Cái tôi nay đã già của bà kinh ngạc trước sự hồn nhiên và dũng cảm của mình hồi trẻ
Thiên Táng- Hân Nhiên
You do not have to have a reason to buy yourself a cup of coffee and enjoy a book.
You do not have to have a reason to buy yourself a cup of coffee and enjoy a book.
Đơn giản đây là một quyển sách khiến mình khóc. Ở đây, chúng ta sẽ tìm thấy nhiều nỗi đau vô cùng đẹp mà ta chỉ có thể ngắm nhìn và đau cùng họ. Chỉ vậy thôi cũng đủ khiến Thiên Táng trở thành quyển sách yêu thích của mình.
Thiên Táng
Thiên Táng
Mình tự hỏi tình yêu và hi vọng nuôi nấng ý chí con người hay chính con người nuôi nâng và gìn giữ tình yêu ấy trọn vẹn đến phút cuối cùng của cuộc đời. Giống như Thư Văn, cô dành 30 năm cuộc đời mình, lựa chọn từ bỏ gia đình, sự nghiệp để lên Tây Tạng tìm kiếm thông tin về người chồng mới cưới đã được báo tử. Với hi vọng không một chút căn cứ chắc chắn nào, cô vẫn ra đi cũng như cách cô nhận xét bản thân mình sau 30 năm tìm kiếm rằng: “Cái tôi nay đã già của bà kinh ngạc trước sự hồn nhiên và dũng cảm của mình hồi trẻ”. Mình cảm thấy nếu lúc đó Thư Văn không lên đường đến Tây Tạng tìm Khả Quân thì sẽ chẳng còn một Thư Văn nào nữa trên đời. Bởi trên chặn đường đi ấy, những khắc nghiệt ngoại cảnh của nơi được gọi là nóc nhà thế giới, những xung đột giữa người Trung Quốc và người Tây Tạng lúc bấy giờ, những phong tục lạ hoắc, ngôn ngữ mà rất lâu sau cô mới bập bẹ diễn đạt thành lời và vết thương lòng sâu hoắm còn đau đớn hơn trăm ngàn lần cái chết. Cuộc đời bà bi lụy hơn nữa là những lần hi vọng rồi tuyệt vọng, để đến tận cùng khi bản thân đã cảm thấy như sắp có được cuộc sum vầy, rất gần như sắp chạm được đến anh ấy thì cũng là lần cuối bà thôi nuôi hi vọng. Nơi bà dành hết khoảng thanh xuân ở lại cũng là nơi người bà yêu trở thành một phần bất biến. Người ấy ra đi chính vì cái phong tục, tín ngưỡng nơi đây- Thiên táng. Nếu là ngày ấy, ngày gương mặt bà chưa hằn sâu linh hồn của Tây Tạng, chưa từng nhận được sự cưu mang của con người nơi đây, hay cũng chưa từng nhìn thấy những cảnh chiến tranh ấy thì chắc gì bà sống thanh thản, không thù hằn và không day dứt. Nhìn ở một góc độ nào đó, phải chăng cuộc sống ở Tây Tạng cùng hi vọng về sự sống của người chồng, tuy có đau lòng nhưng vẫn tốt hơn cuộc sống tại Tô Châu với sự tuyệt vọng trước đó. 30 năm ở Tây Tạng cũng là 30 năm bà học cách bước qua sự khác biệt văn hóa, bước qua cái tôi cố chấp về cái chết của người chồng và cũng học được cách chấp nhận cái chết ấy như một phần của sự sống vĩnh hằng.
“Chúng ta đến thế giới này một cách tự nhiên và rời khỏi đó cũng tự nhiên. Sống và chết đều là một phần của bánh xe luân hồi.”
Trích Thiên Táng
Một câu chuyện thật được tác giả Hân Nhiên phỏng vấn và tái diễn theo phong cách văn chương. Nhiều nỗ lực tìm hiểu văn hóa Tây Tạng đã được cô đưa vào một cách tinh tế. Hơi nhiều nhưng là những thứ bản thân mình cũng chưa từng biết. Vậy nên cũng rất hi vọng một ngày có thể đến đây để cảm được sự linh thiêng của 13 ngọn núi, nơi bắt nguồn của những con sông lớn.
P/s: Thiên táng (điểu táng) là hình thức mai táng của người Tây Tạng. Thi thể người chết sẽ được đưa lên đồi cao hoặc núi để làm mồi cho kền kền. Đây cũng được xem như một bài học về sự vô thường thông qua việc từ bỏ thể xác.
Để cảm nhận rõ hơn và biết được hành trình của nhận vật như thế nào. Xin mời mọi người đọc sách nhé.
Một ngày an lành!