NGUỒN GỐC CỦA MA CÀ RỒNG XỨ VIỆT
Một số phân tích sâu hơn về nguồn gốc của ma cà rồng Việt Nam.
Vậy là một mùa Halloween nữa chuẩn bị tới. Nhắc đến Halloween, hẳn thứ đầu tiên mà mọi người nghĩ tới sẽ là ma cà rồng. Nhắc đến ma cà rồng, hẳn không ít người trong số chúng ta sẽ nghĩ đến một phiên bản ma cà rồng Việt Nam thường được nhắc đến trong những năm gần đây: cho chân vào lỗ mũi, xách tai lên mà bay. Nhiều người cho rằng đó là sự Việt hóa của ma cà rồng phương Tây, là kết quả của quá trình giao thoa văn hóa với phương Tây vào cuối thời trung đại. Thế nhưng liệu sự thật có phải là như vậy?
I, NHỮNG GHI CHÉP VỀ MA CÀ RỒNG VIỆT NAM BỞI NGƯỜI VIỆT
Xét về những ghi chép liên quan tới ma cà rồng Việt Nam, hẳn không thể không nhắc tới trích đoạn trong Kiến tiểu Văn lục của Lê Quý Đôn:
Trấn Hưng Hóa từ sách Tường Phù đến Hạ Lộ, có dân ma, gọi là ma cà rồng. Người dân này, lúc ban ngày động tác phục dịch, ra vào như thường. Giọt gianh nhà để cái thùng gỗ, đựng nước tô mộc. Đến đêm thì xỏ hai ngón chân cái vào lỗ mũi, bay đi làm ma, thường vào nhà đàn bà đẻ để mút lấy máu. Người ta nếu thấy ánh đèn trong nhà có bóng lạ, tức là giống quái vật ấy bay vào, nên họ thường bố trí lưới vây chung quanh để chống cự, giống ma ấy không vào được thì bay đi nơi khác. Cùng có người dùng dùi, dùng gậy đánh rối tứ tung, nếu trúng, thì phảng phất như có tiếng đổ ngã, rồi lại bay đi, tiếng bay nghe như tiếng bọ hung. Đến trống canh năm, giống quái vật ấy bay trở về, ngâm chân vào thùng nước tô mộc, tháo chân ở mũi ra, trở lại làm người, nếu hỏi đến việc đã làm ban đêm thì không biết gì cả. Nhà nào bị thú ma này quấy nhiễu, thì mời thầy mo đến khấn khứa cầu đảo, nếu thấy chỗ bệnh nhân bị đau, có dấu vết răng người cắn, thì lấy áo của bệnh nhân mặc, để lên trên cái chõ thổi xôi, thầy mo nói: “Mày đã cắn nó, phải thả ra!”, rồi lại đem áo ấy đắp cho bệnh nhân, liền giải cứu ngay được. - Lê Quý Đôn, Kiến tiểu Văn lục -
Trích đoạn trên đã trở thành một trích đoạn kinh điển mỗi khi nhắc tới ma cà rồng xứ Việt. Tuy nhiên, ghi chép của Lê Qúy Đôn không phải là ghi chép duy nhất, cũng như không phản ánh được đầy đủ hoàn toàn về loại sinh vật huyền huyễn này. Tiếc rằng khá nhiều người chỉ dựa vào đó để đưa ra những phán đoán rất vô căn cứ như đây là phiên bản ma cà rồng phương Tây được Việt hóa, hay ma cà rồng là một nguyên mẫu từ thời viễn cổ nên các sinh vật như ma cà rồng Việt Nam và ma cà rồng phương Tây có chung một nguồn gốc…
Để có được một cái nhìn bao quát hơn, chúng ta sẽ phải xem xét các ghi chép khác về ma cà rồng Việt Nam dưới đây:
Sách Hưng Hóa kỷ lược của sử thần triều Nguyễn là Phạm Thận Duật cũng có ghi chép về ma cà rồng, thậm chí còn trích dẫn từ một tác phẩm khác trước đó không lâu là Hưng Hóa lục của một quan Hiệp trấn họ Trần từng công tác tại trấn Hưng Hóa để tăng thêm phần khách quan:
Người Thái Đen có ma càn sùng rất lạ, tục gọi là ma cà rằng. Họ Trần cho là châu Việt, châu Mai, châu Sơn La có loại ma này… Ma này cũng là người, cũng có vợ con, thường bí mật lẻn vào chỗ người ta nằm, hút tinh huyết, người không biết phần nhiều bị chết. Tục truyền lấy lưới vây chỗ nằm, treo rễ cây vạn tuế, rễ cây xương bồ và đeo vòng ngà voi thì ma này không dám làm hại. [...] Họ Trần nói ma này lỗ mũi rất to, ban đêm cho hai chân vào lỗ mũi, bay vào nhà người ta, biến ra hình chó, mèo, hút máu người. Nay xem thấy lỗ mũi nó cũng như người thường thôi. - Phạm Thận Duật, Hưng Hóa kỷ lược -
Ngoài ra, còn có một ghi chép khác của danh thần thời Nguyễn là Trương Quốc Dụng về loại ma này:
Ma cà rồng không khác gì người, chỉ có trán đỏ, mắt nhiều lòng trắng là khác biệt. Thích ở một mình, ban đêm lấy hai ngón chân cái đút vào mũi, tay xách tai bay đi, thích ăn máu mủ, mụn nhọt và bà đẻ. Đến đêm phải phòng thủ, thấy đèn chuyển thành màu xanh thì là điềm ma đến, bấy giờ phải gõ vào vách tường, thành giường để đuổi nó, bằng không thì bệnh sẽ nặng. - Trương Quốc Dụng, Thoái ký thực văn -
Trong Thánh Tông di thảo, phần Lời bàn của Nam Sơn Thúc trong truyện Hoa quốc kỳ duyên cũng nhắc đến sự tồn tại của một giống dân ngày sống như con người, nhưng đêm đến hóa thành ma bay đi. So sánh với các ghi chép kể trên, có thể xác định giống dân ấy chính là ma cà rồng:
Nước ta, trong các sơn động ở các tỉnh Hưng, Tuyên, Thái, Lạng, Cao Bằng... nhiều vật hình dáng kỳ quái, quốc sử không thể chép hết. Đại để như: ngày làm người sống, đêm làm ma bay, làm Mán sơn đầu, làm tiền của tằm vàng, người chết thì bỏ xác để thờ, năm đói thì hóa hổ để đi kiếm ăn. Biết bao nhiêu là sự quái gở. Người còn như thế, vật có khác gì. - Nam Sơn Thúc, Thánh Tông di thảo, Hoa quốc kỳ duyên, phần Lời bàn -
Tới Đại Nam Nhất thống chí, ma cà rồng đã chính thức được Quốc sử quán triều Nguyễn đưa vào trong văn bản tài liệu cấp quốc gia:
Châu Mai nhiều thuốc độc. Châu Mộc ma rất thiêng. Cho nên ngạn ngữ có câu: “Ma châu Mộc, độc châu Mai”. Gián hoặc lại có ma cà rồng, thầy mo Chấp Yết, rất là quái dị. Lại xét An Nam chí của Cao Hùng Trưng nước Thanh chép: châu Gia Hưng có đầu phi lạo tử. Tương truyền, ngày trước, nhân một hôm mưa to sấm sét, rơi xuống một khối băng cao vài trượng, trong khối băng có con trâu sắc đỏ, người làng tụ họp lại xem, nhân đập khối băng và giết con trâu cùng nhau ăn. Sau người nào ăn thịt trâu ấy đều hoá thành loài ma này; loài ma này cứ về ban đêm thì lỗ mũi bốc khói xanh, hai mắt trô trố, biến hình ở trong tường vách, rồi bay ra ngoài nội, tìm con giun để ăn, hoặc chui vào mồ mả ăn thây người, hoặc bay vào nhà người ốm hút lấy huyết, đến sáng lại bay về. Có khi trút lấy đầu và phủ tạng bay đi, lúc bay về nhà lại trở thành người như cũ, mà chính bản thân người ấy cũng không tự biết. Loài ma này tức là ma cà rồng bây giờ. - Đại Nam Nhất thống chí, Quyển XXII.Tỉnh Hưng Hóa, mục Phong tục -
Từ các trích đoạn trên, thân thế của loại sinh vật được gọi là ma cà rồng kia đã dần được sáng tỏ. Chúng ta có thể rút ra được một số kết luận tương đối chắc chắn như sau:
Thứ nhất, theo các ghi chép kể trên, phạm vi tồn tại của loại sinh vật huyền huyễn này đều được xác định là ở khu vực tương đương với vùng Tây Bắc Bộ ngày nay, bởi Hưng Hóa, châu Mai, châu Mộc, châu Việt, châu Sơn La, châu Gia Hưng, Cao Bằng… đều là các địa danh thời xưa của khu vực này.
Thứ hai, ma cà rồng ở đây là một kiểu người mang dị năng, chứ không phải là những kẻ chết đi sống lại hóa thành ma cà rồng bằng các phương thức huyền bí hay do bị truyền nhiễm bởi một ma cà rồng khác như ma cà rồng phương Tây. Chúng có một đời sống ban ngày bình thường đến nỗi có thể dễ dàng sống trà trộn giữa các cộng đồng dân tộc thiểu số, bằng chứng là Đại Nam Nhất thống chí đã dẫn nguồn Cao Trùng Hưng gọi chúng là "lạo tử", nghĩa đen là người mọi, ám chỉ đến việc chúng thuộc các cộng đồng dân tộc thiểu số.
Thứ ba, đây chắc chắn là một loại ma quỷ bắt nguồn từ văn hóa dân gian của các nhóm dân tộc thiểu số, chứ không phải là một sáng tạo văn hóa riêng của người Kinh khi tiếp xúc với họ. Về cơ bản, khu vực Tây Bắc Bộ là địa bàn sinh sống của các dân tộc thiểu số như Thái, H'Mông, Dao, Tày, Kinh, Nùng,... Họ có văn hóa riêng, ngôn ngữ riêng với nhiều thuật ngữ không có từ dịch tương đương trong tiếng Kinh. Dễ thấy những cái tên “cà rồng” (茄蠬), “cà rằng” (奇䗀) hay “càn sùng” (乾崇) có đặc điểm chung là đều phát âm gần tương tự nhau và xét về mặt ngữ nghĩa thì chúng đều không tạo thành nghĩa rõ ràng. Tức là ba tên gọi ấy tuy khác nhau, nhưng bản chất đều là sự ký âm cho một từ không thuộc về tiếng Kinh. Sử gia Phạm Thận Duật cho rằng ma cà rồng bắt nguồn từ văn hóa dân gian của người Thái Đen, nên ta có thể phỏng đoán rằng những cái tên kể trên là sự phiên âm tên của loại ma này trong tiếng của người Thái Đen tại vùng Tây Bắc Bộ mà ra.
Như vậy, dựa vào các ghi chép kể trên, chúng ta có thể chắc chắn rằng ma cà rồng của Việt Nam là sự ghi chép của người Kinh về một sinh vật huyền huyễn trong văn hóa dân gian của các cộng đồng dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc Bộ, thay vì một hình tượng văn hóa ngoại lai từ phương Tây như nhiều nguồn thông tin phỏng đoán.
II, THỰC CHẤT CHÍNH LÀ MA LAI?
Về những đặc tính của loại sinh vật huyền huyễn được gọi là ma cà rồng Việt Nam, ngoài cách thức di chuyển được ghi nhận trong những ghi chép cá nhân của các danh sĩ, Đại Nam Nhất thống chí cho biết thêm một cách thức di chuyển nữa là thi thoảng chúng sẽ rút đầu và nội tạng ra khỏi cơ thể mà bay đi. Phương thức này hẳn sẽ khiến chúng ta liên tưởng đến một loại sinh vật huyền huyễn khác khá phổ biến ở miền Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung: ma lai. Vậy rốt cuộc ma cà rồng Việt Nam này có liên hệ thế nào với sinh vật kia?
Về mặt ngôn ngữ, chúng ta có thể nhận ra sự tương đồng giữa những cụm từ “cà rồng” (茄蠬), “cà rằng” (奇䗀) hay “càn sùng” (乾崇) với cái tên của ma lai trong tiếng Thái là “kra-sue” (กระสือ). Bởi người Thái trên khắp Đông Nam Á có một tổ tiên chung và đều thuộc ngữ hệ Tai-Kadai, cho nên chúng ta có thể liên kết sự tương đồng này với việc sử thần Phạm Thận Duật xác nhận ma cà rồng là của người Thái Đen để đi đến kết luận rằng cái tên của ma cà rồng Việt Nam là rất có thể là sự phiên âm cái tên của ma lai trong ngôn ngữ của nhánh Thái Đen (trong cộng đồng dân tộc Thái) sống tại khu vực Tây Bắc Bộ mà ra.
Ngoài ra, có một sự tương đồng lớn giữa thức ăn của ma cà rồng Việt Nam với ma lai, đó là chúng thường thích những thứ tanh hôi như máu mủ, xác người, đồ xú uế... Nạn nhân mà chúng tìm tới thường là sản phụ, người đau ốm… Như vậy, xét về mặt này thì chúng giống nhau rõ rệt.
Quay trở lại với cách thức di chuyển của hai loại sinh vật huyền huyễn này, ma cà rồng Việt Nam và ma lai đều có khả năng tách đầu khỏi cơ thể để bay, cho thấy chúng là các phiên bản khác nhau của cùng một loại sinh vật huyền huyễn. Vậy thì phải giải thích ra sao với cách di chuyển dị hợm cho chân vào lỗ mũi, xách tai bay đi của ma cà rồng Việt Nam? Liệu có chăng chúng đã được thêm thắt với đặc điểm một loại ma quỷ nào khác nữa nên mới có cách thức di chuyển trên?
Thực tế, nếu để ý sẽ thấy việc cho chân vào lỗ mũi, xách tai bay đi thực chất chính là tạo thành hình dáng một khối giống như cái đầu. Lí giải cho điều này cũng khá đơn giản, các danh sĩ Việt Nam đương thời khi ghi chép về ma lai dường như không thực sự tin vào việc một cái đầu có thể tách khỏi cơ thể để bay đi, nên đã tìm cách hợp lí hóa bằng việc miêu tả như trên. Vậy là, việc cho chân vào lỗ mũi rồi xách tai bay đi bản chất chỉ là sự logic hóa cho các ghi chép trước đó về một cái đầu biết bay mà thôi.
Về phần khả năng hóa thành động vật hay cách lây bệnh bằng việc cắn vào tay nạn nhân, chúng ta có thể nhận ra rằng đây là những đặc điểm của Pi pjồng, một quỷ hút máu khác trong văn hóa dân gian của người Thái. Tuy nhiên, do chẳng có tài liệu nào ghi chép về Pi pjồng cho tới thời cận đại, cũng như không thể xác định được lịch sử phát triển của thuật ngữ “Pi pjồng”, thế nên rất khó để chắc chắn niên đại của loại sinh vật huyền huyễn này là từ khi nào, cũng như các đặc điểm kia của chúng có từ bao giờ. Chúng ta chỉ có thể tạm kết luận rằng hoặc các danh sĩ đã tham khảo Pi pjồng để bổ sung vào ghi chép về ma cà rồng Việt Nam, hoặc chính từ các ghi chép của họ đã ảnh hưởng tới hình tượng của Pi pjồng sau này.
Đến đây thì chúng ta có thể kết luận rằng ma cà rồng Việt Nam cũng chính là ma lai. Cả hai chỉ là những phiên bản khác nhau của cùng một loại sinh vật huyền huyễn, tạm gọi là "nguyên mẫu". Thông qua các ghi chép của những danh sĩ xứ Việt thời Lê-Nguyễn, ma cà rồng Việt Nam đã chính thức được ra đời từ sự Việt hóa phiên bản của người Thái về "nguyên mẫu" kia.
III, MA ĐẦU BAY VÀ QUÁ TRÌNH DU NHẬP VĂN HÓA ĐÔNG Á CỦA SINH VẬT HUYỀN HUYỄN NÀY
Như chúng ta đã biết, ma lai hay ma cà rồng Việt Nam cũng đều chỉ là những phiên bản khác nhau của một loại sinh vật huyền huyễn. "Nguyên mẫu" này hẳn phải mang đặc điểm cơ bản nhất mà cả hai đều sở hữu, đó là có thể tách đầu khỏi cơ thể để bay. Từ chi tiết này, chúng ta có thể xác nhận nguyên mẫu đó chính là ma đầu bay (飛頭蠻/flying heads). Đây là một thuật ngữ để chỉ chung cho các loại sinh vật huyền huyễn sở hữu chung một đặc điểm là có thể tách đầu khỏi cơ thể (thường là mỗi khi đêm đến). Chúng ta có thể chắc chắn rằng đây là một loại sinh vật huyền huyễn bản địa có nguồn gốc lâu đời từ Đông Nam Á khi trên khắp bán đảo này, sự phổ biến rộng rãi của chúng được biết với nhiều cái tên mà trong số đó chúng ta sẽ thấy nhiều cái tên có thể truy nguyên về chung một gốc như "kra-sue" (กระสือ) trong tiếng Thái Lan, “ku-sa” (ກະສື) trong tiếng Lào, “kui-yang”, "pe-nang-gal" trong tiếng Malaysia, “lei-yak” và “pe-nang-ga-lan” trong tiếng Indonesia hay “ma-na-nang-gal” trong tiếng trong tiếng Philippines.
Và bởi là một hình tượng văn hóa dân gian tồn tại từ xa xưa nên sự phổ biến của ma đầu bay không hề bị gói gọn trong cộng đồng Đông Nam Á mà sớm đã du nhập vào nền văn hóa khác, trong đó có cả các nền văn hóa thuộc khu vực Á Đông.
1, TRUNG QUỐC
Truy nguyên nguồn gốc sớm nhất trong các ghi chép về loại sinh vật này trong văn hóa Á Đông là từ tác phẩm Sưu thần ký của tác giả Can Bảo thời Tây Tấn:
Thời Tần, phương Nam có Lạc Đầu dân, đầu có thể bay. Ở bộ tộc này có lễ tế thần, người ta gọi là “Trùng Lạc”. Thời Ngô, tướng quân Chu Hoàn có một tì nữ, mỗi đêm nằm ngủ là đầu lại bay đi. Hoặc từ lỗ chó, hoặc từ cửa sổ, lấy tai làm cánh mà bay, bình minh lại trở về. Cứ thế cho đến một đêm nọ, những người khác đến xem thì chỉ thấy có cơ thể lạnh lẽo không đầu, mà hơi thở yếu ớt, bèn vén chăn lên che kín. Đến sáng, cái đầu trở về, bay quanh hai ba lần rồi rơi xuống. Không tìm thấy thân thể, cái đầu tựa hồ rất đau đớn, tái nhợt giống như sắp chết tới nơi. Mọi người thấy vậy thì vén chăn lên, cái đầu trong chốc lát liền gắn vào. Chu Hoàn cho là đại yêu quái, sợ không dám giữ, bèn đuổi đi. Sau tỏ tường, mới biết đó là trời sinh như vậy. Khi các đại tướng Nam chinh, cũng thường lấy được những người giống thế. Nếu chặn cổ bằng đĩa đồng, đầu sẽ không tiến vào được, lập tức chết. - Can Bảo, Sưu thần ký -
Hình tượng ma đầu bay xuất hiện trong Sưu thần ký là một giống dân có đầu bay được, gọi là Lạc Đầu, sinh sống ở phía Nam của Trung Quốc, trùng khớp với khu vực Đông Nam Á ngày nay. Cũng theo ghi chép ấy thì các đại tướng Nam chinh của Trung Quốc thời xưa đã từng tiếp xúc khá nhiều với giống dân này, thậm chí có người còn lấy về làm tì thiếp. Đây rõ ràng là sự phản ánh về quá trình du nhập hình tượng ma đầu bay từ Đông Nam Á tới Á Đông thông qua những cuộc viễn chinh của người Hoa Hạ. Qua đó, các tù nhân, nô lệ từ các dân tộc thiểu số bị bắt tới Trung Nguyên đã đưa những câu chuyện của họ bước đầu lưu truyền vào văn hóa dân gian khu vực Á Đông.
Sau Sưu thần ký, còn có nhiều ghi chép khác về ma đầu bay. Ví dụ như ghi chép trong Bác vật chí của học sĩ Trương Hoa gần như tóm lược lại câu chuyện trong Sưu thần ký:
Phương Nam có Lạc Đầu Trùng, đầu có thể bay. Giống dân này có lễ tế Trùng Lạc, nên được gọi như thế. Khi đêm muộn thường bay đi, lấy tai làm cánh, bình minh trở lại thân thể. Thời Ngô trước thường thấy có giống dân này. - Trương Hoa, Bác vật chí -
Một tác phẩm khác là Thảo mộc đã dẫn thêm nguồn từ một tác phẩm có niên đại Hán-Đường đã bị thất lạc là Nam phương dị vật chí về ma đầu bay:
“Nam phương dị vật chí” viết: trong khe động xứ Lĩnh Nam có người Man đầu bay, trên cổ có ngấn đỏ. Đến đêm lấy tai làm cánh, bay đi ăn côn trùng cây cỏ, sáng hôm sau trở về như cũ. “Sưu thần ký” chép Ngô tướng quân Chu Hoàn một tì nữ, đêm đến đầu có thể bay, chính là thuộc giống dân này. - Thảo mộc, Trích dẫn từ Nam phương dị vật chí -
Thời Đường, trong Dậu dương tạp trở của Đoạn Thành Thức cũng có ghi chép về ma đầu bay. Tác phẩm này cũng trích dẫn thêm từ nhiều nguồn thông tin khác khi nói về ma đầu bay để tăng thêm phần thuyết phục. Đến thời Tống, phân đoạn này của Dậu dương tạp trở được đưa vào trong Thái Bình Quảng ký. Vậy là ma đầu bay đã chính thức xuất hiện trong văn bản tài liệu cấp quốc gia của Trung Quốc đương thời:
Khe động xứ Lĩnh Nam, thường thường có những người đầu bay được, gọi là đầu phi lạo tử. Một ngày trước khi đầu bay đi, trên cổ có ngấn như sợi chỉ đỏ, người vợ phải coi sóc. Ban đêm, người như phát bệnh, đầu đột nhiên rời khỏi thân thể mà bay đi. Chính là ở trong bùn trên bờ ruộng tìm cua cùng giun ăn, khi đầu trở về thì cứ ngỡ như là mơ, nhưng bụng no là thật. Các vị Phạn tăng Bồ tát cũng kể rằng ở Đồ Bà quốc có phi đầu giả, dân này mắt đều không có lòng đen. Một lần nọ, có người trông thấy nên chép lại chuyện quái lạ này. Phương Nam cũng có giống dân kì quái gọi là Lạc dân, đầu có thể bay, có lễ tế tổ tiên gọi là Trùng Lạc, bởi thế mà có tên là Lạc dân. Trước đây, Chu Hoàn có người hầu gái như thế, ban đêm biết làm cho đầu bay đi. - Thái Bình Quảng ký, Trích dẫn từ Dậu dương tạp trở -
Đồ Bà quốc trong Thái Bình Quảng ký được giới sử học hiện đại xác định chính là khu vực tương ứng với đảo Java ngày nay. Như vậy là không chỉ khu vực Đông Nam Á lục địa mà ngay cả khu vực Đông Nam Á hải đảo cũng tồn tại phổ biến hình tượng về ma đầu bay, cho thấy sự phủ sóng rộng lớn của loại sinh vật này trong văn hóa dân gian Đông Nam Á nói chung. Ngoài ra, chi tiết hai mắt của ma đầu bay không có lòng đen theo lời kể của các Phạn tăng cũng có điểm tương đồng với miêu tả ma cà rồng của Trương Quốc Dụng sau này.
Thời Nguyên, khi đi sứ sang nước ta, sứ giả Trần Phu cũng đã có những ghi chép phản ánh sự tồn tại loại sinh vật huyền huyễn này trong văn hóa của người dân vùng cao nước ta bấy giờ:
Dân khe động đầu có thể bay được, dùng hai tai làm cánh, ban đêm bay ra mép biển, đớp tôm cá mà ăn, trời sáng quay về, hoàn thân như cũ, song dưới cổ có sẹo như sợi chỉ đỏ. - Trần Phu, An Nam tức sự -
Đây có lẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho việc người Việt đã biết đến ma đầu bay từ trước ghi chép của Lê Qúy Đôn rất lâu. Trần Phu là sứ giả của nhà Nguyên, ông chỉ được phép di chuyển trong các khu vực nghỉ ngơi được sắp xếp bởi triều đình Đại Việt, tức là giới hạn trong lãnh thổ đã được kiểm soát trực tiếp bởi nhà Trần. Thời Trần, Hưng Hóa lúc này còn mang tên là đạo Đà Giang, mới chỉ là một vùng phiên thuộc. Do đó Trần Phu không thể nào tới nơi đây để trải nghiệm trực tiếp văn hóa miền cao được, mà phải được kể lại gián tiếp bởi người trong triều đình Đại Việt, hoặc dân chúng trong vùng mà ông được sắp xếp tư dinh nghỉ ngơi, tức là bởi người miền xuôi. Do đó, những ghi chép của Trần Phu chính là phản ánh phiên bản ma đầu bay dưới góc nhìn của người Việt thời Trần.
Tới thời Minh, chúng ta lại có một số ghi chép về ma đầu bay trong ghi chép của những quan lại theo chân Trịnh Hòa trong những cuộc viễn du sang Ấn Độ Dương, tiêu biểu nhất là các ghi chép của thông ngôn Phí Tín:
Thi đầu man giả, vốn cũng như nữ nhân bình thường, chỉ có con mắt là không có đồng tử. Người này cùng người nhà ngủ, đêm thì đầu bay đi, tìm những thứ uế vật của người mà ăn, xong thì đầu bay trở về gắn vào thân như cũ. Nếu biết mà cố tình niêm phong cổ lại, hoặc giấu thân đi, thì người đó sẽ chắc chết. Người bị ăn phân sẽ đổ bệnh, đấy là do yêu khí nhập bụng, không xử lí được thì sẽ chết. Nữ nhân như vậy là hiếm có, nếu người nhà biết mà không báo quan, thì phạt tội cả nhà. Phiên nhân ái này đầu, hoặc có xúc lộng này đầu giả, tất có sinh tử chi hận. - Phí Tín, Tinh tra thắng lãm -
Ghi chép của Trần Phu và Phí Tin sau đó đã được dẫn lại trong Thất tu loại cảo của Lang Anh đời Minh, được kết hợp với một nguồn khác là Lỏa trùng tập để luận giải về ma đầu bay:
Nguyên thi nhân Trần Phu đi sứ An Nam, có tức sự rằng: “Mũi uống như linh đích. Đầu bay tựa lộc lô.” Ý nói dân xứ đó có thể uống bằng mũi, đầu ban đêm có thể bay ra biển ăn tôm cá, sáng ra thì gắn trở lại thân. Cũng thấy “Lỏa trùng tập” chép rằng: Người Lão Qua trong nước uống nước bằng mũi, đầu bay đi bắt cá ăn. Gần uông Hải Vân cũng có dân quái dị uống bằng mũi, cũng biết làm đầu bay. Lại thấy “Tinh tra thắng lãm” viết: Trong nước Chiêm Thành có người đầu bay, thường là phụ nữ, đêm bay đi ăn phân trong hố xí, nếu biết mà cố tình niêm phong cổ lại, hoặc giấu thân đi, thì người đó sẽ chắc chết. Các tác gia ấy quả quyết những điều này do mắt thấy tai nghe mà viết. Xét Chiêm Thành tiếp giáp với phía Nam An Nam, mà Lão Qua tiếp giáp với Tây Bắc An Nam. Có thể tin là họ viết những điều có thực. - Lang Anh, Thất tu loại cảo -
Theo giới sử học hiện đại, Lão Qua là một vương quốc cũ tương ứng với lãnh thổ Lào hiện nay, và Chiêm Thành là một quốc gia đã bị diệt vong tương ứng với khu vực miền Trung Việt Nam bây giờ. Đây đều là các quốc gia thuộc văn hóa Đông Nam Á và tiếp giáp với vùng Bắc Bộ ngày nay. Do đó, ma đầu bay trong Lỏa trùng tập và Tinh tra thắng lãm nhắc đến chính là các phiên bản ma ma đầu bay của người Đông Nam Á thời kì trung đại, do đó có sự gần gũi với hình tượng ma lai hiện đại hơn các ghi chép trước đó.
Đến thời nhà Thanh, trong tác phẩm Kiến văn tục bút của Tề Học Cừu, ma đầu bay lại một lần nữa xuất hiện:
Ở biên giới Quảng Tây, có rất nhiều loại người Dao, nhưng đầu bay là kỳ quái nhất, ban ngày vào chợ buôn bán hàng hóa, của cải, ban đêm thì nằm trên giường, đầu thì bay lên vách núi, miệng đớp lan hoàng thảo rồi lặn xuống suối, lại đớp thêm cả cá tôm. Xong xuôi bay về, chuyển hết xuống dưới gầm giường, ngày lên thì đi ra chợ và trở về với hàng hóa. - Tề Học Cừu, Kiến văn tục bút -
Khác với những ghi chép trước đó, lần này thì địa bàn của ma đầu bay lại được xác định là ở Quảng Tây và chúng thuộc dân tộc Dao. Ngoài cư trú tại Trung Quốc và Việt Nam, người Dao cũng là một dân tộc thiểu số ở Lào, Myanmar, Thái Lan nên có thể xem đây như là một phiên bản ma đầu bay ít nguy hại hơn của người Dao vậy. Trong khi các phiên bản ma đầu bay khác thường được tiến hóa theo hướng nguy hiểm hơn, thì phiên bản trong Kiến văn tục bút dường như vẫn giữ được các đặc tính tương đối vô hại như trong các ghi chép xưa nhất về chúng.
2, NHẬT BẢN
Trở lại với Thất tu loại cảo, chúng ta được biết Lang Anh có nhắc đến việc sứ giả nhà Nguyên là Trần Phu so sánh đầu của ma đầu bay giống như “lộc lô”. Và chi tiết này dẫn chúng ta tới với biến thể của ma đầu bay tại Nhật Bản: yêu quái rokurokubi.
Tên của loại yêu quái này theo Hán tự là 轆轤首 (lộc lô thủ), nghĩa đen là tức là đầu lộc lô. Đây là loại yêu quái tương đối nổi tiếng trong văn hóa dân gian xứ sở Mặt Trời mọc, với đặc điểm dễ nhận dạng nhất là có đầu có thể tách rời hoàn toàn khỏi cơ thể, hoặc có thể kéo dài. Rokurokubi thường là nữ, nhưng cũng có một số là nam. Một vài đặc điểm khác trong những phiên bản cổ xưa của loại yêu quái này đó là chúng sẽ tấn công con người vào ban đêm và hút máu của họ. Bách khoa toàn thư thời Edo là Wakan Sansai Zue (Hoà Hán Tam Tài Đồ Hội) còn cho biết thêm rằng rokurokubi dùng tai làm cánh và thích ăn côn trùng. Các tiểu thuyết chí quái của Nhật Bản đương thời thường nhấn mạnh chi tiết các rokurokubi sẽ có một vết lằn trên cổ. Đây đều là những đặc điểm đã xuất hiện trong các ghi chép về ma đầu bay tại Trung Quốc và Đông Nam Á trước đó.
Trong Kokon Hyaku Monogatari Hyoban (Luận đàm bách truyện), một cuốn sách được ra mắt vào năm 1686 bởi danh sĩ Yamaoka Genrin với chủ đề luận giải các câu chuyện chí quái, có một chương tên là Zetsugan Osho Higo nite Rokurokubi wo Mitamou Koto (Làm thế nào Linh mục Zetsugan nhìn thấy Rokurokubi ở Higo), tác giả đã tham khảo các ví dụ từ nhiều thư tịch Trung Quốc khác nhau và sau đó đưa ra nhận xét:
“Những điều như vậy thường thấy ở Đông Nam Á, không chỉ giới hạn trong sự sáng tạo của đất trời, rất khó để hiểu chúng bằng các tư duy thông thường. Như ý tưởng rằng bạch tuộc không có mắt và những thứ này chưa từng được nghe thấy ở Kinh đô, mọi thứ kỳ lạ đều ở những vùng đất xa xôi.” - Yamaoka Genrin, Kokon Hyaku Monogatari Hyoban, Zetsugan Osho Higo nite Rokurokubi wo Mitamou Koto -
Đồng thời, theo các nghiên cứu gần đây, loại yêu quái này bắt đầu xuất hiện trong các câu chuyện dân gian Nhật Bản từ khoảng thời Edo, tức là tầm đầu thế kỉ XVII. Đây chính là thời kì mà sự giao thương giữa Nhật Bản với Nam Trung Quốc và Đông Nam Á tương đối phát triển, do đó rất có thể các thương nhân thời kì này đã đem theo những câu chuyện về ma đầu bay từ những nơi ấy tới xứ sở hoa anh đào, hình thành nên phiên bản Nhật Bản của loại ma quỷ này.
Vậy là từ một sinh vật huyền huyễn của khu vực Đông Nam Á, ma đầu bay đã trở thành một hiện tượng phổ biến trong văn hóa dân gian không chỉ gói gọn trong khu vực sản sinh ra nó mà còn là trên khắp cả Đông Á. Đây có thể xem như một sự bành trướng vô cùng thành công của loại sinh vật huyền huyễn này.
MỐI LIÊN HỆ VỚI MA CÀ RỒNG PHƯƠNG TÂY
Nghe khá hụt hẫng thế nhưng mối liên hệ duy nhất giữa ma cà rồng Việt Nam và ma cà rồng phương Tây chính là… dịch thuật. Thông qua các tác phẩm phương Tây được dịch sang ngôn ngữ tiếng Việt trong thời kì cận-hiện đại mà các sinh vật hút máu phương Tây như vampire, vampir, upier… đã được dịch thành ma cà rồng.
Sau này, do sự toàn cầu hóa mà vampire trở thành thuật ngữ để chỉ các loại ma quỷ có hút máu nói chung, do đó ý nghĩa của từ ma cà rồng trong tiếng Việt cũng thay đổi theo, và ma cà rồng Việt Nam nghiễm nhiên được xếp vào chung hàng ngũ này. Nhưng suy cho cùng, phân loại như vậy là chỉ dựa vào đặc tính giống nhau mà thôi, chứ không phải là xét về nguồn gốc.
KẾT LUẬN
Như vậy, trái với tưởng tượng của nhiều người rằng ma cà rồng Việt Nam là một sản phẩm được sinh ra từ việc giao thoa văn hóa với phương Tây, thực chất ma cà rồng của Việt Nam ta lại có nguồn gốc bản địa từ một loại sinh vật huyền huyễn là ma đầu bay. Hi vọng sự thật thú vị này sẽ giúp gia tăng trải nghiệm cho các bạn trong mùa Halloween sắp tới. THẾ GIỚI THẦN THOẠI sẽ trở lại trong một dịp khác với những thông tin thú vị khác. Xin chào và hẹn gặp lại.
Tài liệu tham khảo:
- Lê Qúy Đôn, Kiến tiểu Văn lục
- Phạm Thận Duật, Hưng Hóa kỷ lược
- Trương Quốc Dụng, Thoái ký thực văn
- Thánh Tông di thảo
- Đại Nam Nhất thống chí
- Can Bảo, Sưu thần ký
- Trương Hoa, Bác vật chí
- Sách Thảo mộc
- Thái Bình Quảng ký
- Trần Phu, An Nam tức sự
- Phí Tín, Tinh tra thắng lãm
- Lang Anh, Thất tu loại cảo
- Tề Học Cừu, Kiến văn tục bút
- Yamaoka Genrin, Kokon Hyaku Monogatari Hyoban
- Đại Việt Sử ký Toàn thư
- Khâm định Việt sử Thông giám cương mục
#Backturn
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất