Dù biến cố tuổi thơ tôi được gây ra bởi người lạ, nhưng hầu hết những thương tổn tuổi trưởng thành lại từ mối quan hệ của tôi với ba mình.
"Em muốn đạt được điều gì sau 1 tiếng khai vấn hôm nay?"
Chị luôn hỏi tôi câu hỏi đó khi chúng tôi bắt đầu. Có những ngày, tôi biết rất rõ mình muốn gì tiếp theo, nhưng có những ngày, tôi chỉ muốn nói những thứ bất chợt diễn ra trong đầu mình.
Tôi nói với chị là tôi không hiểu được tại sao mọi người lại bảo là việc tâm sự và bày tỏ nỗi lòng của mình với những người mà tôi tin tưởng sẽ khiến cho mọi thứ khá hơn. Nếu dễ dàng đến thế thì cần gì phải người ta phải có ngành tâm lý học nữa. Sau những lần kể lại câu chuyện đời mình với một số anh chị bạn bè, theo đúng kiểu giải bày tâm sự, tống ra hết những thứ mình có, thay vì giải tỏa và đi được tiếp như người ta hay bảo, tôi chỉ thấy mình còn lại một cái xác rỗng không. Tôi mệt mỏi và đi ngủ, sáng dậy, khoảng trống trong lòng tôi rộng thêm một chút. Tôi thường mở mắt khi trời mờ sáng, nhìn lên trần nhà, thay vì nhìn thấy những quân cờ chuyển động đáng yêu như trong The Queen's Gambit, tôi lại kiểm tra lại xem mình còn muốn chết nữa không. Chỉ có thế. 

"The baby step"
Nhờ chị, lần đầu tiên tôi được nghe đến khái niệm này. Nó đơn giản chỉ là một cách gọi chỉ những bước nhỏ đầu tiên của một hành trình nào đó. Gọi nó là "baby step" vì nó nhỏ, có thể té ngã bất cứ lúc nào, chậm chạp và dần chắc chắn.
----
Tôi đã không trầm cảm vào năm 7 tuổi khi biến cố đầu tiên ập đến đời mình, cũng không trầm cảm khi mối quan hệ của tôi và ba mình dần tồi tệ theo thời gian, không trầm cảm khi vừa đứng xào rau vừa bảo mẹ nên ly hôn với ba, cũng không trầm cảm khi buổi sáng phải chống cự với một người đàn ông, buổi chiều lau nước mắt hoàn thiện ngày thử việc cuối cùng trên công ty trước khi có quyết định được nhận chính thức, cũng không trầm cảm khi biết mối tình đầu của mình quen đồng thời một người khác. 
Nhưng tôi đã trầm cảm sau khi đứng trước xác chết của một người đàn ông.
Đó là lần đầu tiên một người mà tôi có nhiều ký ức với họ trước đó chết đi. Ung thư phổi ở tuổi 54, mẹ tôi ngắn gọn qua điện thoại và bảo tôi sắp xếp ghé qua tang lễ, ba tôi đã đến đó sẵn đợi tôi. Tôi đứng cách xác ông ta một bước chân, bức vải vàng phủ lên che đi sự khó coi của cái chết. Ông ta ra đi để lại 2 người vợ, 3 đứa con, bé gái cuối cùng với người vợ hai vừa tròn 10 tháng tuổi. Tôi đứng trân trân nhìn sự thing lặng duy nhất giữa căn phòng đầy tiếng than khóc xì xầm. "Thật dễ dàng" Tôi đã nghĩ như vậy. Một sự đau đớn, giận dữ và cả ghen tị nổi lên trong lòng tôi. Tôi mất ngủ liên tục 2 tuần sau đó, và bắt đầu vơ vào tất cả những thứ mà tôi có thể để tìm hiểu về sự chết. 
Đây là cách mà từng "baby step" dẫn đến "the next big thing".
Nếu tôi đã đi ngần ấy bước nhỏ từ năm 7 tuổi để rồi trầm cảm vào tuổi 22, vậy đâu sẽ là baby step dẫn tôi bước ra khỏi nó?
Walk baby steps towards healing

"Tôi đang cảm thấy gì lúc này?"

Không phải là tôi đang làm gì, không phải tôi đánh giá về nó như thế nào, mà là tôi đang "cảm thấy" gì. Tôi đã bắt đầu bằng việc liên tục tự hỏi mình về cảm xúc của bản thân liên tục trong ngày và kéo dài cho đến hiện tại, ghi lại nếu cần.
Người ta hay khuyên bảo những người trầm cảm cần phải biết yêu thương và chăm sóc bản thân. Nhưng họ không nói tại sao phải làm thế và làm điều đó thế nào. Tôi muốn thoát khỏi trầm cảm, và tôi bắt đầu bằng việc tìm ra những thứ khiến tôi dễ chịu, ngay cả dễ chịu nhất thời. Như là, tôi cảm thấy đường đi làm có hàng cây đẹp, tôi thích nhìn ánh hoàng hôn lúc 5h30 chiều, tôi thích việc ngồi ở 1 quán cafe vắng, thậm chí, tôi cảm thấy thoải mái khi thấy nước, tôi thích tắm lâu, tôi thoải mái khi tiếp xúc với các tư tưởng đen tối, tôi thích việc cả ngày chỉ nằm trên giường mà chả làm gì. Tôi không thích việc sáng dậy đúng 8h sáng và đi làm, tôi không thích nghe điện thoại từ gia đình, tôi căm ghét việc giải thích cảm xúc của bản thân, tôi ghét cả việc dọn phòng... 
Cái hay từ việc tự hỏi về cảm xúc của bản thân, và không đánh giá chúng theo quan điểm thông thường của người đời, là dần dần, tôi sẽ làm nhiều việc khiến mình cảm thấy dễ chịu hơn. Kết quả? phòng ốc bừa bộn khủng khiếp, ba mẹ điên lên vì tôi hiếm khi nào mà liên lạc được, sếp bắt đầu khó chịu vì tôi thậm chí nghỉ việc mà không báo, tôi thường xuyên trong trạng thái bơ phờ vì thức khuya...Một cách sống ích kỷ khủng khiếp và một kẻ vô trách nhiệm đúng nghĩa trong mắt mọi người. 
Nhưng tôi phải làm vậy vì bản thân, tôi biết sự ích kỷ tạm thời đó cho dù nó có tàn phá bao nhiêu thứ đi nữa, nó sẽ có tác dụng cứu sống mình nếu mình tận dụng nó
Tôi thấy thoải mái khi bắt đầu ngày lúc 11h sáng, tắm thật lâu, đi ra quán cafe ngồi cả ngày, lên mạng đọc đủ thứ về huỷ diệt thế giới *hoặc* cứu thế giới, ghi chép vẽ vời chả vì lý do gì, về nhà lúc 5h30 để ngắm được chút ánh chiều tà, đi ngang qua công viên để thấy được những hàng cây xanh thẳng tắp, và về nhà nằm lên giường chả làm bất cứ điều gì. Đương nhiên không phải lúc nào cũng hoàn hảo được đến thế, vì những trách nhiệm xã hội bao giờ cũng réo gọi, tôi chỉ dành cho mình được 2-3 ngày trong tuần như vậy, để lấy năng lượng đó bù cho những ngày sống "bình thường" tiếp theo. Hoặc cũng có khi, tâm trạng tôi tiêu cực đến độ tôi tìm đến không thể ngăn cản mình nghĩ đến self-harm, những lúc đó, tôi phải cố gắng hơn thông thường, nhưng thay vì những suy nghĩ đánh giá trong đầu, tôi cố gắng thêm một suy nghĩ nữa đầy bao dung "nhưng ngay cả khi những đánh giá tiêu cực kia là sự thật, thì cũng không sao cả đâu". 
Người ta chả bao giờ khen một người khi họ đơn giản là dậy đúng giờ, họ ăn đúng bữa, họ dọn dẹp phòng sạch sẽ, hay họ T.H.Ở. Nhưng tôi học cách tự khen những baby step đó của mình. Y như một người mẹ cổ vũ con mình khi nó đi được những bước đầu tiên. Chỉ cần có 1 baby step đó trong ngày, sau khi đặt lưng xuống giường, tôi sẽ nghĩ "mày đã làm rất tốt". 
"Bản ngã" và kiến thức về Tiểu tính cách


Trong cuốn Become One của Cherie Carter-Scott_mẹ đẻ của ngành Khai vấn. Bà đã nói việc một người có thể có nhiều Phiên bản_hay tiểu tính cách trong người. Giống như những quảng cáo mà bạn thấy một người phụ nữ mặc vest hổ báo họp hành ở công ty sau đó chuyển cảnh và thay đồ để trở thành một bà mẹ hiền dịu vào bếp chuẩn bị bữa ăn cho chồng con vậy. Ý của Cherie là mỗi người chúng ta tuỳ vào môi trường, tình huống, và những người xung quanh, mà có những kiểu tính cách riêng của mình. 
Trong một hoạt động của công ty, tôi được yêu cầu thu thập 5 đặc điểm tính cách mà 10 đồng nghiệp nghĩ về mình, và chọn ra 3 từ trùng lập nhiều nhất mà 10 người đó chia sẻ. Tôi chạy một vòng và cuối cùng, tờ giấy của tôi gom lại thành 3 từ sau: "Kỷ luật", "tâm lý", "tham vọng". Lúc nhận được cái kết quả này, tôi nheo 2 mắt lại rồi nghĩ: "thế dell nào mà với một dàn biểu hiện kể trên, người ta vẫn nghĩ mình kỷ luật và tham vọng thế nhỉ?". Sau này tôi biết được, họ thấy vậy vì họ nhìn vào "phiên bản con người của công việc" trong tôi_thứ duy nhất mà họ tiếp xúc trong 8 tiếng văn phòng, còn tôi, tôi nhìn vào con người mình vào 16 tiếng còn lại. Nó làm tôi tự hỏi: "Rốt cuộc tôi có bao nhiêu phiên bản nữa? Đặc tính của chúng như thế nào? Nó xuất hiện để đáp ứng nhu cầu gì?"
Cứ thế, tôi đào sâu hơn nữa vào mình, để bắt được hình hài của bản ngã, nỗi đau, và cái chết, để trả lời cho câu hỏi "tôi sống để làm gì?"