Kỹ sư xây dựng - Nửa ông nửa thằng
Nghề kỹ sư xây dựng là một nghề nửa ông nửa thằng. Nếu ai đó hỏi tôi miêu tả nghề này bằng một câu, câu đó có lẽ là chính xác nhất....
Nghề kỹ sư xây dựng là một nghề nửa ông nửa thằng. Nếu ai đó hỏi tôi miêu tả nghề này bằng một câu, câu đó có lẽ là chính xác nhất. Phút trước vừa là ông anh kỹ sư, phút sau đã biến thành thằng kỹ sư. Không thể biết đường nào mà lần.
Chúng tôi phải tiếp xúc với cả hai tầng lớp: tầng lớp cao nhất và tầng lớp thấp nhất trong xã hội. Tầng lớp cao nhất là những ông này bà kia, nước hoa thơm phức, quần áo là lượt, đầu tóc chải chuốt. Đại diện tầng lớp này là những chủ đầu tư, nhà đầu tư, chủ nhà, bố của chủ nhà, vợ của chủ nhà, hàng xóm của chủ nhà… Tầng lớp thấp nhất là những người công nhân, công nhật, lái máy. Họ là những tốp công nhân đến từ mọi miền của tổ quốc, miền núi có, đồng bằng có, dân địa phương có, đông người có, ít người có, nghiện hút có, sa cơ lỡ bước có luôn. Nói chung đủ mọi thành phần mà kỹ sư xây dựng tiếp xúc trên đời này.
Người ta hay nói đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy. Nên dân xây dựng biến đổi hình ảnh linh hoạt theo từng tầng lớp mà họ tiếp xúc. Có nghĩa là trong môi trường học thuật thì nói chuyện học thuật, ăn mặc học thuật, trong môi trường khói bụi thì ăn to nói lớn, ăn tục nói phét, bỗ bã chợ búa.
Cùng một công trường đó, có khi thấy kỹ sư xây dựng lọ mọ dưới đáy móng công trình lần lần mò mò mà chỉ chỗ nào đào đất, đổ bê tông lót, bật mực, kiểm kê số lượng, kích thước thép, kiểm tra độ chắc chắn của ván khuôn, hô hào công nhân đổ bê tông,… nói chung là lấm lem, bết bát. Rồi cũng cùng công trường đó, lại thấy anh ta đứng trên nóc công trình mà tự hào đưa mắt nhìn ngó giang sơn mình gây dựng.
Hoặc cũng nơi từng là công trình đó, một ngày đẹp trời anh ta ghé lại thăm, chỉ thoáng qua thôi, hai chân chạm mặt đất bổi hổi bồi hồi ngẫm nghĩ lại đoạn thời gian mình từng chinh chiến. Xanh cỏ thì đến, đỏ ngói thì đi, quy luật thường tình. Hợp lại tan, tan lại hợp. Chúng tôi hiếm khi được tận hưởng thành quả của mình, chúng tôi đi mọi miền tổ quốc để xây dựng tổ ấm cho người khác. Rồi một phút chạnh lòng, anh kỹ sư xây dựng kia cũng tự hỏi, mai này ai xây tổ ấm cho mình đây.
Nói về chuyện tình cảm, kỹ sư xây dựng mang tiếng là cộc cằn nhưng lại rất tình nghĩa. Nhất là với người mà hắn ta yêu thương, và người mà yêu thương hắn. Có một vài anh mình quen nuôi hẳn hai đến ba vợ. Như thế là gấp đôi, gấp ba yêu thương rồi còn gì. Nói gì thì nói, làm sao mà đủ tình yêu, đủ tài chính nuôi được từng ấy bà vợ cơ chứ. Chưa tính mỗi bà lại có vài đứa con nữa. Từng đấy miệng ăn nếu anh kỹ sư không làm bục mặt ra, uống rượu xuất huyết dạ dày ra thì lấy đâu ra tiền mà nuôi. Sức chịu đựng của các ông này cũng giỏi, bởi vì người ta một vợ thôi đã than trời rồi. Đây chịu được hẳn mấy bà, mà bà nào cũng nhường nhau. Đúng giỏi.
Nói vui thế thôi, không phải trai xây dựng nào cũng sát gái như thế. Nói trai xây dựng ai cũng sát gái thế thì lại có lỗi với mấy anh em chung thuỷ. Mấy anh em này có tiếng mà chẳng có miếng. Có một câu trên mạng gần đây như thế này: “Trai xây dựng tán gái giống như công trình của anh ta, không bao giờ đổ.” Môi trường nhiều đàn ông, ít tiếp xúc với phụ nữ nên rất nhiều anh nhát gái, không hiểu tâm sinh lý phụ nữ nên không thể tán được vợ. Có vợ có người yêu thì lại sợ cô ta đi ngoại tình.
Khi một người đàn ông đi ngoại tình, anh ta sẽ quay trở lại. Khi một người phụ nữ đi ngoại tình, cô ấy hiếm khi quay trở lại nữa. Đừng hỏi tôi tại sao lại biết chắc chắn thế. Sự thực là đàn ông xây dựng rất sợ vợ mình ngoại tình. Bởi vì khi một người phụ nữ lấy một người đàn ông làm nghề xây dựng, cô ấy đã biết mình sẽ phải trải qua những gì và cô sẽ thoả hiệp với những điều ấy ngay từ thuở ban đầu. Nhưng những người đàn ông ngô nghê lại thường suy nghĩ rất đơn giản, họ chỉ nghĩ người thiệt thòi là vợ mình mà không nghĩ mình cũng thiệt thòi. Kết hôn đủ lâu họ mới hiểu ra điều ấy.
Có hôm tôi ngồi uống rượu với mấy ông anh làm cùng, anh gọi điện thoại cho vợ bảo mai anh về. Tắt máy. Mấy ông anh khác trên bàn nhậu lo lắng hỏi “Sao mày không về bất chợt, như thế mới bắt gian được chứ”. Ông anh cười “Mắt không thấy tim không đau”.
Quả thật như vậy, thời đại này kể cả có chồng ở nhà, không đi công trường, không đi công tác xa nhà mà người ta vẫn còn bị cắm sừng liên tọi. Thì cứ thử đi biền biệt 3,4 tháng thì ngay những người bền gan vững trí nhất cũng bị lung lay mà thôi. 30 phút, 1 tiếng là có thể đi nhà nghỉ khách sạn được rồi. Đi họp lớp cấp ba, gặp lại người yêu cũ, rồi cả thằng hàng xóm, mấy thằng anh em cây khế,… toàn những con hổ đói cặn bã. Ta không thể quản được tâm trí của vợ ta. Mà đàn ông lại hiểu nhau, nhất là mấy ông xây dựng hiểu đàn ông hơn cả chữ hiểu. Đấy cũng là lý do mấy ông xây dựng không cho con gái của mình lấy chồng làm nghề xây dựng. Chung quy cũng là việc bố vợ quá hiểu con rể, còn con rể quá hiểu bố vợ. Trò đời hay trêu ngươi, quá hiểu nhau thường khiến chúng ta không đến được với nhau.
Tôi viết bài này chẳng phải kể khổ, cũng chẳng phải kể sướng. Tôi chỉ kể sự thật. Ngành xây dựng sướng khổ đan xen nhau. Đơn cử như việc ăn uống. Đồ ăn công trường khó ăn, không ngon như đồ ăn ở nhà. Nhưng tuỳ vào công trường, có những bà nhà bếp nấu ăn ngon tuyệt. Ngon như cơm mẹ nấu. Có bà nấu, xin lỗi, như đồ ăn cho chó. Mà chúng tôi vẫn phải ăn, công nhân ăn được thì mình ăn được. Ăn mới có sức ra chỉ đạo, ăn mới có sức chạy lông nhông ngoài công trường, ăn mới có sức la hét thét gào.
Dân xây dựng ăn tạp, con gì cũng ăn được. Điều này có truyền thống từ thời xưa rồi. Thầy tôi ở trường Đại Học Xây Dựng kể lúc trường còn ở Hương Canh, mấy thầy bắt thịt chó mèo suốt. Tôi nghĩ cái sự ăn tạp này là bởi vì môi trường lao động quá khắc nghiệt, chúng tôi phải sinh tồn. Nếu kén ăn chỉ có chết đói. Chúng tôi lên rừng xuống biển, trèo đèo lội suối. Chỗ nào có công trình là có mặt của kỹ sư xây dựng ở đó. Cũng chính vì sự ăn tạp này cho nên chúng tôi hay được ăn sơn hào hải vị, đặc sản vùng miền. Cũng bởi vì chỗ nào cũng có mặt nên hiểu biết hơn. Từ đó mà thường có tư duy mở hơn.
Có một câu như thế này:
“Trâu điên chó dại trai xây dựng Lợn xề chó cái gái trường y”
Câu này thể hiện phần nào cá tính của dân xây dựng. Bạn thấy đấy, tôi thì không yêu nghề, người mà hay đi nói xấu nghề thế này thì sao mà yêu, nhưng tôi biết ai là người yêu nghề. Có một số anh thích làm kỹ sư xây dựng vì được xa nhà. Bởi vì anh ta lấy nhầm vợ, vợ nấu ăn quá chán hoặc là vợ quá lèm bèm càu nhàu, quá lười nhác bừa bộn mà sinh ra chán. Anh ta yêu nghề hơn yêu vợ. Vì chỉ khi đi công trường anh mới được là chính mình: tự do tự tại.
Ở công trường, có hai loại kỹ sư xây dựng chính: kỹ sư hiện trường và kỹ sư văn phòng. Kỹ sư hiện trường còn gọi là giám sát hiện trường. Kỹ sư văn phòng còn gọi là kỹ sư nội nghiệp. Dễ hiểu thì bạn có thể gọi họ là quan võ và quan văn. Ông hiện trường lo việc chỉ đạo, đốc thúc, giám sát kĩ thuật, chất lượng công trình đang thi công. Ông văn phòng lo việc hồ sơ giấy tờ, hồ sơ pháp lý, hồ sơ chất lượng, hồ sơ thanh toán, tiến độ, nhật ký của công trình.
Rủi ro lớn nhất của ông hiện trường là chết người. Là anh ta chết hoặc công nhân anh ta quản lý chết. Tôi đã từng nghe có công trình có kỹ sư chết. Thằng bạn tôi đi xây cầu trên miền núi kể công nhân xây cầu bước hụt chân còn chết mất xác. Nó sợ quá phải bỏ nghề gấp.
Rủi ro lớn nhất của ông văn phòng là đi tù. Bút sa thì gà chết. Mỗi một chữ ký hoặc số liệu sai phạm có thể khiến anh ta rơi vào vòng lao lý. Nói chung cứ học thuộc câu “Kính thưa hội đồng xét xử,…” tôi đùa thôi. Nói chung cứ làm chuẩn chỉ thì không bị bắt đâu. Tuy nhiên tôi đã chứng kiến ít nhất 2 vụ sai khác số liệu làm thiệt hại cho công ty mỗi lần 1 tỷ đồng rồi. Đặt nhầm một mã hàng là đi cả đống tiền thôi. Hết cứu.
Làm hiện trường thì mệt mỏi cơ thể. Thức khuya tăng ca trực bê tông. Trong khi người ta ôm vợ ngủ, anh ta ôm mấy chục, mấy trăm khối bê tông. Mùa hè thì mưa nắng, mùa đông thì giá buốt. Chống chỉ định cho ai sức khoẻ yếu. Bởi vì tiền lương không đủ tiền thuốc. Phơi nắng nhiều dễ ung thư da, lại nhanh già người, người lúc nào cũng có mồ hôi. Bù lại thoải mái đầu óc, cơ thể khoẻ mạnh săn chắc vì chạy đi chạy lại như ngựa.
Làm văn phòng thì mệt mỏi đầu óc. Áp lực về số, về chữ, về các bên liên quan. Áp lực từ sếp, từ đối tác, từ hiện trường, từ công nhân,…Rất dễ nhẫm lẫn. Nhầm lẫn của hiện trường sửa chữa được, lấp liếm được và thường nhỏ. Nhầm lẫn của văn phòng thiệt hại rất lớn. Rất nguy hiểm cho những ai không cẩn thận mà làm văn phòng. Cẩu thả nội nghiệp phải trả cái giá rất đắt. Nên nhớ án tại hồ sơ đấy nhé.
Làm công trường có drama không? Câu trả lời là có. Phần sau sẽ kể tiếp.
22/02/2024
An Phạm
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất