Không, đây không phải câu nói của mình. Đây là câu nói mình nhận được khi đang xem livestream của một bạn nữ rất xinh tên Trang Phạm, vợ của streamer Xemesis. Không chỉ bạn nữ này mà cả Trần Thanh Tâm, may mắn có được vẻ ngoài hình xinh đẹp nên nhờ đó mà được nhiều người chú ý thì đó là điều tốt. Nhưng xin các bạn hãy có trách nhiệm với sự nổi tiếng của mình bằng cách đóng góp các giá trị cho cộng đồng và tránh đưa ra những phát ngôn cổ xúy vật chất như vậy.
Trần Thanh Tâm (trái) và Trang Phạm (phải)
Mình đã xem video của cả 2 bạn trên, mặc dù đúng là do bị người khác nói khích “Bỏ học cấp 3 thì có sợ bị người khác khinh không”, nhưng cách trả lời kiểu “Học ngu còn hơn học giỏi mà không kiếm được tiền” thể hiện rõ bản chất là còn trẻ nên chưa trải chuyện đời.
Những tấm gương thành công trên thế giới thì thường bị truyền thông một cách lệch lạc để thu hút con người. Bill Gates với Mark Zukerberg bỏ học, nhưng họ bỏ học Harvard, chứ không phải trường làng. Họ bỏ học là biểu hiện, nhưng trí thông minh của thiên tài lại là bản chất. Tương tự, khi bạn thấy một người thi đại học chỉ được 15 điểm 3 môn mà giàu, mà thành công, thì đừng vội nghĩ học lên cho 25, 30 điểm cũng chả để làm gì.
Nếu các bạn nói việc học dốt, học giỏi (mà trong bối cảnh 2 em nói ở đây là việc học, thi ở nhà trường) không quyết định khả năng kiếm tiền, thì điều đó không sai. Kiếm tiền là một hoạt động yêu cầu rất nhiều kỹ năng, kiến thức, thậm chí là may mắn nữa, những thứ mà không nền giáo dục nào có thể cung cấp hết cho người học cả.
Tuy nhiên, không nên nhìn vào hiện tượng “kiếm nhiều tiền” đó, mà vội kết luận bản chất là “người này hơn người kia”. Tiền không thể quyết định độ hơn kém của con người, vì cuộc sống cấu thành bởi cả trăm thứ khác nhau, người ta có thể không giàu có về tiền bạc, nhưng lại “giàu có” về độ cao học thức, vẻ đẹp nội tâm, tình yêu chân thành cũng như sự tôn trọng từ xã hội.
Phương cho rằng, người có tài thì không nên để mình nghèo, nhưng đừng gói gọn mục đích cuộc sống của mình bằng hai chữ “làm giàu”. Hãy sống một cuộc sống có ý nghĩa hơn cả hai chữ “làm giàu” đó. Nhiều người có thể kiếm không nhiều tiền bằng các em, không trực tiếp tạo ra GDP cho đất nước nhưng họ cống hiến và đóng góp theo cách khác như làm từ thiện, nghiên cứu khoa học, hoạt động xã hội, v.v Những người bậc vĩ nhân như Bill Gates, Jeff Bezos, họ còn chưa coi thường những người kiếm tiền ít hơn họ, vậy mà các em mới chớm thành công khi còn trẻ mà đã tự đặt mình hơn biết bao người khác. Nếu lấy tầm mắt của những người theo chủ nghĩa vật chất, thì sẽ không bao giờ biết được những tầm vóc của những bậc vĩ nhân lớn lao đến nhường nào.
Hơn nữa, sự so sánh không thông minh này đã vô tình coi nhẹ việc học, gây ảnh hưởng không tốt đến những bạn trẻ đang ngưỡng mộ hai em. Kiếm tiền, như mình nói ở trên, yêu cầu rất nhiều kỹ năng mà nhà trường đôi khi không đáp ứng đủ, nhưng không thể chối bỏ những gì trường học cung cấp sẽ giúp quá trình đến thành công nhanh chóng, bớt vất vả hơn rất nhiều.
Mắt ta chỉ có thể nhìn thấy những gì mà đầu óc đã sẵn sàng để lĩnh hội. Chỉ những người bỏ học cấp 3 như em Trang Phạm thì mới không thể nhìn thấy, thấu thấy những điều mà người học đại học biết. Tầm nhìn cũng sẽ bị hạn chế, vì bỏ học rồi thì làm sao có thể biết rằng nếu như em học tiếp cấp 3, học lên đại học thì em có kiếm tiền ít hơn bây giờ hay không, nên việc học và kết quả học tập chưa chắc đã vô dụng như em nghĩ đâu.
Trước khi các bạn ngưỡng mộ cô gái vừa trẻ vừa xinh vừa nhiều tiền nhưng học dốt kia, thì Phương chỉ mong các bạn nhớ rằng: Nếu có 100 người học dốt, thì chỉ có 1-2 người giàu, thế nên được chú ý, truyền thông báo đài đưa tin. Còn 100 người giàu, thì có đến 99 người học giỏi. Vậy nên chuyện người giỏi thành công ở ngoài đời thì là chuyện thường gặp, dễ hiểu, nên cũng chẳng mấy ai đưa tin. Và có những thứ trường học dạy ta rất nhẹ nhàng nhưng cùng những thứ đó để đời dạy ta lại tàn nhẫn hơn rất nhiều. Nên mình vẫn mong con mình được các cô giáo dạy kiếm tiền khó lắm chứ không phải lao vào đời, bị phá sản rồi mới biết đồng tiền không phải chuyện dễ dàng.
Điều làm mình buồn nhất, chính là câu nói “Xã hội bây giờ chỉ cần tiền thôi các bạn hiểu hông?” của em Trang Phạm. Đúng là xã hội chúng ta bây giờ đang đề cao đồng tiền hơn cần thiết, coi trọng đồng tiền hơn các giá trị khác của cuộc sống. Nhưng xu hướng ấy là xu hướng tiêu cực, cần được điều chỉnh, cần được khắc phục.

“Đồng tiền lăn tròn trên lưng con người. Đồng tiền làm cho trái hoá phải, đen hoá trắng và người đàn bà goá phụ trở thành cô dâu mới.” (Shakespear) – là một xã hội cổ súy vật chất, hỗn loạn vô cùng. Ai cũng coi đồng tiền là trước nhất thì người ta sẽ quên mất cách yêu thương, hy sinh và đùm bọc lẫn nhau mất. Mình rất lo lắng việc các em nhỏ, khi thế giới quan vẫn đang hình thành và đang mập mờ xây dựng những giá trị cho bản thân bị cổ súy để rồi quá đề cao giá trị kim tiền, diều đó sẽ rất nguy hiểm cho các em.
Có nhiều người cho rằng tiền là công cụ, với Phương thì tiền là thành quả của việc chăm chỉ, trau dồi, cố gắng, nỗ lực. Tiền là biểu hiện còn con người, hành động của mình mới là bản chất.
Theo đuổi bản chất chứ đừng theo đuổi biểu hiện các bạn nhé, vì biểu hiện là thứ dễ đánh lừa, thậm chí che dấu bản chất xấu. Cuộc đời này dài rộng lắm, bất ngờ và khó đoán định nữa, nên ai hơn, ai kém không ai nói trước được điều gì đâu.
Hãy chia sẻ để những người còn trẻ sẽ nhận ra đâu là hiện tượng, đâu là bản chất chứ không đi theo những tấm gương không tốt.

Thân ái,
Vũ Phương.