Để mà nói chúng ta sống 1 mình khó lắm. Độc thân là một chuyện, nhưng xung quanh chúng ta có gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Câu chuyện thường xảy ra là không phải lúc nào sự quan tâm cũng đúng thời điểm.
“Bố mẹ lo cho con như vậy rồi, sao con không làm theo lời bố mẹ”
“Anh quan tâm em như vậy, sao em không đồng ý lời anh nói”
“Trước kia tao giúp mày, sao mày giờ không giúp tao”
Kết quả cuộc những cuộc hội thoại này không vui vẻ cho lắm. Và vấn đề đến từ các mối quan hệ lại khiến cho cảm xúc, tinh thần, năng lượng tuột dốc không phanh. Một vài lần thì có thể bỏ qua tuy nhiên về lâu về dài nó sẽ trở thành những rào cản vô hình tới hành vi và quyết định của chúng ta.
Chúng ta có thể làm được bất kỳ điều gì người khác đã từng làm được (về cả thể chất lẫn vật chất). Tuy nhiên chúng ta thường sẽ bị giới hạn bởi những nỗi sợ, những rào cản tâm lý đến từ những trải nghiệm quá khứ hay chính trong các mối quan hệ hiện tại.
Thế thì chúng ta nên hay không nên quan tâm tới người thân?
Trước khi trả lời câu trên, thì có một câu hỏi đó là: Tại sao chúng ta lại quan tâm tới người khác?
Có 2 lý do khiến chúng ta làm điều này:
1. Chúng ta muốn thuộc về một cộng đồng, vì khi ở trong cộng đồng sẽ được an toàn.
2. Chúng ta càng quan tâm người khác thì bản thân càng thấy tự tin, có giá trị hơn.
Hai lý do trên củng cố cho việc tăng cao khả năng sinh tồn của mỗi chúng ta.
Tuy nhiên có một ranh giới mờ nhạt giữa sự quan tâm và kiểm soát. Khi chúng ta quan tâm quá nhiều và kỳ vọng về sự quan tâm đó mang lại lợi ích gì hay đạt kết quả gì thì nó lại là sự kiểm soát.
Bản năng của con người sẽ không phân biệt được ranh giới tốt xấu. Giống như việc cơ thể chúng ta khi ăn đồ có ngọt thì càng ăn càng muốn nhiều hơn về sau, khi tích đủ một lượng đường sẽ gây nên bệnh. Tức cơ thể kích hoạt cảnh báo bằng việc bị bệnh. Đương nhiên chúng ta không hề muốn bị bệnh rồi mới bắt đầu giảm ăn đồ ngọt đi.
Cũng như chuyện chúng ta không hề muốn mối quan hệ đổ vỡ rồi mới bắt đầu học cách hàn gắn.
Chúng ta có thể sẽ luôn tự nhủ với bản thân rằng chúng ta quan tâm hay bảo người khác làm theo ý mình là vì chúng ta muốn tốt cho người kia. Tuy nhiên chúng ta lại ít khi hỏi người kia rằng họ có đang cần chúng ta giúp đỡ hay không. Thực ra đôi khi họ chỉ cần một người lắng nghe là đủ rồi.
Nghe thì dễ, làm mới khó.
Nếu chúng ta đứng ngoài cuộc thì rất dễ để đánh giá gia đình của người kia không nên dạy con cái kiểu bắt chúng nó đi học cái này, cái kia hay thi trường này, trường nọ.
Tuy nhiên trên phương diện chính chúng ta khi đang đứng trong những mối quan hệ ngang hàng như người yêu, vợ chồng, đồng nghiệp, bạn bè thì lại rất muốn “quan tâm” họ theo cách bản thân muốn chứ không phải cách mà người kia thật sự cần.
Nhiều cái sự “quan tâm” đó dần dần dẫn đến sự kiểm soát lúc nào không hay.
Quyết định của chúng ta đã từng dẫn đến một kết quả đúng. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với câu chuyện quyết định nó là đúng với người khác.
Vì quyết định đúng hay sai còn do bối cảnh của chính chúng ta hay chính thời điểm đưa ra quyết định. Còn nữa kết quả đúng hay sai là đang dựa trên thế giới quan của chính chúng ta chứ đâu có phải của thánh nhân.
Vẫn là cái sự “đúng” của chúng ta đó là do cái tôi lên tiếng chứ không phải dựa trên phân tích của lý trí.
Chưa kể đến chuyện sự “quan tâm” đó kèm theo sự mong cầu. Khi chúng ta luôn ghi nhớ sự “quan tâm” đó bằng việc trao đổi nó với cái gì đó trong tương lai. Thì liệu đó có phải chúng ta quan tâm người khác thật sự hay chúng ta chỉ đang nghĩ tới bản thân mình.
Hoặc khi chúng ta dành hết sức khỏe, thời gian để kiếm tiền với suy nghĩ quan tâm tới bố mẹ thì liệu lúc chúng ta ốm đau, bệnh tật thì người chịu khổ đâu phải chỉ mỗi chúng ta, mà cả thời gian, sức khỏe, tiền bạc của bố mẹ nữa. Vậy là chúng ta có đang quan tâm đúng cách không?
Tuy nhiên nhiều khi chúng ta cần trải qua những mối quan hệ đổ vỡ rồi mới nhận ra được bài học. Nhưng điều nên làm là khi nhận ra được rồi thì cần phải luôn nhắc nhở bản thân, bởi rằng mỗi một mối quan hệ đến với mình đều quý giá và đáng được trân trọng.
Sự quan tâm đúng nên có 1 trong 3 yếu tố sau:
+ Người khác mong muốn nhận sự quan tâm từ bạn
+ Sự quan tâm là thật lòng mà không cần nhận lại
+ Biết quan tâm bản thân cũng là để quan tâm người khác
Mối quan hệ như mình nói là một điều không thể thiếu đối với con người. Vì có cộng đồng nên con người mới phát triển lên tận ngày nay, vì tình yêu thường con người có khả năng làm tất cả mọi thứ, thậm chí là hy sinh chính bản thân. Và cũng chính mối quan hệ là nơi giam cầm giới hạn của con người, là nơi xảy ra nhiều vấn đề về cảm xúc, tâm lý nhất.
Cho nên nuôi dưỡng mối quan hệ với người khác hay với chính bản thân là điều cực kỳ quan trọng.
Chắc chắn bạn sẽ gặp những hoàn cảnh không thể kiểm soát được như việc gia đình cãi nhau, anh em bạn có những bất hòa hay đồng nghiệp không vừa ý. Tuy nhiên có một ý mà mình có đọc trong cuốn Hiểu Về Trái Tim đó là hãy quay về tự nuôi dưỡng bản thân.
Bản thân bạn thực sự ổn thì lúc đó bạn mới bắt đầu biết cách xử lý những hoàn cảnh đó được.
Khi năng lượng bản thân đủ lớn thì nó sẽ tự lấn át được nguồn năng lượng không tốt xung quanh.
Đây chính là lý do đôi khi bạn sẽ cảm thấy ở những nơi có năng lượng tích cực thì thường trong đấy nhiều những con người tích cực. Và đặc biệt một vài người trong đấy là có khả năng dẫn dắt nguồn năng lượng của tập thể.
Có câu mình nghĩ ai cũng từng nghe rồi đó là: Chúng ta không có quyền được chọn nơi sinh ra.
Và tới giờ mình nhận ra được rằng nếu mình sinh ra trong một gia đình thường xuyên xảy ra cãi vã. Thì nếu nhìn trên khía cạnh khác thì mình đang có cơ hội để rèn luyện nội lực để phát triển trong môi trường này. Tức là mình đang được học nhiều bài học sớm hơn những người khác.
Với mình thì cuộc sống này luôn luôn đem đến cho chúng ta những bài học, những khó khăn. Nhưng cũng chính vì thế nó mới tươi đẹp và nhiều màu sắc. Vì chúng ta sẽ luôn cảm thấy trân trọng những nỗ lực của chính bản thân khi vượt qua những khó khăn đó.
Và chúng ta sẽ bình yên hơn sau ngàn lần tranh đấu.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Chúc bạn một ngày tốt lành.
Cường.
Đọc bài viết khác của mình tại đây bạn nhé: https://cuongdigital.substack.com/