Ocean waves (Ghibli, 1993)
Ocean waves (Ghibli, 1993)
Em có biết tại sao mấy cái blog, vlog, sách, podcast không có ích gì nhiều cho em không? Vì chúng chỉ là trò chuyện một chiều, và em là khán giả.
Khi em nghe hoặc đọc xong một ý tưởng nào đó, em rất thích, ví dụ như phương pháp trị bệnh trì hoãn 99%, lập kế hoạch tương lai, bí quyết học tập siêu hiệu quả,... những thứ đấy. Nhưng đến lúc thực hiện, tất nhiên, em thất bại.
Chúng chỉ là ý tưởng của họ, chứ không phải là thực tế của em. Khi em làm, em đang đụng thực tế. Và thực tế là em chưa có kinh nghiệm, em thất bại, và không có ai bên em cả.
Nói ý này, anh lại nhớ tới thầy dạy bơi của anh hồi đi học. Khi dạy anh bơi đứng nước, thầy bảo "con cứ thả lỏng ra, bí quyết là như thế".
Anh thả lỏng, và anh... chìm, và anh sặc, hẳn là phải vậy. Nhưng cái quan trọng, là thầy đã bên cạnh anh. Sự tồn tại của thầy, như nói rằng "con cứ sai đi, đã có thầy ở đây".
Cái họ - những người truyền tải nội dung cho em, không làm được, là ngồi lại với em, lắng nghe em, cùng suy tư với em, chứng kiến em sai, và sửa sai cùng em.
Anh rất muốn ngồi lại với em, vì cơ bản là anh rảnh. Haha. Anh còn nghĩ, xã hội ta nên có nhiều người U30 rảnh như thế này hơn, vì tuổi 20 anh đã rất sợ làm phiền họ, khi hỏi, toàn thấy họ bảo bận rộn quá.
Rảnh là một chuyện, thật ra, anh thích trò chuyện thật sâu, để lắng nghe em, để giúp đỡ em, để học từ em, để vui, hoặc chả để chi cả..., và đây, chúng ta cùng ngồi lại với nhau.
Em cứ hỏi đi, anh sẽ trả lời trong khả năng của anh. Cuộc trò chuyện này, chúng ta bữa đó đã ngồi dưới tán cây xanh, với tiếng lá rào rạc và chim ríu rít.
Anh chỉ đơn giản là viết lại đây thôi.
Only Yesterday (Ghibli)
Only Yesterday (Ghibli)
***
- Em thấy tương lai mông lung quá, em không biết mình thực sự thích gì, mình sẽ làm gì.
- Ồ, chuyện này là hình như ai cũng bị ấy, đặc biệt là lứa sinh viên tụi em. Vì hồi còn đi học cấp 2 cấp 3, tụi em có tư duy khá chân phương, như là chỉ cần học tốt, điểm cao, đậu trường ngon, rồi ra làm công việc phù hợp với ngành.
Tất nhiên lúc đó tụi mình cũng cảm thấy áp lực, mệt mỏi một phần, nhưng ít ra, mục tiêu nó khá rõ ràng, nó khiến mình có động lực vượt khó hơn.
Nhưng đến thời sinh viên thì, tụi mình chứng kiến vài bạn đồng trang lứa bỏ học, đổi ngành, hay ra khởi nghiệp, trải nghiệm sống, đủ thứ cả. Đúng không? Nhất là khi mình chơi mạng xã hội quá nhiều nữa, rồi trên đấy toàn những thứ hay ho ngầu lòi người ta show ra.
Cộng thêm việc mình đang không thích ngành mình học. Thế là mình có lựa chọn bỏ học hay không bỏ học. Rồi nếu bỏ thì làm gì, không bỏ thì lãng phí tuổi trẻ không. Tự dưng đủ thứ vấn đề phức tạp khiến mình bối rối, mông lung.
Thật ra, em mông lung thì lại hợp gu anh đó!
Bởi có một thể loại người trẻ, họ biết từ sớm họ thích gì, và họ thậm chí xây dựng kế hoạch 10 năm luôn. Anh thì không vậy, anh cũng từng mông lung như em, nên anh kể chuyện anh, em tham khảo thử hen.
- Dạ anh.
- Đầu tiên là, em hoàn toàn không hiểu gì về em hết, thì chắc chắn là tương lai em cũng không rõ ràng luôn. Bởi muốn đề ra mục tiêu xa, thì em cần hiểu em, và hiểu cách thế giới vận hành nữa.
Đó là lý do, lúc em còn là sinh viên, em cứ trải nghiệm nhiều thứ vào, như anh hồi xưa ấy. Em phải trải nghiệm thì em mới có vốn sống để làm chất liệu hình dung tương lai mình ra sao. Chứ em không trải nghiệm, thì thua.
Cho nên, em đừng nghĩ gì tới tương lai xa cả, cứ nhắm cái gần, cái em có khả năng làm được, mà làm.
Hồi đó anh học đại học, anh nhắm là học 5 năm, thay vì 4 năm, bỏ luôn vụ Gap year, vì anh định là rớt môn nào, cứ để năm cuối trả đủ, còn lại vừa học, vừa làm, vừa chơi, vừa phượt, vừa hẹn hò, đủ thứ linh tinh anh muốn, vì với anh, thời sinh viên là để trải nghiệm sống.
Đó là lý do anh rớt khá nhiều môn, thậm chí có vẻ đội sổ, và rất ít khi đi học. Hồi năm 4 bạn lớp trưởng còn hỏi anh là "ông tên gì?", dù lớp chỉ có 36 mống, trong đó có 6 đứa con trai. haha
Nhìn chung, anh thấy có mấy cái anh học được nhiều là:
- Đọc sách, để học từ kinh nghiệm của người khác, chứ chỉ học từ kinh nghiệm bản thân là cực lắm. Với lại, chắc đôi lúc em cũng cảm thấy ngộp bởi nhiều kiến thức quá đúng không? Đó là bởi tụi mình hay tiếp thu kiến thức quá rộng, mà lại nông, từ nhiều nền tảng khác nhau.
Vậy khi em đọc sách, em sẽ được tiếp nhận tri thức mang tính hệ thống, có bề sâu hơn, vốn đã được tác giả cẩn thận nghiên cứu, chắt lọc. Đó là cái hấp dẫn của sách.
Sách truyện, tiểu thuyết thì có cuốn Suối nguồn, Kẻ xa lạ, Born a Crime, Những người khốn khổ, và 1984 hay. Sách kinh doanh thì có vài cuốn Dạy con làm giàu, Think and Grow Rich anh thấy dễ hiểu, nó đem đến những cái kiến thức căn bản để sau này anh khởi nghiệp. Self help thì có cuốn Deep work, Barking up the wrong tree, A mind for numbers, Atomic Habits. Anh thường đọc tiếng Anh, và theo anh biết, đa số sách này có bản dịch tiếng Việt. Sách kiến thức thì có Lược sử loài người, Tâm lý học đám đông, Tư duy nhanh và chậm. Sơ sơ vậy thôi, chứ anh đọc cả trăm cuốn. ^^ Nói chung em cứ có thói quen đọc sách, là rất tốt.
https://www.instagram.com/shato_illust/
https://www.instagram.com/shato_illust/
- Cái thứ 2 là, yêu đương. Yêu đương sẽ giúp em hiểu em hơn rất nhiều, vì đa số người ta sướng khổ vì yêu, mà trong cái khổ thì mình mới nhận rõ mình nhất. Ví dụ như mình nhận ra là đời mình ít niềm vui quá, mình lấy người đó làm niềm vui, người đó như sự giải thoát mình khỏi mấy cái nhàm chán thường ngày chẳng hạn. Nên khi chia tay, mình đau khổ, như con nghiện bị cắt thuốc vậy, và mình dễ nhận ra rằng, cái quan trọng là mình tìm được niềm vui cho riêng mình. Nói vậy chứ, anh vẫn thấy có 2 mình thì vui hơn. haha
Với lại, yêu cũng là cơ hội để mình hiểu thật sâu một tâm hồn khác, một cuộc đời rất khác mình, anh thấy điều đó thật đáng quý, và anh rất trân trọng những mối tình đã qua của anh, anh học được từ họ rất nhiều.
(không rõ nguồn)
(không rõ nguồn)
- Tiếp theo là Công việc, thì anh làm linh tinh đủ thứ, từ đứng quầy bán hàng, chở hàng, khuân vác, kinh doanh, làm tour du lịch, chụp ảnh, quay phim, phiên dịch, dịch báo. Anh là một đứa lông bông nên anh đã không thích làm văn phòng từ hồi sinh viên rồi, vì anh có tham khảo mấy anh chị ra trường, cảm thấy không thích bị trao việc, mà là thích mình tự đi tìm việc hơn, một cách chủ động. Hóa ra cái anh làm đang thành trào lưu ngày càng thịnh hành trên toàn cầu. Mấy cái freelancer, slack job (việc làm uyển chuyển) ấy.
Với lại, em cứ trải nghiệm rộng, đồng thời rèn luyện những kỹ năng cốt lõi như Tư duy, Viết lách, Tự học, Giao tiếp, Làm việc sâu (deepwork)... thì những kỹ năng đó em có thể luân chuyển ở bất cứ công việc nào cũng được. Công việc có thể bỏ em, nhưng kỹ năng nền thì không.
Đồng thời, em có thể kết hợp 2 hoặc nhiều hơn các kỹ năng thành 1 công việc, ví dụ như kỹ năng vẽ, và kỹ năng kể chuyện, thì em có thể trở thành blogger có những chiếc ảnh xinh xinh minh họa, hoặc thậm chí em vẽ truyện tranh luôn. Mấy cái đó tạo nên một cái cuốn hút rất chất của riêng em, và thị trường thích những sự sáng tạo như vậy.
- Nhưng mà anh, trải nghiệm nhiều, đó cũng là điều mà tụi em được khuyên nhiều nhất. Nhưng lúc có cơ hội trải nghiệm thì tụi em lại so sánh kiểu nó có mất thời gian không, có ảnh hưởng chuyện học, mình học được cái gì.
Tức là cần cẩn trọng bởi sợ đi sai. Sợ không có thời gian để quay lại, không có tài chính để gỡ ra. Vậy trải nghiệm sao mà thấy trọn vẹn thật sự í.
- Ồ, đúng là, nếu anh khuyên chung chung vậy thì nghe sáo rỗng thiệt ha. Mà nhờ có em ở đây, anh mới cụ thể hơn được.
Để xem. Hãy trải nghiệm đi, không hẳn là hãy sống một cách bừa bãi, liều mạng. Ví dụ, yêu đương, thì nhớ dùng bao, có bầu là rất mệt. Đi phượt, nhớ đừng cắm lều 2 đứa ở một chỗ quá vắng vẻ người. Tức là, trải nghiệm cũng cần sự đánh giá cẩn thận của em với cái việc em sẽ làm.
Mà đã quyết làm rồi, thì đúng sai nó không quan trọng. Quan trọng là em đã được tự chủ đời em, em đã đưa ra quyết định cho em, em chịu trách nhiệm với đời em, đó là điều ít bạn trẻ nào dám làm. Chủ động hơn trong đời sống, là điều sẽ khiến em tự do hơn.
Với lại, đời cơ bản là khó khăn, và chúng ta sẽ có nhiều lúc phân vân giữa các lựa chọn khó khăn. Anh lại chợt nhớ ra chuyện này, em nghe anh kể không?
- Dạ anh kể đi, em nghe.
- Đó là chuyện về triết gia Sartre và cậu thanh niên trẻ.
"Vào năm 1942, một chàng trai trẻ hỏi Sartre (triết gia người Pháp) rằng giờ bạn ấy phải đứng trước 2 lựa chọn khó khăn: một là bạn sẽ theo nghĩa quân kháng chiến chống Đức xâm lược, mà nhiều khả năng sẽ chết, và không có cơ hội phụng dưỡng người mẹ già của bạn, cả 2 vốn chỉ còn có nhau và rất yêu thương nhau. Hai là bạn sẽ cùng với mẹ đi lánh nạn, nhưng như vậy chẳng khác gì bạn trở thành một kẻ hèn nhát, phản quốc, bỏ rơi hết những bạn bè, xóm giềng, đồng bào! Nghĩ đến chuyện ấy bạn thấy rất hổ thẹn, khó mà sống được!
Sartre bảo rằng: việc bạn lựa chọn cái nào không quan trọng bằng việc bạn nhận ra rằng bạn là một người tự do. Bạn là một người tự do, bất cứ lựa chọn nào cũng là bạn tự do lựa chọn cả, và sẽ chẳng có gì phải hối tiếc khi bạn lựa chọn với tư cách là một người tự do. Bạn chỉ việc lựa chọn thôi."
Em thấy đó, bây giờ em đang phải trông quán cho mẹ. Nhưng đồng thời, em có thể đóng cửa quán, em xách xe máy chạy một mạch lên Đà Lạt cũng được.
Nhưng em lựa chọn canh quán. Em đang tự do. Em tự do được lựa chọn giữa canh quán và Đà Lạt, và em thấy chuyện canh quán không có gì hối tiếc cả. Vì em đã tự do lựa chọn điều đó.
- Em thấy... câu chuyện còn mông lung quá. Em biết là tự do lựa chọn. Nhưng em vẫn sợ là sẽ hối tiếc á.
- Ồ, em có hối tiếc gì không?
- Dạ không.
- Vậy có phải em đang sợ cái em không biết không?
- ...
- Có những thứ em sợ, nhưng đến lúc làm, em thấy không như em tưởng tượng, đúng không?
- Dạ.
- Vậy nhưng, sợ thì mình vẫn cứ sợ, mình chưa có thói quen đối diện nỗi sợ. Cho nên, đối diện nỗi sợ, là một kỹ năng, mà nếu làm thường xuyên, thì tạo nên thói quen, từ đó em sẽ không sợ linh tinh nữa. Mà anh thấy, chính những nỗi sợ linh tinh mới khiến đời mình thui chột. Ví dụ viết bài trên Spiderum không đáng sợ như anh nghĩ, bị người ta mỉa mai, phỉ báng, cũng không đáng sợ lắm.
Vậy em cứ làm thử mấy thứ em sợ đi, rồi em trở lại đây review cho anh nghe.
- Dạ anh.
- Mà, haha, có phải đó là điều em cần nghe nhất không?
- Đúng rùi.
- Được quyền sai, rồi có người để cùng rút kinh nghiệm với em.
Anh nghĩ, nhiều lúc mình sợ sai, bởi sai xong, người ta bỏ rơi mình hết. Mình bơ vơ. Đó là nỗi sợ lớn nhất.
- Dạ.
- Chà, thứ cuối cùng trong mấy thứ anh học được hồi trẻ đó là: mentor.
Thực sự thời sinh viên anh khá cô độc, mấy cái anh muốn nói, như ý nghĩa cuộc sống, chính trị, thì mấy đứa bạn anh không thích bàn. Và thế là nhờ anh viết status facebook nhiều về những chủ đề ít ai nói, bị tụi bạn chửi, block, unfriend nhiều, thì anh mới được vài người bạn lạ nhưng hợp gu kết bạn, giới thiệu thêm bạn khác nữa. Rồi nhờ duyên đó, anh gặp một anh, hơn anh 12 tuổi, và anh thầm coi ảnh là mentor của anh, nhờ ảnh anh mới thích hơn chuyện suy tư, viết lách, đối thoại,... đồng thời cảm thấy tương lai thật đáng mong chờ.
Kiểu tuổi 20 em chắc giống anh, là sợ già ấy, sợ 30 rồi thì mình kẹt với cuộc sống nhàm chán tẻ nhạt và đầy gánh nặng trách nhiệm. Nhưng khi thấy một anh 30 đã ngầu, lại còn có thể ngồi hàng tiếng triết lý thoải mái với một đứa lông bông, thiếu hiểu biết như anh, thì anh thấy wow U30 chả đáng sợ lắm! Và thật sự đúng là hiện tại, ở tuổi 30 đây, anh thấy sống vui hơn thời 20 nữa. Nó giống như anh đang ở chế độ pro của trò chơi cuộc sống vậy. Mà nhờ đó, anh đang ở đây với em, một cách thoải mái, từ tốn, và tự nhiên tự tại.
Ừa, tuổi trẻ cần sự truyền cảm hứng từ thế hệ đi trước lắm. Giống như con nhộng thấy con bướm cất cánh bay vút lên trời vậy: con nhộng biết là một ngày nào đó, nó cũng sẽ như thế.
(Anh hy vọng ở đây, em cũng sẽ cảm thấy vậy, như anh đã từng.)
P/s: Cuộc trò chuyện ở trên là một cuộc trò chuyện có thật, của anh 31 với em 19, (tất nhiên sửa tựa đề cho nó vần). Và đây là series, phần sau sẽ vẫn trò chuyện như thế, về những thắc mắc của một người trẻ.
Mình vẫn sẽ đón nhận các cơ duyên trò chuyện, các bạn cứ còm hỏi, inbox, hẹn gặp nhau ở buổi offline Spiderum (mình thường tổ chức), hoặc cho cái hẹn chat voice cũng được.
Bài viết cùng tác giả: