lập trình viên: gắn kết & chia tay
Có nhiều LTV tỏ ra rất chuyên nghiệp trong buổi phỏng vấn, song tính chuyên nghiệp này không được duy trì những ngày sau đó khi họ...
Có nhiều LTV tỏ ra rất chuyên nghiệp trong buổi phỏng vấn, song tính chuyên nghiệp này không được duy trì những ngày sau đó khi họ làm việc trong tổ chức. Điều đó là không nên, hãy chuyên nghiệp trong mọi việc, kể cả sau khi chia tay.
Nếu bạn đã đến đúng giờ trong buổi phỏng vấn, tại sao không đúng giờ trong các hoạt động khác của công ty?
Nếu bạn đã ăn mặc rất chỉnh chu trong buổi phỏng vấn, tại sao không ăn mặc chỉnh chu trong các hoạt động quan trọng khác của công ty?
Nếu bạn đã tỏ ra mình là người thông minh, nhạy bén và chủ động trong buổi phỏng vấn, tại sao không thông minh, nhạy bén và chủ động trong từng công việc hàng ngày?
Nếu bạn gửi một thư cảm ơn sau buổi phỏng vấn, sao không tiếp tục gửi thư hay nói lời cảm ơn với đồng nghiệp mỗi khi họ giúp đỡ mình một công việc?
Nếu bạn thể hiện sự yêu mến tổ chức cũ, liên tục nhắc đến họ với sự biết ơn, sao không thể hiện sự yêu mến với tổ chức hiện tại?
Nếu bạn liên tục nói về tổ chức cũ với những điều không hay, sao không nhắc đến và tìm cách giải quyết những vấn đề trong tổ chức hiện tại?
Hàng loạt những điều nhỏ nhặt như trên mà tôi không thể kể hết. Nhỏ thôi, nhưng những hành động nhỏ thể hiện tính chuyên nghiệp của một LTV. Sau cùng, tổ chức nào cũng muốn thấy sự gắn kết của nhân viên vào tổ chức và tương lai của tổ chức. Bởi khi đội ngũ cho thấy sự gắn kết, các lãnh đạo dễ hơn trong việc vẽ ra và thực thi chiến lược phát triển.
Tôi quan sát thấy nhiều LTV, sau khi bắt đầu công việc ở tổ chức mới được một thời gian, vẫn mắc 2 sai lầm sau thông qua lời nói. Thứ nhất, vẫn sử dụng cụm từ “công ty em” để chỉ tổ chức cũ. Đây là điều thực sự tệ hại. Thứ hai, liên tục sử dụng câu “công ty cũ của em làm… (thế này)”. Bạn à, nếu công ty cũ của bạn thật sự vượt trội như vậy, tại sao bạn lại ở đây? Kể cả khi bạn nhắc về công ty cũ với những điểm đáng chê, đó là điều không hay. Bạn đã bao giờ hình dung việc mình liên tục nhắc về người yêu cũ trước mặt người yêu hiện tại? Điều đó không tốt chút nào, cho thấy mối quan hệ hiện tại cũng không có tương lai lâu dài.
Hãy thể hiện sự gắn kết với tổ chức hiện tại, ngay từ ngày đầu tiên tới những giờ phút cuối cùng. Chỉ đơn giản là sống hết mình cho từng công việc nhỏ hiện tại, không quan tâm tới quá khứ hay tương lai.
Tới đây, tôi muốn dành một phần để nói về sự chia tay – điều mà theo tôi quan sát, là rất không ổn trong giới CNTT. Nói chung, nếu sự việc kết thúc một mối quan hệ không xảy ra ổn thoả, trách nhiệm đến từ 2 phía. Song trong khuôn khổ của cuốn sách này, tôi muốn LTV làm tốt nhất về phía mình.
Có 3 kịch bản để mối quan hệ giữa LTV và tổ chức đi đến hồi kết.
Thứ nhất, LTV tìm được công việc mới. Đây là kịch bản hay xảy ra nhất, và kết quả của việc chia tay phụ thuộc nhiều vào LTV. Ngay sau khi nhận được thư mời làm việc từ công ty mới, LTV thông báo việc nghỉ với tổ chức hiện tại; thường là thông báo với quản lý trực tiếp. Quản lý trực tiếp sẽ tổ chức một buổi nói chuyện, tìm hiểu nguyên nhân và tìm cách giữ LTV ở lại nếu muốn – song điều này, theo kinh nghiệm của tôi, ít có khả năng thành công. Trong buổi nói chuyện này, LTV cũng đưa ra ngày mong muốn được chấm dứt hợp đồng – đây thường là ngày ngay trước ngày nhận công việc mới theo thư mời làm việc. Một điều rất kỳ lạ là các LTV luôn đưa ra mong muốn là “cuối tuần” hoặc “cuối tháng” với không một chút cân nhắc về các điều khoản trong hợp đồng (thường là thông báo trước 45 ngày) hay tình hình công việc hay dự án họ đang tham gia. Điều này đã được tôi đề cập tới trong phần Phỏng vấn; các tổ chức luôn muốn các LTV bắt đầu sớm. Nhưng tôi cho rằng, đây là trách nhiệm của các LTV, khi họ quá dễ dàng nhận lời khi con số về lương thưởng được đưa ra, phớt lờ những gì đang cam kết với tổ chức hiện tại. Điều này đẩy các tổ chức vào vòng xoáy tuyển dụng gấp nhân sự thay thế. Tự mình đưa ra con số “cuối tuần” hoặc “cuối tháng” thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của LTV, sự thiếu tôn trọng với tổ chức hiện tại. Điều đáng tiếc là việc này xảy ra quá thường xuyên, gần như tất cả những LTV nói chuyện với tôi về việc chấm dứt hợp đồng đều rơi vào mô-tuýp này. Một số LTV được tôi yêu cầu thực hiện đúng cam kết, không được rời đi trước 45 ngày; họ thể hiện thái độ không hợp tác – đây là điều không nên.
Thứ hai, cắt giảm hoặc sa thải. Cắt giảm là tình huống không hay nhưng dù sao cũng tốt hơn sa thải vì khi có nhiều cộng sự cùng cảnh ngộ, LTV thấy ít bị tổn thương hơn. Có nhiều lý do để một tổ chức đi đến quyết định cắt giảm nhân sự: thay đổi định hướng, tình hình tài chính,… Nhưng dù tình huống nào xảy ra, bạn cũng nên biết rằng tổ chức của mình đã làm việc rất chăm chỉ để đi tới quyết định; và những quản lý của bạn đã trải qua những thời khắc khó khăn khi quyết định ai đi ai ở. Tôi không thể nói đây là một trải nghiệm thú vị, song là một trải nghiệm hữu ích với mọi nhà quản lý; và có vẻ COVID-19 đã mang lại điều kiện tuyệt vời để nhiều nhà quản lý có trải nghiệm này. Là một LTV, bạn nên thông cảm và giúp đỡ họ. Thông cảm không có nghĩa là bạn chịu mọi thiệt thòi về bản thân mình. Mọi tổ chức “tử tế” khi thực hiện việc cắt giảm đều có ngân sách cho việc cắt giảm bao gồm: đền bù, hỗ trợ, đào tạo, trợ giúp, … Ở mức tối thiểu, bạn xứng đáng nhận được thông báo sớm trước 45 ngày hoặc khoản hỗ trợ tương đương 45 ngày lương. Nokia khi thực hiện đóng cửa một văn phòng, ngoài việc thông báo và hỗ trợ, họ còn tổ chức các khoá đào tạo cùng việc đôn đáo tìm kiếm những công việc mới giúp nhân viên. Ở Việt Nam, cũng có nhiều công ty như vậy. Tôi cho rằng, đây là cách làm tử tế và mọi doanh nghiệp đều nên như vậy. Nếu bạn không may mắn để có sự hỗ trợ này, đừng ngần ngại đòi hỏi sự minh bạch từ tổ chức về hiện trạng và kế hoạch cắt giảm; điều này không chỉ tốt cho bạn, mà còn tốt cho những người ở lại. Khi mọi thứ được minh bạch và tình hình của tổ chức không đủ tốt để có những khoản hỗ trợ này, hãy thông cảm cho tổ chức và tự tìm con đường khác. Sa thải (một cá nhân) thì phức tạp hơn, điều này thường đến từ việc LTV không đáp ứng được kỳ vọng của tổ chức. Theo luật lao động, tổ chức muốn sa thải một nhân viên phải chứng minh được nhân viên không đạt được hiệu quả làm việc như hai bên đã thống nhất. Khi tình huống này xảy ra, tôi mong bạn hiểu rằng chiếu theo luật lao động và xử lý vấn đề bằng kiện tụng là điều không nên. Nếu hiệu quả làm việc của bạn không tốt, hãy coi đó là một bài học và tiến lên; ngược lại, hãy coi rằng tổ chức không còn xứng đáng để bạn làm việc cùng và tìm một hướng đi mới.
Thứ ba, LTV nghỉ đơn giản vì họ … muốn nghỉ. Điều này cũng hay xảy ra. LTV chỉ đơn giản là không tìm thấy con đường của họ ở tổ chức hiện tại; hoặc họ cảm thấy mệt mỏi và muốn nghỉ ngơi một thời gian. Không sao cả, bạn hãy cởi mở và nói đúng những cảm nghĩ của mình. Tôi đánh giá cao những LTV như vậy, ít nhất họ không đẩy tổ chức vào tình thế khó xử như trường hợp đầu tiên.
Dù tình huống nào xảy ra, tôi cũng mong các LTV lưu tâm tới một số gợi ý sau để việc chia tay diễn ra êm đẹp:
1. Tuyệt đối không được chỉ dùng email cho việc chấm dứt hợp đồng. Bạn có thể thông báo việc chấm dứt hợp đồng qua email nhưng nên có buổi nói chuyện với quản lý trực tiếp, sau đó, email về quyết định của mình. Đừng sử dụng email cho việc trao đổi qua lại hoặc thông tin theo kiểu “đã quyết định rồi… không còn gì để thảo luận…” khi quản lý trực tiếp muốn nói chuyện.
2. Nên rõ ràng về lý do bạn muốn ra đi, cũng như nơi bạn muốn tới. Đừng ngần ngại, đôi khi việc đó giúp ích cho tổ chức để có những thay đổi phù hợp hơn với những nhân sự ở lại; đôi khi quản lý trực tiếp cũng giúp bạn giải đáp những thắc mắc và giúp đỡ bạn trong việc định hướng tương lai.
3. Hãy để người quản lý thông báo với tổ chức về quyết định của bạn, hoặc bạn tự thông báo vào một thời điểm người quản lý cho là phù hợp. Đừng tự quyết định và hành động mà không qua thảo luận.
4. Trong quá trình làm việc còn lại, hãy chuyên nghiệp như bạn đã từng như vậy. Hãy làm việc như bình thường. Tuyệt đối không đề cập đến việc ra đi hay tổ chức mới, trừ khi việc đó có liên quan đến việc bàn giao.
5. Hãy thu xếp công việc và bàn bạc với người quản lý trực tiếp về kế hoạch bàn giao công việc cho phù hợp. Đừng để người khác đánh giá rằng bạn đã để lại một “bãi rác”.
6. Đến ngày chia tay, hãy nói lời chào qua email hoặc gặp mặt trực tiếp những cộng sự của mình. Ưu tiên gặp mặt trực tiếp và hãy nói lời cảm ơn. Các cộng sự của bạn chắc chắn sẽ hỏi chuyện nhiều về công việc sắp tới; hạn chế nói về nó, đừng để tổ chức hiểu nhầm rằng bạn sẽ lôi kéo những cộng sự của mình sang tổ chức mới.
7. Bàn giao toàn bộ công việc cũng như tài khoản cá nhân. Dù không ai để ý, tự bạn phải xoá bỏ những thông tin này, không lưu trữ bất kỳ dữ liệu nào của tổ chức trừ khi được yêu cầu để hỗ trợ việc bàn giao.
8. Từ đây, tổ chức hiện tại của bạn đã là “công ty cũ”. Tuyệt đối không nói xấu về công ty cũ.
Tôi luôn cho rằng có thể đánh giá một tổ chức là “tử tế” hay không thông qua cách họ chia tay nhân viên. Một LTV “tử tế” hay không cũng có thể được nhìn nhận theo cách này. Hãy chia tay trong êm đẹp bằng tất cả sự chân thành. Một ngày nào đó, có thể bạn sẽ muốn làm việc cùng tổ chức hiện tại. Hãy để lại những ấn tượng đẹp.
Trích DevUP
Người trong muôn nghề
/nguoi-trong-muon-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất