Gọi là "giời Tây" vì mỗi khi về VN, khi nói với ai đó rằng mình sống ở Úc, nhất là mấy người lớn tuổi tầm cô chú mình trở lên, thì ai cũng nói "Ôi sống ở giời Tây là sướng nhất rồi còn gì". Những lúc như vậy mình chỉ cười trừ, vì mình biết kể cả mình có nói ra mặt trái của cuộc sống nơi đây thì, với quan điểm sùng Tây của họ như vậy, cũng sẽ lại cho đó là nhỏ nhặt và rằng ở Tây, hay cụ thể hơn là ở Úc, sướng hơn ở VN. 
Lớp trẻ bọn mình thì do được tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin qua Internet nên cái nhìn phần nào cũng khách quan hơn, biết nói rằng "ở đâu thì cũng có cái hay dở của nó thôi". Để cho cụ thể hơn với những bạn nào chưa từng tới Melbourne thì mình sẽ dùng trải nghiệm gần chục năm học tập, sinh sống và làm việc ở đây cho các bạn biết chính xác nó như thế nào nhé.

Hay

Mọi thông tin cần thiết đều có thể được dễ dàng tiếp cận qua Internet, làm qua Internet. Từ những việc nhỏ như đăng ký khóa học, mở tài khoản điện nước, tới những việc lớn như xin lý lịch tư pháp hay xin visa, mọi thứ đều được số hóa và có những hướng dẫn rất cụ thể. Điều này giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian, và quan trọng hơn là lưu lại bằng chứng điện tử để dễ bề đối chiếu sau này. Mình thích nhất ở đây là mọi website đều chuyên nghiệp, chỉn chu, thân thiện với người dùng và dễ dàng tìm kiếm thông tin, không bị lag, từ những trang web của các cửa hàng nhỏ tới các trang web của chính phủ. Thông tin trên các trang web cũng được cập nhật khá nhanh chóng mỗi khi có thay đổi gì. Ngoài ra, những thông tin liên quan tới thay đổi trong cơ sở hạ tầng của từng khu vực cũng sẽ được thông báo cho từng người dân ở khu vực đó để người dân chủ động chuẩn bị thích ứng.
Traffic Management Signage Hire Melbourne | Traffic Lights Signs Melbourne
Thông báo về việc sửa đường sắp diễn ra
Cũng chính nhờ sự tiện lợi trong việc tiếp cận thông tin như vậy, mà cuộc sống nơi đây khá ... đơn giản. Ai cũng có thể giở luật ra trong vòng vài cú click chuột, nên đi đâu, làm gì cũng không sợ mình bị đối xử không công bằng. Bạn đi làm mà bị trả dưới mức lương tối thiểu? Giở luật ra và bắt chủ phải trả cho đủ, không trả thì kiện, mà kiện thì chắc chắn thắng, vì luật đã như vậy rồi. Tính cách anh như một @sshole nhưng công việc anh vẫn làm tốt thì chủ vẫn không thể đuổi anh dù họ có ghét anh tới mấy đi chăng nữa. Mọi mặt khác trong cuộc sống cũng đều như vậy, đơn giản là làm theo luật, và mọi thứ cứ thế tà tà diễn ra. Đây có lẽ là lí do mà nhiều người đi làm ở các nước phương Tây, khi về VN dễ bị shock văn hóa, bởi môi trường làm việc ở VN phức tạp hơn.
Việc học ĐH ở đây cũng đơn giản và thuận tiện. Cổng sinh viên được sử dụng triệt để và hiệu quả. Đây là nơi chứa tất cả những gì sinh viên cần để có thể hoàn thành khóa học một cách xuất sắc. Từ tài liệu học, kì nào có những môn nào, môn nào có những tiểu luận nào, mỗi tiểu luận cần làm những gì, đăng ký môn cho kỳ sau ra sao v..v.... tất cả đều có ở đây. Vì vậy sinh viên ở đây luôn được khuyến khích khai thác cổng sinh viên trước khi tìm tới sự hỗ trợ từ nhà trường. Cái mình thích ở đây là dù rất đông sinh viên nhưng cổng sinh viên không bao giờ bị lag hay nghẽn băng thông kể cả lúc đăng ký môn hay tra cứu điểm thi. Ngoài ra, các giáo sư ở đây (những người phụ trách bộ môn) đều khá công bằng. Nếu bạn trình bày với họ rằng bài luận của bạn xứng đáng được điểm cao hơn với những lý do hợp lý, họ sẽ điều chỉnh điểm tương ứng. Tính mình hay muốn hiểu sâu nên khi học hay hỏi vặn, nhưng họ đều trả lời được ngay tức khắc (Mình học La Trobe cho bằng Cử Nhân và University of Melbourne cho bằng Thạc Sĩ). Cơ sở vật chất của các trường đều từ tốt cho tới rất tốt trở lên. QUAN TRỌNG NHẤT LÀ NHÀ WC LÚC NÀO CŨNG SẠCH!!!! (à, và không có "đi thầy" đâu nhé :D)
University of Melbourne
Library, Sydney Campus, La Trobe University
Thư viện trường La Trobe University
Thời tiết ở Melbourne, dù thất thường và điên rồ y như tính cách của Úc, nhưng vẫn dễ chịu hơn so với Canada hay Mỹ. Ở đây một năm cũng có 4 mùa như ở nhà, nhưng đôi khi 4 mùa ấy lại xuất hiện trong cùng một ngày. Vào mùa hè, sáng 9h có thể chỉ 22 độ, tới trưa 12h lên tới 37 độ, tới chiều tối tầm 9h có thể tụt xuống còn 12 độ. Hôm sau lại có mưa đá. Để dễ mường tượng thì đây là video mình quay lại sau khi mình bước vào hàng Mcdonalds lúc trời đang nắng nóng. 5' sau đi ra thì trời tự dưng mưa và lạnh đột ngột từ bao giờ, khiến nước mưa bốc hơi, bay là là dưới mặt đường:
Thời tiết đột ngột thay đổi thế này dễ làm người già ốm, nhưng lớp trẻ thì nhìn chung không vấn đề gì. Vì khá giống ở VN nên người Việt mình dễ thích nghi với bên này, mặc dù mùa bị ngược (khi VN vào đông thì bên này vào hè và ngược lại). Ngoài ra thì không khí ở đây khá trong lành, không nhiều bụi. 
An ninh tốt. Nhiều năm liền, tính cả năm 2019 gần nhất, Melbourne luôn nằm trong top 10 thành phố an toàn nhất thế giới. Đương nhiên thi thoảng vẫn có trộm cắp, cướp giật hay thậm chí giết người chứ không phải không, nhưng nhìn chung cuộc sống nơi đây tạo cảm giác an toàn khi bước ra ngoài đường. Người dân không tùy tiện chạm vào đồ của người khác, nên khả năng bạn tìm lại được đồ để quên ở hàng quán là khá cao (quên ở phương tiện công cộng thì hên xui nhé ^^). Tai nạn giao thông ít do hầu hết mọi người đều đi đúng luật. Khi xảy ra tai nạn thì tỉ lệ tử vong cũng ít vì đa phần mọi người đều đi ô tô. 
Số liệu từ trang của Ủy ban Tai Nạn Giao Thông của bang Victoria (chứa thành phố Melbourne) được cập nhật thường xuyên
Ngoài ra, một trong những điều làm Melbourne trở thành thành phố đáng sống nhất thế giới nhiều năm liền có lẽ là mức lương cơ bản cao. Mức lương tối thiểu có thể dễ dàng được tính toán dựa vào độ tuổi, số năm kinh nghiệm, ngành nghề cũng như việc bạn làm toàn thời gian, bán thời gian, hay thời vụ. Người dân có thể vào trang Fair Work Ombudsman, tự nhập những thông tin của mình vào và website sẽ chỉ ra cho họ mức lương tối thiểu mà chủ doanh nghiệp phải trả cho họ. Ví dụ dưới đây là mức lương tối thiểu của một người trên 20 tuổi, làm bồi bàn cho một nhà hàng toàn thời gian:
Lương trước thuế $20.82/h
Lưu ý đây chỉ là mức lương tối thiểu. Thời 2016 mình còn là sinh viên, đi làm bồi bàn bán thời gian đã có lương là $22.30/h rồi (đây là lí do bồi bàn ở Úc không sống bằng tip như ở Mỹ. Một số nơi còn không cho nhận tip từ khách hàng). Đây là lương trước thuế. Lương thực tế vào tài khoản của bạn sẽ ít hơn, vì thuế thu nhập sẽ tự động được trừ đi (bao nhiêu thuế được trừ đi thì bạn cũng có thể tự tra cứu trên trang của sở thuế). Tới cuối năm tài chính, tùy vào mức thu nhập của bạn mà bạn sẽ được trả lại hết hoặc 1 phần thuế bạn đã đóng. Sau thuế, chia ra thì lương của bồi bàn như trên sẽ rơi vào tầm $21.5/h (có thay đổi tùy vào thu nhập. Thu nhập càng cao thì thuế trừ đi càng nhiều). Một cốc Starbucks cỡ Venti (lớn nhất) ở đây là $5.50 AUD. Tức 1 giờ làm bạn có thể mua được tầm gần 4 cốc như vậy. Bạn hoàn toàn có thể mua được quần áo đẹp và tốt với mức giá $10/cái, đôi khi rẻ hơn. Đương nhiên, muốn đẹp hơn nữa, tốt hơn nữa thì sẽ đắt hơn.
Rẻ mà tốt - Kmart
Vậy nên khi sống và làm việc ở đây, có thể nói đầu óc của bạn sẽ khá là nhẹ nhõm, thanh bình, không bị quá áp lực về việc phải cạnh tranh tìm việc lương cao để chi trả cho cuộc sống. Ngay cả khi bạn làm bồi bàn cũng có thể hoàn toàn chi trả sinh hoạt phí và sống thoải mái, thậm chí thi thoảng còn có thể mua đồ xịn xò. Thậm chí, nếu biết tiết kiệm, trong vòng khoảng 5 năm, chứng minh được thu nhập và đặt cọc ít nhất 5% giá trị căn nhà (tầm $25,000) là bạn đã có thể mua được rồi. ***Không phải trường hợp nào cũng thế. Thế nên ở bên đây, sự phân biệt về nghề nghiệp gần như là không có (hay chí ít là mình không quan sát thấy). Bạn có làm lao động chân tay thì vẫn được tôn trọng và chào đón niềm nở như những người khác. (Fact: nhiều nghề lao động chân tay kiếm được nhiều hơn rất nhiều so với lao động trí thức)
Xe cộ ở đây cũng dễ mua với mức giá rẻ (rẻ hơn nhiều so với VN). Tầm khoảng 7-8k đô Úc (với tỉ giá hiện giờ là hơn 141 triệu một chút) là có thể mua được một con xe second-hand không quá cũ, đủ để chạy ít nhất 5-6 năm rồi. Đây là sự lựa chọn thông thường của các du học sinh, chạy hết thời gian học, về thì bán xe là vừa. Nếu giữ xe thì có thể chạy được lâu hơn. Ai muốn xe tốt hẳn thì có thể mua với tầm 16-24k. Xe sang nữa thì xem bên dưới.
Bảng giá Mercedes 2020. Base model của GLC300 tầm 1 tỉ 6 bao gồm tất tần tật các chi phí.
Ai không có xe thì hệ thống phương tiện công cộng ở đây cũng khá thuận tiện. Ở đây có tram, train và bus tỏa đi mọi hướng của thành phố. Các phương tiện này tương đối đúng giờ, thường xuyên có chuyến và khá sạch sẽ (nhưng vẫn tốt hơn nếu bạn lái xe, vì thi thoảng vẫn sẽ có việc gì đó khiến tàu hay bus bị trễ hay không có chuyến). Tiện ở chỗ, lịch chạy của những phương tiện này đều được cập nhật trên website và ứng dụng trên điện thoại, có thay đổi gì bạn đều có thể nắm được. Chúng cũng được kết nối với Google Maps, nên nếu bạn muốn tra đường đi bằng phương tiện công cộng từ điểm A tới điểm B, vào ngày này giờ này, thì Google Maps sẽ chỉ rõ là bạn phải bắt chuyến nào, xuống ở đâu, và cũng sẽ báo cho bạn biết là có bị hủy chuyến hay không. Người Việt lớn tuổi ở bên này rất thích điều này, nhất là những ai sợ lái xe. 
Đồ ăn đa dạng. Cũng đa chủng tộc giống Mỹ nên Úc không có cái gọi là "đặc sản". Melbourne là "thủ đô văn hóa" của Úc nên bạn hoàn toàn có thể thưởng thức đồ ăn của khắp nơi trên thế giới với giá cả khá phải chăng, và cũng rất authentic. Đồ Việt của mình cũng gần như là không thiếu thứ gì luôn (đương nhiên không nhiều đồ như ở nhà được :D).
Y tế miễn phí cho dân Úc. Vì mình chưa bao giờ phải sử dụng dịch vụ y tế bên này (trộm vía) nên mình chỉ có vài trải nghiệm hạn hẹp sau. Mình biết những thứ sau được chính phủ trả 100%: sinh đẻ, ung thư (tùy trường hợp), khám mắt. Còn những thứ khác thì mình không rõ. Về chất lượng dịch vụ thì từ những người mình biết thì họ nói các bác sĩ và y tá đều chăm sóc tận tình, theo dõi sát sao. Nhiều chị bảo sinh đẻ ở đây sướng lắm :v Và không phải TẤT CẢ dịch vụ y tế đều miễn phí. Nếu ai muốn được khám kĩ càng hơn, xét nghiệm nhiều hơn, và không phải chờ tới lượt thì sẽ tự bỏ tiền túi ra bệnh viện tư mua gói chăm sóc riêng.
Giáo dục miễn phí. Trẻ em từ mẫu giáo tới lớp 12 sẽ được học miễn phí NẾU học ở trường công. Đó chỉ là tiền học, còn các tiền khác như đồng phục, sách giáo khoa, hoạt động ngoại khóa thì bố mẹ tự bỏ tiền (Học trường tư thì rõ ràng phải tự bỏ tiền 100% rồi). Khi vào đại học thì chính phủ sẽ hỗ trợ một phần tiền học (phần hỗ trợ này sinh viên không cần trả lại). Phần còn lại sinh viên tự trả, có thể lựa chọn trả hết nếu có điều kiện, hoặc vay chính phủ và trả góp sau khi đã kiếm được việc làm (một phần tiền lương sẽ bị trừ đi để trả lại cho chính phủ). Dựa vào nhu cầu nhân lực của từng ngành mà mỗi khóa học sẽ có một mức hỗ trợ khác nhau. Ví dụ khi mình học khóa Thạc sĩ Sư Phạm, vì bang Vic đang thiếu giáo viên, chính phủ hỗ trợ tới hơn 2/3 tiền học để khích lệ sinh viên học ngành này. Nhờ đó, thay vì phải trả full fee là $37,000/năm, mình chỉ phải trả $7,000/năm. Nhưng ví dụ với khóa Cử Nhân Kế Toán này, học phí là $34,000/năm, chính phủ chỉ hỗ trợ hơn 13k thôi, còn lại sinh viên tự trả.
 
Dựa theo website của trường La Trobe University, 2020
Vì vậy, có thể nói, khá dễ dàng để có được một nền giáo dục tốt ở Úc nếu bạn là dân Úc. Quan trọng là bạn có chịu học hay không. Kể cả bạn vừa học vừa làm bán thời gian thì bạn vẫn có thể có thành tích tốt ở trường mà không phải đánh đổi quá nhiều. 

Dở

Đôi khi luật lệ được sử dụng không phải chỗ. Đơn cử là đợt dịch COVID này, nhân quyền không cho phép chính phủ ÉP người dân đi cách ly được. Trừ phi là mới nhập cảnh vào thì bị bắt cách ly từ đầu, còn nếu là người trong nước mắc Covid, tất cả những gì chính phủ có thể làm là KHUYÊN người dân tự cách ly ở nhà. Nếu người đó từ chối ở nhà và ra ngoài đi lại như bình thường thì cũng không ai biết được. Tới lúc phát hiện ra cũng chỉ phạt tiền chứ không có hình thức gì triệt để để đảm bảo dịch không bùng phát. Mãi tới khi chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch rồi (2 lần lockdown) chính phủ mới bắt đầu có biện pháp mạnh hơn.
Cảnh sát phải vào cuộc khi người dân chống đối lệnh giới nghiêm giữa mùa dịch COVID
Hay như việc khách hàng mà ăn trộm đồ trong quán, dù nhìn thấy thì cả nhân viên lẫn bảo vệ đều không có quyền bắt giữ khách mà chỉ có thể gọi báo cảnh sát (và khi cảnh sát đến thì đương nhiên đã quá muộn). Nhân viên và bảo vệ cũng không có quyền bắt bạn mở túi ra để họ kiểm tra nếu bạn không muốn. Kể cả khi bạn mở túi thì họ cũng chỉ có quyền nhìn chứ không có quyền lục lọi. Đây là lí do mà rất nhiều trường hợp kẻ nghiện cứ hiên ngang bước vào quán ăn lấy đồ và đi ra mà chủ quán không thể làm gì ngoài việc báo cảnh sát, trình bày sự việc và cho xem camera. Nói chung, nhân quyền thường bị lợi dụng hơn là áp dụng. 
Nhiều người sống ở Úc rồi về VN chơi, nhất là người lớn tuổi, thường vẽ ra một nước Úc đầy màu hồng và nhấn mạnh vào cái phúc lợi, an sinh xã hội tốt như thiên đường. Cụ thể hơn là y tế và trợ cấp thất nghiệp. 
Họ vẽ rằng, "Sang bên đấy kể cả thất nghiệp thì cũng có chính phủ nuôi". Đúng, nhưng chưa đủ. Có nhiều loại trợ cấp thất nghiệp, và bạn phải đạt đủ các tiêu chí nhất định chứ không phải cứ thất nghiệp là chính phủ sẽ nuôi. Số tiền mà chính phủ hỗ trợ cũng chỉ vừa đủ để bạn sinh tồn trong thời gian đi tìm việc chứ không phải để bạn sống nhởn nhơ, há miệng chờ sung. Ai quyết định thuê nhà thay vì ở ngoài đường thì sẽ chật vật hơn. Có những người chỉ có thể ăn Mcdonalds $5/bữa trong suốt cả tuần. Ai thuê nhà thì chỉ dám ăn ngũ cốc (cereal) với sữa. Vì vậy, "chính phủ nuôi" ở đây không phải là nuôi béo mầm, điều mà nhiều người không bao giờ nhắc tới trong những câu chuyện về "giời tây"
Quan trọng hơn, nếu bạn THỰC SỰ muốn tự đi làm kiếm tiền, bạn sẽ không cần tới trợ cấp thất nghiệp. Như đã nói ở trên, đi làm bồi bàn không thôi đã đủ để bạn chi trả tiền thuê nhà + ăn uống thoải mái. Hầu hết những người nhận trợ cấp thất nghiệp không phải là do họ không thể tìm việc, mà vì họ không muốn tìm việc. (Mùa dịch thì không nói). Rất nhiều người trong số đó dùng tiền trợ cấp để mua thuốc lá, rượu và cần để phê pha suốt ngày, trong khi họ hoàn toàn có đủ điều kiện thể chất để đi làm. Ngoài ra họ còn có thêm thu nhập nhờ ăn xin. Họ dùng nó để mua chăn gối để có thể trải ra ngủ bất cứ chỗ nào. Họ có đủ thu nhập để có thể nuôi cả chó (không hề rẻ ở Úc), thay vì trả tiền cho khóa huấn luyện tay nghề hay mua một bộ quần áo tử tế để đi xin việc. Vì vậy, với cá nhân mình, việc "nuôi" những người như vậy thực sự lãng phí, và việc "được chính phủ nuôi" không phải là một điều đáng tự hào như nhiều người về VN kể. 
Về y tế, đúng là dân Úc có quyền lợi được chăm sóc y tế miễn phí. Mặt trái của nó là, vì miễn phí nên mọi bệnh viện đều ĐÔNG, và nếu bệnh của bạn không nguy hiểm tới tính mạng thì bạn có thể phải chờ tới sang tận ngày hôm sau, thậm chí nhiều ngày sau mới tới lượt được chữa trị. Nếu bạn "chỉ đơn giản" là gẫy tay thì tốt nhất bạn nên tới các phòng khám đa khoa bên ngoài chữa cho nhanh. 
Bé 2 tuổi chết trong khi chờ 2 tiếng trong phòng cấp cứu
Hayfever, tiếng Việt gọi là dị ứng phấn hoa. Tới mùa xuân, khi hoa lá bắt đầu nở rộ thì cũng là lúc rất, RẤT nhiều người Việt mình khổ sở vì căn bệnh này. Mũi nghẹt, mắt ngứa, ai nặng còn chạy cả vào họng gây ho khan. Thuốc cho bệnh này cũng dễ mua nhưng có lẽ do thể trạng của người Việt mình nên nhiều người dùng thuốc cũng không ăn thua. Dù không nguy hiểm tính mạng nhưng bệnh này gây cảm giác khó chịu thường xuyên, khiến người mắc chả còn động lực để làm bất cứ điều gì, quả là cơn ác mộng @@ 
Nếu bạn là sinh viên quốc tế, muốn lách luật và làm nhiều hơn số giờ visa của bạn cho phép, bạn sẽ phải chấp nhận mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu. Vấn đề này mình đã bàn ở bài Những điều các trung tâm du học không nói khi đi du học Úc.
Có lẽ vì Melbourne là thành phố đáng sống nhất thế giới nên mình nghĩ mãi cũng chỉ ra được tưng đó điểm mình thấy không ưng ý. Coi ra thì ít hơn rất nhiều so với điểm hay nhỉ :D (Mình không nói về việc phải xa gia đình vì đó là điểm đương nhiên rồi :D)
Mình thì ở đâu cũng có thể thích ứng tốt nên cũng không phải cuồng Melbourne theo kiểu "đây mới là thượng đẳng". Chỉ thấy là ở đây dễ sống, mọi thứ đều đơn giản, hợp với người đơn giản như mình :D 
Nếu có ai đó đang có ý định sang Úc định cư, hãy nghĩ và tìm hiểu cho thật kỹ. Quá trình xin định cư CỰC KỲ KHÓ và vất vả. Ít nhất phải mất 4-5 năm, phải đánh đổi rất nhiều, lên kế hoạch từ trước cả khi đặt chân lên đất Úc. Nếu bạn đã kết hôn và có con thì lại càng phải nghĩ kỹ hơn. Thời gian đầu sẽ cực kỳ vất vả nếu bạn bắt đầu từ số 0, vừa phải đi làm (việc chân tay), vừa phải đi học để nuôi visa, vừa phải trả tiền học phí cho bọn trẻ con. Rất nhiều gia đình hai vợ chồng đang có công ăn việc làm ổn định, con cái đều giỏi giang, cuộc sống vẫn hạnh phúc ở VN, vì thần thánh hóa "giời Tây", sẵn sàng bỏ hết tất cả để sang Úc làm lại từ đầu với lý do "vì tương lai của con", mà vì không có kế hoạch từ trước, không cần biết là có khả thi hay không, cứ cố đấm ăn xôi theo kiểu "tới được tới đâu thì tới", không những mất chục năm mà cả gia đình phải mỗi người một phương, vợ chồng xa nhau, con cái thiếu bố/mẹ mà vẫn không định cư được. Nếu bạn độc thân, đi sai nước này thì về VN vẫn có thể làm lại được, dù khó khăn. Nhưng nếu bạn kéo cả gia đình bạn theo, thì nước sai này sẽ là miếng domino đầu tiên kéo theo cả người thân của bạn xuống, khiến về VN hay cố ở lại cũng đều dở dang. Hãy cân nhắc kỹ nhé.
Báo cáo từ thường trú ở Melbourne tới đây xin hết :)

Đọc thêm: