Nhớ về nỗi nhớ
Trong một bức thư gửi vợ không bao giờ tới, Trần Dần viết: "Khi người ta khổ mọi vẻ, phải có một cái gì sung sướng, dù là hy vọng,...
Trong một bức thư gửi vợ không bao giờ tới, Trần Dần viết: "Khi người ta khổ mọi vẻ, phải có một cái gì sung sướng, dù là hy vọng, mới sống được. Đêm bão biển ít nhất phải còn một ngôi sao trên trời, hay trong lòng thủy thủ. [...] Anh cố lắm... Nhưng em có thể thấy ở anh như một tia nắng giữa trời mây đen không?".
"Đêm bão biển ít nhất phải còn một ngôi sao trên trời, hay trong lòng thủy thủ". Ông bà bô tôi đều thích Trần Dần. Mẹ tôi có thể ngồi gọt xoài đọc một lần hết bài Việt Bắc. Ông bô thích bài Trên Quả đất mùa vì âm điệu của nó, và bức thư này. Ông nói khi vun vun đống vỏ xoài lại trên đĩa:
"Ngày xưa, khi đi biển, người ta nhìn theo hướng sao mà về nhà. Khi trời không có sao, người ta về bằng gì?"
"Người ta phóng tên lửa của Elon Musk, bắn bùm cái về đất liền, không cần sao nữa!", em tôi nói, tay mân mân miếng xoài.
"Ừ đúng rồi. Ngoài ra, người ta về bằng nỗi nhớ. Nhớ một người mẹ, người chị gái, người vợ. Người ta lần theo nỗi nhớ trong tim mà về".
Tôi không quen đọc thơ. Tôi nghĩ, đọc thơ cần có một sự tĩnh, một độ lắng nhất định, mà tôi nông cạn quá đọc không vào, không nhớ mà trích nổi luôn. Nhưng tôi đọc truyện tranh. Có một đoạn truyện Flash mà tôi nhớ mãi. Lúc các Speedsters bị kéo vào Speedforce, năng lượng ở đó mạnh quá khiến họ liên tục bị cuốn đi. Lúc đấy, chỉ khi nghĩ về những người thân thích ở dòng thời gian của mình, họ mới nhớ ra mình là ai và quay trở về. Họ gọi đấy là những mỏ neo. Những mỏ neo để giữ họ lại trong vòng xoáy thời gian dài vĩnh viễn.
Người ta về bằng nỗi nhớ. Nhớ một người mẹ, người chị gái, người vợ. Người ta lần theo nỗi nhớ trong tim mà về.
Tôi nghĩ, trong mỏ neo kia, hay trong nỗi nhớ của người đi biển, cái họ tìm về chẳng duy nhất là người yêu thương. Họ còn tìm về chính mình. Khi mình yêu thương nhau, bất kể đó là tình yêu mẹ con, tình yêu lãng mạn, tình yêu bạn bè... cái mình trao đi nào chỉ là tình cảm. Cái mình trao đi, lớn nhất và tự nhiên nhất, đấy là thời gian. Một quãng làm người của ta, ta gắn lên họ. Một quãng thời gian với một ta rất khác đang ở trong người những người mà ta yêu quý. Chẳng vì thế mà giữa đêm đen trên biển, những người thủy thủ có thể lần theo nỗi nhớ mà về. Vì trên nỗi nhớ kia chẳng phải chỉ có một con người đang chờ, mà là một phần máu thịt, một phần "ta" đã bỏ lại đó.
Tôi đặt ra câu hỏi, nếu chúng ta phải diễn giải những câu chuyện đó, chúng ta sẽ được gì? Nếu chuyện những thủy thủ là ngụ ngôn, và đương nhiên truyện tranh cũng phải truyền tải một ý nghĩa gì đó, thì ý nghĩa đó là gì? Tôi nghĩ, nếu coi danh tính của ta không chỉ nằm trong một mình ta mà còn nằm bên trong người khác, và đặc biệt được ý thức gửi gắm bên những người ta yêu thương, thì việc trở về không chỉ là trở về vì một con người, mà còn trở về vì ta muốn tiếp tục thời gian làm người bên họ. Matt Haig trong quyển sách mà tôi đang dịch nói đúng hơn cả: "Con người biết họ sắp chết, nhưng họ có thể làm gì được? Họ chỉ có thể yêu thôi". Yêu thương nhung nhớ là sẵn sàng bỏ thời gian quý báu để sống ra mà hiến dâng cho người nào đấy, và trong lúc hoạn nạn nhất, ta vẫn muốn tiếp tục bỏ thêm thời gian của mình bên họ. Và, có lẽ đúng như Trần Dần nói, trong lúc đó, chính ta cũng muốn biến mình thành "tia nắng giữa trời mây đen" của ai đó.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất