LỜI GIỚI THIỆU CỦA NGƯỜI DỊCH

Benjamin Franklin (1706-1790) là một học giả đa ngành, ông nổi tiếng nhất dưới tư cách là một trong những Tổ phụ Lập quốc của Hoa kì, và là người soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập của Hoa kì. Nhưng vốn là người đa tài, Franklin còn được biết đến trong nhiều lĩnh vực như viết văn, viết báo, nghiên cứu điện học, sáng chế, chơi nhạc, và dĩ nhiên cờ vua cũng góp mặt trong số đó.
Người cùng thời vẫn kể lại rằng Benjamin Franklin là người cực kì đam mê cờ vua, và tiểu luận Đạo đức trong cờ vua chính là bằng chứng cho điều đó. Tiểu luận này được xuất bản lần đầu tiên trên The Columbian Magazine vào năm 1786. Dẫu rằng các nghiên cứu về thư tịch của Franklin cho biết nó đã được viết từ năm 1732 và từng được xuất bản trước đó, nhưng không có bản viết tay hoặc bản in nào còn tồn tại.
Trong giới cờ vua, tiểu luận này rất nổi tiếng và đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng, hôm nay tôi vinh dự được dịch nó ra tiếng Việt nhằm giới thiệu đến các bạn, cũng như bổ sung một ngôn ngữ đích nữa trong bộ sưu tập bản dịch của tiểu luận này.
Được viết vào thế kỉ thứ mười tám – quãng thời gian vẫn được giới nghiên cứu lịch sử cờ vua định danh là Cờ vua Lãng mạn, tức thời kì loài người vẫn nhìn nhận trò chơi này bằng con mắt suy diễn từ cuộc cờ sang cuộc đời, và ngược lại – vậy nên tiểu luận này sẽ có một vài quan điểm đã lỗi thời và không chính xác với khoa học ngày nay.
Chẳng hạn, “Nguồn gốc của cờ vua đã nằm ngoài các ghi chép lịch sử” (Bây giờ chúng ta được biết có rất nhiều thư tịch viết về nguồn gốc cờ vua, và các nhà nghiên cứu đã có thể kết luận nó đến từ đâu, vào thế kỉ nào), “Châu Âu đã có cờ vua được hơn một nghìn năm” (Chính xác thì châu Âu bắt đầu có cờ vua từ thế kỉ thứ mười hai, cách thời điểm Franklin viết sáu thế kỉ), “Cờ vua không bao giờ được chơi vì tiền cả” (Thực ra là có, và phổ biến đến mức thời Trung đại ở Ả Rập, cờ vua từng bị cấm chơi do Hồi giáo cấm việc cá cược, nhưng sau này người ta tách biệt yếu tố cá cược với bản thân trò chơi này nên lệnh cấm được gỡ).
Đáng chú ý nhất là những câu nói mang tính biểu tượng của thời kì Cờ vua Lãng mạn, “Cuộc sống cũng giống như ván cờ” và “Trò chơi này trở thành hiện thân của cuộc sống con người, đặc biệt là chiến tranh” kéo theo đó là những đức tính mà cờ vua hình thành hoặc mài giũa cho chúng ta. Ngày nay, tâm lí học nhận thức đã cho chúng ta biết là chơi giỏi cờ vua không dẫn đến việc giỏi nhiều thứ khác, do đó giá trị giáo dục của cờ vua đã sụt giảm. Trong quá khứ, cờ vua từng là công cụ giáo dục đa năng, nhưng bây giờ nó không được nhìn nhận như vậy nữa.
Tuy nhiên, với nội dung mà tiểu luận này muốn truyền tải thì thảy những lỗi trên đều là khuyết điểm nhỏ và không ảnh hưởng đến thông điệp chính. Các điểm chính yếu trong tiểu luận này vẫn mang tính khả thủ, đó là vấn đề về thái độ và tác phong khi chơi cờ. Những vấn đề này cho ta hiểu rõ tại sao cờ vua được mệnh danh là trò chơi của các quý ông.
Làm theo bộ quy tắc Benjamin Franklin nói dưới đây thật khó, vì nó là một lí tưởng cao đẹp. Tuy nhiên, nếu có bất kì điều gì trong tư tưởng “Cuộc đời là một cuộc cờ” mà vẫn đúng trong thời nay, thì tôi chỉ có thể nói đó chính là việc ôm ấp lí tưởng.
Bởi trong cả cuộc đời lẫn cuộc cờ, lí tưởng luôn luôn khiến chúng ta sống đẹp hơn và chơi đẹp hơn.

ĐẠO ĐỨC TRONG CỜ VUA

Benjamin Franklin
Xuất bản lần đầu tiên trên The Columbian Magazine, tháng Mười hai, 1786. Nguyễn Tuấn Linh (Tornad) dịch từ The Morals of Chess, nguồn chữ từ The Immortal Game của David Shenk
Cờ vua là trò chơi lâu đời nhất và phổ biến nhất mà nhân loại từng biết tới; bởi nguồn gốc của nó đã nằm ngoài các ghi chép lịch sử, và trong hằng hà các thế kỉ nó đã làm thú giải trí cho tất thảy những dân tộc văn minh ở châu Á: người Ba Tư, người Ấn Độ, và người Trung Quốc. Châu Âu đã có cờ vua được hơn một nghìn năm; người Tây Ban Nha mang nó đến Mĩ ở những nơi họ sống, và gần đây nó bắt đầu xuất hiện ở các tiểu bang ấy. Bản thân cờ vua vốn đã rất thú vị rồi, đến mức không cần yếu tố lợi ích để thu hút người ta chơi nó; và do đó nó không bao giờ được chơi vì tiền cả. Vậy nên những ai có thời gian rỗi rãi cho thú tiêu khiển này hẳn sẽ không tìm được trò chơi nào vô tư hơn thế được; và phần tiếp sau đây, được viết với mục đích sửa sai (với vài người bạn trẻ tuổi) cho những hành động chưa phù hợp trong việc chơi cờ, đồng thời cũng cho thấy cờ vua, bằng những tác động của nó đến tâm trí con người, không chỉ có sự vô tư, mà còn có cả lợi ích nữa, đối với cả kẻ thua lẫn người thắng.
Cờ vua không chỉ là một trò giải trí lúc thư nhàn. Nhiều phẩm chất rất đáng giá đối với tâm trí, hữu ích đối với đời sống con người, đều được nó hình thành hoặc mài giũa cho chúng ta, để rồi trở thành thói quen, và sẵn sàng dùng đến khi cần. Bởi cuộc sống cũng giống như ván cờ, mà trong đó chúng ta thường có điểm số để tranh giành, có đối thủ hoặc kình địch để chiến đấu, trong đó có muôn màu muôn vẻ các tình thế tốt và xấu, ở một mức độ nào đó chúng là hệ quả của đức tính thận trọng hoặc của sự thiếu vắng đức tính ấy. Thế nên bằng cách chơi cờ chúng ta được học về,
I. Tính nhìn xa, hãy nhìn một chút vào tương lai, và cân nhắc về cái kết quả đang chờ đợi hành động của chúng ta; bởi điều đó liên tục xảy ra với người chơi cờ, “Nếu tôi đi quân này, đâu sẽ là ưu thế trong thế cờ mới tạo ra? Đối thủ có thể lợi dụng nước đi này như thế nào để quấy nhiễu tôi? Tôi có thể đi nước nào khác để hỗ trợ nước đi này, và để phòng thủ trước đòn tấn công của đối thủ?”
II. Tính lo toan, hãy khảo sát trên toàn bộ bàn cờ hoặc sân chơi, trên mối liên hệ của các quân cờ và vị trí, trên nguy cơ mà mỗi quân cờ phải đối mặt, trên khả năng có thể hỗ trợ lẫn nhau của chúng, trên xác suất mà đối thủ có thể đi nước này hay nước kia, và tấn công quân này hay quân kia; và các phương tiện khả dĩ khác nhau mà ta dùng để tránh né đòn tấn công ấy, hoặc để lật ngược thế cờ.
III. Tính cẩn trọng, đừng thực hiện nước đi một cách quá hấp tấp. Thói quen này được hình thành tốt nhất bằng cách tuân thủ nghiêm ngặt luật cờ, chẳng hạn, “Nếu đã chạm vào quân nào là phải đi quân đó; nếu đã đặt quân xuống đâu là phải để nó đứng đấy” và do đó tốt nhất là nên tuân thủ những luật lệ này, bởi nhờ việc ấy mà trò chơi này trở thành hiện thân của cuộc sống con người, đặc biệt là chiến tranh; mà trong đó, nếu bạn bất cẩn đặt bản thân vào tình thế tồi tệ và nguy hiểm, bạn không thể xin phép kẻ thù cho mình rút quân về, rồi điều quân đến nơi an toàn hơn, mà bạn phải lãnh chịu mọi hậu quả từ tính hấp tấp của mình.
Và, cuối cùng, nhờ cờ vua chúng ta được rèn thói quen không nản lòng trước những biểu hiện xấu nhất thời trong cuộc sống, thói quen hi vọng vào một thay đổi thuận lợi, và thói quen kiên trì tìm kiếm phương án giải quyết vấn đề. Trò chơi này đầy ắp các tình thế, có rất nhiều bước ngoặt khác nhau, ưu nhược của cuộc cờ phụ thuộc nhiều vào các biến cố bất ngờ, vậy nên, sau một hồi ngẫm nghĩ, người ta thường xuyên tìm ra cách để tháo gỡ chính mình khỏi một tình thế khó khăn mà vốn được cho là vô phương giải thoát, người ta được khích lệ để tiếp tục cuộc đấu đến hồi kết, với hi vọng chiến thắng nhờ kĩ năng của mình, hoặc ít nhất là dẫn đến một ván bức hoà, do sự sơ suất của đối thủ. Và phàm người nào đã nhận thấy điều sau đây, mà vẫn thường xuyên xảy ra trong cờ vua, rằng những thành công nhỏ đều dễ khiến người ta tự phụ, hậu quả là sinh ra chủ quan, khiến cho sau đó người ta chịu thiệt nhiều hơn là được lợi từ ưu thế trước đó, trong khi ấy thế cờ bất lợi khiến người ta cẩn thận và chú tâm hơn, khiến cho sự thua thiệt có thể được gỡ lại, thì những người ấy sẽ học được rằng đừng quá nản lòng trước thành công nhất thời của đối thủ, cũng như đừng mất hi vọng vào hạnh vận ở phút cuối, bất chấp thảy những lần quân Vua bị chiếu trên hành trình theo đuổi hạnh vận.
Do vậy, chúng ta sẽ thường xuyên có xu hướng lựa chọn thú vui bổ ích này hơn, so với những thú vui khác mà không có ích lợi ngang bằng, và mọi yếu tố nhằm gia tăng niềm vui của cờ vua đều nên được quan tâm; mọi hành động hoặc lời nói không đẹp, thiếu tôn trọng, hoặc những điều gây khó chịu tương tự, đều nên được tránh, bởi vì chúng đi ngược lại với mục đích thiết thân của cả hai người chơi, đó là giết thời gian một cách vui vẻ.
Thế nên, thứ nhất: Nếu đã nhất trí chơi theo các luật lệ nghiêm ngặt, thì các luật lệ ấy phải được cả đôi bên tuân thủ một cách chính xác; không được nghiêm khắc với một bên, trong khi đó lại lỏng lẻo với bên kia: bởi như vậy là không công bằng.
Thứ hai. Nếu đã nhất trí không tuân thủ nghiêm ngặt các luật lệ, mà một người đòi được chơi sai luật, thì người đó nên sẵn lòng cho phép đối thủ cũng được làm vậy.
Thứ ba. Không được chơi ăn gian để tháo gỡ cho mình khỏi một thế cờ khó, hoặc để giành được lợi thế. Sẽ không có niềm vui nào khi chơi cờ với một người đã từng bị phát giác là có hành động không đẹp như vậy.
Thứ tư. Nếu đối thủ suy nghĩ lâu, bạn không nên thúc giục họ, hoặc tỏ ra khó chịu trước sự chậm trễ của họ. Bạn không nên hát, không nên huýt sáo, không nên nhìn đồng hồ, không nên giở sách ra đọc, không nên gõ ngón chân xuống nền nhà hoặc gõ ngón tay lên bàn, không nên làm bất kì điều gì gây phân tán sự tập trung của đối thủ. Bởi vì chúng là hành động gây phiền; và chúng không thể hiện kĩ năng chơi cờ, mà chỉ thể hiện tính xảo quyệt và khiếm nhã của bạn.
Thứ năm. Bạn không nên cố gắng mua vui và đánh lừa đối thủ của mình, bằng cách giả vờ như vừa đi một nước tệ, và nói rằng coi như mình đã thua ván này, cốt để đối thủ chủ quan và bất cẩn, và không chú ý đến ý đồ của bạn; bởi vì đó là mưu gian kế hèn, không phải là kĩ năng chơi cờ.
Thứ sáu. Khi đã chiến thắng, bạn không được trưng ra bất kì biểu cảm đắc chí hay xúc phạm nào, cũng không được tỏ ra quá vui sướng; mà hãy cố gắng an ủi đối thủ, và giúp họ bớt dằn vặt bản thân bằng mọi dạng biểu cảm tử tế và văn minh, và có thể bằng sự thật, chẳng hạn, “Anh thạo trò chơi này hơn tôi, nhưng anh đã hơi thiếu cẩn thận,” hoặc, “Anh đã chiếm ưu thế cả ván cờ, nhưng có điều gì đó đã làm anh bị phân tâm, và sự ấy khiến thế cờ nghiêng về phía tôi.”
Thứ bảy. Nếu bạn là một khán giả trong lúc người khác đang chơi, hãy quan sát trong im lặng tuyệt đối: Bởi nếu nhắc nước là bạn đang xúc phạm cả hai bên; một là bên đang đánh lại người mà bạn nhắc nước, bởi vì hành động ấy có thể khiến họ thua ván cờ; hai là bên mà được bạn nhắc nước, bởi vì, dẫu nước ấy hay và họ đi theo ý bạn, thì họ bị mất đi niềm vui mà biết đâu họ tự tìm được, nếu bạn để cho họ suy nghĩ đến khi tự tìm ra nước đi ấy. Thậm chí sau một hoặc nhiều nước đi, bạn không được xáo trộn vị trí các quân để cho thấy thế cờ trước đó đáng lẽ đã có thể được chơi tốt hơn: bởi hành động ấy gây phiền, và dễ gây ra tranh cãi hoặc nghi ngờ về vị trí trên thực tế của các quân. Mọi hình thức nói chuyện với người đang chơi đều gây suy giảm hoặc đánh lạc sự tập trung của họ, và do đó gây phiền; bạn cũng không nên gợi ý một chút nào cho cả hai bên, bằng mọi loại tiếng ồn hay hành động nào. Nếu không thì bạn không xứng đáng làm một khán giả. Nếu bạn muốn thử tài nghệ hoặc biểu lộ óc suy xét của mình, hãy làm điều đó bằng cách chơi ván cờ của mình khi có dịp, chứ đừng bình phẩm, hoặc xen ngang, hoặc tư vấn trong ván cờ của người khác.
Cuối cùng. Nếu ván cờ không được chơi nghiêm ngặt theo các quy tắc đã nói trên đây, vậy thì hãy tiết chế ham muốn chiến thắng đối thủ của bạn, và bằng lòng với việc chiến thắng chính bản thân mình. Đừng hăng hái vồ lấy mọi lợi thế mà đối thủ đưa ra vì sự thiếu kĩ năng và thiếu chú ý của họ; mà hãy chỉ cho họ thấy một cách tử tế, rằng với nước đi như vậy họ sẽ đặt hoặc khiến quân cờ gặp nguy hiểm và không được hỗ trợ; rằng với một nước đi khác họ sẽ đặt quân Vua vào tình thế hiểm nghèo, vân vân. Nhờ hành động văn minh rộng lượng này (trái ngược với hành động không đẹp bị cấm ở trên) bạn thực sự có thể thua ván cờ trước đối thủ của mình, nhưng bạn sẽ nhận về cái tốt đẹp hơn thế, lòng quý mến, kính trọng, và thiện cảm của họ; cùng với sự đồng tình và thiện chí thầm lặng của những khán giả vô tư.
TORNAD
22/02/2024
Hình ảnh được tạo nhờ AI