Tôi thích màu trắng, thích đến điên người. Và dường như những thứ mình thích đến nhường ấy thường lại quẩn vào chính cuộc đời mình.
Trước kia, màu trắng với tôi là sự tinh tế. Hồi còn trẻ hơn, tôi thích sự tinh tế. Hồi còn chưa méo mó, màu trắng với tôi là một nét dịu dàng.
Nhưng rồi, tôi nhận thấy sự dịu dàng ấy là một mê cung giả dối. Từng mẩu trắng xóa trong không khí xung quanh đưa tôi vào một thế giới mơ màng lơ lửng. Chân không chạm đất, tay không với tới. Màu trắng trở thành một giấc mộng. Nó tạo cảm giác hư ảo, thực mà không thực, chạm mà không cảm thấy.
Người nhạc sĩ họ Trịnh ấy cũng đã lạc vào một cơn mê màu trắng đan xem giữa thực và mơ. Giữa những ngày nằm bệnh trên giường trong mùa hạ oi ả, ông cảm thấy sự hiện diện của một người con gái đến cùng hương hoa, đến rồi đi, tỉnh lại mê, thật mà như không. 
Có một mùa hạ năm ấy tôi bị một cơn sốt nặng, nhiệt độ trong người và bên ngoài bằng nhau. Tôi nằm sốt mê man trên giường không còn biết gì. Và bỗng có một lúc nào đó tôi cảm thấy hương thơm phủ ngập cả căn phòng và tôi chìm đắm vào một giấc mơ như một cơn mê sảng. Tôi thấy mình lạc vào một rừng hoa trắng thơm ngào ngạt, bay bổng trong không gian đó. Ðến lúc tỉnh dậy người ướt đẫm mồ hôi và tôi nhìn thấy bên cạnh giường có một người con gái nào đó đã đến cắm một bó hoa dạ lý hương trắng rất lớn. Chính cái mùi thơm của dạ lý hương đã đưa tôi vào giấc mơ kia. Giấc mơ trong một mùa hạ nóng bức.
Trong vùng tôi ở, quanh đó chỉ có một nhà duy nhất trồng dạ lý hương nên tôi biết ngay người mang hoa đến là ai.
Tôi thường ở trong hai căn phòng: trắng và đen. Phần lớn thời gian tôi ở trong căn phòng màu trắng. Ấy là khi mọi thứ đều mơ hồ, lửng lơ.  Không có một thứ cảm xúc xác định nào tồn tại. Không hạnh phúc vui sướng, cũng không đau khổ tột cùng. Tôi nghe thấy tiếng bộ óc mình mềm nhũn ra thành thứ chất lỏng, len lỏi trong cơ thể, bốc hơi thành làn sương trước mặt.
Như vậy, màu trắng lại là một thứ làm tê liệt suy nghĩ.
Những ngày màu trắng, tôi đóng vai kẻ đứng bên rìa quan sát thế giới. Tôi đi lang thang một mình, tự cười một mình trước những dịu dàng của cuộc sống. Tôi thấy người ta dắt tay nhau đi trên phố, trao nhau nụ cười. Tôi nhìn người hạnh phúc đàn hát, bên cửa sổ, tia nắng chiếu vào, tỏa sáng. Có những con người mà hạnh phúc của họ là quan sát sự dịu dàng của cuộc sống, chứ không phải trở thành một phần của sự dịu dàng ấy. Và khi ấy tôi bỗng nhớ ra một điều hay ho chẳng mới mẻ về màu trắng. Chẳng phải ánh sáng trắng chính là sự hòa trộn màu sắc của cả bảy loại ánh sáng sao?
Như vậy, màu trắng với tôi cũng là một hạnh phúc dịu dàng.

Sau một tuần lễ tôi hết bệnh. Nghe tin bố người bạn đang hấp hối tôi vội vàng đến thăm. Ông chẳng có bệnh gì ngoài bệnh nhớ thương và buồn rầu. Câu chuyện rất đơn giản. Hai ông bà đã lớn tuổi thường nằm chung trên một sập gụ xưa. Cứ mỗi sáng bà cụ thức dậy sớm và xuống bếp nấu nước sôi để pha trà cho ông cụ uống. Một buổi sáng nọ, cũng theo thường lệ, bà cụ xuống bếp bị gió ngã xuống bất tỉnh và chết. Mấy người con ở gần đó tình cờ phát hiện ra và đưa bà cụ về nhà một người để tẩm liệm. Sau đó chôn cất và giấu ông cụ. Tất nhiên, khi ông cụ thức dậy hỏi con, mẹ các con đi đâu rồi, thì họ trả lời là mẹ sang nhà chúng con để chăm sóc mấy cháu vì chúng bị bệnh. Vài ngày sau vẫn chưa thấy bà về ông mới trầm ngâm hỏi các con có phải mẹ các con đã chết rồi phải không. Lúc ấy mọi người mới khóc òa lên. Từ đó ông nằm trên sập gụ một mình cơm không ăn, trà không uống cho đến lúc kiệt sức và đi theo bà cụ luôn.
Tôi không chối bỏ gì sự thật rằng tôi để bản thân trong thế giới trắng là bởi tôi sợ căn phòng màu đen. Dù màu trắng chỉ là ngụy tạo, là tạm bợ, là ảo giác, một thứ không gốc rễ. Còn màu đen mới là thực tại mà tôi phải đối mặt. Vì sợ tổn thương, nên tôi mới để mình không cảm thấy gì. Tôi đắp lên đó tầng tầng những lớp dày mỏng khác nhau.
"Hạ trắng" với tôi không chỉ là về sự mơ hồ, về màu trắng tôi yêu thích. Thứ mấu chốt gây xót xa nằm ở câu "Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau". 
Xót xa thật. Cả cái câu chuyện đằng sau nó, cả câu chuyện của tôi nữa. "Liệu có nguyện ước nào viên mãn bằng nguyện ước được cùng nhau già đi?"
Chúng ta thường khâm phục những điều mà người ta không có. Bản thân tôi, tôi khâm phục những cặp đôi yêu nhau lâu dài, và càng quý trọng hơn nữa những người có thể thương nhau cả đời cả kiếp. Cuộc đời con người ngắn, mà yêu thương thì dài. Tôi chưa từng trải qua cảm giác yêu ai dài lâu. Tôi không biết giữ một mối quan hệ. Gia đình tôi cũng vậy...
Thực ra, khi đối diện với đổ vỡ ấy, thứ tôi xót xa nhất chỉ là: Họ thế là không thể yên bình nhìn nhau già đi.
Gia đình tôi với nhau. Tôi với cuộc đời vui tươi. Tôi với sự lao xao của cuộc sống.
Tôi với cậu.
Tất cả chúng ta đều là những tình cũ của nhau.
---------------------------------------------------------------------
*Note: Phần trích dẫn trong 'Giấc mơ hạ trắng', Trịnh Công Sơn viết.