Công việc đầu tiên ở Mỹ
Công việc đầu tiên của mình hồi sinh viên năm đầu ở Mỹ, 2008, là làm việc trông lab máy tính. Mình được công việc này, về sau mình...
Công việc đầu tiên của mình hồi sinh viên năm đầu ở Mỹ, 2008, là làm việc trông lab máy tính. Mình được công việc này, về sau mình mới biết, là do chị quản lý lúc phỏng vấn mình nói là "tôi không hiểu một từ (tiếng Anh) anh nói, nhưng anh hồi đó có vẻ thân thiện nên tôi nhận." Chị ấy quản lý hai lab máy tính, một phòng ở thư viện, một phòng ở một nhà học lớn. Dưới trướng có độ 20 sinh viên, đó là thời hưng thịnh nhất, suy thoái kinh tế chưa ảnh hưởng tới miền quê đó. Mọi người làm việc từng ca hai tiếng một, có người làm hai ba ca một lúc. Mình thường chọn ca vào tối vì hồi đó hay thức đêm ngủ ngày. Một tuần làm 15-16 tiếng gì đó, lúc về là phải nhớ điền vào một cái form là mình làm từ giờ nào đến giờ nào, chính xác đến 15 phút. Hôm nào mà quên điền form là cuối tháng không được trả tiền ca làm đó.
Đọc thêm:
Thư viện mở cửa từ 8h sáng tới 1h đêm, có khoảng 100 máy tính gì đấy. Làm trông lab máy tính rất nhàn: thỉnh thoảng chỉ phải rút giấy bài tập của sinh viên in ra ở máy in để thành từng xấp để họ đến lấy. Ngoài ra, không phải làm gì khác, nếu như máy tính ai hỏng thì đi thông báo lại chứ không phải mó tay vào chữa. Sinh viên trông lab thường vừa làm vừa mang sách vở đến học. Công việc tương đối đơn điệu, trả lương tối thiểu, nhưng như thế là đủ tiền nhà cho rất nhiều sinh viên trong đó có mình. Cuối kỳ thì mọi người phải làm tăng ca đến 2-3 giờ sáng, vì sinh viên phải in bài nhiều quá, máy in chạy liên tục. Lúc đó thì mệt, tay nọ tay kia giúp người này người kia đến sáng mới về, nhất là trong tình cảnh mình cũng phải ôn bài cuối kì. Nhưng được cái là cuối kỳ thì có nhiều tiền hơn vì mỗi người được lấp đầy số giờ làm việc tối đa là 20 tiếng một tuần.
Mình làm như vậy đâu được 3-4 tháng thì có một hôm có một bạn sinh viên muốn in gì đó mà không in được. Lúc đó là vừa gần lúc thư viện đóng cửa. Bạn ấy bảo giúp tôi vì tôi ngày mai phải nộp bài. Minh ngồi hì hụi giúp bạn ấy mất nửa tiếng về nhà rất muộn -- nhưng may giúp được. Hôm sau mình nhận ngay một thư mắng của chị quản lý, rằng là vì mình mà người trông thư viện phàn nàn vì phải về muộn. Mình viết thư xin lỗi và có nói nếu việc đó làm chị hay người khác phiền lòng thì lần sau em nhớ sẽ đóng cửa đúng giờ bất kể ai cần gì. Chuyện ấy thế tưởng là kết thúc.
Một tuần sau, chị ấy bảo lên gặp chị để nói chuyện. Chị ấy bảo mình làm thư viện không hợp, nên chuyển công tác, đi làm một tuần thay vì 16 tiếng rút giấy ở thư viện thì 4 tiếng phải đi làm ở phòng chị ấy. Chị ấy làm IT hỗ trợ kỹ thuật cho một tòa nhà học ở đấy bao gồm các phòng học và phòng giáo sư, và cần sinh viên để sai vặt cho nhàn. Lúc đó thì run lắm vì thấy mình bị điều chuyển công tác, thế này thì chắc sắp bị đá đít. Hóa ra dần dần sau một học kỳ thì mình nhận ra mình đã bị lôi về làm hỗ trợ kỹ thuật bán thời gian, bán thời gian rút giấy. Năm sau mình chuyển sang làm hỗ trợ kỹ thuật toàn thời gian. Làm ở phòng IT thì được cái giờ giấc thoải mái hơn thư viện một tí, đi muộn 5-10 phút không ảnh hưởng đến ai, không làm ai khó chịu gì. Có lúc thì bận thì bảo được làm bù giờ, miễn một tuần cộng lại 20 tiếng là được. Cái form không bị khóa lại vào đúng hôm nữa, mà cuối tháng cứ thế rê chuột đi đúng cái form một tuần làm 20 tiếng.
Thế là về sau này mình làm cả 4 năm ở đó. Học kỳ cuối, mình bảo mình bận lắm, thế là chị cho có những lúc sang chỗ khác làm bài chứ không phải trực phòng IT. Thế nhưng vẫn được trả lương đều 20 tiếng một tuần. Có những lúc chị đứng ra bảo vệ cho những ý tưởng của mình trước cả cô CEO. Lúc ra trường không tìm được việc thì cũng chỉ quản lý đi bảo apply vào bộ phận IT của trường để làm. Mà mình thay thế chỗ một người mới đi, nên được nhận lương của người đó, cả mấy chục ngàn đô la một năm, quả là gia tài lớn. Mỗi tháng nhận lương hai ngàn đô bảo thế này tiêu thế nào cho hết -- nhà thì chỉ thuê mất 300 đô một tháng. Đến 8 tháng thì hợp đồng chấm dứt, mình sau khi mua xe, bỏ túi tiết kiệm được 8 ngàn đô. Đấy là lần đầu tiên thấy mình không phải lo về tiền nữa. Về sau này mình mỗi khi về trường đều thăm bộ phận IT. Có lúc được vào phòng họp của họ, vẫn chị quản lý giới thiệu đây là nhân viên cũ, đệ tử cũ của tôi đây, mình vẫn nhận ra phải đến 80% những người trong phòng, mừng mừng tủi tủi.
Có lúc mình về nước, gặp những người bạn là sinh viên cũng như mình đang làm những công việc như bồi bàn, chạy cái này cái kia. Có lần mình đi uống bia ăn khoai tây rán ở với một anh, em gái chạy bàn vừa mang ra chậm vừa mang ra sai món của mình trong một quán rất vắng. Anh ấy bảo em bưng ra sai món rồi. Em có biết sai tại sao, lần sau nên làm gì? Em ấy liền bảo à ừ tại vì như này như thế nọ, mà anh được thế này thế nọ giống như thế còn gì. Anh ấy có nói, anh không muốn bồi thường hay làm khó em, em nghĩ kỹ coi anh hỏi vậy để làm gì? Em gái chạy bàn sau khi nghe thế vẫn cố cãi, vì em ấy muốn giải thích tại sao đó không phải là lỗi của mình.
Nhiều khi mình tự hỏi có cái gì làm cho những người cũng xuất phát từ những điểm đại loại tương đối giống nhau lại đi những con đường rất khác nhau. Mình nghĩ có thể đó là những giây phút đm (định mệnh) giúp thay đổi con đường đi của một người. Như giây phút mình quyết định ở lại để giúp bạn sinh viên, sau gửi cái email bảo là xin lỗi đã làm phiền -- hoặc như em sinh viên bồi bàn kia quyết không nhận mình sai. Mình nghĩ một người có thể sống cả đời không sai mà cũng không ai đổ lỗi cho được, nhưng cũng không ai giao cho điều gì quan trọng. Hoặc là có thể sai nhiều nhưng thế nào vẫn được mọi người tin. Càng ngày mình nghĩ lỗi hay việc đúng sai là một việc thứ yếu sau nhiều điều khác, nhưng cụ thể đó là cái gì, tại sao như thế, thì chịu.
Đọc thêm:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất