sơ lược Pháp chân đế (vs. tục đế)
Pháp chân đế bao gồm những thực tại tối hậu, nền tảng của sự tồn tại như được Đức Phật giảng thông qua Giáo pháp. Bằng cách học hỏi và vun bồi trí tuệ để hiểu những thực tại này, chúng ta có thể bắt đầu nhìn thấu những ảo tưởng của thế giới quy ước
Ngược lại với cách hiểu thông thường, con đường Đức Phật dạy không hề dễ dàng, nhẹ nhàng, thênh thang lựa chọn, thoải mái ứng dụng được ngay. Những thứ dễ học, dễ hiểu như thế rất nhiều người có thể dạy, không phải cần đến một Đức Chánh Đẳng Giác đã vun bồi trí tuệ siêu việt qua bốn a tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp để có thể chứng ngộ và rồi dạy cho những người hữu duyên.
Điểm xuất phát vô cùng quan trọng mà rất nhiều người, kể cả các giảng sư, luận sư, đạo sư lừng danh không thực sự hiểu lại chính là điều mà Đức Phật đã chứng ngộ và không ngừng chỉ dạy. Ngài đã chứng ngộ và dạy điều gì? Nếu nói một từ thì điều đó là “Pháp - dhamma”. Ai chưa hiểu Pháp như Đức Phật dạy thì chưa xứng là Phật tử.
Vậy câu hỏi vô cùng quan trọng cần được đặt ra và xem xét một cách kỹ lưỡng là gì? Đó là:
Pháp mà Đức Phật dạy là gì?
Chúng ta có thực sự biết Pháp - dhamma không? Pháp có phải đơn giản là mọi thứ, mọi hiện tượng xa hay trong cuộc sống: nhà cửa, xe cộ, con người, bàn ghế, cây cối, âm nhạc, thiền viện ….không? Nếu chỉ là những thứ không cần được nghe giải thích gì đặc biệt mà bất cứ người bình thường nào cũng hiểu, cũng biết như thế thì đó chưa phải là Pháp mà bậc Giác ngộ đã phải mất vô cùng nhiều thời gian để khám phá, chưa phải Pháp mà nếu Ngài đã không dạy, sẽ không ai có thể tự mình biết được.
Phân biệt pháp chế định và pháp chân đế
Thế giới mà mọi người đã quen thuộc thực ra chỉ là thế giới của pháp tục đế hay pháp chế định (paññatti). Pháp chế định là những khái niệm, danh xưng do con người quy ước, như “con người”, “ngôi nhà”, “quốc gia”, “tiền bạc”, v.v. Chúng không tồn tại như các thực tại tối hậu mà chỉ có ý nghĩa trong giao tiếp hàng ngày. Tất cả chúng ta đều rất là quen thuộc với thế giới của khái niệm, hay pháp chế định, bởi vì đó là tiến trình tự nhiên của tâm nhận biết. Sau khi có thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm thì tự nhiên sẽ xuất hiện các tâm biết về những gì được thấy được nghe dưới góc độ của các khái niệm, hình dạng.
Chính vì thế, khi ta dùng từ “thực tại” thì là để chỉ đến một thế giới mà không phải là thế giới của các khái niệm, không phải thế giới chế định, thế giới tục đế.
Ở đây có hai thuật ngữ chúng ta cần phân biệt là Pháp chân đế và Pháp tục đế,
Pháp chân đế: Paramattha Dhamma và Pháp tục đế: Sammuti Dhamma/ Paññatti. Paññatti cũng có nghĩa là khái niệm/ chế định, còn Paramattha là Pháp chân đế.
Pháp chân đế là thế giới mà Đức Phật đã giác ngộ và thuyết giảng cho chúng ta. Thế giới của pháp chân đế mặc dù chính là cái nền tảng, là cái căn bản của tất cả những gì tạo nên thế giới chế định nhưng nếu như chúng ta không học Giáo pháp của Đức Phật thì thực ra ta không hề biết về nó. Lý do là bởi vì ta chỉ nghĩ đến những gì được nhận biết, những khái niệm được nhận biết nhưng không hề suy xét đến những cái mà nhận biết những gì được nhận biết.
Ví dụ là ngay bây giờ đây thì đang phải có cái được thấy, cái được nghe.... Đồng thời cũng phải có cái thấy kinh nghiệm (= nhận biết) cái được thấy và cái nghe kinh nghiệm cái được nghe. Tuy nhiên ta lại chỉ biết đến những khái niệm như là những con người đang ngồi ở kia đang được thấy hay là ta đang nhìn thấy một căn phòng, nhìn thấy một bức tranh…. Và giả sử nếu như ta nghĩ đến cái (chủ thể của việc) kinh nghiệm thì ta nghĩ ngay rằng có một cái “tôi” là người đang biết những hình ảnh này hay tôi là người đang biết những âm thanh này.
Khi học về Giáo pháp thì chúng ta được nghe về những gì là thực hay nói cách khác là về thực tại. Điểm đầu tiên mà rất là căn bản là các “thực tại” là những tính chất có thực. Mặc dù những tính chất có thực đó lúc nào cũng có ở đó nhưng thường là không bao giờ để ta ý đến chúng.
Như thế, thế giới mà chúng ta quen thuộc là thế giới của các khái niệm. Nhưng sự thật là để có cái gọi là “tôi thấy những người ở kia” thì Đức Phật đã chỉ ra cho chúng ta rằng về mặt bản chất phải có những tính chất có thực, đó là những tính chất đảm nhận chức năng kinh nghiệm/ nhận biết ở mức độ tột cùng. Chính những tính chất đó mới là cái thực sự tồn tại hay nói gọn hơn là các “thực tại”. Ở mức độ tối hậu thì chỉ có các thực tại đó mà thôi.
Thực tại (chân đế) là những tính chất có thực, luôn hiện hữu nhưng thường bị bỏ qua
Một sự thật phổ quát mà chúng ta đều đã biết và có thể đồng ý với nhau là những sự kinh nghiệm và nhận biết thì diễn ra qua năm căn môn, phải không?
Căn môn thứ nhất là qua mắt thì ở đây chúng ta gọi sự kinh nghiệm/ sự nhận biết qua mắt là “cái thấy”. Thông thường ta không bao giờ nghĩ đến cái thấy mà ta chỉ có ý niệm là có một cái mình đang nhìn thấy. Nhưng thực chất thì cái thấy chỉ là một khoảnh khắc hoàn toàn riêng biệt với những khoảnh khắc khác. Khoảnh khắc thấy qua mắt là khác, khoảnh khắc nghe qua tai là khác. Như thế cái thấy là một tính chất có thực, cái nghe là một tính chất có thực, chúng là những thực tại tối hậu, còn ý niệm về người thấy và người nghe thì lại chỉ là các ý niệm.
Nếu như không có cái thấy là thực thì cũng sẽ không có cái ý niệm về người thấy. Ví dụ như một người mù thì sẽ không nghĩ là tôi thấy nhưng mà bất cứ ai đang thấy hiện giờ thì sẽ nghĩ là tôi thấy, hay là một người bị điếc thì sẽ không có ý nghĩ là tôi nghe nhưng mà tất cả mọi người thì đều sẽ nghĩ là tôi nghe nếu như có cái nghe diễn ra. Như vậy, nếu như không có các thực tại (cái thấy, cái nghe) thì cũng không có khái niệm tôi thấy, tôi nghe, không có khái niệm con người ở đây hay đồ vật ở kia.
Một câu hỏi nữa về thực tại là: khi mà cái thấy sinh khởi thì nó thấy cái gì?
Câu trả lời là: nó phải thấy cái có thể được thấy và khi chưa học Giáo pháp thì chúng ta nghĩ là: à đối tượng được thấy là những người đang ngồi ở đây, là cái máy tính rồi là tất cả những cái đồ vật hay những cái khái niệm khác nhau ….. Nhưng mà về bản chất thực sự thì Đức Phật dạy rằng cái được thấy thì là một khoảnh khắc rất là ngắn ngủi. Đồng thời Đức Phật dạy rằng tính chất của cái được thấy cũng là một tính chất có thực bởi vì nếu như không có cái tính chất của cái được thấy thì sẽ không thể có những cái ý niệm như là những con người ngồi đây hay là những những đồ vật ở kia. Như thế “cái được thấy” là một thực tại và nó khác với các pháp chế định là khái niệm như “con người” …
Nhưng khi nghe như trên thì có người lại có thể hình dung Đức Phật chỉ đang khái quát tất cả những khái niệm cụ thể thành một khái niệm tổng hợp là “cái được thấy”. Cho nên nhiều khi mới được nghe về Giáo pháp mọi người sẽ nghĩ “cái được thấy” chỉ là một cái tên gọi thay thế cho những đồ vật cụ thể. Mọi người cho rằng thay cho nói là “cái máy tính” thì mình dùng từ “cái được thấy”. Mọi người vẫn nghĩ là “cái máy tính” được thấy hay là một “con người” được thấy hay một “căn phòng” được thấy.
Nhưng mà sự thật mà Giáo pháp mô tả “cái được thấy” thì không phải như vậy. "Cái được thấy" không phải là một tên gọi khác cho các đồ vật cụ thể mà là bản chất đằng sau, là nền tảng mà chúng ta chưa hề biết của tất cả những gì có thể được nhận biết/ kinh nghiệm qua mắt trong thế giới chế định.
Những cái như là “cái máy tính”, “con người” …. thì không phải là bản chất của cái được thấy. Bản chất của cái được thấy là nó chỉ có tính chất được thấy. Nó không thể được nghe, không thể được ngửi, không thể được nếm, không thể được xúc chạm và nó không phải là cái-gì-đó cả. "Cái được thấy" như vừa nói là một ví dụ về thực tại là một tính chất có thực.
Trên cơ sở đó ta sẽ tìm hiểu thêm chút ít về thế giới tục đế hay thế giới của khái niệm để phân biệt rõ hơn chân đế và chế định

Ngược lại với Pháp chân đế, Pháp tục đế hay chế định thì không phải là những tính chất có thực, theo nghĩa chúng không có tính chất nội tại nào riêng biệt cả. Pháp chân đế giống như những hiện tượng được dán nhãn một cách quy ước, tương đối theo thời gian và hoàn cảnh.
Giả sử như bây giờ ta nói đến cái bàn thì tính chất của nó là gì? “Cái bàn” thì có là một tính chất có thực không? Ta có thể tìm được tính chất riêng có của một cái bàn hay là tính chất của một con người không? Sự thực là dù cho cứ tìm mãi, tìm mãi thì cũng không tìm thấy được tính chất gì riêng có nào ở "cái bàn" hay "con người" hết. Trong khi đó cái được thấy thì luôn luôn là cái được thấy. Cái tính chất là “được thấy” đó dù là ở thời gian nào hay là ở không gian nào thì nó vẫn luôn luôn là nó. Như vậy có một bản chất của nó là được thấy.
Không thể tìm thấy tính chất riêng có của các khái niệm như "cái bàn" hay "con người," trong khi tính chất "được thấy" luôn là "được thấy" dù ở đâu hay khi nào.
Vẫn nói về tính chất của cái được thấy thì như vậy ta bắt đầu hiểu là có một tính chất được thấy. Nhưng hiện giờ, do bởi những gì xuất hiện thì đã là những khái niệm, khái niệm về các con người và những thứ khác nhau….rồi nên ta không thực sự hiểu “cái được thấy” này nó là gì. Ta không hiểu được, chưa hiểu được điều này là do bởi trí tuệ chưa đủ để có thể nhận biết được, kinh nghiệm được tính chất thực sự của cái được thấy. Bởi vì cái được thấy chỉ là một khoảnh khắc rất là ngắn ngủi, cần có trí tuệ đủ mạnh để thực sự biết “cái được thấy”
Hiện giờ đang không phải chỉ có thấy, tiếp sau đó có rất nhiều khoảnh khắc của các tâm suy nghĩ. Chỉ một khoảnh khắc duy nhất của “cái thấy” còn ngay sau đó là dày đặc các tâm suy nghĩ nghĩ về hình và dạng, nghĩ về các khái niệm (người, đồ đạc ….) và vì thế chúng ta không biết được sự thật về cái được thấy, mặc dù khi nghe Giáo pháp thì ta bắt đầu hiểu là phải có một cái tính chất được thấy.
Như vậy có một tính chất là “cái được thấy” và tính chất “được thấy” này chính là một thực tại nữa. Thực tại này khác với thực tại của cái thấy ở chỗ thực tại này không tự nhận biết gì cả. Cái được thấy thì không thể nhận biết gì hết nhưng mà cái thấy thì có thể nhận biết/ kinh nghiệm. Đó là sự khác nhau giữa thực tại “cái thấy” và đối tượng của nó (là thực tại “cái được thấy”).
Đến đây ta đã biết là có hai loại thực tại: một thực tại kinh nghiệm và một thực tại không kinh nghiệm gì cả. Và toàn bộ thế giới này về bản chất chỉ gồm có hai loại tính chất đó thôi: Tính chất kinh nghiệm và tính chất không kinh nghiệm. Ngoài ra trong các thực tại kinh nghiệm thì lại có những thực tại khác nhau tức là có những tính chất kinh nghiệm khác nhau. Ví dụ như là thấy với nghe là hai tính chất khác nhau, suy nghĩ là một tính chất nữa rồi đau, hay là vui, hay là buồn cũng là những thực tại kinh nghiệm nhưng những thực tại ấy khác với tính chất của cái thấy hay tính chất của cái nghe.
Như vậy có hai cái thực tại căn bản là: thực tại kinh nghiệm (= pháp có khả năng kinh nghiệm hay pháp kinh nghiệm) và thực tại không kinh nghiệm (= pháp không kinh nghiệm). Thế rồi đi sâu vào nữa thì trong các thực tại kinh nghiệm lại có rất nhiều những tính chất khác nhau. Chúng đều là những tính chất có thực như: vui là tính chất có thực, buồn là tính chất có thực... Thích hay là không thích cũng là những tính chất có thực nhưng hai tính chất đó có sự khác biệt. Cái thích thì khác với cái không thích cũng như là vui thì không phải là buồn.
Có thể thấy nếu ở góc độ chế định thì ta sẽ thấy có một con người vui, có một con người buồn, có một con người thích hay là không thích. Thế nhưng về mặt bản chất thì cái “con người” đó chỉ là một cái ý niệm mà thôi, còn tính chất thích thì nó luôn là tính chất thích bất kể nó có ở nơi người này hay là nơi người khác. Tính chất của cái thấy hay cái nghe cũng vậy, về mặt tột cùng thì chúng cũng không có một tính chất của một cá nhân hay con người nào cả. Chính vì thế nên chúng có tên gọi là pháp chân đế. Chúng là các thực tại tối hậu, cái mang tính bản chất và chúng không phải là một chúng sinh hay là một ai đó.
Điểm trên chính là một điểm rất căn bản. Khi học về Giáo pháp của Đức Phật là chúng ta được học về sự thật tột cùng, và khi nói về sự thật đó thì sẽ thấy rõ là toàn bộ những gì có ở trong thế gian này với đủ các loại khái niệm chồng chất thì về mặt bản chất chỉ là những pháp có một tính chất riêng biệt. Khi pháp hiện diện, nó có mặt thì nó chỉ có mặt ở thời điểm đó rồi lại không có, và tất cả những thứ được gán vào như là người này hay người kia thì chỉ là các khái niệm. Các khái niệm không phải là các tính chất có thực giống như là những thứ thấy, nghe, nghĩ, vui, buồn … mà chúng ta vừa nhắc đến.
Pháp không kinh nghiệm cũng có những tính chất khác nhau. Ví dụ như tính chất được nghe là âm thanh chẳng hạn, nó hoàn toàn khác với tính chất được thấy. Nếu như hỏi là âm thanh có thể được thấy không? rõ ràng mọi người sẽ trả lời là âm thanh không thể được thấy.
Như vậy bản thân cái được thấy là gì, hay bản thân cái âm thanh là gì thì hiện giờ mức độ trí tuệ nơi chúng ta chưa đủ để xuyên thấu, để hiểu nó đúng như nó là. Thế nhưng ít nhất ta cũng bắt đầu hiểu rằng đó là những tính chất khác nhau, không cùng một tính chất và chúng đều không nhận biết gì cả. Âm thanh không thể tự biết, cái được thấy cũng không thể tự biết. Khi soi chiếu dưới góc độ của những tính chất như thế ta sẽ thấy toàn bộ thế giới này được quy về chỉ là hai loại tính chất: nhận biết (pháp kinh nghiệm) và không nhận biết (pháp không kinh nghiệm). Thế rồi mỗi loại tính chất thì lại có rất nhiều những cái khía cạnh khác nhau, những tính chất riêng khác nhau nhưng chúng căn bản đều chỉ là những tính chất mà khi có đủ duyên thì sinh lên và rồi sau đó thì hoàn toàn diệt mất. Không có một ai ở đó cả.
Bản chất thực sự của các thực tại (= các pháp (dhamma) như cái được thấy, âm thanh ...) hiện giờ vượt quá khả năng hiểu biết của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta có thể bắt đầu hiểu rằng chúng là những tính chất có thực khác nhau.
Như thế thế giới của thực tại với thế giới của khái niệm là hoàn toàn khác biệt. Thế giới của khái niệm là thế giới mà không cần phải học Giáo pháp của Đức Phật thì ai ai cũng biết, còn thế giới của Pháp thì bắt buộc phải học Giáo pháp của Đức Phật mới biết và kể cả khi học Giáo pháp thì ta cũng mới bắt đầu được khai mở để biết rằng có những tính chất có thực như vậy.
Sự khai mở này chỉ là một khởi đầu rất nhỏ bé bởi vì bản chất của các thực tại (= các pháp chân đế) không chỉ cần được tiếp cận ở mức độ ngôn từ như vậy mà chúng dần dần phải được tiếp cận bởi trí tuệ để tiến đến mức độ có thể kinh nghiệm một cách trực tiếp. Và sự kinh nghiệm trực tiếp tính chất của các pháp chân đế này chính là mục tiêu của Con đường phát triển trí tuệ. Bởi vì khi tính chất thực sự của các pháp chân đế được kinh nghiệm trực tiếp thì khi đó nó sẽ là duyên cho sự xả ly với ý niệm về ngã ở mức độ rất sâu sắc và cuối cùng sẽ đưa đến sự xả ly với tất cả những gì do duyên sinh và từ đó đạt được giác ngộ.
Thế giới của thực tại và thế giới của khái niệm là hai thế giới hoàn toàn khác biệt. Một thế giới là thế giới được Đức phật giác ngộ và thuyết giảng và là đối tượng của sự phát triển trí tuệ. Còn thế giới của khái niệm thì nó vốn là thế giới mà chúng ta quen thuộc.
Hiện giờ khi không có cái hiểu về thế giới của thực tại, của các pháp chân đế thì các khái niệm vẫn tiếp tục duy trì và che lấp bản chất thực sự của các pháp, duy trì sự vô minh nơi chúng ta. Thế còn đối với một bậc giác ngộ thì khái niệm vẫn là đối tượng của tâm nhưng do có cái hiểu về các pháp chân đế nên các vị ấy không cho những khái niệm đó là những thứ tồn tại thực sự. Các vị Thánh hiểu rằng các khái niệm chỉ đơn giản là đối tượng của tâm và chúng chỉ giống như bức tranh, như một bộ phim hoạt hình hay một vở kịch được trình diễn bởi các thực tại tối hậu mà thôi.
Pháp chân đế bao gồm những thực tại tối hậu, nền tảng của sự tồn tại như được Đức Phật giảng thông qua Giáo pháp .... Bằng cách học hỏi và vun bồi trí tuệ để hiểu những thực tại này, chúng ta có thể bắt đầu nhận ra những ảo tưởng của thế giới quy ước (pháp tục đế hay pháp chế định)... và tiến bước trên Con đường dẫn đến giác ngộ.
Tất cả những cái gì được nói đến trong các buổi pháp đàm đều nhằm để giúp ta tiếp cận với những tính chất có thực ngay hiện giờ và phát triển sự hiểu biết về nó. Tuy nhiên đây là một quá trình rất là dài và không thể mong đợi một kết quả hay một sự tiến triển nhanh chóng được nên tất cả chúng ta đều cần sự kham nhẫn để hiểu. Đây là những điều tới từ sự giác ngộ của Đức Phật nên rất là khó và vì thế cần rất nhiều kham nhẫn để nghe, để học và để suy xét.
— Lời bạt —-
Bài viết được biên tập lại dựa trên nội dung một buổi pháp đàm của Vietnam Dhamma Home
—- Lưu ý (disclaimer) —-
Bài viết có bao gồm các cách diễn đạt/ cách dùng từ/thuật ngữ mang tính cá nhân vì thế có thể có những sai sót không mong muốn. Độc giả tự cân nhắc và chịu trách nhiệm khi đọc hay sử dụng nội dung trong bài.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất