Đọc "Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp" để thêm yêu đất nước, con người Việt Nam quê hương mình
Thực sự lâu lắm rồi mới đọc được một cây bút xuất sắc đến thế! Một thứ văn chương thuần văn chương, thuần cuộc đời!
"Cánh đồng bắt đầu từ nơi rất sâu trong lòng tôi Trong máu thịt tôi đã có cánh đồng Ðứng bên ni đồng mênh mông bát ngát Ðứng bên tê đồng bát ngát mênh mông. Tôi làm sao quên được nơi mẹ sinh tôi Mẹ đã buộc cuống rốn tôi bằng sợi chỉ Tắm gội cho tôi bằng nước ao đầm trước" – Nguyễn Huy Thiệp, truyện Thương nhớ đồng quê
Thực sự ấn tượng và cảm động với tình yêu đất nước, con người Việt Nam mà Nguyễn Huy Thiệp đã truyền tải một cách cực kỳ sâu sắc và thần thái qua ngòi bút của mình. Ông đi - quan sát - cảm nhận - nhập tâm những mảnh đời nghèo khổ, lam lũ, long đong của bao phận người Việt, để rồi đem chúng vào văn chương - thứ văn chương không màu mè, phô trương hoa lá, mà cực kỳ giản dị, mộc mạc, như chính cuộc đời một nắng hai sương của họ vậy.
Hôm ấy cũng vào một ngày đầu tháng giống như hôm nay, trăng lưỡi liềm lơ lửng lạnh lùng ở trên không trung như một nét vẽ buồn thảm... Ông bảo đẹp ư? Sao ông lại chỉ chú ý đến những cái đẹp vớ vẩn, cảnh giả như thế? Ông là một người ở đẳng cấp trên, ăn sung mặc sướng quen rồi nên mới có những thứ tình cảm kiểu này. Với người nghèo, cái đẹp phải là cái gì tựa như sự phồn thực, trăng phải tròn, cây đầy trái, túi đầy tiền, nghĩa là cái gì cũng phải đầy đặn như cốc bia này, một trăm phần trăm ông ạ... – Nguyễn Huy Thiệp, truyện Chú Hoạt tôi
“Trong thế giới ăn mày, người ta có thể sử dụng một đứa bé con trong vài ba tháng để làm cớ ăn xin. Khi đứa bé chết, người ta vứt nó ra ngoài đống rác như vứt một thứ vật hỏng bình thường, như cái rổ, cái rế… Việc kiếm ra một đứa bé không khó. Chỉ cần vài ba đồng bạc, một sái thuốc phiện, một bộ quần áo cũ là xong. Đời còn đói rét. Đói rét bất chấp tất cả, cả đạo lý, cả tình người.” – Nguyễn Huy Thiệp, truyện Cún
Sinh ra là kiếp con trâu Suốt đời tăm tối dãi dầu nắng mưa Thân tôi cổ cày vai bừa Nào thừng buộc, nào mõ khua rộn ràng Xin ông, ông xử nhẹ nhàng Tôi xin nộp đủ thóc vàng cho ông Chú nghé tơ có độc chiếc răng Còn chưa vực được, ông đừng vụt roi Tôi biết thân biết phận tôi rồi Tôi không hé miệng nửa lời với ai Gác sừng, rọ mõm, vểnh lai Cắn rơm cắn cỏ lạy ngài lượng cho Đêm năm canh tiết bốn mùa Chuồng xiêu, mái dột gió lùa vẫn cam Ai ơi bưng bát cơm vàng Xót thương trâu đứng bên đàng lẻ loi Khi nào trâu giết tế Trời Miếng thịt bùi ngùi trâu hỡi là trâu... – Nguyễn Huy Thiệp, truyện Chăn trâu cắt cỏ
Tuy nhiên, bên cạnh cái giản dị, đời thường ấy, người đọc vẫn được chiêu đãi bằng những nét hóm hỉnh, nhiều khi tinh tế đến ngỡ ngàng. Lúc thì từ những câu vè dân dã như: "Nứa trôi sông không giập cũng gãy. Gái chê chồng không chứng nọ cũng tật kia" trong truyện Những bài học nông thôn, hay “có độc mới đủ, có phũ như chó mới giàu!…” - trong truyện Phẩm tiết; lúc thì lại là những đoạn văn trào phúng nhẹ nhàng, vừa đọc vừa phải lắc đầu mỉm cười:
Trời rất xanh. Giữa trời có đám mây tràng trông hệt dáng điệu một nhà hiền triết. Thoắt cái, gió xua mây đi, nhà hiền triết biến thành con chó xồm lớn – Nguyễn Huy Thiệp, truyện Nguyễn Thị Lộ
“Cái tên hiệu nó ghê lắm nhé. Vùng ma thiêng nước độc thì tên là Tương Lai, Bình Minh, Tân Lập, Đoàn Kết, Tự Cường! Kêu cứ như chuông! Mấy thằng bán quán, khách vào thì chém cổ lại đặt tên là Bình Dân với Thanh Lịch! Còn mấy thằng bán thuốc bắc nạo thai con gái lại đặt tên là Hồi Xuân với Cứu Thế! Văn học nước mình rôm rả thật!” – Nguyễn Huy Thiệp, truyện Những người thợ xẻ
Sang đến canh năm, chú gà trống đứng ở cửa chuồng, ngó nghiêng, lựa thế bay vọt một cái ra tận hàng rào, đứng đấy gân cổ gáy vang một hồi lanh lảnh. Những con gà mái cũng bắt đầu lục tục đi ra khỏi chuồng rất là thứ tự. Chú gà trống dõi theo một ả mái tơ của nhà láng giềng rồi sà xuống ve vãn giống như một tên trai điếm đàng. Những con gà mái khác liếc mắt, khinh bỉ đàm tiếu với nhau: mới bảnh mắt ra đã thế, dù hắn gáy hay đến mấy cũng phải tìm ra một kẻ thay thế, không thể để cho phong hóa ngày một suy đồi… “Ò ó o! Đời là thế!”. Chú gà trống trừng mắt xua đám gà mái rồi gian manh dụ ả mái tơ ra góc đống rơm vàng óng cuối vườn. – Nguyễn Huy Thiệp, truyện Cánh buồm nâu thuở ấy
Tuy nhiên, có lẽ điểm đặc biệt nhất mà mình cảm nhận được qua tuyển tập truyện ngắn đồ sộ này, lại chính là cách mà ông luôn trăn trở về nghiệp văn chương. Mình nghĩ đây chính là yếu tố cốt lõi để ông giữ được cái tâm với nghề, mà không bị thời gian, vật chất, cám dỗ làm mòn đi nét bút, nét người:
Văn chương là thứ bỉ ổi bậc nhất! – Anh cay đắng nghĩ. – Nó gây ra sự nổi loạn trong cuộc đời thường. Cuộc đời trôi đi đơn giản. Day đi dứt lại làm gì? – Nguyễn Huy Thiệp, truyện Chút thoáng Xuân Hương
Ông Bình Chi bảo: “Văn chương có nhiều thứ lắm. Có thứ văn chương hành nghề kiếm sống. Có thứ văn chương sửa mình. Có thứ văn chương trốn đời, trốn việc. Lại có thứ văn chương làm loạn” – Nguyễn Huy Thiệp, truyện Giọt máu
Tôi không hiểu nổi một người viết văn như chú. Chú là ai? Tại sao chú lại viết ra những thứ làm cho mọi người dằn vặt lòng mình? Chú có quyền gì? Ai trao cho chú cái quyền năng ấy? Tư cách của chú tôi gạt sang bên. Tôi không hiểu sao mọi người vì nể một người như chú? Ở chú có phẩm chất gì? Cao thượng ư? Không phải! Nghiêm cẩn ư? Cũng không phải nốt... Tôi chỉ nhận ra ở chú dục vọng hão huyền và khả năng đánh thức cái dục vọng hão huyền, ghê gớm ấy ở mỗi một người? Điều ấy là tốt ư? Không phải! Xấu ư? Không phải! Từ bản chất, tôi vừa căm ghét vừa sợ hãi, cảm phục những người như chú. Chú có hiểu không? – Nguyễn Huy Thiệp, truyện Quan Âm Chỉ Lộ
Kết: Có quá nhiều cảm xúc sau khi đọc xong cuốn sách này, nhưng mình muốn viết và đăng nó ngay hôm nay, khi mà đồng bào mình đang còng lưng chống bão. Nghĩ đến mà thấy nhói lòng!
Ở nơi phương xa, chỉ biết cầu chúc bình an, mong đồng bào miền Trung mạnh mẽ, kiên cường vượt qua cơn bão này, như cách mà con người mảnh đất hình chữ S anh hùng đã bền bỉ, kiên cường vượt qua mọi khó khăn trong suốt hàng ngàn năm nay.
Trên đất nước mình, đâu đâu chẳng là mảnh đất tình yêu, mảnh đất giữ người? Hãy làm cho mảnh đất này ngày càng phì nhiêu, tươi đẹp. Tôi nghĩ thế, chân thành nghĩ thế. – Nguyễn Huy Thiệp, truyện Quan Âm Chỉ Lộ
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất