Đây là xê-ri bài “Nhìn lại năm cũ” được tôi bắt đầu khởi xướng từ năm 2020, mỗi năm lên một bài vào 30 Tết âm lịch, với mục đích điểm lại những gì đáng nhớ trong năm vừa qua, đồng thời làm cột mốc đánh dấu số năm tôi viết ở Spiderum.
Thành thật mà nói, đến mãi năm nay tôi mới viết về chọc chó online thì có vẻ hơi muộn. Nhưng ngẫm lại thì đây có thể là ưu điểm, bởi kinh nghiệm tích luỹ nhiều năm khiến tôi có cái nhìn sâu sắc hơn về hành động tưởng như giải trí này.
Thật ra thì đến giờ bản chất vẫn là giải trí thôi, nhưng như các cụ có câu “Nghề chơi cũng lắm công phu” nên không có gì mâu thuẫn khi tôi rút ra những thứ sâu sắc trong trò chơi này của mình. Có lẽ cũng phù hợp khi trong ngày cuối năm người ta ngẫm ra được gì đó nghiêm túc trong những thú giải trí.
Và nhìn chung thì đó là những thứ liên quan đến tâm lí đám đông và tâm lí con người.

1. Thả xương cho chó cắn nhau

Lịch sử chọc chó của tôi trùng khớp với lịch sử tôi dùng Spiderum. Ai theo dõi tôi lâu hẳn cũng biết là tầm quãng 2017 đến 2020, địa điểm chọc chó yêu thích của tôi là QRVN. QRVN hồi ấy nổi tiếng hơn bây giờ, và nổi tiếng ở sự nguỵ trí thức, trong khi dân trí của QRVN vốn cũng chỉ như bao group giải trí khác nhưng thành viên ở đó luôn tự huyễn rằng họ cao cấp hơn bên ngoài. Vì lẽ đó mà tôi quyết định chứng minh họ không hơn ai cả bằng bộ kĩ năng chọc chó của mình. Việc đó đến đầu năm 2021 thì thành công và tôi dừng lại, cũng bởi phần khác là thời điểm đó FB cá nhân tôi bắt đầu nổi tiếng rồi nên tôi quyết định ở nhà tạo sân chơi riêng, không cần đi đâu cả.
Chiêu đầu tiên trong bộ kĩ năng này là “Lấy mỡ nó rán nó”. Tôi bắt đầu bằng cách lấy tư liệu từ QRVN để lên ý tưởng viết bài Spiderum, sau đó share chính bài Spiderum ấy vào QRVN. Điều này khiến thành viên ở đó tức điên và càng thể hiện rõ bộ mặt nguỵ trí thức hơn, tôi chỉ chờ có thế, chụp ảnh các tư liệu mới đó để làm ý tưởng viết bài tiếp theo trên Spiderum. Nói chung là một vòng tuần hoàn.
Chiến thuật này giúp tôi viết được khá nhiều bài chất lượng. Những bài như Đặc quyền dốt nát, Cậu Vàng, sau đó với cộng đồng khác thì có bài Cờ tướng và nguỵ trí thức, Hiệu ứng Dunning-Kruger, v.v. đều được ra đời nhờ chiến thuật này. Có thể nói là không có chiến thuật này thì tôi không có cảm hứng để viết được chúng.
Dùng từ “chọc chó” có vẻ mang đến cảm giác nặng nề, chứ thật ra mọi bài chọc chó của tôi trên QRVN đều giống ảnh trên thôi. Đó là giọng văn khiêu khích, nhưng nói phong long, không nhắm đến một ai cả, cũng không nói bậy. Chính vì vậy mà những bài chọc chó của tôi không hề phạm quy của QRVN, và đến bây giờ tôi vẫn còn trong group.
Hồi đó tôi khá bất ngờ là sự ngông nghênh vô hại của mình lại khiến nhiều thành viên QRVN bộc lộ sự vô văn hoá đến mức ấy. (Hồi đó có rất nhiều người chửi đổng nhưng bị mod xoá và ban nên bây giờ không còn dấu vết.) Bây giờ tôi thì hiểu rằng điều đó xuất phát từ sự bầy đàn và độc tài trong tư duy của những người có phông văn hoá thấp ở đó. Bất chấp BQT chủ trương “Be nice, be respectful” thành viên ở đó chỉ cho thấy sự bài trừ cái khác biệt, và rất thích nhân danh BNBR để loại bỏ bất cứ ai khác họ, dẫu sự khác đó không phạm quy. Nói cách khác, một đám Philistine nhân danh tri thức và văn minh cốt chỉ để tạo ra một cộng đồng sặc mùi luân lí, để nhằm có được cảm giác an toàn trong hang ổ của mình.
Chiêu thứ hai trong bộ kĩ năng là “Thả xương cho chó cắn nhau”. Tức là tôi chỉ share bài chứ không trả lời một bình luận nào, lí do chính là vì tôi sợ mình tranh luận hăng quá mà lỡ sa đà vào công kích cá nhân thôi. Những tưởng điều này sẽ yên ổn, nhưng hài hước thay, nó lại càng khiến đám người vô văn hoá tức điên lên và các mod phải ban hàng loạt. Sau này áp dụng chiêu tương tự vào bầy chó Voz với bài Cậu Vàng, tôi mới nhận ra rằng việc không trả lời gây ức chế tột cùng, ức chế hơn cả việc bị tôi chửi lại.
Và tôi của bây giờ đã hiểu rõ căn nguyên. Tất cả nằm ở tính hiếu thắng của bầy chó, mục đích của bầy chó không phải là kiến thức, mà là sự thắng thua. Nhưng bạn không thể thắng nếu không có ai chiến đấu với bạn cả, thành ra sự hiếu thắng mà bài viết của tôi kích động khiến bầy chó nhất định phải được chiến đấu thì mới hả dạ. Tôi, bằng việc từ chối đánh nhau, khiến bầy chó tức hơn cả việc bị đánh.
Và tựu trung, quãng thời gian 2017-2020 được tôi đặt tên là “Thả xương cho chó cắn nhau”, sau đó thì tôi dừng chiến thuật này, vì lúc ấy sân chơi đã khác.

2. Giơ xương nhử chó vào gặm

Tôi còn nhớ rằng tầm cuối năm 2020, một mod của QRVN, mà tôi có chút quen biết sơ sơ, đã thừa nhận rằng tôi đánh giá đúng về QRVN. Đó cũng là quãng thời gian QRVN thoái trào, thành viên ngày càng xuống cấp, nhiều mod cũ có tâm huyết bỏ đi. Đến lúc này tôi cảm thấy mình đã chứng minh thành công nên quyết định không dây dưa gì với QRVN nữa.
Mặt khác, khi đó tôi có mối quan tâm khác lớn hơn, đó là FB cá nhân của chính tôi. Tự thấy việc vào sân chơi của người khác để quậy dù sao cũng hơi chai mặt – bên cạnh mod thích tôi, tôi biết có nhiều mod QRVN ghét tôi, chỉ chờ tôi lỡ phạm quy để diệt – nên chung quy lại: không nơi đâu bằng nhà mình. Tôi thử tập trung viết trên FB xem liệu người ta có follow hay không, biết rằng tôi sẽ không bao giờ viết theo ý thích của đám đông.
Cho đến bây giờ thì tạm trả lời là có tuy không nhiều, mà thực tôi cũng không muốn có nhiều follower. Tôi nghĩ mình đã hiểu về tâm lí đám đông và về con người đủ nhiều rồi, đủ nhiều để thấm thía câu của Mark Twain, rằng “Càng tìm hiểu về con người, tôi càng yêu con chó của mình.”
Một số bài viral của tôi năm vừa qua
Một số bài viral của tôi năm vừa qua
Tôi dần nhận thấy việc thả xương cho chó cắn nhau không nên là việc mình làm lâu dài, bởi nó biến phần bình luận của mình thành chỗ cho quân cặn bã, dần dà môi trường viết của mình hoá ra lại là hang ổ của phường vô lại. Sa đà vào việc này rất nguy hiểm cho sự hoàn thiện bản thân của mỗi cá nhân.
Như trong một bài viết trước cũng thuộc xê-ri “Nhìn lại năm cũ” này, tôi đã nói rằng nên tạo môi trường viết tử tế trước khi muốn trở thành người viết tử tế. Đám độc giả thất học sẽ gây xói mòn niềm tin và sự hợp tác giữa người đọc và người viết, chúng cũng bóp chết ngay từ đầu cái tiềm năng thu hút người đọc và người bình luận tử tế tham gia vào bài viết nữa.
Vậy nên, khi mà thoạt nhìn thì tôi vẫn viết các bài khiêu khích như xưa, cũng thu hút bầy chó đàn như xưa, nhưng trong bản chất thì đã khác. Tôi có mục đích chính là xây dựng cộng đồng đọc-viết của riêng mình, để lan toả những quan điểm mình cho là đúng, với những người đọc mà tôi có thể tin tưởng và hợp tác; còn việc bầy chó tìm đến chỉ hoàn toàn là tác dụng phụ mà thôi.
Tôi chỉ có thể làm được điều này nhờ tính năng chặn và xoá bình luận của FB cá nhân, ở đó tôi là người ra luật, thay vì việc phải vào sân chơi nào đó để chơi theo luật của người khác.
Và để cho ấn tượng, tôi đặt tên giai đoạn này là “Giơ xương nhử chó vào gặm”.

3. Định luật Liebig

Khá là lạ lùng khi tôi tìm thấy một nguyên tắc trong khoa học nông nghiệp lại phù hợp với công cuộc phát triển bản thân tôi. Đó là định luật Liebig, hay định luật của cái tối thiểu, do Carl Sprengel tìm ra và được phổ biến nhờ Justus von Liebig.
Trong khoa học nông nghiệp, định luật Liebig tuyên bố rằng sự tăng trưởng của cây không phụ thuộc vào tổng số tài nguyên sẵn có, mà phụ thuộc vào số tài nguyên đang khan hiếm nhất; tức là nếu chúng ta muốn cây tăng trưởng hơn nữa, thì việc tăng thêm chất dinh dưỡng mà cây đang có dồi dào là vô ích, mà phải tăng thêm chất dinh dưỡng mà cây đang có ít nhất kia.
Để dễ hiểu trong văn hoá đại chúng, định luật Liebig thường được tóm gọn một cách ví von: “Độ bền của dây xích ngang bằng độ bền của mắt xích yếu nhất trong dây xích đó.” Hoặc “Sức chứa nước của một cái thùng ván phụ thuộc vào thanh ván ngắn nhất của thùng.” Như hình bên, chừng nào thanh ván ngắn nhất chưa được nâng cấp, sức chứa của thùng vẫn giữ nguyên, bất kể nâng cấp các thanh ván dài hơn thêm bao nhiêu đi nữa.
Trong việc viết, dựa theo định luật Liebig tôi rút ra nguyên tắc cho mình là “Trình độ và sự tử tế trong viết lách phụ thuộc ở những bài viết tệ nhất và lỗi sai ngớ ngẩn nhất, chứ không ở những bài viết tốt nhất.”
Chính vì luôn tâm niệm nguyên tắc này mà tôi mới giữ được sự chỉn chu trong toàn bộ bài viết của mình trong 6 năm qua ở Spiderum. Tôi thà viết cái sơ đẳng mà ít sai sót, còn hơn viết cái cao siêu mà nhiều sai sót. Tôi cũng thường cẩn trọng đến mức dò soát mọi lỗi chính tả trong bài viết nữa kia, và việc đăng bài rồi lại sửa năm lần bảy lượt các lỗu-ddanhs-náy với tôi là việc thường xuyên, trong mọi bài viết.
Mặt khác, tôi cũng ý thức rõ ràng được rằng khi hater, aka bầy chó, muốn tấn công tôi thì chắc chắn họ sẽ chọn những bài tôi viết tệ nhất ra để công kích, đay nghiến, và nhắc lại nhiều lần. Chẳng hạn bài A tôi viết dở, sau đó lên bài B viết tốt, bầy chó sẽ nói gì ở bài B, phản biện bài B ư? Không. Bầy chó sẽ lôi bài A ra đay nghiến, dù bài A không liên quan gì đến bài B cả. Vậy nên “định luật Liebig trong viết lách” không những khiến tôi hoàn thiện bản thân, mà nó còn giúp tôi giảm thiểu việc đánh rơi xúc xích để làm mồi cho bầy chó nữa.
Trong năm 2022 vừa qua, tôi có làm cố vấn và đóng góp vài bài viral cho fanpage của một người bạn. (Tôi xin giấu tên ở đây, vì tôi đang chỉ nói về sự kiện và ý tưởng, chứ không nói về cá nhân.) Thời gian đầu fanpage chạy khá ổn, uy tín và fandom các thứ rất cao, tuy nhiên sau đó đến giai đoạn đi đường dài – dĩ nhiên là tôi không thể cố vấn 100% bài đăng được, và fanpage ấy dù sao cũng là tài sản riêng của bạn tôi, tôi thậm chí còn không muốn và chưa từng nắm quyền admin – thì fanpage vấp phải vấn đề phong độ thất thường, có bài đáng 10 điểm nhưng có bài chỉ đáng 2-3, nói chung uy tín và số fan giảm dần đều, còn hater và bầy chó thì cắm trại ở page 24/7 luôn.
Dẫu tôi đánh giá cao người bạn đó, ít nhất nếu đọ IQ thì cậu ta ăn đứt tôi rồi (140 vs 133), nhưng tôi vẫn thấy đó là một nước đi sai. Và lí do lớn nhất cho sự trỗi dậy của bầy chó ở đấy chính là fanpage ấy đã vi phạm vào “định luật Liebig trong viết lách”. Thà chỉ viết 5 bài chất lượng cao và 0 bài chất lượng thấp, còn hơn là viết 10 bài chất lượng cao và 5 bài chất lượng thấp. Bởi uy tín là cái xây khó phá dễ, chứ không đơn thuần chỉ là một phép tính trừ.
Nói về bản thân tôi, tôi đã từng đánh rơi xúc xích để vô tình làm mồi cho chó chưa? Thú thật là có, chiến thuật “Thả xương cho chó cắn nhau” hồi xưa của tôi bây giờ ngẫm lại thấy nó cũng đem lại một số bất cập.
Đó là bằng việc tôi từ chối tranh luận với một số con chó đầu đàn dưới phần bình luận, khiến cho bầy chó tưởng rằng tôi sợ, thật ra lí do lớn nhất là tôi không thích tự đẩy bản thân vào một tình thế không kiểm soát được mà thôi – đó là khi đang tranh luận 1vs1 với con đầu đàn, các con chó khác vào phá ngang làm phần bình luận rất loãng và mệt mỏi khi đọc và lọc. Vậy nên – hồi đó Spiderum chưa có nút block, QRVN thì tôi không có quyền xoá, FB cá nhân tôi thì chưa nổi tiếng nên không ai vào – tôi chọn cách không tranh luận với một số hater dẫu đáng để tranh luận.
Bây giờ thì khác, ai theo dõi tôi trên FB có thể để ý là trên đó tôi chăm trả lời bình luận hơn, đơn giản vì đó là chỗ tôi kiểm soát được, mà kiểm soát được thì tôi sẽ tham gia. Thành phần phá ngang tôi xoá còm và khoá mõm ngay nên môi trường tranh luận được trong sạch. Spiderum gần đây đã có nút block nên trong tương lai tôi sẽ trả lời cả ở Spiderum, thay vì không đọc đến quá nửa phần bình luận như hồi xưa.

4. Ưu và nhược của Chọc chó Online

Ưu điểm của chọc chó online là một niềm vui đáng buồn cho xã hội này: đó là việc được nói ra điều mình nghĩ và muốn nói. Trong một xã hội mà hạng người Philistine ở mọi nơi, cộng đồng nào cũng có một đám “cảnh sát đạo đức” sẵn sàng sát phạt người dám thể hiện cá tính một cách vô hại, một đám thích đổ khuôn cho mọi cá nhân buộc phải hành xử đúng theo luân lí xã hội, thì việc được tự do nói điều mình thích và chỉ trích cái mình ghét bỗng trở thành một niềm vui hiếm có và quý báu.
Trong khi ưu điểm chỉ vẻn vẹn một điều như vậy thì nhược điểm có rất nhiều: người chọc chó sẽ bị ghét, bị chửi, bị đặt điều vu khống. Hành trình chọc chó của tôi khiến tôi tiếp xúc với 3 cộng đồng cặn bã nhất internet là vozer, redpiller, và chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cũng như khiến tôi được trải nghiệm mọi hành động hạ tiện nhất: từ miệt thị tình trạng sức khoẻ, nhắn tin đe doạ, chụp rất nhiều loại mũ, vu khống chuyện xấu, cho đến trả thù vặt kiểu downvote hàng loạt và bình luận spam làm phiền.
Sẽ là hài hước nếu nói rằng để chọc chó bạn cần có một lí tưởng, nhưng cũng sẽ là ngây thơ nếu nói rằng để chọc chó lâu dài bạn chả cần cái gì ngoài niềm vui, đối với tôi thì câu trả lời là bạn cần một nguyên tắc xuyên suốt nếu muốn làm lâu dài mọi việc ở trên đời, và việc chọc chó cũng không ngoại lệ. Bên cạnh niềm vui thì tôi giữ cho mình nguyên tắc là không im lặng trước cái xấu độc của xã hội, dẫu biết lên tiếng sẽ khiến nhiều chó cắn.
Chẳng hạn bài chọc chó đáng tự hào nhất và cũng bị cắn nhiều nhất của tôi, bài Cậu Vàng, về bản chất là tôi chỉ trích chủ nghĩa dân tộc cực đoan, mà còn là chỉ trích từ hồi nó vẫn còn trứng nước, chứ chưa ngóc đầu mạnh như bây giờ (còn bộ phim ấy dĩ nhiên tôi quan tâm rất ít, thậm chí gần đây Netflix miễn phí nó mà tôi còn không thèm xem). Và chỉ trích chủ nghĩa dân tộc cực đoan chính là nguyên tắc “không im lặng trước cái xấu độc của xã hội” mà tôi theo đuổi. Kể từ sau bài Cậu Vàng, tôi đã học, đọc, và viết được rất nhiều thứ về chủ nghĩa dân tộc, từ bóng đá đến lòng yêu nước đến ẩm thực, chúng đều là những bài tôi tâm đắc nhất.
Còn nhớ sau khi bài Cậu Vàng lên, đàn chó vozer nổi lên làn sóng miệt thị tôi ở mọi nơi, một cậu em đã nói rằng tôi viết bài ấy là không đáng và hại nhiều hơn lợi, nhưng thời gian đã trả lời rằng chủ nghĩa dân tộc càng ngày càng nguy hiểm, chứng tỏ hồi ấy tôi làm thế là đúng và đáng. Và bây giờ nhìn lại tôi vẫn tự hào vì đã viết ra nó.
Tôi cũng nhớ rằng có một anh bạn từng bình luận vào bài của tôi trên Spiderum, rằng bằng việc tôi đánh vào những phần tăm tối nhất của con người, đó cũng là tôi tự đánh vào phần tăm tối nhất của bản thân mình, và lí do khiến tôi không “chết” là nhờ tôi có “chiếc khiên” kiến thức đủ mạnh để tự vệ trước đòn đánh ấy. Quả là một bình luận chí lí và thông thái.
Và đến giờ tôi vẫn có thể tự hào nói rằng tôi không “chết” bởi đòn đánh của chính mình, bởi chưng tôi vẫn đang hành động bằng một tâm trí có giáo dục và một lương tâm ngay thẳng.
TORNAD
21/1/2023
30 Tết Quý Mão