Dân miền Tây quê tôi có một câu thành ngữ rất giản dị “Coi vậy mà hổng phải vậy!” Có nhiều trường hợp, tôi thấy câu này chí lý đến mức khôi hài! Việc “nói một đằng, làm một nẻo” không phải là hiếm. Nó chẳng đáng kể khi bạn là một kẻ vô danh tiểu tốt. Nhưng nếu bạn là người của công chúng thì sẽ gây scandal đấy. Thậm chí nó còn nghiêm trọng đến mức khiến bạn thân bại danh liệt! Quyển “Những bậc thầy ngụy tạo” của tác giả Zac Bissonnette là một tập hợp những drama đình đám như thế từng diễn ra ở Mĩ. Hôm nay tôi sẽ review cho các bạn sau vài tuần cầm sách ngồi… “hít hà”.
Thứ mà cuộc sống này đang thiếu là “sự hoàn hảo”. Con người thì luôn khao khát vươn lên. Rủi thay, ta lại thích tin vào những điều kỳ diệu, những cú đại nhảy vọt, những bước chuyển ngoạn mục trong cuộc sống… Có cầu thì ắt có cung. Rồi một ngày, có một gã bước đến vỗ vai bạn mà nói rằng:
“Xin chào! Ồ, mình biết bạn đấy! Một năm trước mình cũng như bạn bây giờ. Cũng hàng ngày đi làm, cày 10 tiếng đồng hồ mà chỉ nhận được đồng lương ít ỏi… Và cho đến một ngày, mình khám phá ra một bí quyết… bla… bla… mình sẽ bán bí quyết này cho bạn chỉ với cái giá xxx$ thôi. Vâng, nghe có vẻ khó tin nhưng đó là sự thật!”
Và sau khi đọc xong quyển sách, tôi nhận ra một loạt sự thật nghiệt ngã nữa là…
- Ngay trong năm ra mắt quyển sách dạy làm giàu, tác giả Anthony Cutaia đã đệ đơn phá sản. 18 năm sau (2012), ông bị kết án 51 năm tù vì tội lừa đảo các nhà đầu tư.
- Trong khoảng thời gian còn giàu có, Robert G. Allen đã ra một quyển sách bestseller hướng dẫn làm giàu từ bất động sản. Sau đó ông mau chóng khánh kiệt, phải trả các khoản nợ khổng lồ, và… xuất bản tầm một chục cuốn hướng dẫn làm giàu khác. Chủ yếu ông sống nhờ vào tiền bán sách.
- Lou Pearlman là tác giả của một quyển sách dạy về các nguyên tắc thành công lại là một kẻ lừa đảo theo mô hình Ponzi.
- Năm 18 tuổi, Barry Minkow là CEO trẻ nhất trong lịch sử nước Mỹ, từng xuất hiện trong chương trình của Oprah, từng viết một cuốn tự truyện về quá trình đi đến thành công. Hóa ra sự nghiệp của hắn chỉ là trò Ponzi. Sau khi mãn hạn tù, hắn lại viết tự truyện truyền cảm hứng về quá trình vươn lên, cải tà quy chánh. Sau đó lại vào tù vì gian lận chứng khoán…
Kể đến đây tôi mới nhớ, mấy năm trước có một anh tác giả trẻ người Việt Nam đã xuất bản cuốn sách Cách học tiếng Anh thần kỳ. Đã có bao nhiêu người đã mua đọc và thực hành theo. Bởi ưa thích sự “thần kỳ” là một căn bệnh của con người mà! Không may, quyển sách ấy chỉ là một sản phẩm chắp vá quặt quẹo, ăn cắp chất xám của các tác giả nước ngoài. Không có gì khó hiểu khi mà cuốn sách “thần kỳ” này biến mất khỏi tiki và không còn được tái bản nữa. Sau đó tác giả này còn ra thêm một quyển selfhelp dạy về cách tư duy thiên tài!
Có nhiều tác giả viết sách selfhelp chỉ với mục đích “selfhelp theo nghĩa hẹp nhất”, nghĩa là chỉ “help” chính bản thân họ thôi: kiếm tiền, đánh bóng tên tuổi, tạo thương hiệu cá nhân… Rất nhiều kẻ bán các khóa học làm giàu thì chỉ với mục đích làm giàu cho chính họ. Họ giàu có và thành công chỉ nhờ vào việc đi bán những cái mà họ tự ca ngợi là “bí quyết”: từ một quyển sách, họ viết dây dưa ra thêm 5-7 quyển ăn theo; từ một khóa học, họ “đẻ” ra thêm một chục khóa học na ná nhau nữa… Nhưng xin nhớ cho một điều: họ giàu có và thành công được chủ yếu là nhờ chúng ta đấy.
Thành công được gầy dựng từ sự tích lũy từng chút một, từ những bước đi nhỏ nhặt. Chẳng có ai “bá đạo” ở nhiều lĩnh vực cả. Chúng ta luôn bị giới hạn bởi thời gian và nguồn lực. Bạn tiến ở mặt này, thì bạn sẽ lùi ở mặt kia. Luôn luôn là sự lựa chọn và đánh đổi. Đó là sự thật trong cuộc sống, nó khắc nghiệt và trần trụi lắm. Nhưng con người lại sở hữu khả năng tưởng tượng thiên phú mà các loài khác không có, họ không chấp nhận sự đánh đổi. Thế là bao nhiêu người vẫn đi tìm những thứ chỉ có trong tưởng tượng. Sự thật thì chán chết, ai thèm quan tâm đến sự thật. Nhìn cuộc sống hoàn hảo mà những “bậc thầy” đang thể hiện trên các phương tiện truyền thông kìa: ăn ngon, mặc đẹp, xe sang, nhà cao cửa rộng, vợ đẹp, con xinh, thú cưng ị đúng chỗ… Vật chất xung quanh thì dồi dào, sự nghiệp thì thành công, sức khỏe thì sung mãn, tình yêu thì thắm thiết khỏi chê! Trong đầu các “bậc thầy” lúc nào đầy ắp những ý tưởng hái ra tiền, những dự án kinh doanh đầy hứa hẹn, và quan trọng nhất là… những lời khuyên – bí quyết mà đối với nhiều người thì đó là chân lý! Thật sự thì người ta đâu có tìm kiếm chân lý, người ta chỉ tìm kiếm những gì khớp với trí tưởng tượng của người ta và tin theo thôi.
Những kẻ đang ra sức phô bày cuộc sống hoàn hảo cho thiên hạ xem, theo tôi, thuộc 2 nhóm:
- Kẻ lừa đảo để trục lợi. Cuộc sống “hoàn hảo” ấy là chiêu marketing cho những sản phẩm mà họ đang bán. Nói cách khác, họ bán cho ta cái niềm tin về cuộc sống hoàn hảo. Thứ này không có thật.
- Những kẻ sống ảo, thích khoe khoang hoặc có vấn đề về tâm lý.
Cuộc sống bây giờ đã no đủ rồi, người ta không còn phải chật vật về cái ăn cái mặc nữa nên rất nhiều người hướng nỗi khao khát của mình sang “sự xuất chúng”. Thế là sinh ra một đám “bậc thầy” thể hiện ra rằng cái gì họ cũng “bá” hết! Có thể nói là nhu cầu của học trò đã “nặn” ra mấy ông “thầy” chứ không phải thầy nhào nặn ra học trò. Các bạn có từng nghe đến khái niệm “Alpha Male” chưa? Hoặc “Alpha Woman”? Những khái niệm ấy được “các bậc thầy” tạo ra để hòng rút tiền trong túi của các bạn đấy. Các nhân vật phù hợp với cái khái niệm hoàn hảo ấy không tồn tại đâu. À có, trên facebook hay trong điện ảnh thì đầy! Còn chúng ta chỉ là những sinh vật sống trên mặt đất!

“Em muốn hái quả mọc lên từ áng mây. Anh thì chỉ có cây đâm lên từ đất cát.” (Đố em biết anh đang nghĩ gì – Đen x JustaTee)

Đức Phật, Đức Chúa là những người đã từ bỏ đời sống vật chất để đạt tới đời sống tâm linh sâu sắc. Nhiều “bậc thầy ngụy tạo” đang chứng tỏ họ có cả tâm linh lẫn vật chất luôn. Họ hơn hẳn hai vị kia! Nói như một thủ lĩnh nổi tiếng trong phong trào New Age “Anh có thể tâm linh mà không cần từ bỏ vật chất”. Nghe thế thì ai mà không ham chứ!
Những lời khuyên của những “bậc thầy” này có đúng, có tốt không? Tôi không dám nhận xét những lời khuyên thuộc về kỹ năng chuyên môn của họ, vì tôi không phải là chuyên gia như họ, sự thất bại trong sự nghiệp của họ như sách kể ra đã phần nào cho các bạn lời giải đáp. Tôi chỉ dám mạo muội nhận xét những lời khuyên về mặt đạo đức thôi, tôi cảm thấy đa số chúng là tốt đẹp, vì các “bậc thầy” luôn cần đám đông, họ giảng những điều tốt đẹp mà đám đông thích nghe. Tôi nghĩ cuộc đời của bạn cũng sẽ tốt đẹp lên nếu bạn làm theo những lời khuyên ấy… “triệt để hơn những kẻ đã viết ra hoặc nói ra chúng!” (câu này trích từ sách).
Có lần người ta hỏi vợ của “thạc sĩ” John Gray (tác giả cuốn sách dạy về đời sống hôn nhân Đàn Ông Sao Hỏa Đàn Bà Sao Kim, tôi để chữ “thạc sĩ” trong ngoặc kép vì ông này dùng bằng thạc sĩ rởm – thông tin này có nói trong sách) rằng bà suy nghĩ gì về tác phẩm của Gray (lúc này hai ông bà đã ly dị!); bà đùa rằng cuộc nói chuyện với ông ấy có thể được gọi là “cuộc tấn công từ Sao Hỏa!”
Nhà truyền giáo Thomas Weeks III là tác giả của quyển Teach Me How to Love You (Dạy anh cách yêu em) từng viết trong sách rằng: “Thật không công bằng khi kết hôn với một phụ nữ mà không quan tâm đến việc biến những ước mơ của cô ấy thành sự thực.” Ngoài ra, vợ chồng ông còn tổ chức những những buổi hội thảo dạy về cách xây dựng mối quan hệ. 4 năm sau khi quyển sách được xuất bản, ông bị bắt vì tội bạo hành vợ. Ông giải thích “Cô ta muốn trở thành Oprah thứ hai bằng bất cứ giá nào.”
Có thể có vài “bậc thầy” lúc đầu không hẳn là kẻ lừa đảo, họ chỉ đơn giản là người nổi tiếng, thích nói ra những lời khuyên tốt đẹp, những gì mà công chúng thích nghe, họ cũng cố gắng sống theo cái hình tượng đạo đức đẹp đẽ để truyền cảm hứng cho người khác… nhưng họ vẫn chưa thuần hóa được tâm của mình, họ phạm phải sai lầm, hoặc họ trở nên tha hóa, biến chất…

“Thế giới này vận hành theo cái cách luôn ghì ta xuống.” (Bài này Chill phết – Đen Vâu)

Mỗi khó khăn, thử thách, những điều bất như ý trong cuộc sống như những quả tạ khiến tâm hồn ta trĩu nặng. Những cám dỗ tiền-tài-sắc-dục như muốn “ghì” ta trượt về phía “phần con”… Mỗi khi ta vượt qua được, ta thấy mình mạnh mẽ hơn. Nhưng chẳng có ai thông minh và sáng suốt cả đời. Các “bậc thầy” này cũng thế thôi. Khi thử thách bất ngờ ập đến, hoặc khi cám dỗ xuất hiện, họ không đủ tỉnh táo để xử lý sáng suốt nữa, họ buông xuôi theo nó, họ hành xử theo bản năng của phần “con”, họ phạm sai lầm, họ gây tội lỗi… Lúc ấy, dường như họ trở thành một con người khác, những điều tốt đẹp mà họ từng rao giảng là để cho ai đó làm theo, trừ họ lúc ấy. Rồi sau đó, phần “người” trong họ quay trở lại. Nếu may mắn, xã hội chưa biết đến những khoảnh khắc đáng xấu hổ ấy thì họ thở phào nhẹ nhõm vì vẫn giữ được hình tượng tốt đẹp (“Mọi nghi can đều vô tội cho tới khi được chứng minh là có tội”!)
Cách đây không lâu, báo chí đưa tin một nghệ sĩ hài ở Việt Nam vừa bị công an bắt vì tội đánh bạc. Trong khi 9 năm trước, nghệ sĩ ấy là nhân vật chính trong trong một chương trình “Phật Pháp Nhiệm Màu” do chùa Hoằng Pháp thực hiện. Một doanh nhân phật tử khác cũng từng là nhân vật chính của chương trình này thì lại vướng vào vụ lùm xùm trong hôn nhân. Thậm chí có một vị tiến sĩ Phật học đã ra vài video thuyết pháp thì lại bị công an bắt vì tội hiếp dâm! Tòa thánh Vatican gần đây cũng hứng chịu không ít búa rìu dư luận vì những vụ scandal liên quan đến xâm hại tình dục…

“Bạn chính là những gì bạn nghĩ.”

(Không rõ ai là tác giả của câu danh ngôn selfhelp này. Bây giờ nó tràn lan khắp cõi mạng.)
Tôi từng đọc được một câu nói hài hước “Đỉnh cao của sự dối trá chính là khi bản thân kẻ nói dối cũng tưởng mình nói thật!” Rốt cuộc thì họ đâu có giống như những gì họ nghĩ, đúng không? Và cũng có thể là chính chúng ta nữa, nhiều khi chúng ta nhận ra… chúng ta đâu có tốt đẹp như những gì chúng ta từng nghĩ về mình!
Trong xóm tôi có một gã làm nghề bốc vác, thỉnh thoảng hắn nhậu say là cầm dao đuổi vợ chạy. Qua cơn say, hắn trở lại cuộc sống bình thường, sáng sáng hai vợ chồng chở nhau đi làm, tối tối lại chở nhau về… Chả có ai xung quanh bức xúc mà phản ứng lại hắn cả.
Nhưng cuộc đời nghiệt ngã lắm! Nếu bạn đang nổi tiếng, bạn sống tốt và đức hạnh cả đời, và một lần bạn trót dại thì người ta sẽ đạp bạn xuống bùn ngay. Người ta đưa bạn lên được thì có ngày người ta đạp bạn xuống được. Cái giá của sự nổi tiếng không hề rẻ!
Tôi không hề vơ đũa cả nắm, tôi cũng tin rằng có những người thật sự muốn chia sẻ những kinh nghiệm và bí quyết thành công của mình một cách chân thành chứ không hề ngụy tạo, nhưng họ ít khi nhận ra được những yếu tố thật sự nào đã giúp họ vươn tới thành công. Bởi thành công của họ là hợp duyên của cả vạn yếu tố khách quan lẫn chủ quan mà được cổ nhân đã đúc kết bằng câu: “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Bạn nào từng đọc quyển Những kẻ xuất chúng của Malcolm Gladwell sẽ nhận ra những yếu tố tạo nên thành công của một người nó mênh mông đến cỡ nào. Có những người với chỉ số thông minh tương đương nhau nhưng người thì thành công, kẻ thì lận đận…
Những người đã thành công dễ có cái suy nghĩ rằng: những nguyên tắc mà mình đã áp dụng thì luôn đúng. Họ giải thích những thành công trong đời họ bằng những thuộc tính của cá nhân họ. Đó chủ yếu chỉ là những yếu tố mang tính chủ quan: quan điểm, thái độ, cách tư duy… Vậy nên khi những yếu tố khách quan biến động mạnh thì có người bị ngã ngựa, sa cơ, thất thế… không phải là hiếm. Bạn có bao giờ thấy trường hợp những người thành công lại chia sẻ những bí quyết, quan điểm trái ngược với nhau chưa? Ví dụ một người thì nói “Khi đã bắt đầu làm thì phải nghĩ đến thất bại” (Shark Việt), một người khác nói “Khi đã bắt đầu làm thì đừng nghĩ đến thất bại” (Shark Hưng), và một người nữa lại nói “Đã bắt đầu làm thì đừng nghe thằng nào nói” (Tỷ phú Phạm Nhật Vượng).
Trong quyển “Con gái phải mạnh mẽ”, tác giả Ploy Ngọc Bích đã viết rằng:
“Nên đọc nhưng không nên quá tôn sùng những cuốn sách viết về chuyện đời của các doanh nhân hay các tỉ phú. Hãy đọc như đọc tiểu thuyết. Những con người ấy sống trong một thời kì khác, ở môi trường văn hóa/ kinh tế/ xã hội khác. Vì vậy, nếu rập khuôn y như cách mà họ đã thành công sẽ không đảm bảo 100% chiến thắng. Mà ngược lại, có khi còn kệch cỡm. Hãy nhìn xem, bao nhiêu người cũng đọc những cuốn sách đó mà có mấy người thực sự thành công? Điều duy nhất có thể học được từ những cuốn sách ấy chính là cách các danh nhân hay tỉ phú giữ vững ý chí trong suốt chặng đường của mình.”
Nói tóm lại, Những bậc thầy ngụy tạo chỉ là một quyển sách mỏng tập hợp những câu chuyện kể, chứ tác giả không bình luận gì nhiều. Những lý lẽ dài dòng trên đây chủ yếu là kiến giải của cá nhân tôi. Đọc sách, ta dễ dàng nhận ra những cái tên quen thuộc như: John Sculley (người từng loại Steve Jobs ra khỏi Apple), O. J. Simpson (vụ án rúng động liên quan tới ông đã được dựng thành phim gần đây), Lance Armstrong, Tiger Woods, Robert S. McNamara, Richard Nixon (tổng thống Mỹ), Jim Jones (gắn liền với vụ thảm sát Jonestown), Jonah Lehrer (tác giả cuốn Chúng Ta Quyết Định Như Thế Nào do Alphabooks mua bản quyền), John Gray (tác giả cuốn “Đàn Ông Sao Hỏa Đàn Bà Sao Kim”)…
Cứ tưởng “hít drama” xong sẽ “phê” lắm! Nhưng tôi đã lầm các bạn ạ! Tôi sẽ cho quyển này điểm “HƠI PHÊ”, vì nó chủ yếu cung cấp thông tin chứ không đưa ra những kiến giải sâu sắc nên đọc hơi chán.

“Thấy mặt, thấy người, sao thấy rõ trong nhau Ánh mắt, nụ cười kia không rõ nông sâu Ta rồi sẽ là ai, một câu hỏi nhỏ trong đầu.” (Hai triệu năm – Đen Vâu)

Theo tôi, “Ta là ai?” không phải là một câu hỏi nhỏ, mà là một câu hỏi cực lớn! Đó là câu hỏi mà ta phải hỏi bản thân mình mỗi ngày, mỗi khi đối mặt với khó khăn, thử thách, những chuyện bất như ý, và cả những cám dỗ… Bởi cái cách ta hành động xử lý vấn đề mới là thứ cho ta biết ta là ai (chứ không đơn giản là “những gì chúng ta nghĩ” đâu). Kết luận như vậy để có mùi “đạo lý” vậy thôi, chứ “đạo lý” nên là thứ để chúng ta thực hành, không nên là thứ để nói với nhau cho sang mồm, các bạn nhỉ?