Hôm rồi, mình nghe chuyện của một anh cùng công ty, gắn bó với công việc hơn 10 năm nhưng phải nghỉ rồi lao đao tìm việc mới. Bởi vì sao? Nghĩ đơn giản, vì phòng ban thay đổi cơ cấu. 
Có lần, mình nghe đứa bạn kể chuyện đề xuất một ý tưởng nhưng không được sếp thông qua. Đứa bạn mình tâm huyết lắm, nêu đủ lập luận để khẳng định góc nhìn. Nhưng chẳng xi nhê gì. Bởi vì sao? Nghĩ đơn giản, sếp chẳng chịu lắng nghe. 
Mới đây, mình có tham gia một khóa học online. Trong quá trình học, một chị học viên chia sẻ câu chuyện làm mình suy nghĩ rất nhiều khi chị bị trầm cảm, chồng là con trai một và gia đình chồng làm đủ điều khó dễ như muốn bóp nghẹt chị. Bởi vì sao? Nghĩ đơn giản, gia đình phía chồng có ác ý với chị. 
Thường thì, khi gặp chuyện gì khó, điều gì nghịch ý hay cái gì không thuận lợi, chúng ta sẽ nhanh chóng gán ghép nguyên do cho một sự việc, một ai đó bên ngoài. Thực ra, đó là cách làm dễ dàng, phản ánh nhu cầu "tự vệ" để không tổn hại lòng tự trọng của mỗi người. Tuy nhiên, cách nhìn đó lại hàm chứa suy nghĩ "độc hại" rằng, "tôi đã đủ tốt, cái gì không như ý là do người khác" và khiến bản thân không phát triển thêm được. 
Với mình, cái gì ở bên ngoài là ngoài tầm với, là không kiểm soát được mà chỉ có thể làm hết sức để ảnh hưởng, tác động. Nếu đã nỗ lực làm tất cả những gì có thể mà kết quả vẫn không như ý mình muốn, chỉ đơn giản là vì nội lực bản thân không đủ để tạo ra kết quả mà mình mong muốn. Mà NỘI LỰC thì gồm 2 phần chính là NĂNG LỰC và NĂNG LƯỢNG. 
Trước hết, năng lực là khả năng tạo ra kết quả, thành quả hay giải quyết vấn đề trong mọi khía cạnh cuộc sống. Năng lực tạo nên bởi tư duy, kiến thức và kỹ năng. Kỹ năng chuyên môn, quản trị cảm xúc, quản lý tài chính, xây dựng mối quan hệ, chăm sóc em bé,... đều là năng lực. Khi tiếp xúc với một lĩnh vực mới, chúng ta học hỏi kiến thức để hiểu về thứ mình đang theo đuổi. Sau đó, chúng ta mang những gì đã hiểu, đã biết áp dụng vào thực tế và rèn giũa dần để tạo nên bộ kỹ năng, giúp hoàn thành các vai trò của người cha, người mẹ, người vợ, người chồng, nhân viên hay sếp,... Khi kỹ năng đủ cứng và kiến thức đủ nhiều sau thời gian va vấp, tư duy được nâng tầm và tác động rất nhiều đến chất lượng cuộc sống. Bởi vì, chính tư duy quyết định một sự việc là vấn đề hay cơ hội, mở ra tiềm năng phát triển của bản thân hay tạo thành “địa ngục” chôn vùi cuộc đời một con người. 
Năng lực đủ tốt, bạn chẳng cần lo lắng bị mất việc vì luôn được săn đón. 
Năng lực đủ cứng, bạn đủ sức thuyết phục sếp lắng nghe và có cơ hội thực thi ý tưởng. 
Năng lực đủ sâu, bạn chẳng ngại các tác động từ bên ngoài mà cứ cần mẫn thực hiện những điều bản thân cho là đúng và xây dựng cuộc sống mình mơ ước. 
Năng lực càng mạnh, bạn càng có sự chủ động và giải pháp để lựa chọn trong “cuộc chơi” mình đã đâm đầu vào. 
Tất nhiên những vấn đề, khó khăn mà mỗi người cần giải quyết trong cuộc sống là khác nhau, độ khó càng cao đòi hỏi cấp độ năng lực cùng thời gian rèn giữa tương ứng. Nhưng nếu không tìm cách phát triển năng lực mà lại mãi quẩn quanh với suy nghĩ do người khác mà cuộc đời tôi như vậy thì phải chấp nhận rằng là do bạn "yếu"! 
Ừ thì nếu như, bạn đã có năng lực, nhìn thấy rất nhiều việc có thể làm để hiện thực hóa tầm nhìn bản thân nhưng thực tế lại làm chẳng đến đâu, thì vì sao? Vì năng lượng bạn không đủ để "động cơ" hoạt động. Dù bạn rất muốn nhưng “một chiếc xe cà tàng, thiếu nhớt, cạn xăng” có ráng lắm cũng chỉ lê lết từng bước nặng nhọc thay vì chạy bon bon để chinh phục nhiều đỉnh cao mà bản thân ước muốn. 
Mình để ý thấy, một lý do lớn mà chúng ta không thoát ra được khỏi "vũng lầy" dù rất muốn là vì không chú trọng quản trị ba loại năng lượng thiết yếu nhất là thể chất, tinh thần và cảm xúc. Những nguồn năng lượng này là hữu hạn, hao mòn sau quá trình sử dụng nhưng chúng ta lại sử dụng như những "viên pin" vô hạn và không có điểm dừng. 
Hẳn không ít người trong chúng ta quen thuộc với việc thức dậy uể oải vào buổi sáng, hối hả đến chỗ làm rồi bị cuốn vào các câu chuyện không đầu không đuôi, khó chịu người này, bực dọc chuyện kia. Ngồi làm việc cứ ngóng đến lúc đồng hồ điểm 5H chiều là đứng dậy đi về. Hôm nay có "kèo" đi chơi thì "quẩy" đến khi mệt rũ thì thả mình xuống giường rồi mệt mỏi gượng dậy vào sáng hôm sau. Còn nếu không có hẹn đi chơi, đi "bay" thì cũng chẳng ngủ sớm hơn là bao khi vùi mình vào màn hình điện thoại, “hít hà drama”, “say mê hóng phốt” đến 2H, 3H sáng mới "hạ cánh tay" và chìm vào giấc ngủ, rồi lại vất vả chống chọi với tiếng báo thức khi mặt trời ló dạng. 
Mình nghĩ, lối sống này chẳng có gì là xấu, nếu chúng ta hạnh phúc với nó. Tuy nhiên, khi cứ sinh hoạt như vậy, chúng ta đang tiêu hao năng lượng thể chất khi không cho bản thân có thời gian nghỉ ngơi đầy đủ và chất lượng, "đầu độc" cảm xúc khi liên tục "tiêu thụ" các loại "thức ăn" độc hại, đem lại cảm giác thỏa mãn nhất thời nhưng khiến bản thân tiêu cực dần qua thời gian.  Và sau cùng, tinh thần dần kiệt quệ, chán nản và vô định khi sống thiếu định hướng, trôi dạt theo những lời mời gọi bên ngoài để tìm kiếm niềm vui ngắn hạn. 
Ví von cho vui thì hãy nghĩ đến viễn cảnh, bạn là một cao thủ võ lâm. Năng lực của bạn là tuyệt chiêu dùng để xưng bá thiên hạ, còn năng lượng là phần nội công để tung chiêu, trấn áp kẻ thù. Chiêu thức hay, sát thương mạnh mà nội công không đủ thì cũng chỉ… "gãi ngứa" thôi. Vậy nên, song song với việc phát triển năng lực, điều chúng ta cần làm là học cách giữ gìn và "sạc" lại năng lượng bằng cách sinh hoạt có kế hoạch như ngủ trước 12H đêm, tập trung vào những điều tích cực trong cuộc sống và dành thời gian, dù ít, để làm điều bản thân yêu thích. 
Ở trong đời, ai mà chẳng muốn sống theo cách mình muốn, làm theo cách mình nghĩ và tự do làm điều mình thích. Nhưng cái gì cũng có cái giá của nó, và tự do cũng vậy, cần phải có bản lĩnh và không ngừng trau dồi nội lực của chính mình, mỗi ngày, từng chút một. Nhưng mình tin, nó đáng để chúng ta bỏ thời gian và nỗ lực để được sống trọn vẹn tiềm năng, thỏa sức xây dựng điều bản thân khao khát. 
Cầu chúc, mỗi chúng ta sẽ không ngừng nâng tầm nội lực, để là người có quyền quyết định lớn nhất, cuộc đời mình!