Là một người dành 06 năm cuộc đời chỉ để nhảy từ việc này sang việc khác, ngành nghề này sang ngành nghề khác, sau đây là những đúc rút của mình về những yếu tố quyết định bạn sẽ "trụ" lại một công việc bao lâu (xếp theo thứ tự quan trọng từ thấp nhất đến cao nhất).
4. Môi trường:
Trong bất kỳ một cuộc phỏng vấn nào, ứng viên đều được hỏi bạn mong muốn môi trường làm việc ra sao. Nhưng thực ra khi đem lên bàn cân, đây là thứ mình sẽ bỏ qua nhiều nhất. Để sống được trong một xã hội, ai cũng cần có khả năng thích nghi đến một mức nào đó. Mình đã từng ở trong những môi trường mà theo mình là văn hoá rất thấp, nhưng nếu chỉ cần duy trì công việc và xã giao với đồng nghiệp thì không có gì khó đến vậy. Trừ khi bạn muốn nhanh chân thăng tiến trong một môi trường không phù hợp với bạn, và cái này trừ khi đủ bản lĩnh thay đổi cả con người mình, còn không thì chắc chắn "cái gì không đúng sẽ bị đào thải". Chính bởi vậy, môi trường có không tốt thì bạn vẫn duy trì được công việc ở mức ổn định, "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về". Môi trường khắc nghiệt có tính độc hại về lâu về dài, nhưng để phát triển bản thân thì là một điều nhất định phải trải nghiệm trong một đoạn đường sự nghiệp. 
Về riêng môi trường làm việc tệ hại, mình tự chia ra làm 02 loại: Đồng nghiệp tệ là 1, hoặc sếp tệ là 2. Nếu có cả 2 thì chắc là sự tồn tại của chúng ta ở tổ chức đó cũng không được lâu, nên tạm thời bỏ qua. Với đồng nghiệp tệ, dễ hơn để ta đóng vai hiền lành cho qua chuyện. Có một điều mình tin rằng, cách người khác đối xử với ta là tấm gương phản chiếu của chính ta trong một môi trường. Bởi vậy, nếu đồng nghiệp đối xử tệ với ta, ta cũng có thể "hiệu chỉnh" cách ứng xử của mình đi một chút, miễn sao cho trôi việc chứ không đến mức phải nghỉ làm. Còn về "sếp", có thể là sếp trực tiếp, cũng có thể là sếp tổng ở xa xa. Vấn đề sếp có tệ hay không, theo mình là khó nhận biết hơn. Một người sếp tệ có khả năng tạo ra một văn hoá doanh nghiệp tệ hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của một người trong doanh nghiệp đó. Giả dụ bạn là một người ngay thẳng nhưng không may gặp những người sếp "ăn trên ngồi tróc", mong muốn được nịnh nọt, bợ đỡ và chỉ khi bạn làm thế mới có cửa thăng tiến, thì khả năng sau thời gian 1-2 năm bạn sẽ phải đánh giá lại chỗ làm của mình. Nhìn chung, doanh nghiệp dù có lớn đến đâu nhưng văn hoá cũng chỉ được xây nên bởi những người đứng đầu. Một kẻ đứng đầu tủn mủn, nhỏ nhen cũng sẵn sàng dung túng cho sự tủn mủn, nhỏ nhen của kẻ khác. Thế nhưng, bạn phải ở đủ lâu ở một nơi mới có thể đánh giá được bộ máy của nó. Bởi vậy, môi trường doanh nghiệp vẫn không thể quan trọng bằng 03 yếu tố tiếp sau đây.
3. Sự phát triển:
"Sự phát triển" được chia ra làm 02 dạng: phát triển về chuyên môn và thăng tiến về lâu dài. Mình tạm diễn giải 02 trường hợp này như sau:
- Phát triển về chuyên môn nhưng không thăng tiến lâu dài: Xác xuất công ty lớn ở loại này cao hơn. Bởi ở công ty lớn, mỗi người có một nhiệm vụ cụ thể, nên bạn có thể phát triển hơn ở chuyên môn bạn chọn. Thêm vào đó, danh tiếng của một công ty lớn giúp bạn dễ dàng hơn khi nộp vào nơi khác trong tương lai. Tuy vậy, do một bộ máy có quá nhiều người cạnh tranh trong cùng một vị trí, sự thăng tiến lên cấp cũng khó khăn hơn nhiều.
- Thăng tiến được nhưng chuyên môn không cao: Điều này xảy đến khi bạn phải kiêm nhiều vị trí một lúc. Ở những doanh nghiệp thế này, bạn rất dễ nắm được sự bao quát trong công việc, kỹ năng lên kế hoạch và điều phối các stakeholders để mọi việc đi đúng hướng.  Bù lại, bạn không có quá nhiều thời gian để đào sâu về chuyên môn. Điều này có thể gây nên bất lợi về sau hay không, là do lựa chọn của bạn muốn đi lên cấp quản lý hay chuyên gia. Nếu bạn xác định bản thân mình sẽ thành quản lý, đây là một con đường đúng. Nhưng để trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực, bạn cần đào sâu thêm bằng cách tự đọc sách/ tự triển khai các dự án bên ngoài công việc. Hoặc đơn giản hơn là nghỉ đi tìm việc khác. 
Đối với một người mới bắt đầu, loại kinh nghiệm nào cũng là tốt cả, và bạn buộc phải trải nghiệm để hiểu rõ mình cần sự phát triển nào hơn. Kể cả khi bạn đọc những dòng này, đó cũng chỉ là những lý thuyết được đúc rút ra từ người khác. Chỉ một mình bạn mới hiểu được sự phát triển ở nơi đâu là đúng đắn nhất, và điều này là một hành trình cần có sự tích luỹ từ khi còn rất trẻ. Chính bởi vậy, sự phát triển tuy quan trọng nhưng chỉ ở vị trí số 3, bởi nó vẫn phải đi sau các yếu tố có tính "cấp thiết" hơn.
2. Tiền:
Hãy quên đi tất cả câu nói "dạy đời" về lương lậu (mình có đề cập ở bài viết trước về những giáo điều của tuyển dụng). Phải làm ra một lượng tiền đủ sống, bạn mới tồn tại được. Và chỉ khi tồn tại được rồi, bạn mới có khả năng phát triển, mới có khả năng tạo ra những điều to lớn hơn. Mình đã từng ở một công ty lớn, môi trường tốt, sếp tạo điều kiện cho mình được phát triển. Tuy nhiên, mức lương lúc đó, so với mình mà nói, là không đủ sống. Đó có phải một mức lương "bóc lột" không? Mình khẳng định là không, nếu so sánh mức lương đó với những công việc mình phải làm, cũng như cơ hội được học tập từ mọi người trong tổ chức. Mình cũng từng được nhận offer tăng lương, nhưng cuối cùng vẫn quyết định "dứt áo ra đi". Bởi đồng lương có tăng đều nhưng tăng ít thì cũng không đảm bảo được cho mình sống theo cách mình muốn. 
Nhiều người quan niệm rằng, nếu là "con nhà giàu", bạn có thể chấp nhận một công việc lương thấp để an nhàn. Cái này còn phải phụ thuộc xem tham vọng của bạn đến đâu. Có nhiều kiểu "con nhà giàu", nhưng nhiều "con nhà giàu" giỏi tính toán hơn "người thường" lắm. Họ cũng thừa hiểu không nên đầu tư công sức vào một nơi cho mình được ít hơn tiêu chuẩn sống của họ. Bởi vậy, một công việc tốt, đầu tiên phải đảm bảo được thu nhập đủ cho người làm công ăn lương cảm thấy hài lòng với chính họ. 
1. Khả năng & Sở thích:
02 cái này có thể chia ra 2 loại, nhưng thú thật mình chưa biết xếp chúng hơn kém nhau thế nào. Bởi nếu bạn có khả năng làm việc gì, thì bạn sẽ thích nó ở một mức nhất định. Còn nếu bạn thích gì đó, bạn cũng sẽ mày mò để thực hiện nó đến một trình độ ít nhất là vừa phải. 
Thiếu đi khả năng và sở thích, dù những cái còn lại có tốt đến bao nhiêu cũng không đủ sức níu kéo bạn vào một công việc, đặc biệt trong thời đại có nhiều cơ hội cho mọi người. Hãy tưởng tượng bạn ghét nói trước đám đông, nhưng phải đi dẫn chương trình hay làm giáo viên? Những nghề này đều được cho là nhiều tiền tính theo số thời gian bỏ ra, nhưng liệu bạn có làm được nổi quá 03 lần? Để có tương lai trong một công việc, nhất định phải thích & có khả năng làm nó đủ tốt, trước khi tính đến những yếu tố khác.
Hy vọng bài viết này có giá trị tham khảo mỗi khi các độc giả lựa chọn một công việc. Đối với cá nhân mình mà nói, cốt lõi của bất kỳ việc gì cũng là "biết mình, biết ta". Chỉ cần hiểu bản thân muốn gì, ta sẽ đưa ra được quyết định đúng đắn nhất.