Đại Dương Đen: Trầm cảm không phải biểu hiện của sự yếu đuối.
Thời gian gần đây, các vấn đề về tâm lý nói chung và trầm cảm nói riêng đang rất được xã hội quan tâm. Cái giá phải trả cho cuộc cách...
Thời gian gần đây, các vấn đề về tâm lý nói chung và trầm cảm nói riêng đang rất được xã hội quan tâm. Cái giá phải trả cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là sự mong manh về sức khỏe tâm thần, đặc biệt là các bạn trẻ. Gen Z phải chịu đủ thứ áp lực, từ áp lực đồng trang lứa, áp lực thi cử, đến áp lực từ cha mẹ, trầm cảm thì phổ biến đến nỗi nó trở thành tiếng lóng để nói về sự buồn chán ...
Đặc biệt trong thời gian đại dịch, việc phải giam mình trong phòng, không được gặp bạn bè, đứt gãy thói quen sinh hoạt có thể tạo thành vấn đề về tâm lý cho các em nhỏ, và còn chưa xét đến các trường hợp bạo lực gia đình do phụ huynh căng thẳng hoặc bị mất thu nhập.
Trầm cảm phổ biến như thế nào? Nếu bạn có một nghìn người bạn Facebook thì trong năm qua, bảy mươi người trong số đó mắc trầm cảm. Trong cả một đời người, cứ từ năm tới sáu người thì sẽ có một người bị trầm cảm tới thăm. ...
Đại Dương Đen được viết ra để giúp mọi người có một cái nhìn rõ hơn về trầm cảm. Rằng trầm cảm không phải biểu hiện của sự yếu đuối, nó là một căn bệnh và cần được chữa trị. Cuốn sách cho ta nhìn thế giới qua lăng kính của những người trầm cảm và cung cấp những kiến thức chung như biểu hiện bệnh lý, các mô hình lý giải, cách giao tiếp để hỗ trợ họ, ...
Mình viết bài này để giới thiệu với mọi người cuốn Đại Dương Đen của tác giả Đặng Hoàng Giang, đồng thời hệ thống những kiến thức mình đã học từ nó, do đó các thông tin trong bài viết có thể rất sơ sài và không mang nhiều giá trị. Vậy nên hy vọng thông qua bài viết, bạn đọc sẽ cảm thấy hứng thú với Đại Dương Đen, tự mình trải nghiệm và rút ra các thông tin hữu ích cho bản thân.
Overview
Đại Dương Đen được viết dưới dạng narrative nonfiction và chia thành hai phần riêng biệt.
Phần một gồm 12 câu chuyện được tác giả ghi lại từ chính những người đang trong giai đoạn trầm cảm, họ thuộc đủ mọi lứa tuổi, giới tính, tầng lớp, ... Nó giúp người đọc phần nào thấy được sự đa dạng của các đối tượng bị trầm cảm cũng như sức tàn phá của nó lên cuộc sống của họ.
Phần sau sẽ nói về các kiến thức khoa học thường thức xoay quanh căn bệnh này, gồm các hiện tượng, triệu chứng, một số lý giải khoa học về bệnh và tổng quan các phương pháp trị liệu trầm cảm trên thế giới. Các thông tin này giúp người đọc hiểu về trầm cảm, có khả năng nhận biết và phần nào chia sẻ, giúp đỡ những người trầm cảm quanh họ.
Những câu chuyện từ thế giới trầm cảm
Mười hai câu chuyện trong phần đầu tiên thực sự đã làm mình thay đổi nhận thức về trầm cảm. Rằng mình đã đánh giá quá thấp những tác động mà nó gây ra cho bản thân người bệnh và những người xung quanh.
Đối với những người trầm cảm, họ như bị kéo vào một vực sâu của sự tuyệt vọng mà không cách nào thoát ra được. Họ biết mình có vấn đề, biết mình cần phải thay đổi, nhưng họ bất lực trong việc thay đổi nó. Trầm cảm có nhiều khuôn mặt, đối với người này, nó thể hiện qua những cảm xúc tiêu cực về bản thân như căm ghét bản thân, coi mình là vô dụng, kinh tởm và không xứng đáng được sống; đối với người khác, nó ảnh hưởng đến khả năng nhận thức như tự cho mình là ngu dốt, xấu xí hoặc nặng hơn là lấy mất khả năng ra quyết định của người bệnh.
Đối với những người thân xung quanh, đôi lúc họ cũng bị cuốn theo những cảm xúc tiêu cực khi chăm sóc người trầm cảm. Những lần cãi vã, những lần chứng kiến người bệnh tự hại, sự thất vọng khi tình trạng bệnh không tiến triển sẽ bào mòn dần sức khỏe tinh thần họ rồi cuối cùng kéo họ vào vực sâu của trầm cảm.
Mỗi câu truyện, người đọc sẽ đóng vai trò quan sát, được tự mình cảm nhận thế giới quan của người trầm cảm, đi theo những biến cố trong quá khứ đã dẫn họ đến căn bệnh ấy. Đây là một hành trình nặng nề, mệt mỏi, nhưng mình nghĩ là cần thiết để hiểu cuộc sống và những gánh nặng mà người trầm cảm đang mắc phải.
Cảm giác của mình sau khi đọc phần một là hoàn toàn kiệt sức. Những biến cố mà họ trải qua thực sự quá lớn. Cuộc sống của họ và người thân bị đảo lộn và tàn phá một cách khủng khiếp. Những dòng độc thoại tràn đầy tuyệt vọng, bất lực. Những sự xa cách, ghẻ lạnh, ...
Mình xin được trích dẫn một số đoạn không quá nặng nề, nhưng có thể phản ánh phần nào tinh thần của những câu chuyện được nêu trong phần một của cuốn sách.
Hai trích dẫn dưới đây là từ câu chuyện số 5 "Tôi thấy mình cứ mục ruỗng dần"
Trầm cảm không phải là một nỗi buồn mà mình có thể xua tan bằng cách cố gắng lên, suy nghĩ tích cực lên, họ bị như thế, và cần phải được chữa trị. Uyên lên xuống thất thường. Có những lúc đang êm đẹp thì nó bước vào một giai đoạn trầm cảm mà không có một lý do ngoại cảnh nào cả. Uyên buông hết, không còn thiết gì cả, trong khi trước đó nó làm marketing cho ba bốn dự án. Không đi làm, không nói năng, không ra ngoài, không chơi bời gì nữa, nó chỉ nằm trên giường, quay mặt vào tường, bấm điện thoại, xem YouTube. [...] Trong cả quãng thời gian đó, ngoài tôi cố gắng vỗ về Uyên thì cả nhà không ai phản ứng gì. Em Uyên ngồi trước cái máy tính ở góc phòng. Mẹ Uyên im lặng trên giường, mắt vẫn nhìn điện thoại. Bố Uyên ở phòng bên, chắc chắn bác ấy biết Uyên lên cơn, vì nó hét rất to và ném đồ đạc. Cảm giác tội lỗi và xấu hổ bao trùm. Đây là lần đầu bố mẹ chứng kiến tôi lên cơn. Trên đường về, tôi cứ day dứt, tôi có khiến bố mẹ cãi nhau không, họ có đổ lỗi gì cho nhau không, tôi có làm em mình khổ không. Tôi sợ bị nói là bất hiếu, là không chín chắn, không thương bố mẹ. Tôi nhờ Hiển nhắn tin rằng mình không kiểm soát được bản thân chứ không muốn giày vò ai, rằng tôi là đứa trẻ với một nhân cách lệch lạc, đáng kinh tởm. Rằng tôi xin lỗi mẹ.
Trích dẫn dưới đây là từ câu chuyện số 12 "Hôm nay là một ngày nắng đẹp tuyệt vời"
Thật khó hình dung là đã có lúc mình đi lại nhanh nhẹn, đứng lên ngồi xuống nhẹ nhàng như không. Thật là kỳ quặc, tại sao một người đang sống bình thường lại có thể bị một cái bệnh hoàn toàn vô hình làm cho ngã xuống sàn mà không đứng dậy nổi? Mình vẫn không hiểu được Liệu mình có nên dùng xe lăn? Bà trị liệu vật lý khuyên là đợt này mình cứ đi bộ tối đa mười phút thì lại phải nghỉ năm phút. Nhưng mình phải đi học, đi chợ, tới chuyên gia tâm lý. Mà trong trường, giữa các tòa nhà cũng xa ơi là xa rồi. Tuần trước, bác sĩ đã chính thức cho bệnh đau của mình một cái tên: fibromyalgia. Kiệt sức, đau toàn thân, cứng cơ, mất ngủ, sương mù fibro (đầu óc mụ mị, khó hồi tường và tập trung), đó là những gì Google nói với mình về bệnh này. [...] Mình chỉ muốn ngừng sự tra tấn này lại. Giật điện, cắt chân cắt tay, gì cũng được, nhưng cho mình một cuộc sống bình thường, có được không? Ăn thấy ngon, đọc sách thấy vào, tối ngủ được, sáng có thể ra khỏi nhà, thế thôi mà. Nhiều khi mình kinh ngạc quan sát những người khác, họ vui vẻ nói về thèm ăn món gì, mừng quá vì Grab có mã giảm giá , cuối tuần này đi chơi đâu. Mình còn phải như thế này bao lâu nữa?
Một số kiến thức cơ bản về trầm cảm
Sau khi hiểu được phần nào những câu chuyện và cách suy nghĩ của người bị trầm cảm, phần tiếp theo, Đại Dương Đen cung cấp cho ta những kiến thức cơ bản nhưng hữu ích để hiểu, phát hiện và hỗ trợ người mắc căn bệnh này.
Từ đây, xin được nêu một số thông tin lấy từ cuốn sách mà theo mình là rất cơ bản. Bạn đọc có thể tham khảo để có sự nhìn nhận đúng hơn đối với trầm cảm.
Biểu hiện
Trầm cảm là một chứng rối loạn tâm thần. Những triệu chứng của trầm cảm rất đa dạng, nó khác nhau ở mỗi người và có thể được biểu hiện thông qua cảm xúc, sự sai lệch trong nhận thức, sự mất động lực và một số biểu hiện vật lý của người đó.
Biểu hiện trong cảm xúc: Biểu hiện dễ thấy nhất của cảm xúc là tâm trạng tiêu cực, từ mức nhẹ như buồn bã tới mức nặng như tuyệt vọng. Đôi khi nó cũng được biểu hiện thông qua sự giận dữ, đặc biệt là ở trẻ em. Người trầm cảm có thể đánh mất niềm vui và hứng thú trong cuộc sống, thậm chí, họ có thể đánh mất khả năng trải nghiệm niềm vui nói chung, như một người mất khứu giác không thể cảm nhận mùi vị. Nhiều người thậm chí không nhận ra sự buồn bã, bên trong họ là một sự trống rỗng, vắng bóng mọi dấu vết của đời sống cảm xúc.
Biểu hiện trong nhận thức: Người trầm cảm có thể cho rằng mình kém cỏi hay xấu xí. Ở mức nặng, họ cho rằng mình là gánh nặng của người thân và cộng đồng. Người bệnh cũng hay đổ lỗi cho bản thân mặc dù nó nằm ngoài sự kiểm soát của họ. Một khía cạnh khác về biểu hiện trong nhận thức là sự suy giảm trong khả năng ra quyết định, họ cảm thấy não bị trơ và trở nên kiệt sức khi cố tập trung suy nghĩ.
Biểu hiện liên quan tới động lực: Ý chí và khả năng hành động của người trầm cảm bị tê liệt, họ gặp khó khăn để có động lực làm những điều thậm chí cơ bản nhất. Ở mức nhẹ, họ buông những mục tiêu kế hoạch mà trước đó họ có thể rất tâm huyết. Ở mức nặng, họ không thể thực hiện các hội thoại ngắn, không tự vệ sinh cá nhân hay ăn uống được. Họ né tránh giao tiếp và thu mình, điều này càng làm khó khăn hơn trong quá trình tiếp cận và điều trị tâm lý cho người bệnh.
Biểu hiện vật lý và thực vật: Trầm cảm có thể khiến người bệnh bị rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, tức ngực, mệt mỏi, buồn nôn, ... Đau đớn thể xác thường đồng hành trung thành với trầm cảm, tới mức một nguyên tắc cơ bản là cần tầm soát trầm cảm ở người có những biểu hiện đau kinh niên mà không tìm được lý do.
Những biểu hiện này đều được thể hiện rất rõ ràng trong 12 câu chuyện ở phần đầu. Chúng không xuất hiện đồng thời, mỗi người khác nhau sẽ xuất hiện những triệu chứng khác nhau, và càng làm khó khăn hơn cho việc nhận biết và chuẩn đoán bệnh.
Mô hình lý giải trầm cảm
Như vậy, trầm cảm đến từ đâu?
Hiện tại chỉ có thể kết luận được rằng: không có một nguyên nhân duy nhất gây ra trầm cảm. Trầm cảm có lý do sinh học, lý do tâm lý và lý do xã hội. Các yếu tố này cũng tương tác qua lại với nhau khiến việc xác định nguyên nhân trầm cảm càng khó khăn hơn.
Một trong các mô hình lý giải trầm cảm dựa trên tâm lý học mình thấy khá dễ hiểu và được ứng dụng chính trong các liệu pháp tâm lý là Mô hình nhận thức của Beck. Ông cho rằng các phản ứng trong hành vi hay cảm xúc là hệ quả của những đánh giá trong nhận thức.
Cụ thể, người bệnh có những trải nghiệm thơ ấu tiêu cực, những trải nghiệm này tạo ra các niềm tin sai lệch hay giản đồ gây trầm cảm. Một niềm tin sai lệch có thể là "có thành tích tốt thì mới được mọi người công nhận, nếu không mình sẽ không có giá trị" được hình thành từ những kỳ vọng quá lớn mà cha mẹ đặt lên con trẻ trong suốt thời thơ ấu. Những niềm tin sai lệch này nằm sâu trong tiềm thức, được kích hoạt khi một yếu tố stress gợi nhớ lại các tình huống quá khứ khiến niềm tin được hình thành, và sẽ sinh ra cảm xúc tiêu cực. Người tin rằng giá trị của mình phụ thuộc vào thành tích sẽ có rủi ro trầm cảm cao hơn khi gặp phải stress liên quan như thất bại trong học tập hay công việc.
Trò chuyện với người trầm cảm
Không phải tất cả mọi người bị trầm cảm đều có thể tìm được một nhà trị liệu tâm lý phù hợp.
Một số người không muốn đi khám và uống thuốc, họ coi trạng thái của họ chỉ là tạm thời và có thể nhanh chóng khỏe lại. Ngoài ra, có những người không muốn đi khám bởi họ không muốn thừa nhận mình đang có các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Khi đó, người trầm cảm thường sẽ tìm đến người thân, bạn bè để tâm sự và chia sẻ những bế tắc trong cuộc sống của họ. Lúc này, các kỹ năng nói chuyện đúng cách để gợi mở câu chuyện, giúp người họ sắp xếp lại suy nghĩ và bình tâm hơn là vô cùng cần thiết.
Để giúp đỡ được người trầm cảm thông qua nói chuyện, nhà trị liệu cần có sự thấu cảm, lòng trắc ẩn, sự ấm áp và một thái độ tôn trọng không phán xét.
Thấu cảm là khả năng hiểu được những suy nghĩ, cảm xúc và trải nghiệm của người khác, có thể nhìn thế giới bằng con mắt của họ. Tuy nhiên, người trị liệu cần giữ khoảng cách với người trầm cảm, không để bị cuốn vào câu chuyện và lây lan cảm xúc tiêu cực.
Lòng trắc ẩn bao gồm ba yếu tố. Thứ nhất, ta tin rằng sự đau khổ của người đối diện không phải điều vớ vẩn, không đáng chú ý. Những người nói "có thế mà cũng buồn" là những người không có yếu tố này, họ cho rằng sự đau khổ của người đối diện là không hợp lý và không đáng nhận được sự chú ý. Thứ hai, ta tin người đối diện không đáng phải trải qua sự đau khổ ấy. Những người nói "phải như thế nào thì bố mẹ bạn mới nói thế" đang ngầm mặc định rằng người đối diện có lỗi nên đáng bị như vậy. Thứ ba, ta hiểu mình có thể rơi vào vị trí của họ, có thể có được số phận của họ. Từ đó giúp ta hiểu và đồng cảm với câu chuyện của họ hơn.
Ấm áp là sự nhẹ nhàng, cởi mở, khiến người đối diện có thể yên tâm chia sẻ, điều sẽ không xảy ra khi ta hoảng hốt, căng thẳng, lo lắng hay co lại ghê sợ khi nghe chuyện của họ.
Tôn trọng không phán xét là chấp nhận những chuyện mà người đối diện đã làm, không chỉ trích, về phe, ra lệnh hay phán xét họ. Thay vào đó, ta quan tâm bằng một thái độ tò mò tôn trọng, hỏi cảm xúc, suy nghĩ, vướng mắc và lý do tại sao họ lại thực hiện những hành động ấy. Việc chỉ trích hay phán xét người trầm cảm sẽ làm đứt gãy mối liên kết giữa hai người, khiến họ khó mở lòng hơn.
Dựa trên 4 yếu tố vừa nêu, ta có thể áp dụng nhiều kỹ thuật để xây dựng một tương tác chữa lành. Một trong những cách hiệu quả nhất là sử dụng đối thoại Socrates để khuyến khích người đối diện suy ngẫm, sắp xếp lại những suy nghĩ đang rối ren trong tâm trí họ. Ta cũng có thể tóm tắt và diễn đạt rành mạch lại câu chuyện nghe được bằng ngôn ngữ của mình để xác nhận với người đối diện là ta đã hiểu đúng tinh thần của họ. Việc này giúp người kể chuyện nhìn rõ vấn đề hơn, thấy được những mâu thuẫn trong cách suy nghĩ.
Chúng ta cũng phải biết khi nào nên im lặng. Những khoảng lặng là cần thiết khi người đối diện đang cần bình tâm lại hoặc chiêm nghiệm, sắp xếp những suy nghĩ trong đầu họ. Nhưng cũng có những khoảng lặng tạo ra do người đối diện ngại mở lời hoặc chưa đủ tin tưởng. Khi đó ta cần là người tiếp tục câu chuyện, chủ động hỏi han để xây dựng sự tin tưởng giữa hai người.
Khi đã có một sự tương tác chữa lành với người trầm cảm, ta có thể chỉ đơn giản là lắng nghe họ chia sẻ, chủ động hỏi thăm tình hình. Nếu người trầm cảm chịu mở lòng, ta hoàn toàn có thể ngăn cản kịp thời nếu họ có những ý nghĩ tiêu cực hoặc hành động tự hại.
Đường dây nóng Ngày Mai
Phần cuối bài viết, mình muốn giới thiệu với bạn đọc về đường dây nóng Ngày Mai.
Đường dây nóng Ngày Mai được khởi xướng bởi chính tác giả cuốn sách là bác Đặng Hoàng Giang cùng chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành. Đây là một sáng kiến cộng đồng, phi lợi nhuận, được triển khai bởi một nhóm tình nguyện viên tâm huyết nhằm cung cấp sơ cứu tâm lý, trợ giúp những cá nhân đang trong khủng hoảng, đặc biệt là người trẻ trầm cảm và người thân của họ.
Bạn đọc có thể đọc thêm về đường dây nóng thông qua link dưới đây
Bác Đặng Hoàng Giang đã nói trong tập podcast Have a Sip EP48, rằng bác muốn ở một thế giới lý tưởng, sau khi đọc cuốn Đại Dương Đen, người đọc có thể nhận ra là "À, thằng con 20 tuổi của mình suốt ngày chơi game trong phòng không làm gì cả, trước đây mình nghĩ là nó lười, nhưng giờ mình cần dừng lại một chút để quan sát xem nó có lười thật không hay đang có vấn đề về tâm lý. Nếu như vậy thì mình sẽ đồng hành với con như thế nào" hoặc "À, đứa con của mình hay cáu bẳn, đập phá đồ đạc và không chịu đi học, trước đây mình nghĩ nó là hư, ngang bướng, nhưng sau khi đọc cuốn sách, mình biết nó cũng có thể đang gặp một vấn đề tâm lý, và mình cần lắng nghe, tìm hiểu nó".
Một cuốn sách không đủ để ngay lập tức thay đổi lối tư duy của cả một xã hội, nhưng mình hy vọng nó là một cột mốc, một bước để giúp mọi quan tâm tới sức khỏe tâm thần của những xung quanh hơn. Đó cũng là lý do mình viết bài này, để chia sẻ cuốn sách đến nhiều người hơn nữa. Hy vọng bạn sẽ đọc cuốn Đại Dương Đen, rút ra các thông tin hữu ích cho riêng mình, và nếu có thể, phần nào đó giúp đỡ những người có vấn đề về tâm lý xung quanh bạn.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất