Nếu Tổng thống Nga Valdimir V. Putin đang cần tìm kiếm sự ủng hộ to lớn và sự đồng thuận cho cuộc xâm lược vào Ukraine, ông ấy có thể tìm đến mạng xã hội Việt Nam.
Trên các hội nhóm bàn luận chính trị, người dùng Việt Nam gọi ông là "Putin Đại Đế", và là người "mang lại sự vinh quang" cho đất nước Nga, là một "chiến lược gia đại tài". Những ai phản đối ông hay cuộc chiến của ông đều được coi là những kẻ thân phương Tây đạo đức giả, "cuồng Mỹ".
Hình ảnh Tổng thống Putin là người hùng duy nhất trên thế giới dám đứng lên chống lại sự áp bức của phương Tây về mặt kinh tế lẫn quân sự được lan truyền trên khắp mạng xã hội Việt Nam. Nó phù hợp với lối suy nghĩ được phổ biến trong nước, từ các bài giảng ở trường trung học cho đến các cuộc họp chính trị, rằng Mỹ và phương Tây luôn tạo ra sự bất ổn để trục lợi cho bản thân, rằng sự giàu có của Mỹ và Tây Âu đến được là do cướp bóc, áp bức người khác. Do đó thế giới cần một người hùng như Putin để chống lại những kẻ tàn án này.
Với lối suy nghĩ giống thời Chiến tranh Lạnh này, mọi người ở Việt Nam nhìn chính trị thế giới như cuộc chiến tổng bằng 0 (zero-sum game), cá lớn nuốt cá bé, và câu nói ưa thích của họ khi bàn đến chính trị là: "Không có bạn bè vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia".

Trước cuộc chiến

Trước khi cuộc chiến xảy ra, mạng xã hội Việt Nam cũng như các tờ báo chính thống khác luôn cho rằng việc Mỹ cảnh báo Nga sắp tấn công Ukraine sẽ chỉ là một chiêu trò nhằm tạo ra sự bất ổn trong khu vực. Ở phương diện báo chính thống, tờ Quân đội Nhân dân viết:
"Nga chắc chắn là quốc gia không muốn gây xung đột với Ukraine. Bởi điều đó gây bất ổn cho chính nội tại nước Nga. Nếu chiến tranh xảy ra, Nga sẽ phải tiêu tốn khá nhiều chi phí cho cuộc xung đột này và chắc chắn sẽ phải gánh chịu thêm các biện pháp trừng phạt khốc liệt của Mỹ và phương Tây. Trường hợp căng thẳng với Ukraine tiếp tục duy trì như hiện nay, Nga vẫn phải hao tâm tốn của và chịu bất ổn ở khu vực biên giới với Ukraine. Lâu dài, việc này sẽ làm xói mòn tiềm lực kinh tế-chính trị-quân sự Nga, từng bước làm suy giảm sức mạnh và ảnh hưởng của Nga trên trường quốc tế.
Mỹ, với chiêu bài kích động xung đột leo thang, một mặt liên tục tố cáo Nga có thể xâm lược Ukraine “vào bất kể lúc nào”, một mặt kích động các bên liên quan tuyên chiến với Nga thông qua hàng loạt động thái như: Sẵn sàng hậu thuẫn cho chính quyền Ukraine và các nước Đông Âu bằng cách viện trợ vũ khí và điều binh lính tới khu vực này, ra lệnh sơ tán nhân viên ngoại giao và công dân Mỹ tại Ukraine như thể chiến tranh sắp xảy ra... Cùng với đó, các phương tiện truyền thông của Mỹ và phương Tây cũng không quên liên tục đẩy mạnh tuyên truyền âm mưu xâm lược Ukraine của Nga, dù các nguồn tin đều chỉ dẫn lời quan chức Mỹ mà không đưa ra được bất cứ bằng chứng cụ thể nào.
Trên báo VNExpress, Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu Khoa giáo, Học viện Chính trị Công an Nhân dân viết:
"[...] loạt động thái này được Mỹ thực hiện với lo ngại về "hành động quân sự của Nga", trong khi Moskva đã nhiều lần khẳng định không có kế hoạch tấn công vào nước láng giềng Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky cũng nhiều lần bác bỏ cảnh báo từ phương Tây, cho rằng tình hình hiện nay "không có gì mới".
"Khi chủ động cáo buộc Nga có kế hoạch tấn công Ukraine, Mỹ tạo ra nỗi sợ hãi đối với các đồng minh trong khối NATO, đặc biệt là dư luận các nước này", đại tá Tâm nói với VnExpress. "Đây là một phần trong chiến lược của Mỹ nhằm kiềm chế các cường quốc mới nổi thông qua biện pháp gây bất ổn có kiểm soát và tạo nỗi bất an thường trực".
Theo ông Tâm, trong bối cảnh quan hệ giữa Đức và Tây Âu với Nga ấm lên, cũng như tác động từ chính sách hạn chế can dự của Mỹ vào châu Âu từ thời Donald Trump, Tổng thống Joe Biden phải tìm cách tăng cường ảnh hưởng với châu Âu và một trong những biện pháp thường được Washington áp dụng là nêu lên "mối đe dọa từ Nga".
Ông Nguyễn Đăng Phát, chuyên gia về Nga và các nước châu Âu, cũng có chung nhận định, khi cho rằng để củng cố quan hệ với đồng minh châu Âu và cần lý do để tăng thêm quân ở các nước này, Mỹ phải không ngừng nhấn mạnh mối đe dọa từ Nga đối với vấn đề Ukraine."
Luồng dư luận trên các trang mạng xã hội cũng đi theo chiều hướng tương tự khi tất cả đều cho rằng đây chỉ là một trò bày vẽ của chính phủ Mỹ và các cuộc bàn luận này thường có xu hướng chế giễu: chế giễu chính phủ Mỹ và chế giễu chính phủ Ukraine. Đặc biệt việc chế giễu chính phủ Ukraine thường nhắm đến cá nhân Tổng thống Zelensky do trước đây ông làm diễn viên trong các bộ phim hài.
Nhìn chung đây là câu chuyện mọi người chia sẻ với nhau để giải thích cho sự bất ổn của Ukraine:
"Chính phủ dân chủ do người dân Ukraine bầu lên đã bị lật đổ năm 2014 bởi một cuộc Cách mạng màu do Mỹ và Tây Âu giật dây phía sau. Một chính phủ phát xít khác đã được dựng lên. Chính phủ phát xít này đã tàn sát những người nói tiếng Nga ở Ukraine, buộc Tổng thống Putin phải ra tay bảo vệ cho cộng đồng người nói tiếng Nga ở đây. Ông Putin đã bảo vệ bằng cách (từ đây câu chuyện bị bẻ hướng) bằng cách lấy lại bán đảo Crimea vì bán đảo này vốn dĩ là của Nga và là một phần không thể thiếu trong lịch sử nước Nga. Sau đó ông đã giúp những người dân quân Ukraine ở miền Đông anh dũng chiến đấu chống lại chính phủ phát xít, bù nhìn Kyiv."
Một bài báo thường xuyên được chia sẻ để trong hội ủng hộ Putin
Một bài báo thường xuyên được chia sẻ để trong hội ủng hộ Putin
Nhìn chung quan điểm của phía Việt Nam hoàn toàn trùng khớp quan điểm từ phía Trung Quốc, ở cấp độ chính phủ lẫn người dân. Trước khi cuộc chiến xảy ra, phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói rằng chính Hoa Kỳ là "thủ phạm" đằng sau sự căng thẳng ở Ukraine, tuy nhiên lý do bà đưa ra khá là dài:
"Khi Mỹ tiến hành năm đợt mở rộng NATO về phía đông đến sát biên giới của Nga và đặt các vũ khí tấn công chiến lược tân tiến ở đó, bất chấp điều đó phá vỡ sự đảm bảo an ninh của Nga, chúng có bao giờ nghĩ đến hậu quả của việc ép một quốc gia đến chân tường?", bà Hoa Xuân Ánh nói.
Các tờ báo của Mỹ cũng cho biết rằng ba tháng trước khi cuộc chiến xảy ra, các lãnh đạo cấp cao của Mỹ đã gặp những người đồng cấp Trung Quốc và chia sẻ các tin tình báo về việc Nga đang tập trung quân ở biên giới Ukraine. Người Mỹ đã đề nghị phía Trung Quốc can thiệp và thuyết phục người Nga không tiến hành cuộc chiến.
Phía Trung Quốc đã gạt những ý kiến đó đi, nói rằng họ không tin có một cuộc chiến sắp xảy ra, và các báo tình báo còn cho thấy Trung Quốc đã chia sẻ thông tin Mỹ cung cấp cho phía Nga.
Giáo sư Kim Xán Vinh ở Đại học Nhân Dân Trung Quốc, Bắc Kinh, đã có bài phát biểu trên đài truyền hình trung ương (CCTV) vào ngày 20/02 rằng chính phủ Mỹ liên tục nhắc về một cuộc chiến sắp xảy ra bởi vì một châu Âu bất ổn sẽ có lợi cho Washington, nhất là cho các công ty tài chính và năng lượng.

Ba ngày đầu của cuộc chiến

Ngay khi cuộc chiến xảy ra, đã có sự chia rẽ trong nhận định của cộng đồng mạng và của chính phủ. Chính phủ Việt Nam đã có những phát ngôn cẩn trọng hơn trong cuộc chiến và vẫn giữ vị thế trung lập khi không chỉ trích hay lên án hành động tấn công của Nga.
Trong khi đó phía cộng đồng mạng đã nhanh chóng bỏ đi câu chuyện Nga không đánh Ukraine và chuyển sang giải thích tại sao Nga đánh Ukraine là hợp lý, tại sao đây không phải là cuộc chiến xâm lược và vẫn giữ quan điểm rằng chính Mỹ và Tây Âu mới là thủ phạm cho cuộc chiến. Tuy nhiên các lý do để Nga tấn công đã được bổ sung thêm bao gồm:
- Ukraine sỉ nhục Nga, chối bỏ quá khứ, giật đổ tượng Lenin.
- Ukraine tấn công khiêu khích trước.
Khi nhắc đến cuộc chiến, chính phủ Ukraine tiếp tục được mô tả như một đoàn diễn viên hài kịch ngu ngốc bị Mỹ xúi dại:
Và sau đó là bỏ rơi:
Bên cạnh việc bổ sung lý do hợp lý cho cuộc xâm lược của Nga, chế giễu chính phủ hài của Ukraine, thì cộng đồng mạng không quên truyền thống "rút ra bài học kinh nghiệm quý báu". Trường hợp ở đây là các bài học dưới mô típ: nhìn người ta khổ để biết mình đang hạnh phúc, nhìn người ta ngu để biết chúng ta đang khôn.
Nhìn chung trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, cộng đồng mạng xã hội đều cảm thấy được hả hê khi cuối cùng con hổ Nga đã lên tiếng để dạy cho Ukraine và phương Tây một bài học về sự chính nghĩa. Khi họ nhìn thấy sự đau khổ của người dân Ukraine phải chịu đựng vì cuộc chiến, tất cả lỗi đều được cho là tại Tổng thống hài Zelensky. Họ cũng tin theo thông tin từ phía Nga công bố ngày 27/02 là anh hề Zelensky đã rời bỏ thủ đô Kyiv và tất cả các video được đăng trên mạng xã hội của ông đều là đã được quay từ trước. Cả đất nước Ukraine đang phải trả giá vì đã chọn một gã hề ngu ngốc lên làm lãnh đạo, mặc dù điều này rất mâu thuẫn với câu chuyện chính phủ phát xít Ukraine bởi vì ở một quốc gia phát xít sẽ không có bầu cử Tổng thống và người Do Thái như ông Zelensky sẽ không được bầu làm Tổng thống.
Họ thích so sánh chính phủ Kyiv giống chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam trước đây, hay lạy lục nước Mỹ và cuối cùng khi nước Mỹ bỏ rơi thì phải "di tản chiến thuật", một cách nói mỉa mai của việc bỏ chạy ra nước ngoài.
Bên cạnh sự chế giễu cho đất nước Ukraine là sự chế giễu dành cho các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây. Nhìn chung mọi người đều cho rằng phương Tây chỉ đang vung nắm đấm vào không khí khi tung ra các biện pháp cấm vận Nga bởi vì:
- Tổng thống Putin đã tính toán hết và đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi biện pháp cấm vận kể từ năm 2014.
- Nga không cần tham gia vào SWIFT, Nga có thể phát triển thanh toán bằng cryptocurrency hoặc tham gia vào hệ thống mà Trung Quốc phát triển riêng.
- Nga có dầu khí và khí đốt hỗ trợ nền kinh tế nên nền kinh tế vẫn sẽ sống khỏe.
Nói chung những người ủng hộ Putin đều tin rằng nước Nga mình đồng da sắt và tất cả các lệnh trừng phạt đó đều sẽ khiến phương Tây thiệt hại nhiều hơn là Nga. Nước Nga càng bị cấm vận sẽ càng khỏe, càng không phụ thuộc vào phương Tây trong khi Tây Âu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào khí đốt, xăng dầu của Nga, cho nên Nga nắm con bài tẩy.
Tình hình cộng đồng mạng Trung Quốc cũng tương tự. Một người dùng mạng Weibo với tên gọi @@jinyujiyiliangxiaokou viết: "Nếu tôi là người Nga, Putin sẽ là niềm tin, ánh sáng của đời tôi".
Bình luận về bài phát biểu gây chiến của Putin, người dùng @apjam viết: "Đây là một bài phát biểu phát động chiến tranh xuất sắc".
Một người dùng khác với tên gọi @ASsicangyueliang viết: "Tại sao tôi cảm động đến phát khóc vì bài phát biểu này? Bởi vì đây cũng là cách bọn chúng đối xử với Trung Quốc".
Khi bà Hoa, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, được hỏi rằng liệu Trung Quốc có coi "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga là hành động xâm lược, bà đã đưa ra một câu hỏi khác hỏi ngược lại các phóng viên Mỹ: "Các anh có thể đi hỏi người Mỹ: họ đã châm lửa và thổi bùng ngọn lửa này. Bây giờ họ sẽ dập lửa như thế nào đây?".
Khi được nghe Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ bình luận rằng Trung Quốc nên tôn trọng toàn vẹn chủ quyền và lãnh thổ, một trong những phương châm cốt lõi trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc, bà Hoa đối đáp với giọng cứng rắn:
"Người Mỹ không có tư cách để giảng dạy cho Trung Quốc".

Khi cuộc chiến kéo dài

Khi cuộc chiến trở nên kéo dài vì quân đội Nga không thể đánh nhanh thắng nhanh vì vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của người Ukraine, cũng như do kế hoạch tác chiến kém, câu chuyện bắt đầu được chuyển hướng sang vấn đề nhân đạo.
Lý do chính được mọi người chấp nhận để giải thích cho việc tiến quân chậm của Nga là vì quân đội Nga nhân đạo. Quân đội Nga chỉ muốn tiến đánh để lật đổ chính phủ phát xít Kyiv, không muốn tàn sát dân thường. Chính vì vậy quân đội Ukraine đã tận dụng người dân, lấy người dân ra làm lá chắn sống để khiến quân Nga không dám động thủ. Nói chung quân đội Nga đang gặp khó khăn vì quá nhân đạo.
Trong khi đó sự bế tắc trên chiến trường cũng thể hiện qua sự bế tắc trên mạng xã hội. Khi không thể lấy chủ đề Tổng thống Zelensky diễn hài ra để nói chuyện, và việc mọi người không dám nói nhiều về bài học Ukraine do Ukraine đang tiến hành chiến tranh nhân dân giống Việt Nam 50 năm trước, mọi người bắt đầu chuyển qua nói về vấn đề đạo đức.
Các hình ảnh không bao giờ cũ mô tả các cuộc xâm lược của Mỹ trước đây tiếp tục được chia sẻ nhiều trên mạng, và những ai chỉ trích Nga tiếp tục bị gọi là "đạo đức giả", "tiêu chuẩn kép". Ngay cả khi Tổng thống Putin ra lệnh cho lực lượng hạt nhân ở trạng thái sẵn sàng nhận lệnh, quan điểm mọi người đưa ra vẫn là do Nga bị chèn ép nên mới phải làm như thế.
Bên cạnh đó các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn ở châu Âu vẫn liên tục bị chế giễu, ví dụ những người ủng hộ mạng tin rằng Thụy Sĩ bỏ tính trung lập để cấm vận Nga là một bước đi ngu ngốc, sau này sẽ không ai dám gửi tiền ở Thụy Sĩ nữa. Các tin tức của báo chí phương Tây đưa tin về việc người Nga khốn khổ vì cấm vận tiếp tục bị gán là tin giả.
Niềm tin rằng không có gì có thể tin được ở báo chí phương Tây càng được củng cố khi 13 binh sĩ Ukraine được cho là đã "hi sinh" ở Đảo Rắn trước đó nay đã được chính chính phủ Ukraine và các trang báo lớn xác nhận là còn sống và chỉ bị bắt làm tù binh. Mọi người cho rằng đó là bằng chứng về sự dối trá của phương Tây hơn là một sự đăng tin cẩu thả không kiểm chứng.
Câu chuyện Ukraine bị bỏ rơi bởi phương Tây cũng dần bị đổi thay thế bằng việc Ukraine là lính đánh thuê cho phương Tây, "Mỹ sẽ chống Nga cho đến người U Cà cuối cùng" vẫn là câu nói phổ biến, tần suất tăng dần theo tần suất viện trợ mà Ukraine nhận được.

Mental gymnastics

Một người dùng mạng xã hội Facebook đã mô tả các hoạt động của những người ủng hộ Putin bằng cụm từ "mental gymnastics", tạm dịch nghĩa là "thể dục trí tuệ". Cụm từ này ý nói rằng những người ủng hộ Putin đang phải cố gắng nhảy qua nhảy lại giữa sự kiện thực tế và trí tưởng tượng của họ. Thông thường họ sẽ chắt lọc các sự kiện phù hợp với câu chuyện trong đầu họ, ráp các sự kiện đó vào câu chuyện tưởng tượng và lấp vào những khoảng trống logic để cho ra được một câu chuyện thống nhất về mặt nội dung.
Ví dụ nếu đặt ra câu hỏi tại sao một chính phủ phát xít ở Ukraine lại cho phép một người Do Thái như ông Zelensky lên làm tổng thống, họ sẽ phải ngồi tưởng tượng ra một loạt các chuyện không có thật về chế độ phát xít. Thường các lời giải thích vòng vo sẽ là theo mô típ "phát xít cũng có phát xít này phát xít kia" để giải thích cho sự mâu thuẫn.
Hoặc nếu hỏi tại sao các nước sát biên giới với Nga như Estonia và Latvia cũng là thành viên của NATO nhưng Nga, hay chính xác là Tổng thống Putin, chưa bao giờ phàn nàn rằng ông bị các nước này đe dọa, họ lại phải ép trí tưởng tượng như máy ép ép trái cây để cho ra được câu trả lời nghe cho hợp lý nhất.
Về vấn đề cấm vận với Nga, nếu được hỏi về việc nếu nước Nga vẫn ổn thì tại sao GDP trong 10 năm qua giảm 30% và lạm phát đang tăng cao, người hỏi sẽ nhận được những câu trả lời tạo cho cảm giác rằng nước Nga có một nền kinh tế đặc biệt không giống bất kỳ nền kinh tế nào khác, GDP chỉ là một con số ảo, và lạm phát có cao hơn 10% thì cũng không có gì đáng lo ngại.
Những câu hỏi càng xoáy sâu vào sự mâu thuẫn giữa câu chuyện tưởng tượng và thực tế thì sẽ càng cho ra những câu trả lời xa vời thực tế hơn. Dần dần người hỏi sẽ cảm thấy như nhân vật Alice bị hút vào thế giới thần tiên.
Trong khi đó ở Trung Quốc, một người dùng @xinshuiqingliu viết trên Weibo: "Putin nên tuyển chọn những tiểu hồng Trung Quốc và gửi họ ra tiền tuyến. Họ là những người hâm mộ điên cuồng của ông và là những chiến binh dũng cảm tuyệt vời".
Little Pink (Tiếng Trung : 小 粉紅; bính âm : xiǎo fěnhóng) là một thuật ngữ dùng để mô tả những người giang hồ trẻ những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc trên internet.
Còn tại Việt Nam, nhiều người viết rằng các lực lượng anh hùng bàn phím đông đảo sẽ là nguồn viện trợ đắc lực giúp Tổng thống Putin khôi phục hòa bình và sự vĩ đại của nước Nga.
Hiện tại các tin tình báo của Mỹ cho thấy Nga đang dốc thêm nhiều sức lực để chiếm các thành phố lớn của Ukraine, và dự đoán rằng cuộc chiến sẽ trở nên khốc liệt với số dân thường thiệt mạng tăng cao. Theo bạn câu chuyện tiếp theo mà cộng đồng ủng hộ Putin sẽ kể là gì?