ngẫm vô ngã
Giáo Pháp là con đường khó đi: "Rồi Như Lai khám phá ra chân lý cao thâm huyền diệu đó, rất khó lãnh hội, khó thông suốt. Nó đem lại an vui tuyệt đối, nhưng không thể thành tựu bằng lý luận, mà chỉ có trí tuệ của bậc thánh nhân mới thấu rõ".
— ghi chép những ngày đầu học pháp chân đế —-
Vẫn đọc sách, vẫn tham dự pháp đàm online, nhưng thay vì đặt câu hỏi như hồi đầu thì giờ chủ yếu là “hóng” :) .
Mọi người đặt câu hỏi và như thường lệ, Ajahn (vị thầy) sẽ nhắc nhở chúng tôi về thực tại hiện giờ, về cái thấy.
.Hiện giờ có cái thấy không?
.Có cái hiểu (ở mức tư duy) rằng không có ai ở đó, rằng cái thấy là vô ngã không?
Vô ngã, mọi thực tại đều vô ngã! Sabbe dhamma anatta. Điều cốt tuỷ nhất và cũng khó lãnh hội nhất.
Vô ngã
Đôi khi tự so sánh và thấy “vô ngã” nôm na từa tựa AI. Một robot AI có thể viết văn, chat chit, làm thơ, thậm chí có thể tự học abhidhamma, nhưng robot thì không có tự ngã, nó chỉ là sự kết hợp các vi mạch và các chương trình, chỉ là một sự vận hành đơn thuần với các tín hiệu tự động theo trật tự có sẵn của chúng. Một robot hiện đại có (các chương trình thể hiện) cảm xúc nhưng không có ý chí tự do.
Còn “chúng ta”? Cũng chỉ là sự kết hợp của ngũ uẩn và sự kết hợp này tự nó (tự động) vận hành theo các duyên hệ (quy luật) nằm ngoài kiểm soát. Một sắc luôn kéo dài 17 tâm và một lộ trình tâm luôn diễn ra với trình tự chính xác như thế, theo các duyên chính xác như thế …. Không hề có tự ngã trong sự vận hành theo duyên của ngũ uẩn. Một robot AI hoàn toàn autopilot (lái tự động) và hoàn toàn nhân tạo. Phải chăng “chúng ta” cũng đơn thuần là autopilot và hoàn toàn “duyên tạo” ?
Đi ăn trưa với Sơn, trao đổi dạn này mọi người đang tranh luận mấy thứ như ba la mật, bóng ảnh, tinh tấn, … Được Sơn nhắc rằng tại sao với bất kỳ vấn đề nào Ajahn vẫn luôn dẫn ta quay lại với một thực tại rất thường xuyên xuất hiện nhưng hiện giờ vẫn chưa được hiểu: Cái thấy?
Bởi vì trước tiên cần có cái hiểu (ở mức tư duy) vững chắc rằng cái thấy chỉ là pháp (cái là thật, có đặc tính không thay đổi, sinh rồi diệt ngay theo duyên). Phải thật vững điểm này thì mới đủ duyên để tiến lên hiểu sâu thêm về các loại tâm/tâm sở như thọ, tưởng, tư, tín …., về những đặc tính khác nhau của chúng … Vì thế nếu chưa vững thì luôn phải quay lại điểm xuất phát rằng:
Cái thấy chỉ là pháp,
quay lại lần nữa, rồi lần nữa, again and again and again.
Có lẽ cần chắc điểm xuất phát đó đã, rồi sau đó mới tiến lên suy xét sâu thêm kinh điển thì mới lợi ích. Lúc đó đọc những câu như “đi biết là đi, đứng biết là đứng ....” mới không “dịch” chúng ra thành những lời hướng dẫn thực hành. Lúc đó có lẽ sẽ bớt nghi ngờ và sẽ vững chắc rằng:
.“đi biết là có các pháp đang vận hành”,
.“ăn biết là có các pháp làm nền tảng”,
.“nghĩ biết chỉ là các pháp nghĩ” ….
Pháp sẽ chỉ là pháp, dhamma is just the way dhamma is
Suy xét không phải là để nắm được cơ chế, mà là để hiểu (ở mức tư duy) mọi thứ chỉ là pháp, hiểu thật vững để có duyên cho những khoảnh khắc hiểu đúng sinh khởi, để rồi hiểu đúng sẽ làm duyên cho sự xả ly sinh khởi tự nhiên. Xả ly, bớt dính mắc, bớt vô minh. Ánh sáng loé lên ở khoảnh khắc hiểu đúng khiến bóng tối vô minh tự lùi bước trong thoáng chốc.
Vô minh
Nhân nói về vô minh, có một đoạn khiến hơi giật mình khi đọc cuốn Tuyển tập pháp đàm I, trong đó Ajahn có nói
"Vô minh cũng vậy, nó không thể ...., chức năng của nó là không hiểu gì cả."
Cảm giác bỗng dưng hiểu vô minh hơn một tẹo, kiểu như một khoảnh khắc "aha" về "vô minh". À, thì ra chức năng của nó là thế: không hiểu pháp, không hiểu vô ngã, "không hiểu gì cả".
Nếu quay lại so sánh với AI, Vô minh giống như là một đoạn chương trình cực mạnh được cài sẵn vào robot nhắc nó rằng "bạn tuyệt đối ko phải máy móc, bạn không phải robot" vậy!
Chức năng của vô minh là không hiểu gì, là che mờ thực tại chân đế, làm sinh khởi ảo tưởng thấy/nghe... rất nhiều thứ xuất hiện cùng một lúc và mọi thứ đó đều luôn luôn "ở đó", còn nếu thấy/nghe với trí tuệ, sẽ là pháp tuần tự xuất hiện, diệt đi rồi pháp khác mới xuất hiện, không còn gì "ở đó" và cũng không có nhiều "thứ" cùng xuất hiện.
Có phải vì thế Ajahn luôn nhắc nhở "một từ thôi" (one word please!...) "từng thứ một" (one reality at a time...).
Một điểm "aha" nữa trong lúc trao đổi với Sơn:
Mọi thứ đều chỉ là các pháp, tinh tấn cũng là pháp, thế nên không có "tha lực", mà cũng chẳng có "tự lực".
Đúng nhỉ!
Không có tự lực nhỉ! Nó thực sự đơn giản như vậy (Ajahn nói điểm tương tự: Such a relief!).
Mới thấy đâu đó trong tiềm thức thực ra vẫn đang ẩn chứa quan niệm có cái ngã để mà tự lực, kết quả của sự tích luỹ nhiều năm đọc sách trước khi biết dhamma home!
Không có tha lực, cũng chẳng có tự lực, chỉ có "pháp lực" tự nhiên của hiểu đúng. Một câu hiểu đúng, một từ hiểu đúng có thể quét sạch cả một mớ tà kiến. Sadhu Sadhu Sadhu !
Thì ra khả năng "một lời định càn khôn" là có thật. Ở khoảnh hiểu biết trực tiếp, năng lực đối trị bóng tối vô minh của trí tuệ (panna) chắc hẳn phải ghê gớm lắm.
Khi mà nó chưa sinh khởi thì vô minh là bao trùm, "Pháp không biết pháp là pháp" là phổ biến.
Khi ánh sáng trí tuệ sinh khởi thì bóng tối đó dần tự tan rã. Và trí tuệ cũng chỉ là pháp. Nó là: Pháp biết pháp chỉ là pháp thôi.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất