…hay là Baudrillard rơi tự do.
Today is the first day of the rest of your life
Dạo gần đây, mình thường hay lặp đi lặp lại câu quote này. Người ta thường gán nó cho một ông nhà báo nào đó, nhưng sự xuất hiện đáng chú ý nhất của nó nằm ở hai trường hợp: Trong tập tùy bút “Những ký ức Lạnh” (Cool Memories) của triết gia Pháp Jean Baudrillard năm 1980 và câu nói đầu tiên của nhân vật chính Lester Burnham trong phim Vẻ đẹp Mỹ (American Beauty) năm 1999.
Với mình, đây là một trích dẫn tuyệt đỉnh, bởi nó đồng thời mang hai ý nghĩa trái ngược nhau, một dạng contranym (contraphrase?). Một mặt, ý nghĩa của nó dường như hiển hiện vô cùng tích cực: Đó là hãy nắm bắt ngày hôm nay, của “món quà” – present, đừng bỏ phí nó. Hôm nay sau khi thức dậy, một ngày mới lại đến, bạn có cả cuộc đời còn lại để bắt đầu mọi hành trình. Hãy chộp lấy cuộc sống bạn có vì bạn đang sống với mọi cơ hội, mọi sự khởi đầu tuyệt vời nhất mà bạn có thể nghĩ ra. Nó nói rằng, quá khứ đã diễn ra rồi và không thể thay đổi được, và ngày mai là nơi tương lai không lường đoán. Nhưng trong thời điểm này, bạn có thể làm mọi điều bạn muốn. và quá khứ không thể ngăn cản lại những dự định của bạn, mới mẻ, tinh khôi, đầy sức sống trong phần đời còn lại của mình. Carpe Diem! Bạn hét lên, hãy nắm lấy ngày hôm nay! Hãy đi theo trái tim của bạn, hãy làm những gì bạn đam mê! Hiện tại là một món quà và tương lai đang rộng mở! Vâng, nó là của bạn, của bạn mà thôi!
Nghĩa còn lại… Tệ hơn. Nguyên văn câu quote của Lester Burnham là “Bạn có biết cái câu haydán trên mấy cái poster không, “hôm nay là ngày đầu tiên của phần đời còn lại của bạn”? Ừ, câu đó đúng với mọi ngày trừ một ngày: Ngày bạn chết”. Trong phim thì câu nói đó như một lời gợi mở về số phận đáng buồn của Burnham, một gã nhân viên văn phòng thiếu chí tiến thủ, thiếu kiêu hãnh, đam mê và chỉ thật sự sống một cách méo mó và dị dạng trong chính những ngày cuối đời của mình. Ở đây, câu quote cho thấy sự ám ảnh về cái chết của Burnham, rằng không, cuộc sống chẳng có nhiều hy vọng như vậy, nó chẳng mở ra nhiều cánh cửa và cơ hội như vậy, vì cái chết luôn luôn trực chờ, và “ngày đầu tiên của phần đời còn lại” của bạn có thể chỉ đơn giản là ngày cuối cùng của bạn mà thôi.
Cũng với ý đồ này, nhưng, như một triết gia hậu nhân loại, hậu lịch sử đặc trưng, Baudrillard còn đi xa hơn nữa. Cool Memories là một tuyển tập những châm ngôn, suy ngẫm ngắn của Baudrillard trong hơn nửa sự nghiệp của mình. Và ông bắt đầu quyển sách bằng câu quote đó, để rồi, ở trang tiếp theo, giải thích rằng: “Tôi phải cho rằng tôi đã đi qua, một lần trong đời, nơi đẹp nhất tôi đã từng đến. Cũng hoàn toàn hợp lý khi cho rằng tôi đã gặp người phụ nữ mà vẻ đẹp của nàng làm tôi đắm say nhất và sự rời bỏ của nàng làm tôi đau đớn nhất. Một tình huống thứ hai với thứ tự tưng đương sẽ khó lòng xảy ra – mà ngay cả trong trường hợp đó thì sự mới mẻ, sự hồi hộp của sự kiện đó cũng sẽ mất. Tôi cũng phải cho rằng tôi đã viết một, hoặc là hai, cuốn sách hay nhất tôi có thể viết… Và đây là điểm mà phần còn lại của cuộc đời bắt đầu”.
Vâng, Baudrillard gần như đảo ngược hoàn toàn ý niệm ban đầu của câu quote. Với ông, sự quan trong không phải sự khởi đầu mới, vế “ngày đầu tiên”, mà sự quan trọng nằm ở đoạn “phần đời còn lại”. Với ông, lịch sử đã kết thúc. Có thể đó là sự tuân phục của một người cựu Marxist trước sự lên ngôi hoàn toàn của chủ nghĩa tư bản tân tự do mà Fukuyama đã đắc thắng tuyên bố? Có thể đó là lịch sử của toàn nhân loại, nơi vũ khí hạt nhân được ra đời và đưa thế giới vào tỉnh cảnh bế tắc một lối đi, nơi mà cái kết của nhân loại sẽ là cái kết được đếm ngược khi ngày những trái bom cùng nổ? Có thể đó là lịch sử như diễn trình phát triển, lịch sử của các đại tự sự bị biến mất trong xã hội hậu hiện đại mà Lyotard đã nói? Có thể đó là một lịch sử cá nhân, khi ông cho rằng mọi thứ vĩ đại của bản thân đã kết thúc?
Dù đó có là gì, thì giờ ông và những người tin vào ý nghĩa thứ hai của câu quote này đều vác trên vai một cây thánh giá của số mệnh đã kết thúc: Họ đang sống chơi vơi như đang rơi, đang sống một cuộc đời mà họ sẽ luôn phải cho rằng, mọi thứ tốt đẹp nhất có thể đã lùi ra sau. Trong thế giới hậu lịch sử, hậu số mệnh đó, niềm tin của họ là sự chấp nhận hiện tại, một nơi mà họ phải tự tìm cách rơi khỏi số mệnh của mình.
Baudrillard kết thúc phần mở đầu của quyển sách: “Nhưng, “phần còn lại” cũng có nghĩa là những gì bạn nhận được thêm. Và đâu đó có một sự quyến rũ và tự do ở việc để tất cả mọi thứ xảy đến với mình - dù là với sự duyên dáng hay niềm chán nản – của một số mệnh sau này”. Vậy là, ngay cả khi khuyển nho nhất, bi quan nhất, Baudrillard vẫn nhìn thấy đâu đó sự quyến rũ rất thường thấy trong triết học nơi ông, về một niềm hy vọng, về những trò chơi mà cuộc đời sẽ đem lại cho mình, ngay cả khi cuộc đời của mình sẽ chẳng còn một số mệnh cố định.
Mình ám ảnh với câu nói này tương đương với một câu nói khác của cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, mấy năm trước khi ông qua đời: “Cuộc đời cuối cùng cũng chỉ có một tiếng ừ, một tiếng không”. Đúng thế nhỉ, nếu nhìn câu nói này như là một niềm hy vọng, thì đó là một tiếng ừ. Còn nếu nhìn câu nói này như cảnh tỉnh về số phận sau lịch sử, thì đó là một tiếng không. Một tiếng ừ, một tiếng không. Một ngày đầu tiên, phần đời còn lại.
Tạm biệt.