Phụ trách ảnh: Phạm Google
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Tuần này, thứ đọng lại nhiều nhất với mình là buổi sinh hoạt CLB public speaking hôm thứ 7, chỉ vỏn vẹn 8 người thôi mà sao học được nhiều đến thế. Vẫn như thường lệ, dù là cùng nhau rèn luyện kỹ năng nói, nhưng chính những câu chuyện, những trải nghiệm cá nhân mà mọi người chọn để chia sẻ mới là thứ tài sản lớn nhất.
Đầu tiên là cách mà tâm trí gắn những thứ tưởng chừng rất khách quan, vô nghĩa, như những con số chẳng hạn, với những kỷ niệm và ký ức của chúng ta. Bác gái Mary-Anne ở tuổi đời đã gần đầu 8, vì con số 77 được nhắc đến ở đầu buổi sinh hoạt, mà nhớ về ngôi nhà đầu tiên của 2 vợ chồng bác khi cưới nhau từ thuở còn teen - những năm tháng thực sự gian lao cùng người chồng bất hảo và cuộc hôn nhân tăm tối kết thúc bằng việc chia rẽ hai ngả. Nhưng quan trọng là bác bảo có thế thì bác mới thực sự biết trân trọng người chồng thứ 2, hiền lành, đúng mực của mình, để có thể sống với nhau trọn vẹn đến khi ông qua đời.
Hay những chia sẻ rất … thật của Sofia, cô sinh viên PhD người Tàu, về việc đã phải đấu tranh tư tưởng thế nào trước khi đến tham dự với CLB buổi đầu tiên này, bởi cô hiểu tiếng Anh của mình còn rất hạn chế và cũng chẳng có mấy kinh nghiệm nói năng. Nghe đoạn ấy tự dưng mình nở nụ cười, hình như mình đã quên mất rằng việc bước một bước nhỏ đầu tiên là khó đến thế nào, dù cho ta có hiểu rõ rằng hành trình ấy là có lợi cho mình bao nhiêu đi chăng nữa (Sofia thực ra đã đăng ký tham dự các buổi sinh hoạt của CLB trên Meet-up website khá nhiều lần từ hơn 1 năm nay, nhưng đây mới là buổi đầu tiên mà cô thực sự có mặt).
Rồi Will với cái topic củ chuối mà chính ổng sưu tầm xong bốc phải: “Real love is not stuff of pop songs” (xong mặt đần thối ra lol). Thế rồi ổng bảo chẳng hiểu sao thứ hiện lên trong tâm trí ổng là những bài báo từ xa xửa xa xưa, với một cái banner rất kêu ở góc phải: “Love is …” Và mỗi số lại là một đoạn mô tả khác nhau về tình yêu. Cảm giác cực kỳ thú vị khi được nghe rằng đã từng có 1 thời, tình yêu được định nghĩa: “Love is handing over the remote control”, cái thời mà tivi còn là của quý, là phương tiện giải trí tối thượng quyền lực trong gia đình. Mới có mấy chục năm, mà giờ còn thanh niên nào xem tivi. Thời thế chuyển giao nhanh quá...
Và đặc biệt là bài nói của Trevor về tiền và giá trị - money and value. Ông nói tiền chỉ cho chúng ta biết được giá của mọi thứ, nhưng nó không bao giờ phản ánh được giá trị thực của chúng, cái giá trị mà chúng ta chỉ có thể thực sự cảm nhận được nếu chúng ta tự tay làm ra, ví dụ như một cái bàn, cái ghế, hay một thứ đồ dùng trong nhà chẳng hạn. Tự dưng làm mình nhớ lại 1 số podcast của Philosophize this về Guy DeBorg và cuốn “Society of spectacle” về cùng chủ đề này, thứ mình đang khá là quan tâm và muốn viết về. Chắc sẽ đọc sách sớm thôi.
Về nghe, tuần này video ấn tượng nhất với mình là tập HAS với Lê Cát Trọng Lý. Quả là một cô gái đặc biệt! Nghe xong để rồi gato với quả làm việc 30 ngày trong năm của Lý thực sự, và rất nể cách Lý hiểu và đủ bản lĩnh để có thể tập trung vào những thứ giá trị nhất với chị ấy, thay vì để công việc cuốn đi.
Mình có một đoạn mà mình sưu tầm được để nhắc nhở bản thân về công việc, nhưng thực sự vẫn đang loay hoay không biết phải làm gì với nó, hay rộng hơn là với cái vô định không chắc chắn của sự nghiệp trong quãng thời gian sắp tới khi mình sắp chuyển về Ld đây.
Sưu tầm
Sưu tầm
Và cực kỳ ấn tượng với câu nói của Lý: “Nếu không có kế hoạch thì làm sao mình có tự do”.
Về đọc, mình có cái thói là khi đang buồn thì sẽ tìm cái gì đấy thật buồn, thật não để đọc, âu cũng coi như là học người xưa dĩ-độc-trị-độc vậy. Thế là, với một tuần thảm như này, mình nghĩ chắc không còn cuốn nào thích hợp hơn “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh được.
Phải nói: quả là một sự lựa chọn đúng đắn. Cái cách viết, cách lựa từ, nó tạo nên được một nỗi buồn, không phải là đau đớn, mà cứ dàn trải một cách mịt mùng xung quanh.
Và những quan sát rất tinh tế về những thứ tưởng chừng như nghịch lý của cuộc đời:
Có lẽ bởi vì bấy giờ là thời buổi chiến tranh thời buổi ngược đời, cho nên những chuyện được coi như là lớn lao, những mối nguy to tát đều là sự thường nhật, còn những gì nhỏ nhoi, cỏn con như niềm vui nỗi buồn hàng ngày của kiếp người thì lại rất trái lẽ và họa hoằn lắm, hãn hữu lắm mới có nổi. Hãn hữu tới độ chúng trở nên gần như điềm gở.
Đối với Kiên vang vọng lâu bền nhất của cuộc sống đã qua là tiếng rì rầm của cuộc đời thường, chứ tuyệt nhiên không phải là tiếng rền động của các biến cố thời chiến, mặc dù cái đời thường xa xưa ấy đã bị bão tố lật trời của chiến tranh quét sạch.
Có lẽ vì vậy nên người ta mới nói rằng phải đi qua những khổ đau thì mới hiểu và trân trọng được những cái bình thường, đều đặn, tẻ nhạt của cuộc đời.
Và một đoạn nữa, chẳng hiểu sao, lại cảm thấy rất thấm:
Nghĩa vụ của một con người trước Trời Đất là sống chứ không phải là hy sinh nó, là nếm trải sự đời một cách đủ ngành ngọn chứ không phải là chối bỏ … Không phải là ta khuyên con trọng mạng sống hơn cả nhưng mong con hãy cảnh giác với tất cả những sự thúc giục con người lấy cái chết để chứng tỏ một cái gì đấy.
Hình như, chúng ta ngày nay, thực ra, lại đang tìm mọi cách để chối bỏ cuộc đời hay chạy trốn nó...
Một cuốn tiểu thuyết hơi khó đọc, nhưng thực sự rất đặc biệt! Nguồn ảnh: Google
Một cuốn tiểu thuyết hơi khó đọc, nhưng thực sự rất đặc biệt! Nguồn ảnh: Google
P.s. Và 1 chút nhạc nhẹ, chúc mọi người tuần mới nhiều năng lượng nhé!
A Dreamer