ấy, và cả những gì Hồng Duy thể hiện suốt hiệp 1, chính là sự tóm tắt cho bộ mặt của tuyển Việt Nam nửa đầu trận đấu (không tính Quang Hải).
Một tình huống Thanawat, cầu thủ của Leicester City chuyền quả bóng quá tệ vào thẳng chân Hồng Duy. Nhưng hậu vệ của Hoàng Anh Gia Lai lại cà cuống không biết phá bóng bằng chân nào, để lọt trái bóng qua và để Chanathip băng lên đối mặt ghi bàn.
Nguyên nhân? Phải là tâm lý. Và rộng hơn là bản lĩnh thi đấu.
Tâm lý là yếu tố mang tính ngắn hạn, xét trong từng trận đấu. Trận này không chỉ Hồng Duy, các cầu thủ Việt Nam đã chơi bóng với sự căng cứng thấy rõ, đặc biệt trong hiệp 1. Nhiều quả đi bóng của Hồng Duy, Văn Thanh, nhiều cú khống chế, nhiều đường chuyền toát lên sự gượng ép. Họ không xử lý bóng theo tình hình thực chiến trên sân, mà theo bản năng và cảm xúc.
Bản lĩnh thi đấu thì ở tầm cao hơn tâm lý, nó nằm ở mindset của vận động viên. Một biểu hiện ví dụ: (1) một cầu thủ có bản lĩnh bị đối phương ép sát cách 5m vẫn có thể bình tĩnh, (2) cầu thủ kém bản lĩnh hơn thì có khi đối phương còn cách cả chục mét đã bắt đầu hốt hoảng.
Miêu tả 1 nói về Theerathon và Chanathip. Miêu tả 2 nói về Hồng Duy, và gần như tất cả các tuyển thủ Việt Nam.
Khi thiếu bản lĩnh mà phải cố gồng lên trong trận cầu quan trọng, Hồng Duy đã "gãy" ở tình huống sai lầm. Các biểu hiện khác về vấn đề tâm lý, thiếu bản lĩnh bao gồm: cố gắng đi bóng, xử lý kỹ thuật không cần thiết để chứng tỏ mình với đối thủ (dân mạng gọi là "khè" đội kia, và Hồng Duy có không ít quả "khè" lỗi mất bóng sân nhà), cố gắng tỏ ra cứng cỏi bằng ngôn ngữ cơ thể (Quế Ngọc Hải đứng đối mặt với HLV Polking, những cái vênh mặt của Duy Mạnh và Quang Hải).
Không bao giờ có đội bóng chơi thành công với kiểu mẫu hành vi tâm lý này.
Hãy nhìn Thái Lan, họ cũng tâm lý, nhưng cầu thủ bản lĩnh thì tâm lý theo kiểu khác - không ảnh hưởng đến màn trình diễn trên sân. Theerathon có thể vẫn ôm cực túc mà giật chỏ vào mặt Quang Hải, cà khịa thầy Park sau trận, nhưng đã chạm bóng là mượt. Các cầu thủ áo đỏ có thể lao đến rất gần, nhưng cầu thủ áo xanh vẫn bình tĩnh cầm bóng lại chơi, chuyền qua chuyền lại, ung dung và thanh thoát chứ không hề nặng nề.
Việt Nam đã thua hoàn toàn trong hiệp 1 khi cầu thủ tâm lý, không thể triển khai tấn công từ sân nhà do sự khắc chế từ sơ đồ của đối thủ, phất bóng dài là bài duy nhất. Cơ hội chỉ đến từ các tình huống cố định, trong đó quả đá trúng cột dọc của Quang Hải là đáng tiếc nhất, nhưng nhìn tổng thể thì hiệp 1 là Thái Lan thắng là xứng đáng.
HIỆP 2: CÁI QUÁI GÌ VẬY, POLKING?
Sang hiệp 2, Park Hang Seo quyết định quay về bản ngã. Văn Đức và Tiến Linh vào sân, Tuấn Anh (vâng, lại là Tuấn Anh) và Văn Toàn rời sân.
Thiết nghĩ trường hợp của Văn Toàn là một sự khó hiểu. Cầu thủ đã câu được 2 thẻ vàng của Theerathon và Chatchai, đã có những tình huống chạy chỗ bứt tốc tốt lại phải nhường chỗ cho một Văn Đức tàng hình rất kỹ trong mọi trận đấu lớn, từ vòng loại World Cup tới bây giờ. Bất kể việc Văn Đức có một cơ hội đối mặt không thành (một pha bóng hàng thủ Thái đứng vị trí lỗi hơn là cái hay của tiền đạo số 20), tôi vẫn đánh giá việc rút Văn Toàn ra là một sai lầm bởi cầu thủ này có khả năng tạo đột biến cao hơn nhiều.
Đội hình Việt Nam trở lại vô cùng quen thuộc. 3 hậu vệ + 2 cánh vẫn vậy, 2 tiền vệ là Hoàng Đức - Quang Hải, 3 tiền đạo là Công Phượng - Tiến Linh - Văn Đức. Chắc bạn cũng đồng ý rằng thay Công Phượng bằng Hà Đức Chinh không tạo khác biệt đáng kể.
Đây chính là đội hình từng để Campuchia kiểm soát thế trận, chiếm lĩnh trung tuyến mới 3 ngày trước đó. Thái Lan cũng chơi kiểm soát như Campuchia, nhưng mạnh hơn nhiều. Thật dễ để nghĩ rằng nếu Voi Chiến đã chơi theo chủ trương mà Keisuke Honda đã dùng đấu Việt Nam, Đội quân Sao vàng sẽ vỡ trận.
Nhưng Chúa ơi, POLKING ĐÃ LÀM CÁI QUÁI GÌ VẬY?
Lùi sâu phòng thủ, bảo vệ thành quả.
Ấy là lý thuyết. Còn thực tiễn là: lùi sâu phòng thủ, suýt thì ăn đủ.
Đội hình của Thái Lan không có những con người chơi bóng theo kiểu mà Polking yêu cầu trong hiệp đấu thứ 2.
Sarach Yooyen và Thitiphan Puangchan, cả cầu thủ mà Thitiphan vào thay là Thanawat đều có xu hướng kiểm soát bóng, điều phối nhịp độ tấn công hướng lên chứ không giỏi tranh chấp, chọn vị trí đánh chặn ở nhà. Một mình Phitiwat Sukjitthammakun đá trụ là không đủ để làm lá chắn trước hàng hậu vệ.
Khi không chơi tấn công chủ động và pressing như kịch bản dẫn đến bàn thắng đầu tiên, những Chanathip, Teerasil, Supachok, Supachai cũng rất vô hại vì chẳng có nhiêu bóng. Chơi lùi sâu thì tấn công phải bằng bóng dài, nhưng suốt hiệp 2, ta cũng chẳng thấy bộ tứ vệ của Thái có cơ hội nào chuyền vượt tuyến lên cho các tiền đạo, có chuyền được thì cũng hoàn toàn không hiệu quả với Quế Ngọc Hải và Thành Chung ngăn chặn. Nhân nhắc đến bộ tứ vệ, có khi Manuel Bihr hay Kritsada phân phối bóng, phát động tấn công bằng chuyền sệt còn hay hơn... phòng ngự.
Minh chứng rõ nét nhất cho tổ hợp những sự yếu kém trên là tình huống dẫn đến cú sút trúng xà ngang của Quang Hải.
Khởi đầu là Bihr chậm chạp, lóng ngóng để Hà Đức Chinh cướp mất bóng. Quả bóng Chinh trả ra cho tuyến hai, 7 cầu thủ Thái Lan đứng trong vòng cấm, hầu hết bị hút vào Tiến Linh, để lại một Quang Hải có khoảng trống mênh mông ở giữa sân. Mênh mông đến mức ngôi sao của CLB Hà Nội đủ thời gian thoải mái đẩy bóng 1 chạm, căn chỉnh uốn nắn kỹ càng rồi mới sút!
Không còn gì phải bàn cãi, Thái Lan phòng thủ lùi sâu cực tệ - cự ly và khối đội hình lùi sâu này của Voi chiến còn tệ hơn phiên bản Indonesia đấu Việt Nam ở vòng bảng. Hệ thống dễ xộc xệch, đê lộ khoảng trống cá nhân, cá nhân dễ bị hút bóng, dễ mắc sai lầm, một đội phòng thủ như thế rõ ràng chỉ có thể được cứu bằng may mắn và khả năng kiến tạo/tận dụng cơ hội quá thấp của đối thủ.
Vậy là thay vì học theo Campuchia để bóp nghẹt Việt Nam, Polking lựa chọn vứt đi tất cả điểm mạnh của đội nhà để đá phòng ngự lùi sâu, mở đường cho Việt Nam tấn công. Nếu Thái tấn công, kịch bản có thể đã rất khác: Việt Nam sẽ mất tuyến giữa, tiếp tục phải đá dài cầu âu tranh bóng 2 như hiệp 1.
Hãy chú ý là Thái Lan lùi xuống thì Việt Nam vẫn đá rất nhiều bóng dài (điểm yếu Việt Nam: không thể build-up), nhưng tình hình lúc này lại rất khác: Hải Quế, Duy Mạnh (và cả Hoàng Đức khi lùi sâu) phất bóng không hề bị ngăn trở, nhờ đó tỷ lệ chuyền chính xác cao hơn đáng kể. Rồi tuyến giữa của Thái Lan lùi về quá sâu, trong khi các tiền đạo cũng đứng khá xa tuyến dưới làm lộ ra khoảng trống tuyến hai cho Việt Nam khai thác.
Các tuyến của Thái Lan không chỉ bị chia cắt trong phòng ngự mà cả tấn công. Khi lấy được bóng sau những pha bị công kích dữ dội, các cầu thủ áo xanh đã hoàn toàn bị động về không gian và thời gian (mất vị trí, bị áp sát rất nhanh). Kết quả là buộc phải phá bóng.
Cả hiệp 2 không thể nhớ được cơ hội tấn công rõ nét nào của Thái Lan. Quả phạt đền được Duy Mạnh tặng cho Thái chứ không phải kết quả của thế trận, bài vở gì.
Quá nhiều vấn đề khi Thái Lan vứt bỏ bản ngã và chơi an toàn trên mức cần thiết. Polking đã sai, quá sai. Quá sai, bởi đáng ra ông phải học được bài học từ những trận đấu ở ngay AFF Cup 2020 này.
Trận bán kết đầu tiên, Indonesia chơi lấn lướt, dẫn Singapore 1-0 sau 45 phút đầu tiên. Hiệp 2, Shin Tae Yong chỉ đạo học trò chơi thấp, tung một anh tiền đạo cắm cổ điển Walian vào sân để đợi phản công. Phản công đâu không thấy, chỉ thủng lưới và rồi phải cuống cuồng thay chính... Walian ra, đổi lại lối chơi nhưng không kịp.
Hay trận đấu cuối cùng bảng B của chính Việt Nam gặp Campuchia. Nếu Việt Nam dồn lên áp đặt ngay trong nửa sau hiệp 1 trận này, có lẽ họ đã thắng 5-6 bàn, thậm chí nhiều hơn. Nhưng Park Hang Seo cũng kéo đội hình xuống thấp khi đã có lợi thế, và cái giá phải trả chính là kèo đấu với Thái Lan này.
Không phải người Hàn Quốc nhưng Polking cũng rất khéo đi vừa vào vết xe đổ của Park và Shin. Có thể gọi đây là những sự điều chỉnh máy móc, khi các ông thầy chạy bài theo sách giáo khoa thay vì thực tiến trên sân.
Nhìn cách đá của Polking, không khỏi hoài niệm về thời hoàng kim Thái Lan 2014-2017 của Kiatisuk. Các đội như Myanmar, Indonesia có thể chơi phòng ngự với phiên bản Thái Lan đó, nhưng một khi họ thủng lưới và phải dồn lên, họ sẽ chỉ càng nhận thêm nhiều bàn thua nữa mà thôi.
Polking đã có cơ hội làm điều tương tự Kiatisuk. Nhưng ông từ chối.
VỀ TRỌNG TÀI: CÁI QUÁI... À KHÔNG, CŨNG BÌNH THƯỜNG THÔI!
Trước hết, cần phải lên án sự manh động và kiểu phát ngôn hết sức thiếu suy nghĩ của một bộ phận không nhỏ khán giả Việt Nam.
Chỉ cần Google từ khoá "bóng chạm tay", lập tức sẽ có các kết quả bài báo giải thích vì sao tình huống Supachai tự đá vào tay mình không phải là phạt đền. Nhưng các anh hùng bàn phím không thèm tìm hiểu. Thay vào đó là tiếp tục lên các trang mạng chỉ trích "trọng tài mù" (pha bóng đó rõ ràng là trọng tài đứng rất gần và nhìn ngôn ngữ cơ thể của ông, ta hiểu ông đã quan sát thấy).
Tình huống Chatchai băng ra phạm lỗi với Văn Toàn, bóng ở đường biên, số 9 của Việt Nam có vượt qua được Chatchai cũng vẫn còn 2 trung vệ cản trước mặt. Cơ hội ghi bàn chưa rõ ràng, một thẻ vàng cũng là hợp lẽ.
Tất nhiên, cú đánh cùi chỏ của Theerathon vào mặt Quang Hải là không fair, hoàn toàn có thể rút thẻ đỏ. Nhưng cũng chính Quang Hải, ở tình huống ngã trong vòng cấm trước khi có quả bóng chạm tay Supachai, dường như đã ngã rất chủ động khi vừa xuất hiện contact, và pha va chạm sau đó không còn ý nghĩa lắm để thổi phạt đền.
Tình huống việt vị của Đức Chinh? Sai lè lè. Nhưng bạn có để ý thấy Chinh vẫn đá tiếp, thủ môn Chatchai vẫn cản phá, và anh ta chặn được số 18 áo đỏ. Nên cũng đừng lấy làm tiếc lắm.
Đây không phải là phần nội dung với mục đích bảo vệ trọng tài. Mà là để (1) cung cấp dữ liệu và góc nhìn về các tình huống tranh cãi và (2) - sẽ trình bày tiếp ngay đây - để các bạn hiểu rằng mức độ sai lầm này là quá đỗi bình thường.
(a) Bình thường, trước hết xét trên bình diện Đông Nam Á. Bạn là người xem V-League lâu năm thì còn lạ gì những quyết định giơ cao đánh khẽ, ví dụ vào bóng bằng gầm giày thô bạo thì chỉ thẻ vàng thôi chứ không có thẻ đỏ! AFF Cup cũng không khác hơn, bởi nếu cứ đúng luật mà bắt - không có "tình tiết giảm nhẹ", thì Malaysia, Indonesia chắc phải có trận bị xử thua 0-3 từ mấy hồi (luật bóng đá quy định đội bóng có 5 thẻ đỏ sẽ bị xử thua 0-3).
Và chính Việt Nam cũng là đội từng hưởng lợi từ sự giơ cao đánh khẽ của các ông vua áo đen, y hệt như mọi đội bóng khác, bao gồm Thái Lan. Cú giật trỏ của Huỳnh Tấn Sinh vào mặt cầu thủ Indo ở SEA Games 2019, các bạn còn nhớ?
(b) Bình thường, xét trên bình diện quốc tế rộng lớn hơn, thậm chí ở tầm World Cup.
Ai có thể quên được vết nhơ mang tên World Cup 2002? Nơi trọng tài đã làm tất cả những gì có thể để huỷ diệt Tây Ban Nha và Ý, để Hàn Quốc có thể đi tiếp?
Bạn nói 2002 đã quá xa? Và bạn nói VAR sẽ công bằng? Vậy thì bạn có thể lên YouTube và xem VAR đã bỏ qua tất cả các lỗi, các tình huống làm bàn không hợp lệ của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha tại vòng bảng World Cup 2018 với nạn nhân là Morocco.
Chính Việt Nam khi vào đến Vòng loại 3 World Cup khu vực châu Á, đã phải chứng kiến một tình huống khó tin khi VAR tìm mọi cách có thể nhằm từ chối bàn thắng của Tiến Linh vào lưới Oman. Nhưng cũng chính Việt Nam cũng hưởng lợi ở một tình huống rất nhảm nhí, trọng tài từ chối bàn thắng của Junya Ito vào lưới Tấn Trường sau khi xem VAR - hẳn là bóng chạm... tóc cầu thủ Nhật đang ở thế việt vị.
Tất cả những ví dụ này để chúng ta hiểu rằng: chơi bóng đá là chấp nhận bất công. Đó là một quy luật phổ biến, chứ (nhiều khả năng) không phải một âm mưu nhắm vào đối tượng cụ thể nào, như Jose Mourinho từng buộc tội BTC Ngoại hạng Anh.
Và bây giờ, hãy thử đặt ra câu hỏi: ở một vũ trụ song song nào đó, nếu trọng tài bắt chính xác và công bằng ngay từ đầu, bạn có tin rằng Việt Nam sẽ thắng? Tôi không nghĩ có nhiều người dám tự tin khẳng định điều đó.
Mọi người đều đã thừa nhận rằng Thái Lan thắng xứng đáng. Vậy thì hãy kết thúc tranh luận ở ngay đó, và hướng tới trận lượt về thôi.
BÀI HỌC CHUYÊN MÔN - HAI ĐỘI LÀM GÌ Ở LƯỢT VỀ?
Nói về Việt Nam trước. Họ cần, và có thể, thay đổi gì? Trả lời: Tâm lý.
Hết.
Sao lại hết?
Thử nghĩ xem, trong tay Park Hang Seo còn cầu thủ nào để gây bất ngờ, để "khè" đối thủ về mặt chiến thuật nữa đây? Lý Công Hoàng Anh chăng? Đến Minh Vương còn không được sử dụng!
Các phương tiện truyền thông nói: Đội hình tuyển Việt Nam không có chiều sâu như tuyển Thái Lan. Đó là cái giá phải trả cho sự bảo thủ của thầy Park, của việc chỉ tin dùng một nhóm cầu thủ duy nhất, một sơ đồ chiến thuật duy nhất (tôi bắt đầu nghi ngờ ông Park đã quên cách vận hành sơ đồ 4 hậu vệ rồi).
Việt Nam vốn đã mất Văn Hậu, Trọng Hoàng, Hùng Dũng, tức là mất nguyên hai cánh và giữa. Bây giờ Đình Trọng, Duy Mạnh cũng phải nghỉ (oh, họ mà trở lại đá thì fan Hà Nội và Viettel sẽ vui lắm đây), Bùi Tiến Dũng chưa biết có đá nổi không.
Không còn ai để tạo đột biến, để thay đổi nữa. Không Văn Quyết, Huy Hùng, Anh Đức như 2018.
Không có cả sơ đồ mới.
Hongkong1.
Vậy thì, xin nhắc lại, HLV Park Hang Seo lúc này chỉ còn một việc thôi, đó là xốc lại tâm lý cầu thủ. Và cầu nguyện rằng với những cái tên cũ, phép màu mới sẽ đến.
--
Thái Lan có nhiều lựa chọn hơn. Nhưng rủi ro cũng nhiều hơn: lựa chọn sai lầm, ông Polking sẽ trả giá bằng chính chiếc ghế của mình.
"Sai lầm" sẽ đến khi kịch bản mà truyền thông Việt Nam đang rao giảng diễn ra: trận lượt về diễn ra giống với hiệp 2 trận lượt đi. Nếu điều này trở thành thực tế và/hoặc Thái Lan thua, Polking nên giải nghệ HLV chứ không chỉ là rời Thái nữa.
Tất nhiên, Polking có thể dành 2 ngày tập luyện để rèn cho các học trò chơi phòng ngự lùi sâu hiệu quả hơn. Nhưng thật khó tin là quỹ thời gian ít ỏi đó có thể giúp một đội bóng tập nhuyễn một cách vận hành mới.
Nhân nhắc đến việc ít thời gian thì rất khó tập bài mới, trong buổi tập cuối cùng trước trận lượt đi, HLV Park Hang Seo lấy sa bàn ra sân và giảng giải cho các cầu thủ 20 phút. Keisuke Honda trước trận gặp Việt Nam cũng bày sa bàn tương tự, giải ngố cho học trò gần nửa tiếng đồng hồ.
Cả 2 người này đều thua.
Từ kinh nghiệm huấn luyện thực tế, tôi dám cá với bạn rằng khi các cầu thủ cần HLV giảng giải nhiều đến vậy, nghĩa là họ có quá nhiều vấn đề không thể giải quyết nổi rồi.
Polking không nên dại mà sắp sa bàn phòng ngự giảng giải cho học trò, vì ở khía cạnh này, Thái Lan có quá nhiều vấn đề. Thay vào đó, chẳng phải sẽ khôn ngoan hơn nếu tập trung vào mặt trận tấn công, tiếp tục rèn giũa những bài build-up từ sân nhà, kiểm soát bóng ở giữa sân và ban bật hướng tới khung thành đối thủ - những thứ mà thế hệ cầu thủ này của Thái Lan nhiều người đã nằm lòng từ thời Kiatisuk?
Xin nhấn mạnh lại: Thái Lan nên tiếp cận trận lượt về như cách họ đã tiếp cận hiệp 1 trận lượt đi. Có thể kiên nhẫn hơn trong cách kiểm soát bóng (Chúa ơi, nỗi nhớ Kiatisuk), và pressing mạnh mẽ hơn để ép đối thủ mắc sai lầm.
Về từng cá nhân, vị trí của Manuel Bihr thực sự đáng ngại.
Cầu thủ gốc Đức không hát được quốc ca Thái, không biết tiếng Thái. Truyền thông Thái Lan từng nhắc đến sự bất đồng ngôn ngữ này là tử huyệt của Bihr, bởi trung vệ này không thể giao tiếp hiệu quả với các đồng đội, gần nhất là thủ môn Chatchai và người đá cặp Kritsada.
Không ít tình huống trong trận thắng Việt Nam, Chatchai băng ra nhưng Bihr cũng không bỏ bóng hoặc phối hợp rất tồi (tất nhiên Bihr không có khả năng bảo Chatchai "đừng ra"). Điển hình là pha Chathai phạm lỗi với Văn Toàn và những tình huống cố định chống bóng bổng.
Cùng là "ngoại binh" nhưng Elias Dolah có vẻ không gặp khó khăn nào trong giao tiếp, ít nhất từ những gì ta thấy ở trận Thái Lan thắng Singapore 2-0. Dolah cũng không hay mắc lỗi ngớ ngẩn như Bihr - chính xác thì không ai có thể mắc nhiều lỗi ngớ ngẩn như Bihr cả, trừ Elkan Baggott ở hiệp 2 trận Indonesia 1-1 Singapore.
Tại sao Bihr vẫn được đá chính dù thấp hơn Dolah, không nhanh hơn, và liên tục mắc sai lầm? Bihr còn được đá chính từ thời Akira Nishino nữa kia! Cầu thủ này với Polking có lẽ nào giống với Văn Đức trong mắt thầy Park, dù đá tệ thế nào vẫn được tin tưởng?
Tôi kỳ vọng rằng Bihr sẽ phải nhường chỗ cho Dolah. Thậm chí thay cả Kritsada bằng Pawee Tanthatemee cũng được, bởi "toà tháp đôi" Dolah (196cm) - Pawee (187cm) đã phối hợp không hề tệ trong chiến thắng trước Singapore. Nếu so về khả năng đóng góp vào tấn công, họ cũng không thua cặp Kritsada - Bihr quá nhiều.
Ở các vị trí còn lại của Thái Lan, để phục vụ cho cách tiếp cận áp đảo đối thủ về kiểm soát bóng đã nói ở trên, nếu Polking cần đột biến, hoàn toàn có thể đưa Theerathon lên đá tiền vệ trụ. Cầu thủ đa năng này từng chơi CDM ở Yokohama. Vị trí hậu trái có thể để lại cho Tristan Đỗ.
Phía trên hàng công, thật lạ lùng khi Adisak Kraison được sử dụng rất ít ở giải năm nay. Trận bán kết lượt đi khi Teerasil Dangda được rút ra, người vào thay cũng là Woorachit (thực tế thay đúng vị trí là Supachai Jaided trước đó).
Adisak cũng là một chân sút có chất lượng của Thái Lan, cũng có những phẩm chất tương tự như Teerasil. Số 9 có thể là lựa chọn phù hợp nếu Polking muốn đa dạng hoá các mũi nhọn.
VĨ THANH
Trận lượt đi Việt - Thái thực chất có chất lượng chuyên môn không cao. Bàn thắng, cơ hội chủ yếu đến từ những sai lầm ngớ ngẩn của hai đội - cả sai lầm hệ thống và sai lầm cá nhân.
Những gì tốt nhất của 2 đội vẫn còn chưa được thể hiện hết, bởi tâm lý yếu từ một phía và từ lựa chọn chiến thuật sai lầm từ phía còn lại.
Kỳ vọng rằng trận đấu vào ngày Chủ nhật sẽ là lúc cả 2 đội phô bày được tất cả những gì tinh tuý nhất.
Với Việt Nam, đó là Quang Hải (tôi khá nghiêm túc với câu này đấy).
Còn với Thái Lan, đó là một thế trận tấn công, gây sức ép ấn tượng hơn nữa, không chỉ bảo vệ thành quả mà còn phải cấp số cộng thành quả ấy lên nữa.
_ Ảnh minh họa sưu tầm từ Internet _
Bên cạnh Spiderum, mình còn chia sẻ các bài viết về bóng đá trên fanpage Facebook. Nếu các bạn quan tâm, xin hãy ghé qua địa chỉ này nhé ^^:
Hoặc nếu các bạn muốn trao đổi, kết bạn với tư cách cá nhân thì đây là địa chỉ FB của mình:
Rất cảm ơn các bạn đã đọc bài viết. Hy vọng đã mang lại cho các bạn điều gì đó có giá trị.
À, cho mình quảng cáo nốt một page Facebook nữa thôi :pp
https://www.facebook.com/20DGL18 là trang Facebook chính thức của cộng đồng bóng rổ do mình xây dựng và quản lý tại Mai Lâm, ngoại thành Hà Nội.Mình luôn tự hào rằng đây là một dự án ý nghĩa, đã tạo nhiều điều kiện được vui chơi, học hỏi cho các bạn học sinh, nên nếu có thể thì mong mọi người có thể ủng hộ nó bằng cách theo dõi hoặc like page nhé, cảm ơn các bạn ^^~
Thể thao
/the-thao
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất