Những ngày vừa qua, câu chuyện về nữ sinh lớp 10 tại An Giang tự tử vì uất ức trước việc làm của giáo viên chủ nhiệm và nhà trường đã gây ra nhiều tranh cãi, bất bình từ xã hội. Câu chuyện xoay quanh việc em học sinh không đi học phụ đạo tại trường dẫn đến việc bị giáo viên chèn ép, thường xuyên bêu xấu trước lớp, bị bắt làm kiểm điểm, cấm túc. 
Tất nhiên, mọi chuyện đều không thể chỉ nghe từ một phía. Nhưng khi chính giáo viên chủ nhiệm còn lên mạng xã hội đăng tải status mỉa mai hành động của em, đặt câu hỏi tự tử chết có phải là vinh quang thì có lẽ vấn đề mà em học sinh nhắc đến trong bức thư tuyệt mệnh của mình - bạo lực tinh thần là vấn đề cần thiết phải bàn luận để tìm ra giải pháp. 
Thực lòng, mình không thích dùng từ “”bạo lực/ bạo hành” vì mình luôn cảm thấy ngay trong cách chúng ta dùng từ đó đã có những năng lượng tiêu cực được giấu kín bên trong. 
Tương tự, mình cũng rất hiếm khi dùng từ “nạn nhân - hung thủ”. Lý do đơn giản là mình không muốn tiếp cận mọi thứ dưới góc nhìn nhị nguyên - không cái này thì cái khác, không là người bị hại thì là kẻ đi hại người! 
Mình luôn nhìn nhận “bạo lực” như là một loại tương tác mất kết nối giữa người với người. Ở đâu ngôn ngữ không thể phát huy tác dụng, sự thấu cảm bị quên lãng, ở đó có bạo lực xuất hiện. Chính vì vậy, mình thường nhìn những cá nhân trong một câu chuyện ở nhiều khía cạnh, quan sát những nhu cầu bên trong mà họ đang mất kết nối. Điều này may mắn đã giúp mình tránh được rất nhiều lần “ác quỷ hóa” ai đó. 
Tuy nhiên, để tìm hiểu về chủ đề này, mình nghĩ chúng ta có thể bắt đầu từ những định nghĩa phổ quát nhất, trước khi xem xét chúng một cách đa chiều.
Bạo hành tinh thần còn được gọi là bạo lực tình cảm, tâm lý. Đây là loại bạo lực khá phổ biến nhưng khó nhận dạng so với bạo lực thể chất. Bạo hành tinh thần có thể được thể hiện qua những hành động: 
- Chửi mắng, hạ nhục với những lời lẽ thô thiển, nặng nề xâm phạm đến nhân phẩm và danh dự 
- Đe dọa tinh thần, khủng bố tâm lý... 
- Thờ ơ, bỏ mặc, lạnh nhạt, vô trách nhiệm,...
Việc bạo hành tinh thần diễn ra không chỉ trong trường học mà còn cả ở nơi làm việc, gia đình,.. và thường diễn ra lặng lẽ, không xô xát. Đặc biệt trong mối quan hệ tình cảm, giới truyền thông vẫn không ngừng tán dương, lãng mạn hóa các hành vi bạo hành về mặt tâm lý như ghen tuông quá mức, ép buộc đối phương, cho rằng những hành động như vậy đều là vì “yêu bạn tha thiết”. Hai yếu tố này khiến nạn nhân có thể không nhận thức được việc mình đang bị bạo hành, dẫn đến việc tự bạo hành ngược chính mình (self-directed violence) khi tiếp nhận quá nhiều những suy nghĩ áp đặt từ ngoại cảnh..

Những dấu hiệu cho thấy bạo lực về tinh thần có thể kể đến như: 
- Cảm thấy sợ sệt 
- Lẩn tránh một số chủ đề vì sợ đối phương sẽ nổi giận
- Tin rằng mình đáng bị tổn thương và đối xử tệ bạc
- Băn khoăn không biết mình có phải là một đứa mất trí không
- Cảm thấy chai lì hay tuyệt vọng về mặt cảm xúc
Bên cạnh đó, dù đã có những quy định pháp lý về bạo lực tinh thần nhưng trong nhiều trường hợp, việc khó xác định được mức độ nghiêm trọng của những hành động bạo hành về tinh thần khiến việc tố cáo, phản kháng cũng trở nên khó khăn hơn. 
Trên thực tế, bạo hành tinh thần nằm ở cả 3 đỉnh của tam giác bạo lực của Galtung (Galtung’s Triangle of Violence - [1]) nhưng chúng ta thường chỉ nhìn nhận chúng là một phần của tảng băng chìm.

Trong câu chuyện ở đầu bài, em nữ sinh dù đã nhận thức được việc mình bị bạo hành nhưng không biết phải giải quyết như thế nào để rồi chọn cách tự tử - điều mà chắc hẳn không ai, thậm chí là cả em ấy mong muốn. 
Vậy nên trong số 9toTalk này, nếu bạn nghĩ rằng mình đang trải qua bạo hành về tinh thần, nếu bạn đã từng bị bạo hành và đã vượt qua được, Spiderum hy vọng được lắng nghe câu chuyện của bạn. Vì bạo lực tinh thần vẫn diễn ra và biết đâu câu chuyện của bạn có thể là khởi đầu để chúng ta cùng tìm ra cách giải quyết cho vấn đề nan giải này.
---
[1] Culture Violence, Johan Galtung, 1990
Xem thêm các số 9toTalk khác:
---
Trò chuyện thêm với mình tại đây nhé:
Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài.
Đừng quên ủn mông mình bằng 1 chú upvote ủng hộ ha ^^