Vừa qua với sự lên ngôi của hai chương trình về rap là King of Rap và Rap Việt, nhà sản xuất của King of Rap đã bất ngờ công bố sẽ ra mắt phiên bản nhí với tên gọi King of Rap Kids. Điều này đã dấy lên nhiều tranh cãi từ cộng đồng mạng về tính phù hợp cũng như khả thi của chương trình khi hướng đến các rapper nhỏ tuổi. 
Nhiều luận điểm được đưa ra như nhạc rap không dành cho trẻ em. Phần đông ý kiến cho rằng nhạc rap xuất thân từ đường phố, nói lên những vấn đề nhức nhối của xã hội. Lời rap cũng thường được đúc kết từ kinh nghiệm sống của chính tác giả, do chính rapper viết ra chứ không chỉ đơn giản là hát theo bài hát thông thường như format chương trình tương tự là The voice Kids.

Bên cạnh đó, việc rapper thường tranh tài theo hình thức battle rap, rap diss với những ngôn từ công kích, chửi bới hoặc đá xoáy nhau cũng khiến nhiều người quan ngại. Nếu để trẻ tìm hiểu về nhạc rap từ nhỏ nhưng không có định hướng thích hợp có thể khiến trẻ sa đà vào những bài hát công kích cá nhân, chỉ trích, hạ thấp nhau - điều sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ.
Dù vậy, vẫn có những ý kiến ủng hộ cho rằng King of Rap hay Rap Việt đều là cuộc thi dành cho người lớn và không hề có các ngôn từ tục tĩu khi lên sóng truyền hình. Nếu King of Rap Kids được tổ chức thì sẽ được công chiếu trên đài truyền hình quốc gia, trải qua sự kiểm duyệt gắt gao từ nhà đài, do đó, việc kiểm soát vấn đề này trong chương trình trẻ em là khả thi. 
Nhiều người cũng lấy dẫn chứng Kenji (Phan Thanh Hiển) - thí sinh nhỏ tuổi nhất của King of Rap năm nay - cũng mới 15 tuổi. Kenji bắt đầu chơi rap và hiphop từ năm 10 tuổi, do đó cũng không thể nói trẻ em không có khả năng theo đuổi rap.
Hay một chương trình khác dành cho trẻ em như “Thiếu niên nói” cũng đã chứng kiến nhiều chia sẻ chín chắn, lập luận "chắc nịch", thậm chí "bắt lỗi" người lớn từ các em. Từ việc áp lực thi cử, bắt nạt học đường đến những cảm giác ân hận, có lỗi với bố mẹ - đó đều là những cảm xúc chân thật và cần được người lớn lắng nghe. Và nếu những tâm tư này được thể hiện thông qua rap, liệu có phải chúng ta sẽ có một góc nhìn mới mẻ hơn từ các em?
Rapper nhí Piggy
Đồng thời với sự phổ biến và ảnh hưởng rộng của âm nhạc rap như hiện tại nhiều trẻ em cũng đã, đang tìm hiểu và có những sản phẩm của riêng mình như cậu bé Piggy với bài rap “Đi học thêm”  hay “Cho con đi về” đã thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng. Có thể nói dù có tổ chức cuộc thi rap phiên bản nhí hay không thì sức ảnh hưởng của dòng nhạc này lên các đối tượng nhỏ tuổi vẫn không thể tránh được. Vậy nên nhiều nhận định cũng cho rằng thay vì để con tự mò mẫm tìm hiểu nhạc rap thì thà vẽ đường để con được chạy .. đúng đường. 
Có thể thấy việc có nên tổ chức chương King of Rap Kids hay không vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Câu hỏi đặt ra là liệu văn hóa hip hop có thật sự ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ? Liệu việc thực hiện một phiên bản nhí có thể khiến nhạc rap trở thành thứ nhạc đại trà mà ở đó, ai cũng có thể tự nhận là một rapper? Hay rap vốn không quan trọng tuổi tác và đây có thể là cách để trẻ thể hiện góc nhìn của bản thân, thể hiện những quan điểm, chính kiến của mình? 
Xem thêm số 9toTalk cùng chủ đề: