Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:


Tranh: Nasif Ahmed
Theo một góc nhìn nhất định, cuộc đời là một sân khấu khổng lồ, trong đó các vở kịch thường bị phân vai tệ. Diễn viên hài đeo bản mặt bi, diễn viên bi trưng ra bộ mặt hớn hở, để rốt cuộc cao trào trong hài kịch khiến người ta phải mếu, và bi kịch khép màn trong tràng cười sằng sặc.
Sự rối vai này được thể hiện rõ nhất trong cuộc lên đồng vì từ thiện đang diễn ra, điều tưởng là tốt đang dần thành loạn, người được tung hô đang dần bị chà đạp, chương trình khuyến mãi nhận giúp đỡ tặng kèm chửi nhau đang hoạt động nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Căn nguyên của tất cả sự này, thưa các anh chị, nằm ở Philistine chủ nghĩa vẫn thống trị người Việt ta xưa nay.

Tôi nhớ ngay từ thời gian đầu cuộc lên đồng, tôi có còm dạo trên voz nói rằng sự vụ này lành ít dữ nhiều cho Thuỷ Tiên, không phải vì tôi nghĩ cô ăn chặn (đến giờ tôi vẫn không nghĩ thế, nguyên tắc của tôi là không nghĩ xấu cho người khác khi chưa đủ bằng chứng rõ ràng) mà là vì cô lỡ cầm quá nhiều tiền của đám đông và hứa hẹn quá nhiều thứ màu hồng với họ. Trong còm dạo tôi dự đoán một tháng, nhưng rốt cuộc chỉ sau đó hai tuần, tức bây giờ, mọi thứ đã bung bét.
Đám đông khen Thuỷ Tiên như thánh sống, quả thật đúng theo nghĩa khen để cho nó chết, cạnh đó họ vung tiền như lên đồng để thoả mãn cảm xúc đau thương vốn bị kích động thêm nhiều lần do truyền thông. Nhưng hơn ai hết, tôi biết mỗi lần đám đông dựng lên một vị thánh, là họ buộc phải dựng lên cả tội đồ. Và đôi khi, vai thánh nhân bị phân lại thành vai tội nhân chỉ trong một vài tuần.


I. TỪ THIỆN LÊN ĐỒNG



Self-help có câu chuyện về cậu bé và con sao biển, ý nói rằng làm từ thiện dù nhỏ đến mấy cũng đều mang lại giá trị tốt đẹp. Sơ lược câu chuyện như sau:
Thuỷ triều rút, có hàng nghìn con sao biển mắc cạn, có cậu bé ra nhặt một con sao biển để ném lại xuống biển.
Một người đàn ông thấy thế cười nói. “Ở đây có hàng nghìn con mắc cạn, cháu làm thế không thay đổi được gì cả.”
“Có chứ, ít nhất cháu làm thay đổi cuộc đời của con sao biển này.” Cậu bé đáp.
Và tất nhiên, đặc trưng của self-help là càng đọc càng làm người ta ngu đi, vậy nên một khi có người thực hành được thứ này thì bất kì cái gì xảy ra sau đó đều không nên lấy làm lạ.

1. Điều gì đã xảy ra với bầy tinh tinh…

Không hư cấu như câu chuyện sao biển, câu chuyện về bầy tinh tinh sẽ làm chúng ta hiểu hơn vấn đề.
Jane Goodall là chuyên gia nghiên cứu tinh tinh, bà có một trung tâm nghiên cứu ở vườn quốc gia Gombe, Tanzania. Ngày nọ, để thêm thuận lợi cho việc nghiên cứu, bà mang một thùng chuối phân phát cho bầy tinh tinh nhằm dụ chúng lại gần chỗ bà ở để dễ quan sát. Việc này mang lại kết quả tức thì.
Thứ nhất, bầy tinh tinh nhanh chóng kéo đến gần chỗ bà ở để nhận chuối miễn phí và ê hề. Chúng dần dà ngủ ở gần trại và tự động kéo đến đúng vào giờ bà thường phát chuối.
Thứ hai, chúng ngày càng trở nên ồn ào, đông đúc và hung hãn. Hành vi của chúng thay đổi đến mức các con đực trở nên hung dữ hơn, chúng liên tục lượn lờ quanh thùng chuối khoá kín, và thường xuyên đánh nhau để tranh giành quyền tiếp cận thùng chuối ấy. [1]
Bằng việc bầy tinh tinh bỏ thêm thời gian lởn vởn quanh thùng chuối, có thể suy ra chúng bớt thời gian đi tìm thức ăn trong tự nhiên. Và bởi vì quá nhiều cá thể tìm kiếm một nguồn thức ăn được quy tụ, thay vì nguồn thức ăn rải rác như trong tự nhiên, mâu thuẫn và chiến tranh xảy ra là tất yếu.
Lưu ý rằng điểm thứ hai này không phải mục đích của Jane Goodall. Bà yêu quý loài tinh tinh, việc này không cần nghi ngờ gì nữa.

2. … cũng là điều đang xảy ra với chúng ta

Phải thừa nhận rằng bầy tinh tinh không có thùng chuối cũng không chết đói được, nhưng mặt khác cũng phải thừa nhận rằng một nguồn thức ăn dồi dào và dễ kiếm như thế, con tinh tinh nào cũng sẽ ưu tiên đổ xô tìm đến thay vì vất vả tìm trong tự nhiên.
Jane Goodall không có ác ý với chúng, trái lại công việc nghiên cứu của bà đầy thiện ý, nhưng thùng chuối vô hình trung trở thành quả táo bất hoà, bà đã vô tình phá vỡ cấu trúc xã hội của bầy tinh tinh, từ đó gây ảnh hưởng lên hành vi của chúng.
Việc cần làm không phải là trách móc Goodall vì thiện ý của bà, càng không phải là trách móc bầy tinh tinh vì bản tính của chúng, càng không phải giận lẫy kiểu trẻ con “Thôi tao không cho tụi mày ăn chuối nữa”, việc cần làm là phải dùng tri thức để hiểu chúng, rồi làm việc với chúng theo cách phù hợp hơn.
Một trong nhiều ý kiến trách móc dân miền trung

Thay Jane Goodall bằng Thuỷ Tiên, bầy tinh tinh bằng người nhận cứu trợ, thùng chuối bằng tiền cứu trợ, anh chị hiểu vấn đề rồi đấy.
Việc tị nạnh nhau là bản tính của sinh vật bầy đàn. Tiêu chí để thoả mãn của một cá thể không nằm ở chất lượng cuộc sống của nó như thế nào, mà nằm ở chất lượng cuộc sống của nó như thế nào khi so sánh với cá thể cùng bầy đàn. Chính vì điều này mà người ta thà rằng tất cả cùng thiếu thốn còn hơn một số ít được tặng và số nhiều thì không.
Cũng chính vì điều này mà con người hiếm khi thấy thoả mãn, bởi nếu so sánh chất lượng cuộc sống của một người nghèo hiện nay với một người khá giả 2000 năm trước, hẳn người nghèo hiện nay nên thấy hạnh phúc vì vẫn tiện nghi hơn người khá giả kia, nhưng thực tế là họ không thể hạnh phúc, bởi họ luôn so sánh bản thân với người hàng xóm, thay vì so sánh với ai đó sống từ 2000 năm trước.
Lí do cho những ý kiến nói rằng người miền trung vô ơn. Ảnh chụp từ fanpage Hải Lăng Quảng Trị

Lưu ý, tôi lấy ví dụ về tinh tinh không phải mỉa mai người nhận cứu trợ, mà đây hoàn toàn là một thực kiện (fact) có nhiều giá trị tham khảo. Tinh tinh là loài có chung tổ tiên gần nhất với loài người, nghiên cứu chúng trong ngành nhân học để hiểu thêm về loài người là việc có cơ sở theo tiến hoá.
Tư duy cho rằng con người là thượng đẳng, là khác biệt hoàn toàn với các loài khác là thứ tư duy vừa ngu si vừa kiêu ngạo. Những kẻ như vậy một mặt sống nhờ thành quả của những nghiên cứu khoa học, mặt khác lại phủ nhận hoàn toàn công việc nghiên cứu khoa học, hay nói cách khác, những kẻ ấy là hạng người Philistine.


II. XÃ HỘI PHILISTINE



1. Thế nào là Philistine?

Philistine là điển tích lấy từ Kinh Thánh, trong bộ sách ấy Philistine là tộc người chuyên gây chiến với người Israel. Người Philistine thường được miêu tả là tộc người man di, hiếu chiến và không đóng góp chút giá trị tinh thần hay tri thức nào cho đời. Họ thậm chí không có sách vở truyền lại nên người đời sau chỉ biết gián tiếp về họ qua miêu tả của dân tộc khác.
Ảnh hưởng sâu rộng của Kinh Thánh với văn hoá phương tây cho ra đời thuật ngữ Philistine chủ nghĩa (Philistinism), ý chỉ những hạng người không có liên quan gì đến tri thức, nghệ thuật, văn hoá, mà thay vào đó chỉ sống bằng những định kiến, thói thường, cảm tính, và đặc biệt là trọng vật chất.
Tiếng Việt có từ gần giống với Philistine là phàm phu tục tử, tuy nhiên nói đến phàm phu tục tử ta hay nghĩ về hạng người ít học nên man di, còn Philistine thì có thể chỉ đến những người được giáo dục, được sống giữa xã hội văn minh xây dựng nên nhờ tri thức, nhưng não trạng thì luôn coi nhẹ tri thức. Họ sống trong một xã hội ổn định nhờ lí tính nhưng luôn ủng hộ làm theo cảm tính, họ rất thích thực hành nhưng luôn bĩu môi trước những người đưa ra lí thuyết để thực hành, và sự hồn nhiên của họ gây hại không kém những kẻ cố ý gây hại.
Việc tị nạnh dẫn đến bạo lực ở một số nơi miền trung được phản ánh qua báo chí

Ví dụ thì rất nhiều, nhưng để tránh loãng bài, tôi chỉ lấy ví dụ quanh sự vụ từ thiện lần này.
Đầu vụ từ thiện, Philistine là hạng người mà khi có ai đó bàn đến việc từ thiện nên cho cần câu hay cho cá thì họ gạt phắt đi bằng cách quy chụp người nói là đang đu fame của Thuỷ Tiên, và bắt những người nói phải làm gì đó, sự thật đáng buồn hiện giờ cho chúng ta thấy nếu chỉ thực hành mà không có lí thuyết thì tất cả bung bét như thế nào.
Tiếp theo, Philistine là hạng người dùng định kiến để tư duy rằng người dân đang gặp nạn thì hiền và ứng xử văn minh lắm, bất kể kiến thức thường thức cho thấy sự bất công giữa những người sống gần nhau sẽ nảy sinh ganh tị là thường, và với những vùng dân trí thấp, bạo lực có thể xảy ra từ đó cũng là thường. Những Philistine này chửi rủa những người dám nói lên sự thật rằng đang có tị nạnh ở miền trung. Chỉ khi quá nhiều người xác nhận sự thật ấy thì họ mới im. Và chính họ là hạng người điên cuồng nhất khi quyên tiền và hung hãn nhất khi mắng người miền trung vô ơn.
Philistine cũng là hạng người tự cho bản thân đang làm từ thiện là được đặc cách mọi thứ, được miễn phí khi qua BOT, và bĩu môi cười cợt những bộ luật rắc rối và phức tạp về từ thiện. Họ hồn nhiên ta thán rằng làm người tốt ở Việt Nam khó lắm, mà không biết rằng để được phép từ thiện ở các nước khác thì phải tuân thủ luật nghiêm ngặt hơn nhiều. Phải có kế hoạch rõ ràng, đưa ra số tiền cần gây quỹ, đưa ra thời hạn giải ngân và tất nhiên phải có kiểm toán rõ ràng.
Link về cách gây quỹ hợp pháp để ở cuối bài này [2]

Ở phía bên kia, những người từ thiện hoàn toàn bằng cảm tính như Thuỷ Tiên cũng là một dạng Philistine, họ tin rằng chỉ cần dùng thiện ý là mọi điều tốt đẹp sẽ đến. Nhưng tâm lí con người và cấu trúc xã hội không hoạt động theo thiện ý của họ mong muốn. Trường hợp Ngoạ Cương và Hải Lăng là ví dụ cho thấy thiện ý không được thực hiện kèm theo hiểu biết thì gây náo loạn như thế nào.

2. Sự rối vai

Điều khốc hại tiếp theo mà Philistine chủ nghĩa mang đến là sự rối vai.
Có lẽ vì tính cách trọng vật chất nên dạng người Philistine dễ dàng hồn nhiên tin vào trình độ của những người giàu, dù họ chưa thể hiện rõ chuyên môn của công việc họ đang làm. Ở đây tôi không có ý nói ca sĩ chỉ nên hát chứ không nên từ thiện, tôi muốn nói rằng thật bất thường khi một ca sĩ đăng tin quyên góp không có bất kì kế hoạch cụ thể nào mà dễ dàng lấy được niềm tin quần chúng đến mức họ tin ở cô như thánh sống.
Sự rối vai thứ hai là không biết từ bao giờ người quyên góp tự ý cho mình cái quyền kiểm soát số tiền trong quỹ (nếu coi như Thuỷ Tiên đang mở quỹ) hoặc thậm chí tự coi mình như ông chủ và người từ thiện là nô bộc có nhiệm vụ mang giúp mình số tiền đó đến nơi khác một cách không công, và phải chuyển 100% tiền cho đối tượng. Khi người từ thiện tiêu tiền không đúng ý họ thì họ có ý muốn đòi lại. Lưu ý cho rồi đòi lại luôn là biểu hiện của bẩn tính, và cả đạo đức lẫn luật pháp đều không cho phép hành động này.
Không ngoại trừ trường hợp người trong ảnh này không quyên góp đồng nào mà chỉ đòi bậy, nhưng hiện tượng muốn đòi lại tiền là có

Nên nhớ tất cả các quỹ từ thiện trên thế giới không ở đâu dám tuyên bố 100% số tiền quỹ phục vụ từ thiện được cả, mức chuẩn của họ là từ thiện 75% số tiền và việc tìm được quỹ nào gần với mức chuẩn là tốt lắm rồi. 25% còn lại dùng để vận hành và nuôi sống chính bộ máy từ thiện ấy. 
Link bài đầy đủ ở cuối bài này [3]
Nói tóm lại, chúng ta đang sống ổn định nhờ những nền tảng được xây dựng bằng lí tính và nguyên tắc chống đỡ ở bên dưới, mặc dù với nhiều người cả cuộc đời họ không cần đến hai điều này, nhưng ý thức được chúng và tuân thủ chúng là việc cần thiết phải làm.
Lịch sử cho thấy kết cục của các vị thánh thường là được tôn sùng hôm nay và lên giàn thiêu vào ngày mai, và với hành xử cảm tính thì môi trường sống thích hợp nhất là lên rừng hú hét với khỉ, dù có thể trong trái tim chứa đầy thiện ý.



[1] Egalitarians, Human & Chimpanzee: An Anthropological View of Social Organization. Margaret Power



TORNAD
4/11/2020