Một người trong suốt 20 năm đầu cuộc đời chỉ nói được một ngoại ngữ, nhưng sau đó lại có thể trở thành người thành thạo hơn 10 thứ tiếng. Một người sợ nói trước đám đông và từng bị học sinh trêu là “hơi thở khi lo lắng nghe như Darth Vader” có thể thay đổi và trở thành một trong những TEDx Speaker nổi tiếng nhất. Một người chưa bao giờ qua trường lớp kiến trúc nào lại trở thành một trong những kiến trúc sư danh giá nhất Nhật Bản.
Điểm chung giữa ba người này là gì? Tài năng?
Cũng có thể, nhưng ngoài ra, họ còn sở hữu một thứ khác; được nhắc đến trong cuốn sách “Hidden Potential” (Tiềm năng ẩn) của Adam Grant dưới cái tên “Character Skills” - Kỹ năng phẩm chất.
Phẩm chất là một kỹ năng?
James Heckman - người đạt giải Nobel Kinh Tế năm 2000 - tin rằng phẩm chất (”Điều tiết bản thân”, “Tư duy mở”, “Kiên trì”,..) là những kỹ năng, mà kỹ năng thì hoàn toàn toàn có thể được luyện tập, tuy nhiên phải với phương pháp và môi trường hợp lý (Heckman and Kautz, 2013). Một ví dụ nổi tiếng trong việc luyện tập phẩm chất là Benjamin Franklin - một trong những nhà sáng lập nước Mĩ.
Cụ thể, Benjamin Franklin đã liệt kê 13 phẩm chất mà ông cảm thấy quan trọng. Ông ấy luyện từng phẩm chất một bằng cách tạo một bảng đánh giá tiến độ luyện tập, và ngày nào ông ấy cảm thấy mình làm tốt thì ông ấy sẽ tích vào, đủ một lượng tích nhất định thì mới chuyển sang phẩm chất tiếp theo. Bạn có thể tìm hiểu thêm bằng cách search từ khóa “Benjamin Franklin Virtues practice”.
Bản thân mình hồi xưa cũng từng là một người lười nhác và có tư duy hạn hẹp. Nhưng may mắn thay, nhờ tiếp xúc với tri thức tân tiến từ sách vở và Youtube, mình đã dần có thể “tập luyện” kỷ luật và mở rộng tâm trí hơn, từ đó hoàn toàn thay đổi bản thân.
Biết được phẩm chất là điều có thể luyện tập rồi, một câu hỏi cũng quan trọng không kém là:
“Chọn phẩm chất nào để luyện tập đây?”
Trong bài viết này, mình sẽ phân tích sâu về 3 kỹ năng phẩm chất tác giả Adam Grant nhắc đến trong cuốn sách “Hidden Potential”. Với 3 “kỹ năng” này, mình tin chúng ta có thể khai phá hết tiềm năng của bản thân, để từ bình thường thành phi thường, như ba nhân vật mình nhắc đến đầu bài viết.
img_0
Lưu ý: Đây không phải là một bài review sách, mà mình chỉ mượn ý tưởng trong sách để đào sâu phân tích.

1. Chịu đựng sự không thoải mái (become a creature of discomfort)

Sara Maria và Benny Lewis gặp nhau tại một sự kiện dành cho Polyglot (những người thành thạo nhiều thứ tiếng khác nhau). Chỉ trong một tiếng gặp nhau, hai người họ đã có thể trò chuyện bằng tiếng Trung, tiếng Tây Ban Nha, Tiếng Pháp, Tiếng Anh, và thậm chí ngôn ngữ ký hiệu của Mỹ. Đúng là trời phú khả năng ngôn ngữ nhỉ?
Không hẳn. Một điểm chung ít ai biết của hai người này là họ đều chật vật với việc học ngôn ngữ lúc mới bắt đầu. Cho đến 21 tuổi, tiếng Anh vẫn là thứ tiếng duy nhất Benny có thể nói được, dù trước đó anh đã có 5 năm học tiếng Đức và 11 năm học tiếng Ireland tại trường. Trong khi đó, Sara từng được bảo là không có thiên phú học tiếng Tây Ban Nha, kể cả khi bố cố đến từ quốc gia này.
Thế thì, tại sao hai người họ lại có thể thay đổi một cách ngoạn mục, từ “Zero” trở thành những Polyglot?
Đáp án là: hai người họ đều chủ động tìm đến sự không thoải mái trong luyện tập.
Cụ thể, thay vì đọc nguyên một cuốn sách giáo khoa, học 100 từ vựng rồi mới giao tiếp như bao người thông thường, họ chọn cách “nhảy thẳng” vào trò chuyện với người bản xứ. Để học tiếng Tây Ban Nha, Sara đã chuyển đến Madrid để sống với một gia đình bản địa chỉ giao tiếp bằng ngôn ngữ này. Với sự thay đổi đó, chỉ trong một mùa hè, Sara đã có thể thành thạo thứ ngôn ngữ mà cô ấy chịu thua trong suốt hàng chục năm trên ghế nhà trường.
Benny cũng đã có thể học được ngôn ngữ mới thông qua việc tìm đến người bản xứ và chủ động trò chuyện với họ, thay vì chỉ ngồi ghi nhớ từ vựng như trước đây.
Có thể thấy, Benny và Sara đã lựa chọn trực tiếp luyện tập ngôn ngữ thông qua việc giao tiếp, dù họ chưa biết một chút căn bản nào. Họ chỉ tự học một vài câu hội thoại cơ bản, và sau đó học trực tiếp thông qua trải nghiệm.
Chân dung Sara Maria - người được nhắc đến trên bài viết và trong cuốn sách "Hidden Potential
Chân dung Sara Maria - người được nhắc đến trên bài viết và trong cuốn sách "Hidden Potential

Cách này không dễ chịu chút nào, bởi họ sẽ mắc rất nhiều lỗi, như Benny đã từng giới thiệu bản thân nhầm giới tính và nói bản thân mình bị thu hút bởi xe buýt. Nhưng chính những lỗi lầm đó sẽ giúp chúng ta học tập nhanh hơn, bởi dựa theo “Hypercorrection effect”, chúng ta dễ ghi nhớ một thông tin nếu chúng ta mắc lỗi và sửa, hơn là học theo cách thông thường. (Butterfield and Metcalfe, 2001).
Nếu chúng ta không dám mắc lỗi mà chỉ luôn học trong vùng an toàn của mình, chúng ta sẽ mất đi cơ hội học tập quý giá chỉ trải nghiệm thực tiễn mới mang lại được. Bây giờ, Benny còn đặt ra một mục tiêu là mỗi khi học một ngôn ngữ mới, anh sẽ cố gắng phạm ít nhất 200 sai lầm mỗi ngày.
Không chỉ với việc học ngôn ngữ, việc học bất kỳ môn nào khác cũng đòi hỏi chúng ta phải chịu đựng sự không thoải mái.
Trong khoa học về học tập, có một khái niệm gọi là “desirable difficulty” dùng để chỉ những phương pháp học tuy “thử thách” trí tuệ của ta nhưng lại cực kỳ hiệu quả (de et al., 2023). Một số phương pháp thuộc “Desirable difficulty” có thể kể đến là: Spaced Repetition, Interleaving, Free Recall, Active recall, Self-explaination, etc. Nói cách khác, hầu như tất cả phương pháp học tập được khoa học chứng minh hiệu quả đều thuộc “Desirable difficulty”.
Một lý do là bởi khi chúng ta cảm thấy sự căng thẳng nhẹ trong lúc học, não bộ sẽ tiết ra hóa chất thần kinh như acetylcholine, adrenaline,… Những hóa chất thần kinh này như một tín hiệu với não bộ rằng “à, thông tin này quan trọng, nên ta cần phải ghi nhớ” (Huberman, 2022), (Lila Landowski, 2023). Nếu không có sự căng thẳng này, não bộ sẽ ngay lập tức quên thông tin đó như hàng vạn thông tin khác ta tiếp thu mỗi ngày.
Vậy nên, trong lúc học một kỹ năng nào, nếu các bạn cảm thấy chật vật trong quá trình luyện tập, thì hãy yên tâm rằng không phải bạn đang luyện tập sai cách đâu, ngược lại đấy.
Ngoài ra, hãy để cho bản thân thoải mái mắc lỗi sai trong lúc luyện tập, bởi chính lỗi sai đó sẽ là cơ hội để phát hiện và sửa chữa điểm yếu của mình. Thà mắc lỗi sai trong lúc luyện tập còn hơn không học được gì cả đúng không nào ^^
Thêm nữa, đối với mình, một trong những cảm giác dù khó chịu nhưng rất cần thiết để phát triển là “đập đi xây lại bản thân”.
Chúng ta có xu hướng tư duy theo “thiên kiến xác nhận”, tức là chỉ tiếp thu những điều hợp với quan niệm trước đó của bản thân (Pilat and Krastev, 2021). Mình quan sát được chúng ta sẽ thường nhận xét một bài viết hay khi “nó đúng với những gì tôi đã nghiệm được”, “tôi cũng đang áp dụng cái đó”. Và phản ứng đầu tiên khi ta nghe được những gì khác với điều ta tin tưởng là “chối bỏ”. Khả năng cao một số bạn đọc sau khi đọc những dòng này xong cũng sẽ nghĩ “xời vớ vẩn, mình làm gì có thiên kiến này”.
Nhưng, trưởng thành có phải khi ta dám từ bỏ một quan niệm cũ để theo đuổi một quan niệm mới phù hợp hơn?
img_1
Cảm giác thế giới quan và niềm tin bị xâm phạm sẽ rất khó chịu, mình hiểu điều đó. Đó là lý do con người thường không chịu thay đổi. Chỉ khi chúng ta trải qua một biến cố lớn, rồi bị thực tại vả mạnh đến mức phải nhảy ra khỏi ảo tưởng ta tự xây cho chính mình, ta mới chịu thay đổi.
Mình tự hỏi, liệu ta có thể chịu ít khổ đau hơn nhưng vẫn nhận được lợi ích các biến cố mang lại?
Hiện tại, dù không hề dễ chịu, mình luôn cố gắng tìm những ý kiến trái ngược với những gì mình biết trước đó, nhưng lại có tiềm năng giúp mình thay đổi bản thân. Khi học, nếu tìm được phương pháp nào được khoa học chứng minh là tốt, thì mình chắc chắn sẽ thử dù cho từng nơ ron suy nghĩ của mình có bảo nó chẳng đúng đâu.
Khi có ai đó góp ý cho mình, nếu phản ứng ngay lập tức của mình là giận dữ và bảo “không phải đâu” hay “bạn chẳng hiểu tôi gì cả”; mình sẽ ngay lập tức dừng lại và suy xét xem “liệu nó thực sự đúng không”.
Điều này không phải lúc nào mình cũng làm được, nhưng mình vẫn liên tục suy nghiệm và cố gắng sửa đổi bản thân. Hiện tại, mình tự nhận thấy, và mọi người xung quanh cũng đánh giá, mình bớt cứng đầu và biết lắng nghe hơn trước; nhưng mình vẫn còn một chặng đường dài để đi.
Tuy nhiên, không phải lời góp ý của ai bạn cũng nên nghe, mà phải có chọn lọc. Điều này mình sẽ bàn kỹ hơn ở phần sau.
Mình chọn viết phẩm chất “chịu đựng sự không thoải mái” ở đầu, bởi nó có liên quan mật thiết đến hai phẩm chất tiếp theo. Liên quan như thế nào thì mới bạn đọc tiếp bài viết ^^

2.Trở thành một con “bọt biển” trong học tập (Become a Human Sponge)

Trong tự nhiên, bọt biển tuy là một con vật có cấu tạo đơn giản, nhưng chúng có khả năng sinh tồn siêu phàm. Một số loài bọt biển có thể sống đến hơn 2000 năm, nhờ cấu tạo xương bền chắc, và đặc biệt cấu tạo cơ thể xốp giúp chúng liên tục hấp thụ nước và loại bỏ những tạp chất không cần thiết.
Tương tự, trong học tập, chúng ta có thể trở thành “bọt biển” khi ta có khả năng tiếp thu thông tin một cách chủ động, và biết loại bỏ những điều không cần thiết với sự phát triển của bản thân
Trong cuốn sách “Hidden Potential”, Adam Grant có nhắc đến hai chỉ dấu để phân loại các dạng người trong học tập, đó là phương cách tiếp thu (absorbing approach) và động cơ học tập (filtering goal).
Mình thử tự vẽ bằng Ipad, xấu mng chịu khó nhé :))
Mình thử tự vẽ bằng Ipad, xấu mng chịu khó nhé :))
Cùng mình phân tích 4 nhóm người được phân chia bởi hai chỉ dấu này nhé.
Nhóm đáng báo động nhất, dễ đoán thôi, là nhóm vừa học tập một cách bị động mà lại còn bị chi phối bởi cái tôi. Ví nhóm này như “cao su” bởi dù có vặn vẹo uốn éo như thế nào thì nó cũng sẽ trở lại hình dạng ban đầu. Bất kỳ thông tin nào tìm đến nhóm này cũng sẽ như nước đổ đầu vịt.
Một nhóm đỡ báo động hơn nhưng cũng không tối ưu là nhóm chủ động tiếp thu thông tin nhưng lại có cái tôi quá cao. Những người luôn đi hỏi ý kiến của người khác, song chỉ đồng thuận với ý kiến giống mình, còn ý kiến nào trái với họ thì ngay lập tức giãy nảy lên thuộc nhóm này. Ví họ như “Teflon” bởi tuy nó có khả năng chịu nhiệt và độ bền rất tốt, nhưng không vật gì dính được vào nó cả, cũng như không có bất kỳ lời góp ý trái chiều nào “dính” được vào nhóm này.
Nhóm trái ngược với nhóm “Teflon” là nhóm “đất sét”. Nhóm này thì vì muốn phát triển nên họ sẵn sàng tiếp thu mọi lời khuyên. Họ thường được nhận xét “dễ dạy bảo”, và “vâng lời”. Nhóm này là đại diện tiêu biểu cho hình mẫu học sinh chăm ngoan á đông.
Những “đất sét” sẵn sàng làm bất kỳ điều gì thầy cô và nhà trường bảo để có thể phát triển, nhưng nếu không có ai dạy bảo thì họ sẽ rất dễ mất phương hướng. Đất sét mà, ai nặn hình gì thì ra hình đó thôi.
Đến đây hẳn các bạn cũng đoán được trạng thái mà chúng ta nên hướng tới là gì rồi. Đó chính là “bọt biển” trong học tập. Những “bọt biển” luôn có thái độ cầu thị, tìm kiếm thông tin và nhận xét từ người khác để phát triển bản thân. Khi nhận được lời góp ý từ người khác, màng lọc của họ không phải là “liệu lời góp ý này có trái với quan niệm từ trước của bản thân mình hay không”, mà là “Liệu lời góp ý này có giúp mình phát triển không?".
Hình ảnh bọt biển trong tự nhiên
Hình ảnh bọt biển trong tự nhiên

Bây giờ, sau mỗi sự kiện, mình thường tìm đến một số người bạn hoặc mentor (những người mình tin là không sợ mình mất lòng) và hỏi: “điều gì em/tao có thể cải thiện để … trở nên tốt hơn”. Chứ mình không hỏi “em/tao làm tốt không?” nữa. Câu hỏi dạng này vừa gài người khác vào thế khó (chả lẽ thấy mình đang hớn hở người ta lại chê), vừa chẳng có lợi gì cho sự phát triển của ta.
Hơn nữa, để nhận được góp ý xây dựng từ người khác, ta cũng cần phải chứng minh cho họ rằng ta không dễ bị xúc phạm. Nếu cứ một câu người ta góp ý bạn lại lập tức giãy nảy lên, thì sẽ không ai chịu góp ý cho bạn nữa.
Một điều ta có thể làm là hãy luôn tự hạ thấp bản thân trước. Hạ thấp ở đây không phải theo hướng trở nên tự ti, mà chúng ta tự chỉ ra bản thân đã mắc sai lầm gì. Đừng ngại nhận lỗi trước mặt mọi người nếu bạn thực sự sai.
Mình quan sát được những người biết tự nhận lỗi khi mình sai thường được tôn trọng hơn, chứ không phải những người luôn khăng khăng mình đúng.
Adam Grant chính là một ví dụ nổi bật của tinh thần “bọt biển”. Ông ấy từng mắc chứng lo lắng khi nói trước đám đông. Chứng lo lắng ấy đã khiến Adam bị phê bình bởi chính học sinh của mình, và bị từ chối bởi một đại học ông ấy nộp đơn bởi họ cho rằng ông ấy thiếu tự tin.
Tuy nhiên, thay vì an phận như bao người, Adam quyết định thay đổi bản thân bằng cách liên tục xin lời khuyên từ những người xung quanh, chắt lọc các lời khuyên hữu ích, và áp dụng chúng để phát triển kỹ năng thuyết trình. Cuối cùng, từ một người không hề có kỹ năng trình bày trước đám đông, Adam trở thành một trong những diễn giả TED talk có lượt xem cao nhất, với một bài nói có hơn 30 triệu lượt xem.
Ông ấy đạt được thành tựu này thông qua tinh thần cầu thị, sẵn sàng vượt qua nỗi sợ và cái tôi của bản thân để trở nên tốt hơn.
Adam Grant trong một bài TED Talk của mình
Adam Grant trong một bài TED Talk của mình

Ngoài ra, một câu hỏi cũng quan trọng không kém là: “Làm sao biết được lời khuyên nào đáng lắng nghe, lời khuyên nào nên bỏ ngoài tai?”
Điều đầu tiên, hãy để ý tới chuyên môn của người góp ý cho bạn. Nếu bạn may mắn được nhận lời góp ý từ một người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực của bạn, hoặc một người mà bạn biết có năng lực tốt, đó là món quà lớn nhất bạn có thể có.
Tất nhiên chưa chắc lời góp ý của họ đã đúng, nhưng bạn cần suy nghĩ thật kỹ về những gì họ góp ý. Còn nếu người góp ý cho bạn ất ơ vô danh trên mạng, hoặc theo kiểu “huấn luyện viên thì không ra sân”, bạn có thể ngay lập tức bỏ ngoài tai.
Tuy vậy, nếu một lời góp ý, kể cả khi đến từ những người không có chuyên môn, mà có tần suất xuất hiện nhiều thì bạn cũng nên chú ý. Đặc biệt là những công việc hướng đến khán giả đại chúng như viết lách, hay nói trước đám đông.
Nói gì thì nói, có thể bạn nghĩ bạn viết hay, nhưng rất nhiều độc giả của bạn nói bạn viết dở, thì 99% là bạn viết dở.
Phẩm chất “bọt biển” này cũng liên kết với phẩm chất “chịu đựng cảm giác khó chịu” ở trên, bởi những lời khuyên hữu ích cho chúng ta nhiều khi không dễ chịu để nghe chút nào.
Một phần là bởi chúng ta có “thiên kiến xác nhận” như mình nhắc đến ở trên. Ngoài ra, chúng ta cũng thường không chấp nhận lời khuyên của người khác vì nếu chúng ta thừa nhận là mình cần lời khuyên, nó cũng ám chỉ ta thừa nhận rằng mình đang “cần sửa chữa”, và không ai muốn điều đó cả.
Tuy nhiên, đối với mình, nhận ra khuyết điểm của bản thân thực chất là một điều tốt, bởi điều đó nói lên rằng:
“Chúng ta vẫn còn tiềm năng để phát triển.”

C. Trở thành người hoàn hảo “bán thời gian” (Part-time perfectionist)

“Phần này không chỉ dành cho những người tự nhận mình theo “chủ nghĩa hoàn hảo”, mà cho tất cả những ai muốn tạo ra sản phẩm thực sự chất lượng”.
Thực ra tựa mục gốc trong cuốn “Hidden Potential” là “Become an imperfectionist” (Trở thành người không theo chủ nghĩa hoàn hảo), nhưng cá nhân mình thấy nó không hoàn toàn đúng với thông điệp mà cả Adam Grant và bản thân mình muốn truyền tải, nên mình đổi thành như trên.
Tựu trung lại, chúng ta không thể nào hoàn hảo được trong tất cả mọi mặt của cuộc sống, dù chúng ta muốn đến cỡ nào, vì không phải điều gì cũng nằm trong tầm kiểm soát của ta.
Bởi vậy, thay vì cái gì cũng muốn hoàn hảo, ta nên chọn một số ít điều ta muốn nó phải thật hoàn hảo, và hạ thấp tiêu chuẩn với những điều còn lại.
Tadao Ando - kiến trúc sư duy nhất từng thắng cả 4 giải thưởng danh giá nhất của ngành kiến trúc - là một ví dụ điển hình của người “hoàn hảo bán thời gian”. Để xây được một ngôi nhà có thể chống chọi động đất ở Nhật Bản, Tadao tập trung xây những ngôi nhà có cấu trúc vững chãi, và hạ tiêu chuẩn với những yếu tố khác như sự thoải mái.
Trong phong cách thiết kế của Ando cũng thấm đượm tinh thần Wabi-Sabi (vẻ đẹp trong những điều không hoàn hảo) của Nhật Bản. Ông để xi măng lộ rõ ra trong các bức tường của nhiều tòa nhà mình thiết kế, một điều mà hầu hết các nhà kiến trúc hiện đại sẽ cho là lỗi. Tuy nhiên, Ando vẫn tinh chỉnh xi măng sao cho chúng vừa đủ đẹp để hòa vào quang cảnh xung quanh, và chính sự hòa hợp đó lại khiến cho những kiến trúc của Ando có một vẻ gì đó rất gần với tự nhiên.
Một trong những thiết kế nổi tiếng nhất của Ando - The Church of Light
Một trong những thiết kế nổi tiếng nhất của Ando - The Church of Light

“Trở thành người hoàn hảo bán thời gian” cũng rất liên quan đến kỹ năng “chịu đựng sự khó chịu ở trên “, bởi nhiều khi với những điều quan trọng, ta muốn cái gì cũng phải hoàn hảo. Ta không dám đăng một bài viết/video vì ta liên tục dò đi dò lại để xem có sửa được gì không. Ta dành làm tất cả mọi việc vì sợ người khác sẽ làm sai.
Tinh thần này vẫn có mặt tốt, bởi nó khiến chúng ta chau chuốt chất lượng thật kỹ. Tuy nhiên, theo mình, sự hoàn hảo chỉ xảy ra trong 2 điều kiện sau:
(1) Chúng ta có thể chi phối được tất cả những sự kiện xảy ra trên thế giới. Ví dụ như có thể điều khiển được tâm trí của tất cả mọi người xung quanh để không ai có thể phá hỏng kế hoạch của ta, hay điều khiển thời tiết để khiến ngày diễn ra sự kiện của ta phải là một ngày đẹp trời,…
(2) Chúng ta có vô hạn thời gian để hoàn thành những điều ta muốn làm. Mặc dù dự án chỉ có một tháng để hoàn thành, nếu ta tìm thấy một lỗi nhỏ nhặt không liên quan đến kết quả tổng thể, ta có thể biến hạn nộp thành một năm để tiếp tục làm.
Hmm nghe cũng khả thi đấy, nhưng mình xin phép chọn cách tiếp cận khác.
Đó là, chúng ta cần chấp nhận sự khó chịu trong việc chọn ra một vài điều để tập trung trong số hàng trăm tác vụ có vẻ quan trọng, và một sự khó chịu khác đến từ việc chấp nhận một tiêu chuẩn “tạm được” cho những thứ chúng ta không ưu tiên, để tập trung làm hoàn hảo những thứ có ý nghĩa đối với ta.
Bản thân mình đặt ra những tiêu chuẩn hoàn hảo riêng đối với các tác vụ khác nhau.
Ví dụ trong việc viết lách, đối với những bài viết trên mạng xã hội, mình không cần chúng quá hoàn hảo, mà chỉ cần ngắn gọn, đủ ý, và hạn chế sai chính tả. Những bài như thế có khi mình chỉ viết trong 10 phút rồi đăng luôn. Nhưng nếu mình viết một bài dài trên 1000 chữ để đăng, mình có thể mất cả tháng để nghiên cứu và một tuần để sửa đi sửa lại.
(”Nếu bạn đang thắc mắc, bài viết này nằm ở mức giữa, không đến mức mất cả tháng những mình cũng dành cả tuần để đọc và nghiên cứu.”)
Chúng ta cũng có thể áp dụng tinh thần tương tự để quản lý cuộc sống. Ta không thể nào đạt được sự hoàn hảo trong mọi mặt của cuộc đời. Mà trong mỗi thời điểm, ta cần điều chỉnh ưu tiên của mình và chấp nhận một số mặt sẽ không hoàn hảo.
Ví dụ, những lúc mình bận rộn, mình sẽ không đòi hỏi bản thân phải giữ cơ thể sáu múi (dù mình vẫn cố gắng tập thể dục ít nhất 10-15 phút mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe). Và những lúc nghỉ ngơi, mình cũng cố không bắt ép bản thân phải làm việc. Theo mình, cách duy nhất để “sống cân bằng” là chấp nhận mất cân bằng trong một vài lĩnh vực mình không ưu tiên.
Trên tất cả, mình nhận ra, nếu chúng ta thật sự trở thành một “bọt biển” trong học tập và trong đời sống, thì bản thân ta không thể nào “hoàn hảo” được. Bởi nội từ hoàn hảo mang nghĩa là “không cần cải thiện gì thêm”, mà đã là một người học, mình tin hành trình cải thiện bản thân là hành trình cả đời.
img_2

Kết

Bằng cách chịu đựng sự không thoải mái, trong lúc luyện tập, Sara Maria và Benny đã lột xác từ hai người gặp khó khăn trong việc thành thạo ngôn ngữ thứ hai, trở thành những người thành thạo hơn 10 thứ tiếng.
Bằng cách trở thành một “bọt biển” trong học tập, chủ động tìm kiến phản hồi từ người khác và điều chỉnh chiến lược của bản thân, Adam Grant đã vượt qua sự lo lắng bẩm sinh để trở thành một trong những diễn giả TED Talk được theo dõi nhiều nhất.
Và bằng cách trân trọng sự “không hoàn hảo” trong thiết kế, Tadao Ando đã trở thành một trong những cái tên danh giá nhất trong làng kiến trúc, dù ông không có bất kỳ bằng cấp chính quy nào.
Còn bạn thì sao? Bạn đã sẵn sàng để bắt đầu hành trình rèn luyện “kỹ năng phẩm chất” của mình chưa?
Be curious,
Triet

Nguồn tham khảo:

Butterfield, B. and Metcalfe, J. (2001). Errors committed with high confidence are hypercorrected. Journal of Experimental Psychology: Learning, Memory, and Cognition, 27(6), pp.1491–1494. doi:https://doi.org/10.1037/0278-7393.27.6.1491.
de, H., Biwer, F., Hui, L., Onan, E., David, L. and Wisnu Wiradhany (2023). Worth the Effort: the Start and Stick to Desirable Difficulties (S2D2) Framework. Educational Psychology Review, 35(2). doi:https://doi.org/10.1007/s10648-023-09766-w.
Grant, A. (2023). Hidden Potential. Penguin.
Heckman, J. and Kautz, T. (2013). Fostering and Measuring Skills: Interventions That Improve Character and Cognition. doi:https://doi.org/10.3386/w19656.
Huberman, A. (2022). Understand & Improve Memory Using Science-Based Tools | Huberman Lab Podcast #72. [online] www.youtube.com. Available at: https://www.youtube.com/watch?v=szqPAPKE5tQ.
Lila Landowski (2023). Brain Hack: 6 secrets to learning faster, backed by neuroscience | Lila Landowski | TEDxHobart. YouTube. Available at: https://www.youtube.com/watch?v=kKvK2foOTJM.
Pilat, D. and Krastev, S. (2021). Confirmation bias. [online] The Decision Lab. Available at: https://thedecisionlab.com/biases/confirmation-bias.