Chị ly hôn chồng vì không thấy mặn mà trong một cuộc hôn nhân khi người chồng lấy nghiên cứu là lý tưởng cuộc đời, còn chị lại chỉ mong một gia đình quây quần với trẻ con. Có lẽ chính sự khao khát một gia đình đầm ấm làm chị tin cuộc gặp gỡ giữa chị và hắn là định mệnh được minh chứng bằng “tình yêu đích thực”. Hắn ta nói cũng đang trong giai đoạn hôn nhân đổ vỡ, con sống với vợ nhưng hiện chưa thể ly hôn vì sợ ảnh hưởng tới con. Với chị đó là một người đàn ông tử tế, chịu ràng buộc đời mình vì đứa trẻ nên chị yêu tha thiết, một lần nữa, không cần danh phận, không cần ràng buộc. Nhưng chua chát thay! Hai lần chị mang thai con của người đàn ông này, hắn lại bắt chị bỏ với lý do chưa thể dứt khỏi hôn nhân hiện tại, vì danh phận địa vị hiện có, vì những điều kiện hiện hữu không tạo ra tương lai tốt đẹp cho mẹ con chị. Chị phát hiện thêm hắn còn đi lại với nhiều người khác nữa. Chị chia tay mà vẫn dằn vặt đau khổ vì yêu.

Một chị khác, người chị yêu galant, có học thức, địa vị, học hàm Tiến sĩ, có tiếng nói trong ngành chuyên môn. Gia đình có chức quyền và danh thế. Bỏ qua sự khác biệt về quan điểm, tư tưởng, điều bất bình đẳng, chị yêu anh ta hết mình và có cái kết viên mãn cho tình yêu trong…1 năm. Một năm sống với nhau, đủ cho chị nhận ra sự đơn độc trong hôn nhân của chính mình, cho chị thấy sự tủi thân khi bị so sánh tước hàm Cử nhân với học vị Tiến sĩ trong gia đình chồng, cho chị thấy sự khác biệt hoàn toàn giữa người mình đã lựa chọn yêu và người mình đang chung sống thực tế… Chị quyết định ly hôn để thoát khỏi sự bế tắc từ gia đình chồng, từ người chồng và trong chính mình, dù đằng sau là đầy tiếng thị phi và đằng trước là một tương lai mịt mù.

Hai người phụ nữ – hai con người “cháy hết mình” theo tiếng gọi ái tình. Nên gọi đây là “tình yêu mù quáng”, hay là “ảo vọng tình yêu”? Nên chăng là “ảo vọng”, vì nó thực sự đẹp, mộng mơ và êm dịu đến mức mỗi người đều muốn túm lấy, giữ chặt, đuổi theo mà không muốn biết đến đường quay về. Khi niềm khao khát bên trong mỗi người quá lớn sẽ sinh ra “ảo vọng” che lấp đi bản chất thực sự việc trước mắt. Người trong cuộc rất khó nhận ra sự lệ thuộc của bản thân cho đến khi “tỉnh ngộ” với bài học giá trị sâu cay thực sự, đặc biệt là về mối quan hệ.

Chị gái trong câu chuyện đầu tiên, sau 5 năm cố gắng duy trì “ảo vọng” với một tên sở khanh, 2 lần nạo phá thai đã khiến chị mất đi khả năng làm mẹ. Chị là nạn nhân của “mối quan hệ độc hại”. Điều tệ là trong quan hệ lệ thuộc này, hắn ta là người kiểm soát mang tính quyết định và chị là người chấp nhận sự kiểm soát đó. Hắn cần một đối tượng có thể tăng cường lợi ích  (vật chất, tình cảm, tình dục…) cho bản thân hắn, còn chị – người bị lạm dụng - lại cần sự bao bọc để cảm thấy an toàn. Vì thế chị “trao quyền” những lợi ích mà hắn cần để đảm bảo sự tồn tại của mối quan hệ. Người muốn lạm dụng trở thành “người lạm dụng”. Người muốn bị lạm dụng trở thành “người bị lạm dụng”. Cân bằng được tạo ra. Mối quan hệ được thiết lập. “Ảo vọng” được thổi phồng.

“Ảo vọng” đối với hai chị đều là mong muốn một cái kết hạnh phúc đến cuối đời với “hoàng tử bạch mã” của mình. Niềm tin vào “ảo vọng” của hai chị lớn đến mức cả hai chỉ (lựa chọn) nhìn vào “phần sáng” đẹp đẽ được tạo ra mà không chấp nhận nhìn vào “phần tối” ẩn sau đó. Cho đến khi “bong bóng ảo vọng” vỡ vụn, hai chị mới chợt hiểu ra thực tế phũ phàng và điều các chị cần làm là phải chạy thoát khỏi “ảo vọng” đó càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, “ảo vọng” là trong các chị ấy, lựa chọn chạy theo “ảo vọng” cũng là của các chị. Vì thế, chịu trách nhiệm với “ảo vọng” của bản thân cũng thuộc về các chị.

Sau cuộc hôn nhân non trẻ của mình, chị gái trong câu chuyện thứ hai đã mất 2 năm để thoát khỏi trầm cảm và sang chấn tâm lý sau ly hôn. Chị thay đổi nhịp sống, học cách yêu bản thân, chăm sóc cơ thể mình, rồi chị nhận lời kết hôn với một người bạn đã trót yêu chị từ thời sinh viên. Tôi không biết có nên gọi tình yêu trong anh chàng này là “ảo vọng” hay không, nhưng một người đàn ông bền bỉ theo đuổi tình yêu, vẫn tin yêu một người phụ nữ thậm chí giờ có nhiều vết thương đan xen, nhiều thị phi đeo đuổi thì không phải mấy ai cũng làm được. Nếu “ảo vọng” là một sự thổi phồng thì khoảng thời gian chứng kiến sự thay đổi/ trưởng thành của người phụ nữ có ý nghĩa với cuộc đời mình, cũng đủ làm anh ta nhìn thấy sự chân thực con người chị. Riêng với chị, một cuộc hôn nhân liệu đã đủ để chị thôi “ảo vọng” vào lòng người hay chưa, tôi cũng không biết nữa nhưng nhìn nụ cười rạng rỡ của họ trao nhau trong ngày cưới thật khiến cho người ngoài đầy ganh tị.

Trong một tới hạn nhất định, “ảo vọng” lại bao hàm cả hy vọng vào điều mình ước ao. Nó tạo thêm niềm tin để mỗi người hiện thực hóa một cuộc sống ý nghĩa hơn, cho chính mình. Xét cho cùng, cả hai chị gái đã sống trọn với tình yêu của mình, dù nhiều dù ít, họ đã có những tháng ngày hoa mộng và ngọt ngào. Người ngoài nhìn vào xì xào nhưng nào ai biết được hương vị của nó “đê mê” đến độ khiến mỗi người một khi bước vào đó rồi đều “trôi” không quan tâm bến bờ.

Người ta thường “lẩn tránh” mặt tiêu cực mà “dốc lòng” hướng về mặt tích cực. Vấn đề phức tạp được nghĩ là đơn giản, vấn đề khó khăn được nghĩ là dễ dàng. Họ thường chuyển hóa các vấn đề phát sinh sang chiều “nhẹ nhàng” hơn nhằm đặt chúng trong phạm vi khả năng bản thân giải quyết được. Đáng tiếc thay! Chính việc đánh giá không đúng bản chất của vấn đề khiến cho mọi chuyện tưởng chừng giải quyết được trong tầm tay lại nằm ngoài khả năng cá nhân họ. Việc đơn giản là việc đơn giản, việc phức tạp là việc phức tạp. Một khi đánh giá được đúng mức độ các sự việc phát sinh, ta sẽ có những phương cách giải quyết hợp lí và hữu hiệu hơn cả với nguồn lực cá nhân hiện tại. Điều cần thiết là không “thổi phồng” những vấn đề đơn giản và cũng không “ảo vọng” vào mặt tích cực của sự việc.

Cũng giống như việc chấp nhận những cảm xúc phát sinh trong mỗi người. Vui là vui, buồn là buồn. Lo âu, chán nản, thất vọng, cô đơn, sợ hãi… đây hoàn toàn là cảm xúc tự nhiên của mỗi người đối với các sự kiện trong cuộc sống. Sao ta lại chối bỏ cảm xúc thật nhất của chính mình, chỉ bởi đó là những cảm xúc tiêu cực? Cảm xúc tiêu cực xuất hiện là một dấu hiệu cho ta biết đã đến lúc cần phải chăm sóc bản thân. Đau khổ là “thông báo” cần “ngừng” gây tổn thương cho chính mình. Chính việc chấp nhận cảm xúc thực sẽ tạo động lực để mỗi người hành động xử trí những vấn đề liên quan. Hành động dẫn đến thay đổi của cảm xúc, cho phép mỗi người giải tỏa cảm xúc tiêu cực đang tích tụ trong chính mình một cách tự nhiên nhất.

“Ảo vọng” là xấu hay là tốt, sẽ tương quan với những “ranh giới” mà ta thiết lập giữa các mối quan hệ bên ngoài và cuộc sống nội tâm bên trong. Một khi “ảo vọng” tới hạn, việc cần làm là “lùi” lại một bước và xem xét/ cân nhắc lại toàn bộ yếu tố liên quan kể cả về mặt tích cực và tiêu cực, đánh giá lại mức độ mối quan hệ hiện tại và bản lĩnh “bước” ra ngoài mối quan hệ đó nếu cần. Việc “lùi” lại một bước sẽ cho ta thêm thời gian để nhận biết “sự độc hại” nhưng “định hình” mối quan hệ tới đâu vẫn tùy thuộc vào hệ giá trị của mỗi người. Bởi không một ai có thể thay ta chịu trách nhiệm cho hành vi, suy nghĩ và cảm xúc trong chính ta.

Giá như sau lần phá thai đầu tiên, chị gái ấy biết “lùi lại” và “định hình” quan hệ tình cảm của mình thì “cái giá” chị phải trả có khi bớt đắng cay hơn. Dù chị là “người bị lạm dụng” nhưng chị đã không hề đem tình thương của mình đi lừa dối một người khác, như hắn. Hãy mừng cho chị vì đã thoát ra khỏi “mối quan hệ độc hại” ấy bởi chị xứng đáng được hưởng một cuộc sống tươi đẹp hơn.

Sau tất cả, các mối quan hệ trong cuộc sống đều đem đến cho ta bài học giá trị để học cách trân quý vẻ đẹp của chính bản thân mình.


_far and far away| 190314_