9toTalk #33: Ăn mừng Giáng sinh là hội nhập hay lai căng văn hóa?
Việc giao thoa văn hóa có lẽ không còn xa lạ với chúng ta, đặc biệt là trong thời kì hội nhập. Nó giúp làm tăng vốn hiểu biết và làm...
Việc giao thoa văn hóa có lẽ không còn xa lạ với chúng ta, đặc biệt là trong thời kì hội nhập. Nó giúp làm tăng vốn hiểu biết và làm phong phú hơn đời sống văn hóa tinh thần của công dân mỗi nước. Trước tiên phải nói đến việc các lễ hội nước ngoài được du nhập vào Việt Nam như là ngày lễ Noel, Halloween, Valentine…
Ngày Giáng sinh là ngày lễ lâu đời của những người theo Kitô giáo; vào thời khắc chuyển giao giữa ngày 24 và 25 tháng 12, các tín hữu Kitô giáo cầu nguyện trong gia đình hay tại giáo đường. Ý nghĩa của ngày Giáng sinh đối với hầu hết các nước phương tây là dịp để gia đình đoàn tụ, để mỗi người bày tỏ tình yêu và sự quan tâm tới những người thân trong gia đình, họ hàng và với bạn bè, hàng xóm. Tuy nhiên, khi được du nhập vào Việt Nam, đa phần những người tham gia là giới trẻ và đây lại trở thành dịp để ra phố vui chơi, hẹn hò.
Ngày Halloween ở Việt Nam được tổ chức như một ngày hội hóa trang, là dịp để các bạn trẻ tha hồ mặc những bộ trang phục đáng sợ, kinh dị để thể hiện sự sành điệu. Trong khi đó, các bạn trẻ lại bỏ qua ý nghĩa cầu may, cầu phước và trừ ma quỷ của ngày lễ này. Ngày Valentine cũng không phải ngoại lệ. Ban đầu, ngày này là dịp để mọi người vinh danh thánh Valentine - vị thánh bảo hộ hạnh phúc vợ chồng, đôi lứa.
Trong ngày Valentine tại nhiều quốc gia, các cô gái tự mình làm socola để tặng người mình yêu quý. Tuy nhiên, khi về đến Việt Nam, ngày Valentine lại được các bạn trẻ liên tưởng đến dịp tỏ tình, tặng quà, là dịp để đấng mày râu thể hiện sự ga lăng đôi khi bằng cách tặng những vật đắt đỏ, giá trị kinh tế cao cho dù không phù hợp với túi tiền đặc biệt với lứa tuổi các bạn học sinh, sinh viên. Và việc các lễ hội khi du nhập vào một quốc gia có thể bị biến đổi không phải chỉ xảy ra ở mỗi Việt Nam; chính ngày Valentine cũng đã bị biến đổi khi sang các nước như Hàn và Nhật. Điều đáng nói ở đây là sự biến đổi đó nhiều khi lại đến từ các công ty làm kinh doanh để có thể thúc đẩy nhu cầu sử dụng sản phẩm của họ.
Không những thế, chính Việt Nam cũng có những ngày lễ mang ý nghĩa khá tương tự như một vài các lễ hội ngoại lai đang thịnh hành với giới trẻ. Ngày Giáng sinh với ý nghĩa sum họp gia đình khá giống với ý nghĩa của Tết Nguyên Đán tại Việt Nam, Ngày của mẹ (Chủ nhật thứ hai của tháng 5) cũng tương tự với ngày 8/3, 20/10 và Rằm tháng 7 âm lịch… Vậy tại sao chúng ta lại quá chú tâm và tốn quá nhiều chi phí, công sức để chạy theo tổ chức các lễ hội ngoại lai trong khi đã có các lễ hội trong nước mang ý nghĩa tương tự? Phải chăng chúng ta hào hứng với các lễ hội này vì chúng được gắn mác “nước ngoài”?
Ở một khía cạnh khác, cũng có rất nhiều người ủng hộ việc du nhập các lễ hội nước ngoài. Có rất nhiều ý kiến đồng tình rằng các lễ hội được tổ chức là để đem đến niềm vui và hạnh phúc cho những người tham gia. Không có gì sai nếu có một ngày đặc biệt cho mọi người dừng lại giữa cuộc sống hối hả, bận rộn để nhớ đến nhau, dành thời gian ở bên nhau vui cười hạnh phúc. Nghe thì khá là “ham vui” nhưng nhìn lại ý nghĩa của từ “lễ hội”, chúng ta có thể thấy nó cũng xuất phát từ nhu cầu cuộc sống của con người. Không những vậy, cũng có ý kiến cho rằng các lễ hội trong nước không được hưởng ứng quá nhiều vì nhiều nghi lễ rườm rà, ngày tháng lại hay tính bằng lịch âm trong khi mọi người sinh hoạt, làm việc theo lịch dương và các lễ hội nước ngoài lại khá đơn giản, vui vẻ và dễ tiếp cận hơn nhiều.
Ngay cả UNESCO - Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc cũng luôn khuyến khích các nền văn hóa trong quá trình hội nhập nên tập chung sống với cái khác mình rồi từ cái khác mình sẽ trở thành cái của mình. Theo GS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, lịch sử văn hóa của chúng ta cho thấy, trong nhiều nét văn hóa khi đào đến gốc rễ của nó thì đều có sự kết hợp với yếu tố bên ngoài; khả năng bản địa văn hóa Việt Nam là rất lớn. Vấn đề ở đây là những lễ hội mới du nhập cần bản địa hóa như thế nào để được nét văn hóa riêng của mình.
Một quan điểm khác là việc giới trẻ hiện nay luôn được khuyến khích thử các cái mới, hòa nhập và vươn ra thế giới. Vậy thì không quá khó để giải thích tại sao các bạn trẻ lại dễ dàng tiếp nhận và hưởng ứng những lễ hội và văn hóa quốc tế hơn các thế hệ đi trước. Có lẽ chúng ta không nên quá chú tâm đến việc phê phán, hạn chế hay ngăn cấm việc du nhập các lễ hội và văn hóa nước ngoài vào Việt Nam mà nên cung cấp đầy đủ các thông tin về các lễ hội đó để người dân hiểu và chọn lọc; từ đó có cách hành xử đúng đắn, tạo sự gắn bó và tránh những điều tiêu cực xảy ra.
Thứ 4 tuần này được sự ủy quyền của Spiderum, tôi muốn cùng anh chị em thảo luận về việc nên hay không nên du nhập và chạy theo quá nhiều lễ hội của phương Tây? Liệu việc du nhập các lễ hội này có lợi ích cũng như tác hại gì đối với văn hóa Việt Nam? Rất mong nhận được sự chia sẻ của mọi người.
9toTalk là chuyên mục được đăng vào 9h tối thứ 4 hàng tuần tại Spiderum.com để cùng các tác giả nổi bật thảo luận về các chủ đề mang tính thời sự; hoặc đôi khi chỉ là những chia sẻ, suy ngẫm.
Xem thêm các 9toTalk khác tại:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất