Socrates từng nói: "Hãy hiểu mình trước tiên, mọi thứ khác chỉ là thứ yếu."
Quả thực vậy, bạn hãy hiểu bản thân đầu tiên và ưu tiên hơn những thứ còn lại. Cho đến khi bạn thấu triệt được thân tâm mình rồi bạn mới hiểu được người khác.
Và một khi bạn đã tường tận được nội thân mình, hệ quả là bạn sẽ không còn ích kỷ nữa và biết mở rộng tấm lòng mình, trao đi yêu thương.
Nhưng trước nhất, trước khi bạn đạt được sự "không ích kỷ" đó thì bạn phải "sống ích kỷ" cái đã.
Bạn phải đủ sự ích kỷ để quay vào bên trong mình, tự hiểu rõ bản thân cũng như chăm sóc thân tâm thật tốt, khi đó thân tâm bạn mới đủ đầy và bắt đầu hướng tới nhân loại.
Khi ấy lòng tốt của bạn sẽ diễn ra thật tự nhiên chứ không phải là những hành động giả tạo và rỗng tuếch.
Cứ phải sống ích kỷ cái đã!
Cứ phải sống ích kỷ cái đã!
Bởi lẽ, một kẻ mù thì chẳng thể dắt một kẻ mù khác qua đường, một người đói khổ chẳng thể giúp kẻ đói khổ khác no bụng và một kẻ thiếu thốn chẳng thể giúp người khác được sung túc.
Khoảng cách giữa "khả năng" và "mong muốn" của bạn là vô cùng lớn, bạn muốn cứu một kẻ đuối nước nhưng khả năng của bạn lại không đủ, vì bạn không biết bơi. Trường hợp này nếu bạn không hiểu rõ sự tình mà cứ cắm đầu lao xuống, thì giờ sẽ có 2 kẻ đuối nước.
Và bạn chẳng giúp được ai.
Bạn không thể là một người hào phóng khi bạn chẳng có gì để cho đi, bạn chẳng thể là một người tốt bụng khi bụng bạn còn chẳng đủ "tốt". Nếu không có, thì chẳng thể cho, quy luật đơn giản có vậy thôi.
Hồi nhỏ ba mẹ bạn thường dạy rằng: "Hãy giúp đỡ mọi người, con không được ích kỷ." Nhưng với một đứa trẻ con khi ấy, khi cả thế giới vẫn còn xoay quanh nó, thì nó đâu hiểu ý nghĩa của sự giúp đỡ và cho đi là gì?
Tất nhiên nó vẫn sẽ nghe theo bậc sinh thành và sẽ làm những việc tốt, nhưng tâm trí nó thì hoàn toàn trống rỗng và những hành động ấy chỉ là giả vờ.
Nó không thể hiểu những lý thuyết, định nghĩa về lòng tốt như thế, khi tự thân nó có khi còn chưa có gì để mà cho đi.
Nếu bạn có con nhỏ hãy thử chú ý mà xem. Khi một đứa trẻ được cung cấp đầy đủ vật chất và tình yêu từ ba mẹ, nó được chăm sóc tốt cả thể chất lẫn tinh thần, rồi nó sẽ tự muốn chia sẻ.
Nó sẽ san sẻ bớt tình yêu của mình đến thế giới, với những đứa trẻ khác vì khi ấy nó đã đủ đầy.
Trẻ con khi đủ tình yêu, nó sẽ tự san sẻ tình yêu ấy...
Trẻ con khi đủ tình yêu, nó sẽ tự san sẻ tình yêu ấy...
Còn khi một đứa trẻ sinh ra trong túng thiếu, bị ba mẹ bỏ mặc và không có sự chăm nom cần thiết. Sự ích kỷ trong nó sẽ trỗi dậy, nó sẽ đòi hỏi sự yêu thương và được quan tâm bởi người lớn. Tâm trí non nớt của nó chẳng thể nghĩ tới việc cho đi hay giúp đỡ kẻ khác đâu.
Người lớn đã quá phức tạp với một đứa trẻ con, tại sao mỗi người không tự giúp bản thân họ, trước khi nghĩ tới việc giúp đỡ người khác, như thế có phải đỡ rắc rối không.
Tại sao cứ phải giúp đỡ lẫn nhau khi chính mình còn chưa giúp được?
Hằn sâu trong ADN của chúng ta đó là sự ích kỷ, nhờ vậy loài người từ xa xưa mới có thể sinh tồn và lớn lên. Nhưng nó không hề xấu mà hoàn toàn ngược lại, nó vun bồi và củng cổ cho chúng ta. Nó chỉ xấu khi ta bị phụ thuộc và chi phối.
Còn không, bạn phải yêu lấy mình trước, tự mang đến cho mình sự hạnh phúc, hạnh phúc đến mức nó tràn ra và lan tỏa đến mọi người.
Như một bông hoa sau khi đã tích trữ đủ nước và dinh dưỡng, nó sẽ bung nở và tỏa hương lẫn mật ngọt cho đời. Như một đám mây nặng trĩu nước, nó đầy tới mức đổ mưa và tưới tắm lên vạn vật trên thế gian.
Đủ dưỡng chất thì hoa mới bung nở, mới tỏa hương cho đời.
Đủ dưỡng chất thì hoa mới bung nở, mới tỏa hương cho đời.
Nếu bạn không biết tự thương mình, không đủ ích kỉ thì bạn sẽ chẳng có gì trong tâm hồn, dù gắng gượng đến mấy nội thân bạn vẫn yếu ớt và chỉ có thể mong chờ người khác cho bạn, lắp đầy sự khuyết thiếu đó của bạn.
Vậy nên tôi nhắc lại: Phải yêu thương lấy mình trước và là chính mình, rồi bạn mới yêu thương được ai đó. Bạn nhé!