Viết về đầu tư chứng khoán trong bối cảnh thị trường hiện tại có lẽ là một trong những ý tưởng ngu ngốc nhất của người viết (hoặc thông minh nhất tùy vào góc nhìn của bạn). Không chỉ riêng Việt Nam mà thị trường toàn cầu đang trải qua một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử khi rất nhiều chỉ báo kinh tế đang cùng đồng thuận là nền kinh tế toàn cầu đang chuẩn bị trải qua một đợt suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Mặc dù xem xét một cách khách quan nhất thì nền kinh tế Việt Nam sẽ không chịu ảnh hưởng nặng nề như khối Châu Âu hay Hoa Kỳ, tuy nhiên, hiệu ứng lây lan mang tính dây chuyền của "sợ hãi” sẽ luôn là một trong những chất xúc tác mạnh mẽ nhất củng cố cho sự phát triển và duy trì của thị trường gấu.
Trong giai đoạn cực kỳ bất ổn như hiện nay, viết về đầu tư chứng khoán có lẽ cũng giống như rao giảng về sự diệu kỳ của tôn giáo đối với những tín đồ chân chính của Charles Darwin - tình huống khả dĩ nhất có thể xảy ra là hai bên cùng hét vào mặt nhau thay vì có một cuộc trò chuyện văn minh. Đối với đại đa số nhà đầu tư, giai đoạn mà chúng ta đang trải qua (và khả năng cao là nó sẽ còn tiếp tục trong một khoảng thời gian khá lâu) không đơn thuần chỉ là một thị trường gấu, nó là sự thử thách niềm tin to lớn của họ về tính khả thi của đầu tư, ngày càng nhiều người tin rằng thà chơi đổ xí ngầu còn tốt hơn bỏ tiền vào thị trường. “Thị trường gấu” đơn giản chỉ là cái tên mang tính học thuật mà họ đọc được qua các bài báo kinh tế nhan nhản trên mạng, đối với những người đang trực tiếp tham gia đầu tư trên thị trường trong giai đoạn hiện nay, cảm giác mà họ đang trải qua không khác gì một cuộc thảm sát tàn nhẫn. Không khó hiểu khi ngày càng nhiều người tỏ ra chán ghét đầu tư và muốn rời bỏ thị trường một lần và mãi mãi.
Bản thân người viết hiểu rõ cảm giác này hơn ai hết, thật khó để mà suy nghĩ một cách bình tĩnh khi bạn đang bơi trong một bể máu. Chưa ai nói đầu tư là một công việc dễ dàng cả, đặc biệt là trong giai đoạn thị trường đi xuống. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi chuyện đều tăm tối và vô vọng, có rất nhiều bài học mà chúng ta có thể có được khi trực tiếp trải qua một thị trường gấu và chắc chắn sẽ rất hữu ích cho hành trình đầu tư trong tương lai của bản thân. Và do đó mục đích ra đời của bài blog này là để người viết có thể chia sẻ những suy ngẫm mà bản thân đã ngộ được trong giai đoạn khó khăn vừa qua
Bài viết thuộc series Đầu tư từ đầu - series chia sẻ trải nghiệm đầu tư thật của người trẻ, nơi Spiderum và Infina hướng tới phát triển tư duy đầu tư dài hạn lành mạnh
“Chúng ta đã gặp mặt kẻ thù, và hắn chính là chúng ta” Oliver Perry
Hãy gặp mặt kẻ thù lớn nhất của bạn trong đầu tư - người đó chính là bạn đấy, và kẻ thù lớn thứ hai là những người chuyên đi phím hàng bạn có thể gặp ở bất kỳ đâu trên mạng xã hội (nhưng đây lại là chủ đề của một bài blog hoàn toàn khác). Xét trên phương diện tiến hóa, ngay từ đầu chúng ta vốn không được thiết kế để có khả năng giữ được cái đầu bình tĩnh khi môi trường xung quanh bỗng nhiên trở nên cực kỳ nguy hiểm, chúng ta được thiết kế để vắt giò lên cổ mà chạy mỗi khi chúng ta cảm nhận có tiếng sột soạt trong bụi cỏ hoặc nhìn thấy sơ qua bóng dáng của một con hổ răng kiếm đang từ từ tiếp cận. Tổ tiên của chúng ta là những người đã chạy trước khi suy nghĩ, những người đã đứng lại để xác nhận xem liệu mối nguy hiểm kia có xác đáng hay không thì đều đã thành bữa tối cho những loài động vật săn mồi khác cả rồi. Khả năng phản ứng nhanh chóng dựa theo bản năng là thứ đã giúp cho tổ tiên ta tồn tại, và là thứ họ đã truyền lại cho chúng ta sau hàng vạn năm tiến hóa.
Tổ tiên của ta rất có thể trông giống như thế này đây
Tổ tiên của ta rất có thể trông giống như thế này đây
Nghe theo bản năng là lựa chọn hoàn toàn hợp lý nếu như mục đích của bạn là sinh tồn trong một môi trường sinh sống khắc nghiệt, nhưng là sự lựa chọn ngu ngốc nếu như bạn muốn đầu tư thành công trong dài hạn trên thị trường chứng khoán. Mặc dù cả hai môi trường đều nguy hiểm nhưng sự nguy hiểm đó rất khác nhau - trong môi trường nguyên thủy mà tổ tiên ta đã từng sinh sống, bạn sẽ chết nếu như không nghe theo bản năng của mình nhưng trong môi trường đầu tư bạn sẽ chết vì bạn làm chính xác theo những điều mà bản năng mách bảo. Và vì thế một trong những sai lầm cơ bản nhất trong đầu tư chính là hai hành động mang tính phản xạ - bán tháo cùng với đám đông khi thị trường hoảng loạn và mua đuổi cổ phiếu khi thị trường hưng phấn.
Xét một cách thực tế, bản năng tham lam khi thị trường tốt đẹp và sợ hãi khi thị trường khủng hoảng đều là những bản năng mạnh mẽ mang tính tiến hóa của con người. Trong thời đại nguyên thủy khi mỗi ngày đều là một cuộc chiến với tử thần, tham lam tích trữ tài nguyên khi điều kiện cho phép cũng như hoảng sợ tột độ mỗi khi có dấu hiệu của nguy hiểm đều là những bản năng cần thiết cho sự tồn vong của giống loài. Đi ngược với những suy nghĩ mang tính trực giác luôn đòi hỏi một tinh thần cực kì mạnh mẽ từ phía nhà đầu tư, những quyết định không mang tính cảm xúc luôn là những quyết định khó khăn nhất. Tuy nhiên, để thành công lâu dài trên thị trường, đây là điều kiện bắt buộc.
Được rồi, được rồi, bình tĩnh nào, người viết biết là bạn đọc đang nghĩ gì! Trong thị trường gấu như thế này mà không bán hết cổ phiếu giữ tiền mặt thì để còn cái nịt à? Điều mà người viết muốn nhấn mạnh ở đây là nếu như bạn không có một lý do hợp lý cho bất kỳ hành động cụ thể nào trên thị trường mà chỉ đang đơn giản là làm theo bản năng mách bảo thì bạn chắc chắn sẽ không thể đầu tư thành công trong dài hạn. Bản thân việc bán hết cổ phiếu giữ tiền mặt trong giai đoạn thị trường gấu tự bản thân nó không sai, điều quan trọng ở đây là bạn có hiểu tại sao bạn phải làm như thế không hay chỉ đơn giản là “thấy đám đông làm gì thì mình làm theo nó”. Tại sao lại có sự khác biệt to lớn ở đây? Bởi vì những nhà đầu tư thông minh làm điều trên là vì họ có một kế hoạch hành động cụ thể trong tương lai với số tiền mặt mà họ nắm giữ, còn bạn thì mông lung và sợ sệt không biết phải làm gì, bạn rút hết tiền mặt ra và rời khỏi thị trường vì bạn đang rất sợ hãi, sau đó lại quay trở lại đua lệnh khi thị trường đã phục hồi nhanh chóng bởi vì bạn không thể kìm nổi lòng tham khi thấy có quá nhiều tài khoản kiếm được một số tiền rất lớn từ sự phục hồi của thị trường.
Một sai lầm khác cũng phổ biến không kém trong giới đầu tư là không có khả năng thay đổi quan điểm, trong tâm lý học được gọi là thiên kiến xác nhận. Một khi bạn đã có một quan điểm hoặc một góc nhìn nào đó trên thị trường, bạn sẽ luôn tiếp nhận thông tin mới theo cách ủng hộ những quan điểm mà mình sẵn có và lờ đi bất kỳ bằng chứng nào phủ định quan điểm của bạn. Một điểm khá thú vị là người nào càng tự tin về khả năng của bản thân, họ càng dễ dàng mắc sai lầm này, và dĩ nhiên là hiệu suất đầu tư lúc nào cũng cực kì yếu kém (nhưng bằng chứng phủ định này luôn bị bỏ qua bởi những con người luôn tự tin vào kỹ năng đầu tư của bản thân, một lần nữa chúng ta lại được chứng kiến sự bá đạo của thiên kiến xác nhận). Bạn có thể thấy hiệu ứng tâm lý này hoạt động mạnh mẽ nhất trong nhóm “lỳ đòn” trên thị trường chứng khoán, thị trường càng đi xuống, họ càng nhất quyết giữ hàng, họ xem khả năng gồng lỗ của mình như một món quà của thượng đế, và luôn tự hào khỏe mẽ về nó mà không biết rằng điều này chẳng có một chút gì đáng tự hào cả.
Người viết muốn làm rõ một số ý ở trên. Mình là người không bao giờ ủng hộ việc đảo danh mục liên tục mỗi khi thị trường biến động. Mình muốn nhấn mạnh là nếu như danh mục đầu tư của bạn là những công ty chất lượng với hoạt động kinh doanh bền vững thì bạn không có lý do gì để bán tháo khi thị trường đi xuống. Nhóm “lỳ đòn” là mình nhắc ở trên đa phần là những người không thực sự hiểu rõ mình đang làm gì trên thị trường, họ thường mua các cổ phiếu đầu cơ (do được phím hàng) mà lầm tưởng rằng mình đang đầu tư, một khi thị trường đi xuống thì không có cách nào để các món hàng đầu cơ này tăng trở lại. Dưới sự ảnh hưởng mạnh mẽ của thiên kiến xác nhận thì nhóm này nhất quyết không bao giờ chấp nhận “cắt lỗ” mà luôn tìm một lý do nào đó để biện minh rằng việc họ nhất quyết không bán là một quyết định chính xác. Nếu như danh mục đầu tư của bạn là những công ty tốt hoạt động ổn định thì không có lý do gì để bán tháo khi thị trường đi xuống cả, thậm chí bạn nên làm điều ngược lại là tăng tỷ trọng nắm giữ những công ty này.
John Maynard Keynes là một nhà kinh tế học nổi tiếng và là người có ảnh hưởng sâu rộng trong các tư tưởng kinh tế hiện nay. Trong một lần thảo luận về các vấn đề kinh tế học, một người đã phản biện tính không đồng nhất về mặt lập luận của ông. Ông ta chỉ trích rằng Keynes đã từng nói một điều gì đó trong kinh tế học, rồi không lâu sau đó quay xe 180 độ khi nói một điều hoàn toàn đối lập với nhận định ông đã từng đưa ra trước đó. Đáp lại lời chỉ trích trên, Keynes đã phản biện với một trong những câu nói nổi tiếng nhất của ông "Khi sự thật thay đổi, tôi thay đổi ý kiến của mình. Còn anh thì làm gì, thưa Ngài?". Hiểu theo một cách đơn giản nhất, những nhà đầu tư kiệt xuất trên thế giới, giống như John Maynard Keynes, là những người sẵn sàng vứt bỏ cái tôi của mình và thay đổi ý kiến cá nhân nếu như có đủ bằng chứng thuyết phục chứng minh điều họ đang tin là sai. Đây là một trong những phẩm chất quan trọng nhất trong đầu tư, và theo ý kiến cá nhân của người viết, là phẩm chất quyết định thành tại của tất cả nhà đầu tư trên thế giới.
Nói thì dễ, làm mới khó
Lý thuyết thì không khó để hiểu, nhưng luôn có một sự khác biệt rất lớn giữa lý thuyết và thực hành. Như người viết đã nói ở đầu bài, rất khó để mà suy nghĩ bình tĩnh khi bạn đang bơi trong một bể máu. Khi toàn bộ danh mục sụt giảm giá trị một cách nhanh chóng, bạn sẽ luôn bị thôi thúc thực hiện hành động bán tháo và rời bỏ thị trường. Một cách cực kì hài hước, mình là người đã viết rất nhiều bài chia sẻ về quan điểm đầu tư, và cũng chính mình là người đang cảm thấy rất khó khăn để thực hiện chính xác như những gì mình đã viết trong giai đoạn thị trường gấu này.
Khi Fed bắt đầu đợt tăng lãi suất đầu tiên trong lộ trình hoạt động để hạ nhiệt lạm phát, đó là phát súng đầu tiên báo hiệu một kỷ nguyên mới sắp đến. Tín hiệu rất rõ ràng - Fed không còn ở phía sau ủng hộ cho đà tăng của thị trường nữa, kỷ nguyên tiền rẻ đã kết thúc, và giờ là thời đại của các chính sách tiền tệ thắt chặt. Thị trường phản ứng hệt như được miêu tả trong sách giáo khoa kinh tế mỗi khi lãi suất được nâng lên, hoảng loạn và bán tháo xuất hiện khắp nơi. Nhưng lúc này Fed vẫn còn rất mềm dẻo với những lời hứa hẹn như “hạ cánh mềm” (soft landing) - là một cách nói xoa dịu dư luận là Fed sẽ làm mọi cách để nỗ lực hạ nhiệt lạm phạt này không làm cho nền kinh tế phát nổ tan tành như xác pháo, Fed sẽ làm mọi cách để ngăn cản suy thoái kinh tế diễn ra. Tuy nhiên, tuần trăng mật không kéo dài được lâu, Fed cuối cùng cũng nhận ra rằng không có cách nào khác để đưa lạm phát quay về mục tiêu 2% mà không đập nát thị trường, và thị trường cũng bắt đầu đồng thuận với Fed, nếu như không muốn nói là thị trường vốn dĩ chưa bao giờ tin vào lời hứa “hạ cánh mềm” mà Fed đã rao giảng. 
Hạ cánh mềm (soft landing) là một thuật ngữ mượn từ ngành vận chuyển hàng không. Hạ cánh mềm là khi máy bay có thể đáp xuống mặt đất mà không làm hư hại bất kỳ món hàng nào mà nó chuyên chở, có ý nghĩa hoàn toàn trái ngược với hạ cánh cứng (hard landing).
Hạ cánh mềm (soft landing) là một thuật ngữ mượn từ ngành vận chuyển hàng không. Hạ cánh mềm là khi máy bay có thể đáp xuống mặt đất mà không làm hư hại bất kỳ món hàng nào mà nó chuyên chở, có ý nghĩa hoàn toàn trái ngược với hạ cánh cứng (hard landing).
Người viết ban đầu tin rằng yếu tố vĩ mô ổn định của Việt Nam sẽ là một yếu tố giúp thị trường Việt Nam không chịu ảnh hưởng nặng nề như khối Châu Âu hay Hoa Kỳ, nhưng quan điểm này đã thay đổi khi VN-Index thủng mốc 1200. Người viết có lẽ đã đánh giá quá thấp sức ảnh hưởng của Fed lên thị trường toàn cầu, đặc biệt là với các nền kinh tế mới nổi. Khi lãi suất liên tục gia tăng sẽ làm cho nhu cầu với đồng Đô La tăng cao tương ứng và qua đó các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rời bỏ các thị trường mới nổi và đầu tư vào các khoản đầu tư có giá trị được quyết định dựa theo lãi suất. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán ở các nền kinh tế mới nổi vì thông thường các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư vào các thị trường mới nổi qua các quỹ ETFs, và thường là các nhà đầu tư dài hạn. Sự ra đi của những người này qua đó cũng sẽ làm giảm đi tính ổn định của thị trường, và sẽ càng dễ làm cho thị trường phản ứng một cách thái quá với các thông tin bất ngờ.
Một yếu tố khác cũng quan trọng không kém là tiền trả nợ của các nền kinh tế đang phát triển đang phình to ra một cách không thể kiểm soát. Một đặc trưng cố hữu của các nền kinh tế đang phát triển là họ thường xuất khẩu các mặt hàng ít giá trị (nông sản, hải sản, lao động giá rẻ etc) trong khi nhập khẩu các mặt hàng chất lượng cao từ các nước phát triển (công nghệ, thuốc, ô tô, etc). Sư chênh lệnh lớn giữa giá trị thặng dư của các mặt hàng xuất khẩu và nhập khẩu làm cho các nước đang phát triển luôn trong tình trạng nợ nần ngập đầu, và các món nợ này đều phải được thanh toán bằng đồng USD. Khi Fed tăng lãi suất liên tục sẽ tạo ra combo liên hoàn dẫn đến việc giá trị đồng tiền của các nước đang phát triển sụt giảm nhanh chóng cũng như tăng rủi ro cho khả năng thanh toán các khoản nợ & lãi vay của chính phủ. Và dĩ nhiên ta không thể không nhắc đến tác động không ngờ của một loạt các vụ đột kích những nhân vật đình đám như chủ tịch FLC, chủ tịch Tân Hoàng Minh, chủ tịch Louise Capital, etc
Hầu hết mọi nhà đầu tư kinh nghiệm đều đã nhìn thấy bóng dáng của một con gấu to đùng đang chuẩn bị lao tới, và do đó một trong những điều đầu tiên cần phải làm để sống sót là tái phân bổ lại danh mục sang cơ chế phòng thủ. Tất cả những công ty không có nền tảng tài chính vững mạnh hoặc không có tiền lệ hoạt động ổn định trong giai đoạn kinh tế khó khăn cần phải bị loại bỏ nhanh chóng, hàng đầu cơ thì không cần phải suy nghĩ nhiều mà thẳng tay vứt bỏ như vứt đi FLC. Thêm nữa, tất cả nợ vay Margin cần phải được giải quyết nhanh chóng - mang nợ vào người trong thị trường đi xuống chẳng khác nào nhặt mấy đồng xu lẻ trên xa lộ, không sớm thì muộn cũng bị xe tải hỏi thăm. Nhưng thậm chí tất cả điều trên vẫn chưa đủ, đó là vì người viết chưa thực sự sẵn sàng cho một thị trường gấu kéo dài hơn những gì mình đã suy tính. Máu sẽ đổ rất nhiều, và chẳng ai thích thú điều này  cả!
Thị trường gấu sẽ kéo dài trong bao lâu là câu hỏi không ai có thể trả lời!
Thị trường gấu sẽ kéo dài trong bao lâu là câu hỏi không ai có thể trả lời!
Khi Fed bắt đầu thể hiện quyết tâm của mình trong công cuộc chiến đấu với lạm phát, thị trường phản ứng bằng cách bán tháo từ tuần này sang tuần khác, xuất hiện vài nhịp hồi kỹ thuật rồi lại cắm đầu đi xuống. Phản ứng phổ biến nhất mà người viết quan sát được trong thời gian qua là đa số những nhà đầu tư mới tham gia (thông thường là từ năm 2020) đều quyết định rút hết tiền mặt và rời bỏ thị trường, còn những nhà đầu tư kỳ cựu thì lại quyết định ở lại. Trung bình một thị trường gấu sẽ có thời gian kéo dài từ 1-2 năm, điều này có nghĩa là những người quyết định trụ lại thay vì rời đi sẽ có một khoảng thời gian không mấy dễ chịu, nếu không muốn nói là cảm giác khi ở lại không khác tra tấn là mấy. Nhưng tại sao họ lại quyết định ở lại thay vì bỏ đi? Đợi đến khi thị trường hồi phục rồi vào lại không phải là một quyết định tốt hơn sao? Đây là điểm khác biệt giữa dân có kinh nghiệm và dân nghiệp dư, dân nghiệp dư suy nghĩ quá đơn giản và hiển nhiên. Dĩ nhiên là với một góc nhìn bề nổi, rút hết tiền mặt ra tránh bão rồi đợi đến khi thị trường ổn định mới quyết định quay trở lại là một lựa chọn quá hấp dẫn và dễ dàng, một lựa chọn hoàn toàn dựa trên trực giác bản năng sinh tồn. Trên thị trường, những việc gì quá hiển nhiên và dễ dàng thường là sai, đơn giản là vì ai cũng làm theo điều đó mà không thực sự suy ngẫm đủ lâu về nó. 
Nếu bạn quyết định rời bỏ thị trường trong thời điểm tồi tệ nhất thì bạn sẽ không bao giờ có thể có được mức lợi nhuận phi thường mà những nhà đầu tư lão luyện quyết định ở lại chắc chắn sẽ đạt được. Bạn không bao giờ có thể đoán được khi nào thời điểm sẽ đảo chiều, và cố gắng canh thời điểm chính xác để quay trở lại thị trường luôn là một việc làm ngu ngốc đơn giản là vì thị trường một khi đã phục hồi thì sẽ đảo chiều rất nhanh chứ không hề đi lên từ từ như nhiều người lầm tưởng, nếu như bạn không có sẵn vị thế từ trước thì chắc chắn sẽ bỏ lỡ một đoạn hồi phục cực lớn,  và đây cũng chính là bài học quan trọng mà các nhà đầu tư sau khi trải qua cơn khủng hoảng tài chính 2008-2009 đã rút ra. Đừng cố thông minh hơn thị trường, vì từ xưa tới nay rất ít người làm được việc đó!
Biết những chuyện phải làm là một chuyện, làm được việc này hay không lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Không biết bao lần người viết đã phải tự thuyết phục bản thân từ chối lắng nghe thôi thúc rời bỏ thị trường mỗi khi cảm xúc lo lắng trỗi dậy khi nhìn các bài báo kinh tế thi nhau phát hành các tin tức tiêu cực cũng như hồi chuông cảnh báo về một cuộc suy thoái toàn cầu đang chuẩn bị diễn ra. Và họ không sai, suy thoái toàn cầu gần như chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng thực tế thì điều này chẳng có gì mới cả, và nếu ta truy cứu lịch sử kỹ càng thì đây cũng chẳng phải lần đầu tiên cả thế giới hoảng loạn chuẩn bị cho một đợt suy thoái kinh tế chuẩn bị diễn ra, nhưng lịch sử cũng đã khẳng định rằng mọi cơn bão rồi cũng sẽ đi qua, thị trường gấu không thể kéo dài mãi mãi (mặc dù rất nhiều người muốn tin điều này), không sớm thì muộn gấu cũng sẽ phải nhường chỗ cho bò, và các nhà đầu tư thông minh là những người có những kế hoạch cụ thể để tối đa hóa lợi nhuận của mình khi thời điểm đó đến.
Vùng đất trường kỳ của bò và gấu
Xét trên khía cạnh vĩ mô, chừng nào Fed vẫn còn tăng lãi suất thì thị trường gấu vẫn chưa thể kết thúc, tất cả những phiên xanh đều chỉ là những nhịp hồi kỹ thuật. Fed đã có lộ trình tăng lãi suất rất rõ ràng đến tận năm 2023 và nếu mọi chuyện tốt đẹp Fed sẽ cân nhắc hạ lãi suất năm 2024. Một câu nói đã gần như trở thành meme trong giới đầu tư thông minh ở Wall Street là "Đừng cố đối đầu với Fed" (Don't fight the Fed), nếu như Fed có thể làm cho thị trường đi lên trong giai đoạn cả nền kinh tế toàn cầu đang bị tê liệt (Đại dịch Covid-19 2020) thì Fed cũng không thiếu công cụ và quyết tâm để đập nát thị trường với mục đích hạ nhiệt lạm phát. Nếu như Fed vẫn còn thực hiện các chính sách tiền tệ thắt chặt thì thị trường sẽ không bao giờ có một môi trường thuận lợi để quay trở lại chu kỳ đi lên. Nhưng Fed cũng rất hiểu rằng nếu như mặt bằng lãi suất cao như hiện nay tồn tại trong một khoảng thời gian quá lâu thì không khác gì một quả bom nổ chậm trong lòng kinh tế nước Mỹ. Người dân Mỹ vay nợ rất nhiều, vì thế họ đang phải gồng mình trả lãi cực kì khó khăn, và Fed chắc chắn không thể nhắm mắt làm ngơ trước điều này. Nếu điều này tiếp tục trong thời gian dài, bạo loạn và bất mãn trong tầng lớp lao động dẫn đến biểu tình khắp nơi là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Fed hiểu rằng mình phải hạ lãi suất trong thời gian sớm nhất có thể nếu như không muốn tự bóp chính quốc gia của mình.
Nhưng trước tiên Fed phải làm cho lạm phát quay về mục tiêu 2% đã, và điều này sau một số đợt tăng lãi suất đầu tiên đã được chứng minh là khó hơn Fed tưởng tượng rất nhiều. Fed buộc phải mạnh tay nếu như họ thực sự nghiêm túc với mục tiêu hạ nhiệt lạm phát, và điều này cũng đồng nghĩa suy thoái kinh tế gần như không thể tránh khỏi, “hạ cánh mềm” đã không còn được chủ tịch Fed Jerome Powell nhắc đến trong các bài phát biểu của mình. Nếu bạn đã quyết định trụ lại trên thị trường thì việc đầu tiên là ngừng hy vọng là nó sẽ quay trở lại chu kỳ tăng trưởng trong ngắn hạn mà hãy chuẩn bị đầy đủ để có thể sống sót qua mùa đông băng giá này. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng mùa đông sẽ không thể kéo dài mãi vì Fed không thể giữ mặt bằng lãi suất như hiện nay quá lâu, chắc chắn Fed sẽ phải hạ lãi suất trong thời gian sớm nhất có thể, khả dĩ nhất là khi họ có đủ thông tin để tin rằng lạm phát đã được kiểm soát và giờ là lúc mở cửa lại nền kinh tế. Thời điểm mà Fed giảm lãi suất sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tình hình lạm phát trong vài tháng sắp tới, chắc chắn họ sẽ không vội giảm lãi suất nếu như họ tin rằng lạm phát chưa được kiểm soát triệt để, nhưng họ cũng phải cân nhắc đến tình hình nền kinh tế Hoa Kỳ đang dần lao dốc về phía vực thẳm. Chưa ai từng nói đó sẽ là một công việc dễ dàng khi bạn điều hành Ngân Hàng Trung Ương quyền lực nhất thế giới, Mr. Jerome Powell chắc chắn là đang rất thấm thía điều này.
Khi người viết đã và đang trải qua giai đoạn đầy đau đớn này, có một điều mà bản thân mình thực sự thấm nhuần là “Nói thì lúc nào cũng dễ hơn làm”, biết được những việc phải làm thì quá đơn giản, nhưng làm được những việc đó hay không thì quả thật là một thử thách tâm lý tới mức cực hạn. Suy cho cùng chúng ta đều là hậu huệ của những người hành động theo bản năng và cảm xúc trước khi suy nghĩ, và do đó chiến đấu chống lại cảm xúc chưa bao giờ là một công việc dễ dàng. Tuy nhiên, nếu như bạn muốn đầu tư thành công trong dài hạn trên thị trường, đi qua thị trường gấu là điều không thể tránh khỏi. Trải nghiệm thực tế giai đoạn thị trường đi xuống không bao giờ dễ dàng, nhưng là một phần thiết yếu của cuộc chơi. Kinh nghiệm cũng như kỷ luật mà bạn tạo ra trong giai đoạn này chắc chắn sẽ rất quan trọng trên hành trình đầu tư mà bạn đang hướng tới.
Jerome Powell, Chủ tịch Ngân hàng Trung Ưong Hoa Kỳ
Jerome Powell, Chủ tịch Ngân hàng Trung Ưong Hoa Kỳ
Một trong những quy luật bất di bất dịch trong đầu tư chứng khoán là mọi xu hướng chuyển động trên thị trường sẽ phải đến hồi kết thúc và nhường chỗ cho xu hướng ngược lại. Hiểu theo một cách khác, sự phát triển của một xu hướng sẽ tự tạo ra nội động lực cho sự đảo chiều của xu hướng đó. Mọi bữa tiệc đều sẽ đến hồi kết thúc, sau mọi cơn bão thì cầu vòng sẽ luôn xuất hiện. Đây là bản chất bất biến mang tính chu kỳ của thị trường, và đọc giả có thể chắc chắn an tâm là lịch sử vận động của thị trường luôn ủng hộ khẳng định trên. Tuy nhiên, câu hỏi triệu đô ở đây là làm thế nào ta có thể biết được thị trường đang dần chuyển trạng thái? Làm thế nào ta có thể cảm nhận được đâu là đáy của thị trường để có thể bắt đầu giải ngân trở lại?
Câu trả lời của người viết đơn giản là đừng cố làm điều vô ích. Cố gắng thông minh hơn thị trường là một việc làm ngu ngốc, từ trước đến nay rất nhiều người đã thách thức mệnh đề này và hầu như tất cả đều đã thất bại. Đối với một nhà đầu tư khôn ngoan, cách duy nhất để biết được đáy của thị trường là khi ta đã đi qua nó, còn những ai nói với bạn điều ngược lại thì người viết có thể chắc chắn với bạn họ là dân lừa đảo hoặc lùa gà. Đó cũng là một trong những lí do quan trọng tại sao những nhà đầu tư kinh nghiệm quyết định ở lại. Họ đủ khôn ngoan để biết rằng họ không thể thông minh hơn thị trường, và cách duy nhất để kiếm lời tối đa khi thị trường gấu kết thúc là sống sót qua giai đoạn này và cưỡi con sóng cực lớn khi thị trường hồi phục. 
Dĩ nhiên để làm được điều này thì không hề đơn giản tí nào. Suy cho cùng đầu tư là trò chơi của tâm lý nhiều hơn là tư duy. Khả năng kháng cự cảm xúc đám đông chưa bao giờ đến với các nhà đầu tư một cách tự nhiên. Tuy nhiên, nếu bạn đã quyết định đầu tư chứng khoán sẽ là chân ái mới của đời mình, đi qua thị trường gấu là việc không thể tránh khỏi. Gấu và bò sẽ luôn là hai linh vật không thể thay thế, và một nhà đầu tư thông minh là người hiểu rằng thay vì cố gắng nhảy vô nhảy ra trên thị trường thì cách đầu tư khôn ngoan và hiệu quả hơn là khả năng luân chuyển giữa thế tấn công và phòng thủ tùy thuộc vào giai đoạn thị trường mà họ đang trải qua. Và theo một cách kì quặc nhất,  người viết có lẽ sẽ không bao giờ có thể thấm nhuần bài học này nếu như không trực tiếp cảm nhận giai đoạn thị trường gấu đầy đau đớn như hiện nay.
Hiểu một cách đúng đắn nhất về thị trường, mồ hôi và nước mắt là những thứ mà nhà đầu tư thông minh phải sẵn sàng đánh đổi để đạt được thành công dài hạn trên thị trường, và có một điều chắc chắn là điều này sẽ không bao giờ có thể diễn ra trên những con đường quá bằng phẳng và dễ dàng. 
Chúc các bạn thành công trên con đường mà mình đã chọn!
Infina là nền tảng tích lũy và đầu tư được tin dùng bởi 1 triệu người với sứ mệnh giúp nhà đầu tư mới tiếp cận trực tiếp các hình thức đầu tư chính thống với đầy đủ nền tảng kiến thức thông tin để người dùng tự tin ra quyết định đầu tư. Đón chờ tháng 10, Infina sắp ra mắt sản phẩm tích lũy mới (kỳ hạn đa dạng 3-13 tháng) với lợi nhuận cố định hơn 9%/ năm. Tải app tại đây.