Đó là sự tin tưởng – Trust
Mình có thể tin tưởng trao cái mạng của mình cho người này không nhỉ?

Một ví dụ nhỏ - Erik và Katie tìm bảo mẫu

Erik và Katie là cặp vợ chồng người Đan rất dễ thương ở kế nhà mình. Như mọi cặp vợ chồng trẻ, họ phải đi công tác suốt cả tuần, nên việc tìm một cô giữ trẻ đáng tin để trông đứa con gái út 2 tuổi trong nhiều ngày là một vấn đề lớn. Mình biết Erik có 2 ứng viên, một là cô y tá già Martha mới dọn đến cách đây 3 tháng, nghe đâu bà nói bà đã làm ở bệnh viện nhi Copenhagen suốt 40 năm qua, và thứ hai là Ane – cô bé mới 20 tuổi, đang làm sinh viên kiêm chạy bàn. Erik đã tin tưởng Ané thay vì bà y tá đầy kinh nghiệm Martha. Mình đã hỏi Erik tại sao lại có một quyết định phi lý như vậy – “vì tao tin Ane hơn, đó là điều mày không thấy được”.
Tại sao một cô bé 20 tuổi lại có thể đáng tin hơn một bà y tá đã dành 40 năm chăm sóc bao nhiêu đứa trẻ nhỉ? Đơn giả vì Erik đã sống cùng khu với Ané từ lúc cô bé sinh ra, Erik biết mọi người trong gia đình Ané và ngược lại. Quan trọng nhất, Ane đã từng trông thằng con đầu cho Erik và bây giờ chúng nó như chị em với nhau. Nói ngắn gọn, Ane đã/đang cho Erik sự yên tâm về đứa con của mình khi anh không ở nhà. Đây là cơ sở của sự tin tưởng Erik dành cho Ane.

Một ví dụ liên quan – mình tìm được việc ở Châu Âu!

Mình đang làm việc ở Đan Mạch, trong một công ty toàn người Đan Mạch và mình không biết nói tiếng Đan! Sự tin tưởng nhiệm màu nào đã cho mình cơ hội này?
MÌnh biết sếp mình từ trước 6 tháng khi mình gia nhập công ty, qua một buổi networking. Tụi mình đã xây dựng được mối giao hảo khá tốt khi cùng nhau chia sẻ và trao đổi những khó khăn trong công việc, sếp chia sẻ cho mình nhiều về kĩ năng quản lí, mình chỉ lại sếp các kĩ thuật phân tích bằng Excel. Tới một ngày sếp gọi cho mình nói sếp đang tìm một supply chain analyst và sếp hỏi mình có muốn tới xứ Bắc Âu này để không. “Yes, bao nhiêu ngày xây dựng network, xây dựng niềm tin đã được trả công!” – mình nghĩ thế nhưng phải cả năm sau khi sếp nghỉ rồi mình mới thấy ý nghĩa sự tin tưởng lớn dường nào.
Một lần cô nhân sự kể vẫn nhớ lần sếp mình phải giải trình với lãnh đạo công ty về việc tại sao lại cất công tuyển mình, một thằng da vàng, tóc đen, không biết tiếng Đan vào công ty mà ai cũng da trắng, cao to và đặc biệt nhất - ai nói tiếng Đan. Mình rất biết ơn khi biết sếp mình đã cất công đi thuyết phục từng người một, và sếp mình khi đó chỉ có duy nhất một lập luận để nói với từng người một: “Tui đã làm việc với thằng này, nó giúp tui (và gián tiếp giúp công ty này) thoát nạn không ít lần! Tui thấy điều này, tui tin nó và tin nó sẽ còn làm được nhiều hơn nếu nó là một phần công ty mình!” – mình thực sự bất ngờ!

Một ví dụ dễ hiểu – chuyện mình đi thi

Một câu hỏi cần các bạn trả lời trung thực, khi các bạn vào phòng kiểm tra với cái đầu hoàn toàn trống rỗng, hoàn toàn không hiểu cái đề Hóa đang nói gì, các bạn muốn ngồi gần thằng bạn than học lực tàn tàn nhưng tuyệt đối đáng tin sẽ chỉ bài cho bạn hay bạn muốn ngồi kế nhỏ lớp trưởng, thành viên đội olympic Hóa? MÌnh sẽ luôn chọn đồng hành với người mình tin tưởng. Một người lính ra trận chỉ đồng hành với những người họ tin tưởng nhất, chứ không phải những người giỏi nhất.
Dù ở đâu, ai cũng muốn đồng hành với người mà họ có thể tin tưởng!
Trong những quyết định sống còn, dù là phòng thi, ra trận hay tuyển dụng, người ta luôn tìm đến những người họ thấy tin tưởng nhất. Hầu hết chúng ta bây giờ đều bận rộn với cuộc chiến tìm việc, như vậy có câu hỏi lớn: làm sao mình có được sự tin tưởng ở một người mình chưa từng gặp?
Sự tin tưởng được đánh giá  dựa trên chỉ một yếu tố - bạn có kết nối như thế nào với công ty đó, cụ thể hơn với người sẽ quyết định nhận hay từ chối bạn. Theo mình, bạn nên xây dựng kết nối này bằng một vài thứ sau:
  • Bạn hiểu gì về công ty/người phỏng vấn bạn: “hiểu” ở đây không có phải là bạn có thể kể đọc vanh vách danh mục sản phẩm công ty hay lịch sử công ty, người ta bỏ công đi nửa vòng trái đất để tìm một người có thể giúp họ giải quyết vấn đề. Cùng một vị trí công việc, công ty khác nhau, sếp khác nhau sẽ có những vấn đề khác nhau, bạn nên bỏ thời gian trên LinkedIn, tham gia network để biết điều này và cho người ta thấy bạn có khả năng giúp họ.
  • Người tuyển bạn và bạn có một vài mối quan hệ chung nào không? Nếu có, bạn nên tận dụng mối quan hệ này để quảng bá bản thân mình. Nếu chưa có, bạn cần chủ động tìm và xây dựng – ở thế giới công sở, network không phải thứ từ trên trời rơi xuống một cách vô tình như đứa bạn ngồi cùng bàn với bạn hồi đại học đâu! LinkedIn là một công cụ để bạn kết nối với nhiều người, nếu bạn thích gì đó thực tế hơn, có hàng ngàn câu lạc bộ, đội nhóm nghề nghiệp để bạn tham gia!
  • Bạn rà lại CV của mình xem giữa mình và người tuyển dụng có điểm chung gì không? Điểm chung đây có thể là bạn làm ở một công ty có sản phẩm tương đương? Những dự án bạn đã thực hiện? Để biết điều này bạn nên dành thời gian đọc mô tả công việc thật kĩ lưỡng, đừng vội vàng gửi hồ sơ chỉ vì thấy cái vị trí tuyển dụng tên nó “quen quen”.
Khi những quyết định về con người được đưa ra (chẳng hạn tuyển dụng), người ta sẽ đi theo châm ngôn “làm theo trực giác” – trực giác ở đây chính là sự tin tưởng. Thay vì tự dằn vặt mình đã đủ giỏi chưa, hãy hỏi mình có đủ để người ta tin tưởng không?

Nếu bạn hỏi mình là ai mà chém như đúng rồi?


Mình tên Thông Yeah – hiện mình đang làm Planning Manager cho một công ty FMCG Đan Mạch ở Đan Mạch. Trước khi tới đây, mình đã từng làm việc ở Hong Kong, Singapore (tất nhiên cả Việt Nam) và có một năm du học Ireland. Nếu bạn tưởng mình là một cao nhân thành tích học tập gây choáng thì bạn…đúng rồi đó. Mình tốt nghiệp ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật với…GPA 7.1, sau đó mình được học bổng từ chính phủ Ireland cho sinh viên tiềm năng, sự nghiệp 5 châu 4 bể của mình bắt đầu từ đây. Mình tin một điều rằng bạn không cần điểm số thành tích để có thể đi ra thế giới, để đi tìm học bổng, tìm việc làm – nhưng bạn cần rèn luyện một số suy nghĩ. Bài viết trên là một trong những suy nghĩ mình muốn chia sẻ với các bạn 😊

Đọc thêm: