Mùa cưới nhìn chung có lẽ là một dịp họp lớp đặc biệt, nhất là với những đứa đi học xa quê như tôi. Nhờ có đứa nào đó cưới mà anh em mình lại được chung mâm chí chóe thêm một lần, hớn hở cười đùa như những đứa học trò thêm một lần nữa.

Thật lòng mà nói, bạn lấy chồng thì cũng là chuyện bình thường. Trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng, đến tuổi trưởng thành, thấy hợp thì lấy nhau thôi. Mấy năm qua, tôi không lấy làm lạ khi cứ đến mùa này, newsfeed lại rộn ràng ảnh các cô dâu, chú rể mỉm cười hạnh phúc. 
Tôi không lấy làm buồn khi bạn theo chồng bỏ cuộc chơi, không lấy làm ghen tỵ khi người yêu cũ năm cấp 2 hốt được cô vợ đẹp, không hùa vào những cuộc trò chuyện sân si về chồng của cô dâu hay vợ chú rể trong một group có tất cả thành viên ngoại trừ nhân vật chính. Nhưng cứ mỗi mùa cưới đến, tôi vẫn rất bối rối. Tôi không biết có ai trải qua những cảm xúc lộn xộn này không, nhưng sau nhiều năm chứng kiến bạn mình đẻ đến tận đứa thứ hai, có đứa còn kịp đi thêm tập nữa, tôi vẫn rất bồi hồi.
Bạn bè tôi cấp 3 hầu như còn đang học hành thạc sĩ tiến sĩ, phấn đấu sự nghiệp hay lấy nốt vài cái bằng nào đó nên chưa đứa nào báo hỷ, phần lớn là bạn cấp 2. Mỗi lần một đứa bạn cưới, những suy nghĩ trong đầu tôi lại đễnh đãng trôi về khoảnh khắc hồi tôi còn học phổ thông, ngồi bãi choài bền bệt trên bãi cỏ sau trường, miệng hét inh ỏi: 
- Bọn bây chơi bẩn rứa, đ** chi lớp 8 rồi còn chơi trò xé áo ăn vạ.
Phía bên kia cũng không vừa:
- Không chịu được đừng chơi, luật ở xóm choa rứa đó!
Cãi qua cãi lại, chúng tôi quyết định: Từ nay chơi ù có tao thì đ** có mày!
Bẵng đi một thời gian, tôi lại nhìn thấy cũng là mấy con bé đó, mắt xanh đỏ lem nhem khóc nức nở, dụi đầu vào vai tôi ngày bế giảng cuối cùng của cấp 2, tôi đi học chuyên, chúng nó quyết ở lại "trường làng". Gọi là trường làng những cũng là top 1 huyện tôi thời đó. Chúng nó cũng là những đứa học sinh giỏi nhưng vì chưa muốn xa gia đình nên quyết không xuống thành phố. Thế là cả khóa năm đó, mỗi tôi - đứa luôn khao khát được bung cánh tự do, xách balo tự mình xuống phố đi học. Tôi đã không nghĩ khoảnh khắc đó chúng tôi xa nhau dần, xa đến mức ngày nó cưới, tôi còn băn khoăn: Đi không nhỉ? Cũng tám năm rồi chưa liên lạc lại, tin nhắn gần nhất là "Mi định đi du học hay chọn trường chi rồi?".
Những đứa khác cũng vậy, mỗi lần chúng nó mời cưới, tâm trí tôi đều đễnh đãng về những ngày cũ - thời còn xé áo nhau; còn chống tay ngang nách mà chửi lấy chửi để, còn dành nhau tờ poster; còn chiến nhau như những chiến binh mạnh mẽ đến từ các fandom K-pop; còn lườm nhau chơi trò cô lập; còn hí hủm nói xấu sau lưng; còn chia nhau gói mì tôm trẻ em vị lợ lợ, còn ôm nhau khóc khi một đứa trượt kỳ thi quan trọng, đứa kia lại đạt giải cao nhất; còn đủng đỉnh đèo nhau trên chiếc xe cà tàng chẳng sợ muộn lớp; và còn rất nhiều rất nhiều điều khác.
Thế rồi tôi bắt đầu tiếc. Tôi luôn xem đám cưới là một dịp đánh dấu sự trưởng thành. Phải lớn rồi, không chơi với Peter Pan nữa, Wendy mới kết hôn (và sinh con đẻ cái). Dù học bao nhiêu, đọc bao nhiều về hôn nhân, về đồng sáng tạo, chữa lành trong mối quan hệ, tôi vẫn cứ có một niềm tin cố hữu: Cưới về là thôi khỏi làm con nít. 
Tôi bối rối vì những đứa bạn cùng tuổi đã khóa chiếc hộp tuổi thơ vào ngăn kéo của chúng còn tôi thì vẫn bổi hổi nhớ về. Tôi bối rối tiếc rẻ những ngày cũ sao mà vui thế, và chắc bối rối nhất chính là:
- Giờ hội nhảy dây, đá cầu, đá bóng ngày xưa dần yên bề gia thất, nếu một ngày tôi muốn chơi, tôi sẽ phải gọi ai?
---
Trò chuyện thêm với mình tại đây nhé:
Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài.
Đừng quên ủn mông mình bằng 1 chú upvote ủng hộ ha ^^