Phòng ốc tồi tàn. Ngày ba bữa ăn cùng một món.
Phòng tắm không có nước nóng, kể cả vào mùa đông.
Bên ngoài cánh cửa, lũ băng đảng trong vùng sẽ luôn lăm le cướp của bọn tôi.
Nhưng tệ nhất là khi cô lao công không đi làm nữa. Tôi không có cách nào để nói cho hoa mĩ, khi mà tôi kể về việc đi vệ sinh, đúng không? Lúc bạn đi nặng ấy? Ừm, ở chỗ đó, nếu bạn xả giấy vào bồn cầu, nó sẽ bị tắc, nên bạn phải cho giấy vào thùng rác. Nhưng sẽ ra sao nếu mấy tuần không có ai dọn thùng rác,... ừ, bạn hình dung ra rồi nhỉ?
Đó là chỗ tôi học đá bóng, ở Guabiruba, Brazil. 
Lúc đó tôi đã sống ở nơi cách nhà hơn 100 dặm (161km).
Lúc đấy tôi mới 13 tuổi đó, bồ tèo ạ.
Mười ba tuổi!
Cuộc sống như trong quân ngũ vậy. Tập luyện hai lần mỗi ngày, rồi đi học. Năm mươi cầu thủ ngủ trên giường tầng kê sát nhau. Trước khi tôi đến nơi này (t/n: trại bóng đá ở Guabiruba, Brazil), tôi đã được cho đá thử với 3 CLB ở Sao Paulo, nhưng họ đều từ chối, và thế là tôi về quê - Imbituba, và tay agent người Ý này mới mời tôi đến trại bóng đá của ông ta. Ông ta bảo những ai chơi tốt ở đó sẽ có chút ít cơ hội được sang Ý. Có đứa trẻ nào không muốn được sang châu Âu đâu, đúng không nào?
Tôi tập ở trại đó được một thời gian cho đến khi có vấn đề xảy ra. Một ngày nọ cô lao công nghỉ việc vì cô không được trả lương, vì vậy chúng tôi bị chia ra thành các nhóm 5 người, thay nhau dọn dẹp. Đỡ tốn tiền, rõ là vậy. Nhưng một hôm có nhóm đếch muốn dọn dẹp nữa. Thế thì hôm sau sẽ ra sao chứ? Nhóm thứ hai cũng đếch quan tâm. Cứ thế tiếp diễn mấy tuần liền - và nhóm thứ năm lãnh đủ. Nhà vệ sinh là phần tệ nhất. Bạn sẽ phải nín thở ở đó.
Điều này có thể khiến bạn bất ngờ, nhưng tôi đã quen với cách sống đó. Nghiêm túc đấy. Tôi học được rằng con người có thể thích nghi với mọi thứ, dù có tệ đến mức nào. Điên rồ làm sao, cái việc bạn có thể chịu đựng được nhiều thứ khi không còn lựa chọn nào khác.
Và cả khi bạn muốn điều gì đó đến mức việc từ bỏ là không thể.
"Điên rồ làm sao, cái việc bạn có thể chịu đựng được nhiều thứ khi không còn lựa chọn nào khác." Ảnh do Jorginho cung cấp
"Điên rồ làm sao, cái việc bạn có thể chịu đựng được nhiều thứ khi không còn lựa chọn nào khác." Ảnh do Jorginho cung cấp
Bạn biết đó, hồi tôi 5 tuổi, bố tôi đã hỏi tôi muốn làm gì khi lớn lên. Tôi đáp, "Con muốn làm cầu thủ."
Bố tôi bảo: "Làm cầu thủ không chỉ giống những gì con thấy trên TV đâu. Họ sẽ làm tổn thương con, lừa lọc ăn cắp của con, và làm con khóc đấy. Con sẽ muốn về nhà. Con sẽ muốn bỏ cuộc. Nào, bây giờ còn muốn làm gì khi con lớn lên?"
Tôi đáp, "Cầu thủ ạ."
Tôi đã chuẩn bị để làm bất cứ điều gì. Nhưng vài tuần sau khi cô lao công bỏ việc, mẹ đến thăm tôi ở trại. Mẹ vào nhà vệ sinh. Và khi quay lại, mẹ bảo, "Dọn đồ đi con. Mình về nhà."
Tôi đáp, "Mẹ, con không về đâu."
Bà đáp, "Mẹ biết đây là mơ ước của con. Nhưng con trai của mẹ sẽ không sống như thế này được."
Tôi bảo mẹ rằng nếu bà ép tôi về, và tôi không trở thành cầu thủ được, thì tôi sẽ trách mẹ suốt phần đời còn lại.
Bà thốt lên, "Đừng, con ơi... đừng có nói như vậy..."
Rồi bà bật khóc.
Tôi lại nói, "Đây là cơ hội của con. Con không cần biết con sẽ phải trải qua những gì. Con có thể ăn cùng một thứ 10 ngày liên tiếp. Con dùng bồn cầu bẩn cũng được. Đây chả là cái đinh gì cả!"
Mẹ nhìn tôi chằm chằm.
"Con nghiêm túc đấy," tôi nói.
Và mẹ đi về, nước mắt vẫn giàn giụa.
Đó là một trong những thời khắc khó khăn nhất đời tôi. Bạn phải hiểu điều này tác động đến mẹ tôi như thế nào. Mẹ không phải kiểu phụ huynh không biết gì về bóng bánh. Không đâu, bạn tôi à. Mẹ chính là người đã cho tôi tất cả tài năng tôi đang có. Tôi biết bố sẽ tức vì tôi nói thế, nhưng bố ạ, bố biết đấy là sự thật mà!! Mẹ đến từ một gia đình toàn các cầu thủ, và mẹ chơi bóng đến tận hồi dó. Khi tôi 5 tuổi, tôi và mẹ sẽ cùng chơi bóng ở bãi biển gần nhà. Chơi cho vui thôi, nhưng khi tôi mắc lỗi, mẹ sẽ bảo, "Con đừng dùng chân như thế. Làm như thế này này."
"Mẹ không phải kiểu phụ huynh không biết gì về bóng bánh. Không đâu, bạn tôi à. Mẹ chính là người đã cho tôi tất cả tài năng tôi đang có." Ảnh do Jorginho cung cấp.
"Mẹ không phải kiểu phụ huynh không biết gì về bóng bánh. Không đâu, bạn tôi à. Mẹ chính là người đã cho tôi tất cả tài năng tôi đang có." Ảnh do Jorginho cung cấp.
Tôi sẽ làm theo chỉ dẫn của mẹ, và ú oà, mẹ tôi đã chỉ đúng.
Mẹ rất nghiêm khắc. Nếu tôi bỏ lỡ những cú chuyền đơn giản, mèn ơi... bà sẽ xả tôi một trận. Tôi sẽ kiểu, ối giời, con mới 5 tuổi thôi. Haha!
Nhưng đó là vì mẹ muốn tôi có được những gì tốt đẹp nhất, bạn hiểu không? Vì thế mẹ đã rất đau lòng khi tôi không về nhà. Và tôi đã chứng kiến nhiều cầu thủ giỏi bỏ trại. Họ đã bỏ cuộc.
Còn tôi dành 2 năm ở nơi đó.
Và, tạ ơn Chúa, tôi đã được đền đáp, bởi năm tôi 15 tuổi tôi được ký hợp đồng vs Verona. Họ cho tôi vào ở trong một tu viện cũ. Đám chúng tôi có 6 cầu thủ trẻ, sống trong căn phòng bé tí với 3 cái giường tầng. Không có gì nhiều nhặn, nhưng tôi rất hào hứng.
Nước Ý!! Giờ thì điều gì cũng là có thể.
Ba tháng đầu rất tuyệt. Rồi mọi thứ bắt đầu trùng xuống, vì tôi không biết bao giờ tôi mới được về nhà. Và tôi sống chỉ với 20 euro mỗi tuần, do agent đưa cho, chính là cái lão đã mời tôi tham gia trại bóng đá đó. Lúc nào tôi cũng tiêu tiền đó cho mấy thứ y xì nhau. 5 euro để gọi về nhà ở Brazil, một ít mua dầu gội đầu, xịt khử mùi và kem đánh răng. Cuối tuần tôi sẽ dùng số tiền còn lại vào quán net để chém gió với bạn bè và gia đình trên MSN.
Đôi khi tôi cũng muốn tự thưởng cho bản thân, khi đó tôi sẽ đến quảng trường lớn của Verona và mua sữa lắc ở McDonald. Hết 1 euro. Khoai chiên không? Burger không? Quên đi, bạn ơi! Happy Meals chỉ có bọn con nhà giàu mới được ăn thôi. Thế rồi tôi sẽ ngồi ở một góc cầu thang cạnh quảng trường và ... nhìn. Tôi nhìn dòng người đến rồi đi. Tôi nhìn chim chóc, nhìn các du khách và chìm vào suy nghĩ. Đấy là cách tôi trải qua các buổi trưa thứ Bảy.
Khoai chiên không? Burger không? Quên đi, bạn ơi! Happy Meals chỉ có bọn con nhà giàu mới được ăn thôi.
Thực sự đó là quãng thời gian tồn tại trong cô đơn. Tôi mất một năm rưỡi như vậy, chỉ sống vì bóng đá. Nhưng năm 17 tuổi, khi tôi bắt đầu được tập luyện cùng với đội chuyên nghiệp ở Verona, tôi và agent đường ai nấy đi. Tôi không muốn kể nhiều, nhưng mọi chuyện khá tệ. Điều đó thực sự làm tôi tan nát cõi lòng
Tôi đã chịu đựng 2 năm ở một cái trại bóng đá tồi tàn ở Brazil.
Tôi đã sống 18 tháng liền chỉ với 20 euro mỗi tuần ở Ý.
Và giờ còn thế này nữa?
Tôi gọi cho mẹ, khóc lóc. "Mẹ, con xong đời rồi. Quá sức chịu đựng rồi. Con nhớ mẹ. Con về nhà đây." Và tâm trí tôi đã quay trở về Imbituba từ lúc đó rồi.
Nhưng mẹ đáp, "Cửa sẽ đóng."
Tôi hỏi lại, "Gì ạ?"
Mẹ bảo, "Con không được về nhà. Con về đến cửa, mẹ cũng không mở cửa."
Dino Panato/Getty Images
Dino Panato/Getty Images
Tôi thảng thốt. Bạn có tưởng tượng được việc mẹ mình nói vậy không?
Tôi gọi cho bố. Từ lúc bố mẹ không ở với nhau nữa, tôi nghĩ rằng tôi có thể sống với mình bố cũng được. Nhưng bố bảo rằng bố cũng sẽ đóng cửa.
Rồi bố mẹ tôi cùng lại một chỗ, và gọi cho tôi. Họ nói, đại loại "Jorge, con đang được tập luyện với các cầu thủ chuyên nghiệp, thế mà con định bỏ cuộc à? Sau bao nhiêu chuyện con đã chịu đựng ư? Chẳng có nghĩa lý gì cả. Hãy có niềm tin. Bước tiếp đi con. Rồi giấc mơ của con sẽ thành sự thật."
Sau này chị gái kể với tôi rằng, mẹ đã oà khóc sau khi cúp máy.
Cảm ơn Chúa, bố mẹ tôi đã mạnh mẽ khi cần phải vậy.
May mắn là tôi đã nghe lời họ. Tôi tìm được agent mới, João Santos, người vẫn đang làm việc với tôi đến tận giờ. Tôi cũng phải cảm ơn Rafael, lúc đó là thủ môn của đội và bây giờ như là anh em của tôi vậy. Khi tôi chỉ có 20 euro tiêu xài mỗi tuần, anh ấy đã đưa tôi về nhà, mua đồ ăn rồi quần áo cho tôi. João và Rafael là những người đóng góp lớn trong việc tôi được đôn lên đồi 1 của Verona năm 2011. Tôi sẽ không bao giờ quên những gì họ làm cho tôi.
Khi tôi chuyển đến chơi cho Napoli năm 2014, tôi phải chuyển đến một thành phố khác. Chắc mọi người đều biết người Napoli tính ra sao nhỉ? Wow!! Chính là sự nhiệt huyết đó! Họ đối xử với cầu thủ như là thánh thần vậy! Tôi không cả đi siêu thị được. Không cả đi được công viên. Chịu chết!! Tôi sẽ kéo sụp mũ lưỡi trai xuống che mặt và mặc áo hoodie để không bị lộ. Bố bảo trông tôi như dân tị nạn vậy.
Chắc mọi người đều biết người Napoli tính ra sao nhỉ? Wow!! Chính là sự nhiệt huyết đó! Họ đối xử với cầu thủ như là thánh thần vậy!
Có lần nọ bạn tôi đến thăm vào cuối tuần. Thường đội tôi sẽ đá vào Chủ nhật, nhưng lần đó chúng tôi đá hôm thứ Bảy và tôi bị nhầm ngày. Tôi đưa nó xuống trung tâm thành phố lúc 5h chiều, và đường đông không tả nổi. Lạy Chúa! Như vỡ trận. Xe pháo khắp nơi.
Tôi đã kiểu, Ủa, thứ Hai mà đường đông thế hả? Hay là giờ cao điểm?
Để chắc ăn, tôi mới hỏi một người hôm đó là thứ mấy.
"Chủ nhật."
Lúc đó tôi kiểu, "KHÔNGGGGGG!!!"
Rồi tôi quay sang thằng bạn và bảo, "Chuẩn bị đi mày. Giờ thì nhờ vào Chúa cả."
Ernesto Vicinanza/Pacific Press/LightRocket/Getty Images
Ernesto Vicinanza/Pacific Press/LightRocket/Getty Images
Chúng tôi cố dùng mưu. Tôi đội mũ lưỡi trai rồi cả mũ trên áo hoodie, rồi đi theo sau nó vào một con phố đi bộ nhỏ hẹp. Tôi bảo, "Cứ đi đi, đừng dừng lại." Chúng tôi đến Piazza del Plebiscito và trốn trong một quán bar đông đúc. May là hiệu nghiệm. Không ai nhận ra tôi.
Được một lát, chúng tôi định lỉnh đi bằng cách cũ. Nhưng khi cả hai đặt chân ra ngoài, đoán xem ai túm tay tôi xin chụp ảnh nào? Anh bồi bàn!!
Má, lộn xộn vãi! Chúng tôi đang đứng ngoài quán bar rồi. Tôi không muốn chửi thề, nhưng mà mẹ nó! Thà rằng chụp ảnh trong quán có phải dễ hơn không. Tôi đã kiểu, "Bro, ông đùa à? Sao đếch hỏi lúc trong quán ấy?"
Anh chàng mới bảo, "Tôi hỏi trong ấy thì tôi mất việc mất."
Lại thế rồi, chuyện hiếm ở Naples, đúng không? Hahahaha.
Dù sao thì, chúng tôi đã gặp nguy lúc đó, bởi vì quảng trường đông nghịt người. Đến lúc đó thì chỉ có anh bồi bàn nhận ra tôi, nhưng trời cũng sắp tối rồi. Rồi đoán tiếp xem nào? Anh bồi bàn bật flash. Rồi bấm nút chụp. TẠCH! LOÉ SÁNG! Mặt tôi sáng lên.
Cả quảng trường quay sang và gào lên, "JORGINHO!!!"
Tôi bảo thằng bạn, "Sắp thành cái chiến trường rồi."
Mọi người bắt đầu gào hét tên tôi. Ai cũng muốn chụp ảnh, kể cả mấy khứa không biết tôi là ai!! Họ kiểu, "XIN PÔ ẢNH! XIN PÔ ẢNH! MÀ Ê, THẰNG NÀO ĐẤY??" Tôi thề, đi một bước tôi chụp được mất ba bức ảnh. Và quên việc mọi người hỏi han lịch sự "Cho tôi chụp ảnh với được không?" đi, Naples không phải London, bạn à! Họ kéo rồi đẩy. Tôi nghĩ là bọn tôi sẽ không về nhà nổi mất. Nhưng sau nửa tiếng thì bọn tôi dã xuống được dưới phố.
May mắn, có người giúp tôi. Một anh chàng to cao trong hội fan của Napoli xuất hiện và bảo, "Này, để cậu ấy về nhà đi!" Anh ấy kéo tôi ra khỏi đám đông ấy.
Tôi bảo, "Cảm ơn anh rất nhiều."
Và anh chàng đáp, "Thế giờ đến lượt tôi chứ?? Chụp ảnh nhé?!"
Tôi mới bảo, "Bro, cậu vừa cứu tôi đó. Chụp 10 kiểu cũng được."
Naples, ối trời... điên loạn vãi. Nhưng tôi yêu thành phố đó. Và tôi yêu người Naples.
Sau 4 năm rưỡi, thực sự rất khó khăn khi tôi rời đi.
Sam Robles/The Players' Tribune
Sam Robles/The Players' Tribune
Khởi đầu tại Chelsea là tôi còn nhớ Naples hơn nữa. Ai cũng nhớ họ đã nói gì hồi đó mà, phải không? Tôi chậm quá. Tôi yếu quá. Tôi là con trai Sarri. Mẹ nó, tôi cáu lắm đấy.
Nhưng nghe này, họ đã đánh giá thấp tôi. Bạn thấy mà, tôi đã có khởi đầu đầy huyên náo với tất cả các CLB. Tất cả. Tuyệt vời lắm chứ. Khi tôi đến Verona, chẳng ai cần tôi cả. Họ cho một giải hạng 4 mượn tôi. Ở đó cũng đếch ai cần tôi. Nhưng tôi cứ làm việc và được họ tôn trọng thôi. Tôi trở lại Verona và chúng tôi thăng hạng lên đá Serie A. Tôi cũng có một năm khó khăn ở Napoli, trước khi Sarri đến và thay đổi mọi thứ. Thế nên mấy chuyện ở Chelsea á? Phì! Tôi sẽ coi chỉ trích như năng lượng của mình. Tôi đã nghĩ rằng, mấy người đó rồi sẽ bị quê độ thôi.
Và giờ tôi đang ngồi đây, với danh hiệu Europa League và Champions League. Vì vậy, tới tất cả những kẻ chỉ trích tôi, tôi chỉ muốn nói một câu thôi:
Cảm ơn. Thật đấy, cảm ơn các bạn.
Lần chúng tôi giành Europa League chứa đầy cảm xúc. Chúng tôi đang ăn mừng với gia đình trong một khách sạn ở Baku thì tôi bị lạc mất mẹ mình. Khi tôi thấy bà, bà đang đứng ở ban công, nơi có thể nhìn ra biển và thành phố. Lúc đó là 5 giờ sáng, mặt trời đang lên và khung cảnh thật nên thơ.
Mẹ bảo, "Thật là vui quá."
Tới tất cả những kẻ chỉ trích tôi, tôi chỉ muốn nói một câu thôi: "Cảm ơn." Thật đấy, cảm ơn các bạn.
Mẹ bắt đầu nói về việc tôi đã đi được xa như thế nào, gia đình tự hào về tôi ra sao, rồi việc kỳ diệu làm sao khi một đứa trẻ từ Imbituba đã đạt được nhiều thứ như vậy. Mẹ lúc nào cũng dễ xúc động, bạn hiểu mà? Vì vậy lúc đầu tôi đã nghĩ, đúng là các mẹ. Nhưng khi mẹ nói xong, tôi đã bắt đầu thổn thức.
Tôi bảo, "Này, con không muốn khóc đâu nhé. Quay vào thôi mẹ."
Mẹ nói đúng, tất nhiên rồi. Những gì đã xảy ra thật kỳ diệu.
Còn vào hôm diễn ra trận chung kết C1, tôi đã không ăn uống gì. Tôi quá bồn chồn. Mỗi giây trôi qua như một giờ vậy. Mèn ơi, đó là ngày dài nhất đời tôi.
Nhưng khi cuộc chơi bắt đầu, trong đầu bạn chỉ còn nghĩ đến những gì cần phải làm.
Rồi Kai ghi bàn, trọng tài thổi còi mãn cuộc, và bạn cảm giác kiểu, "gì thế này?"
Không có cách nào diễn tả được việc này cả. Bạn bắt đầu có một đám cảm xúc hỗn loạn cùng một lúc. Tôi bật khóc, như mẹ tôi. Quá nhiều thứ đã xảy ra rồi, bạn à... quá nhiều.
Claudio Villa/Getty Images
Claudio Villa/Getty Images
Và tôi còn chẳng có thời gian tiêu hoá mọi thứ, bởi không lâu sau tôi được gọi tham gia Euro.
Chơi cho đội Ý là một điều đặc biệt với tôi. Chọn ý thì dễ thôi. Brazil chưa bao giờ cho tôi cơ hội thực hiện ước mơ của mình cả. Ý thì chọn tôi vào đội, mặc dù tôi được sinh ra ở nước khác. Đây là một việc có ý nghĩa lớn với tôi. Lại nữa, ông tôi là người Ý, đó là lý do giúp tôi có quyền chọn chơi cho Ý. Tôi cảm giác như mình là người Ý vậy. Tôi dành gần nửa đời người ở đất nước này. Mỗi ngày tôi lại thêm yêu nước Ý.
Và tôi sẽ không bao giờ quên rằng khi tôi cần giúp đỡ, nước Ý đã giúp tôi.
Vì vậy nên làm sao tôi có thể quay lưng khi nước Ý cần tôi chứ?
Mặc dù vậy, tôi phải thật lòng: Tôi đã rất tổn thương vì không được gọi tham gia vòng loại World Cup. Cuối cùng khi tôi được trao cơ hội, là vào tháng 10 năm 2017, Ý thua trận playoff với Thuỵ Điển. Mọi thứ rất nặng nề. Tôi nhớ là Buffon đã khóc. Anh ấy xứng đáng với một lời từ biệt tử tế hơn.
Nhưng biết ơn làm sao khi cuối cùng chúng tôi cũng trở lại là chính mình. Công lớn nhờ Mancini. Một vài HLV ép cầu thủ phải chơi theo lối chơi mình mong muốn. Nhưng ông ấy lại thay đổi lối chơi cho phù hợp với các cầu thủ. Ông ấy thấy rằng đội không mạnh về thể lực, nhưng chúng tôi có thể chuyền và chạy chỗ. Chúng tôi chơi được. Và tôi phải công nhận rằng mọi chuyện cuối cùng khá là ra gì.
Tôi rất tự tin khi đá luân lưu vào trận chung kết. Tôi có kiểu sút riêng mà, phải không? Đá là một mẹo tôi bắt đầu dùng khi đá tập với Henrique ở Napoli. Nhưng Pickford đã nghiên cứu về tôi khá kỹ, cái này phải khen cậu ấy. Khi bóng không vào lưới, tôi đã kiểu, "Không, việc này không thể xảy ra..." và tôi đã nói vài câu mà không tiện nói ở đây được.
Và tôi sẽ không bao giờ quên rằng khi tôi cần giúp đỡ, nước Ý đã giúp tôi.
Rất khó để mô tả cảm giác khi bạn khiến cả một quốc gia thất vọng là như thế nào. Tôi chỉ cầu với Chúa là Gigio sẽ cứu tôi. Lạy Chúa, xin đấy.
Và khi cậu ấy làm được, tôi ngã gục xuống sân. Tôi không thể tin cả đội đã là nhà vô địch châu Âu.
Tất nhiên là vì đội thắng nên cú đá trượt của tôi chẳng là gì cả. Nhưng nếu thực lòng mà nói, thì tôi sẽ không bao giờ quên được. Đá trượt pen đã rất tệ. Nhưng để đá trượt pen trong trận chung kết - và một trận chung kết cỡ đó - thì tin tôi đi, người nào bảo đã quên là người đó nói dối.
Mặc dù vậy, tôi vẫn rất là vui. Mẹ tôi thì khóc, tất nhiên rồi. Tôi cảm giác y hệt lúc tôi vô địch C1 vậy. Bạn có một giấc mơ, rõ là vậy, nhưng bạn sẽ không tài nào tưởng tượng mình sẽ đi xa được như vậy. Và khi bạn làm được điều đó, cảm giác thật siêu thực. Bạn sẽ nghĩ về xuất phát điểm của mình và những gì mình đã trải qua.
Trại bóng đá.
Tu viện.
Các cuộc gọi với bố mẹ.
Và giờ bạn vô địch châu Âu? Tận 2 lần?
Siêu thực, bạn của tôi. Đó là từ duy nhất mô tả cảm giác ấy.
Claudio Villa/Getty Images
Claudio Villa/Getty Images
Khổ thân bố. Cuối trận bố đã bảo tôi, "Jorge, mày đừng làm thế này với bố nữa. Bố phải đi khám tim mất." Tôi ước là bố chỉ đùa thôi.
Tất nhiên, tôi biết là mình sẽ không ở đây nếu không có bố và mẹ. Có thể tôi đã ở Imbituba, xem trận đấu qua màn hình nhỏ. Và tôi chỉ muốn nhấn mạnh cho bạn hiểu rằng bố mẹ tôi rất quan trọng, cũng như Rafael và João. Chắc chắn, đây là một câu chuyện về việc theo đổi giấc mơ đến tận cùng. Nhưng đó cũng là câu chuyện về việc có những người tốt ở quanh ta. Những người quan tâm, và mong muốn ta có những gì tốt đẹp nhất.
Bạn à, bạn có thể trở nên giỏi hơn như bạn mong muốn. Tôi nói với bạn này: trong bóng đá, và trong cuộc sống, bạn không thể nào leo lên đỉnh một mình. Việc đó là không thể.
Mấy tuần sau trận chung kết Euro thật là kỳ diệu. Tôi dành ít thời gian ở Verona, nơi tôi đã lâu không về thăm, và ghé qua tu viện. Không may, lúc đó mọi người đang đi nghỉ lễ, nhưng có rất nhiều cảm xúc khi thăm lại ngôi nhà bạn từng ở 14 năm trước. Rồi tôi đến quảng trường chính, bước vào McDonald và mua một phần sữa lắc. Tôi ngồi xuống góc cầu thang, nơi tôi đã ngồi hồi còn niên thiếu, và tôi chỉ ngồi... nhìn.
Rồi tôi nhắm mắt và nhớ về quá khứ. Cảm giác như thể tôi thấy được bản thân lúc 15 tuổi đang ngồi đó, ngay cạnh tôi lúc này vậy. Không ai chú ý đến thằng nhóc. Không ai biết về nỗi nhớ nhà của thằng bé đó, hay về những cuộc gọi điện của nó với bố mẹ mình.
Nó chỉ là thằng nhóc bẽn lẽn, gầy nhom ngồi nhấp từng ngụm sữa lắc.
Nhưng tôi biết hết, từng khó khăn mà thằng nhóc đã trải qua, và cả những gì nó sẽ gặp phải. Vì vậy tôi nghiêng mình, thì thầm vào tai nó câu mà tôi sẽ nói với bất cứ đứa trẻ nào đang theo đuổi giấc mơ.
Tôi nói: "Đừng bỏ cuộc, anh bạn."
___________ Các bạn có thể đem đi thoải mái, vui lòng ghi người dịch là mình (Cát Nhĩ). Cảm ơn vì đã đọc đến tận đây. Đừng bao giờ từ bỏ giấc mơ của mình nhé!