Xin việc làm - dễ hay khó?
7 năm trước, tôi cũng như các bạn, cầm tấm bằng trên tay và bước vào trường đời. Khi đó tôi có một tâm trạng duy nhất: muốn thử sức...
7 năm trước, tôi cũng như các bạn, cầm tấm bằng trên tay và bước vào trường đời. Khi đó tôi có một tâm trạng duy nhất: muốn thử sức mình để kiếm tiền. Không phải tôi ham hố tiền bạc, mà bởi vì tới khi đó, hơn hai chục tuổi đời rồi mà tôi chưa tự kiếm được đồng nào cho mình, chưa từng làm cái gọi là "công việc được trả lương". Phải nói là tôi chỉ biết có học. Từ lúc cắp sách tới trường cho tới khi ra khỏi cánh cổng trường đại học tôi chỉ biết có mỗi việc "đi học". Và tôi rất háo hức khi nghĩ về viễn cảnh có một công việc phù hợp với ngành học, có một mức lương ổn định để khỏi phải ngửa tay xin tiền gia đình, được thể hiện năng lực bản thân để bõ công "đi học". Khi đó lần đầu tôi biết tới cảm giác "xin việc làm".

Xin việc khó
Quả thực lúc đó tôi thấy xin việc khó vô cùng. Có khối thứ phải làm khi chuẩn bị hồ sơ xin việc như:
- Viết CV thế nào cho hay? Tôi chỉ biết lên mạng tìm kiếm những mẫu CV mà người ta cho là hay, là dễ xin việc rồi copy lại. Lúc đó tôi còn chẳng biết thế nào mới là hay, là tạo ấn tượng, là nổi bật. Chỉ nghe nói là cần phải làm như thế chứ nào đâu có tiêu chuẩn gì. Thật buồn cười là nếu trên mạng bạn có thể tìm ra được thì khối người cũng như bạn, thế thì bạn chẳng khác gì họ. Một đám đông ai cũng cho rằng mình nổi bật thì sẽ không có ai nổi bật cả. Khi chưa nhận ra điều đó và vẫn mang cái tư duy "mẫu trên mạng là tốt", tôi đã phải thất vọng trong 1 thời gian dài vì điều này.
- Viết đơn xin việc. Cái này cũng chẳng khác gì với viết CV. Loay hoay mãi, lật tung cả google lên để có mấy mẫu đơn hay hay, rồi cặm cụi viết tay, đánh máy các kiểu rồi phát đi như ném bom rải thảm, hy vọng có ai đó quan tâm tới 'sự cố gắng' của mình. Thế nhưng kết quả cũng chẳng khá hơn gì.
- Làm đẹp lý lịch. Suốt thời gian học đại học, tôi chỉ cố gắng sao cho điểm số của mình được đẹp để hy vọng khi xin việc sẽ dễ dàng hơn. Môn nào cũng phải vất vả tìm đủ mọi cách sao cho điểm không bị dưới 7. Mà trong trường đại học thì điểm 7 đã là xa xỉ rồi. Cái mục tiêu duy nhất tôi phấn đấu là điểm trên bảng điểm và xếp loại trên tấm bằng tốt nghiệp, còn kiến thức ư, kỹ năng ư, kinh nghiệm ư? lúc đó tôi nghĩ sinh viên nào mà có được cái đó chắc thuộc loại "siêu nhân", "quái vật", chứ người thường thì làm gì có. Ngay cả mấy cái chứng chỉ ngoại ngữ, tin học văn phòng tôi cũng cố gắng lấy cho có để đẹp hồ sơ, lý lịch chứ cũng chả hiểu tí gì.
Không chỉ khó ở việc nộp hồ sơ, tôi còn chưa có chút kinh nghiệm làm việc nào cả. Mà trên các tin tuyển dụng thì hầu hết đều yêu cầu kinh nghiệm, ít thì 1 năm, nhiều thì 3-5 năm. Trời ạ, thế sinh viên ra trường phải làm gì để có kinh nghiệm? Chả nhẽ thất nghiệp 1-3 năm rồi lúc đó có cái "kinh nghiệm thất nghiệp" à? Đây quả là bài toán khó với tôi lúc bấy giờ. Giống kiểu "con gà có trước hay quả trứng gà có trước", cứ loay hoay mà ko biết lối ra ở đâu cả.
Mà cuộc chiến xin việc đâu chỉ có thế, người ta còn phỏng vấn nữa. Nếu trong trường đại học, việc thi vấn đáp khiến sinh viên trượt như được mùa chuối thì xin thưa với bạn rằng đi phỏng vấn còn kinh khủng hơn thế nhiều. Thi vấn đáp thì chỉ thi trong môn bạn học, trong đề cương bạn được ôn, còn phỏng vấn thì toàn hỏi cái mà có khi tôi còn chưa nghe bao giờ, chưa tự trả lời bao giờ, ví dụ như "nếu ngày mai trúng số 1 tỷ thì bạn sẽ làm gì?". Biết trả lời thế nào cho vừa lòng mấy nhà tuyển dụng khó tính này hả giời? Có trường nào dạy sinh viên cái này bao giờ đâu mà phỏng vấn lại hỏi?
Giờ nhớ lại tôi vẫn không hiểu sao mình sống sót qua cái thời kỳ hỗn mang đó.

Xin việc dễ
Chắc bạn lại nghĩ 'Vừa bảo khó xong giờ lại bảo dễ, chắc người viết bài có vấn đề về thần kinh rồi cũng nên'. Quả thật nếu không có "vấn đề thần kinh" thì tôi sẽ mãi lẹt đẹt đến tận bây giờ. Để có thể biến một thứ mà "khó" trở thành "dễ", phải thay đổi rất nhiều về quan điểm sống, tư duy, kiến thức, rèn luyện, kiên trì... Đó là một cuộc 'tôi luyện' cho bộ óc. Qua quá trình đó thì 1 là thành công, 2 là thành nhân, mà không phải hai điều trên thì cũng thành công nhân, tức là chả cần học đại học cũng làm được - quá dễ đúng không nào.
Khi đã đứng vững chân trên trường đời, đã nếm trải nhiều cay đắng, ngọt bùi, tôi nhận bây giờ xin việc quả thực rất dễ. Dễ tới mức ai cũng biết mà chả ai chịu làm, bởi họ không tin là dễ đến thế.
Thứ 1: Xin việc chỉ khó khi bạn đi theo đám đông đang thất nghiệp.

Trước giờ chúng ta thường có suy nghĩ "đám đông thường đúng" và ném mình vào đám đông, để họ cuốn ta theo. Nhưng như thế có khác gì đem con bỏ chợ? Bạn có thể tài giỏi, có ưu điểm, nhưng nếu bạn cứ đứng lẫn vào đám đông toàn kẻ yếu kém thì thật khó để người ta nhận ra bạn. Tại sao bạn cao hơn người khác mà lại phải gập đầu gối để bằng mọi người, để rồi than trách vì không ai nhận ra bạn trong đám đông đó.
Trong Excel có một công cụ rất hay là "bộ lọc - Filter", nhưng bộ lọc chỉ giúp lọc ra những đối tượng có sự khác biệt, có dấu hiệu nhận biết. Nếu bỏ qua các dấu hiệu đó thì sẽ không lọc ra kết quả gì. Ai có thể ngồi cả ngày để dò tìm từng đặc điểm của mỗi đối tượng? Cuộc đời cũng thế, chẳng nhà tuyển dụng nào tốn công "mò kim đáy bể". Họ có những bộ lọc, có những tiêu chuẩn lọc ứng cử viên. Và nếu chỉ cần bạn đứng tách ra khỏi đám đông thất nghiệp thì bạn sẽ dễ được họ chú ý tới.
Cách gì để tách ra khỏi đám đông thất nghiệp? Đó là có 1 công việc để làm.
Đùa nhau à?
Không, hoàn toàn chân thành. Bạn nghĩ "công việc" là gì? là làm thuê cho kẻ khác để được trả tiền, hay là để bạn thể hiện bản thân, khẳng định giá trị của mình? Tôi cho rằng "công việc" là yếu tố "thể hiện bản thân". Dù được trả lương hay không thì mỗi khi bạn thể hiện mình có "giá trị" thì đều là đang làm việc. Nếu bạn không làm vậy thì dù bạn có được trả tiền cho việc "ngồi chơi xơi nước" thì cũng đâu ai nói bạn đang làm việc đâu, đúng không nào?
Để làm được điều đó, trước hết phải thay đổi quan niệm về "công việc".

Thứ 2: Nhận ra giá trị bản thân
Xin việc làm, đó chính là việc bạn rao bán khả năng lao động của chính mình. Và muốn bán được hàng, bạn phải biết giá của mặt hàng muốn bán là bao nhiêu. Nếu người bán không có giá thì thử hỏi ai dám mua?
Cái khó của tìm việc làm, đó là tìm được một công việc phù hợp. Phù hợp ở đây có nhiều tiêu chuẩn và mức độ, nhưng thể hiện rõ nhất qua "mức lương, mức thu nhập", hay nói cách khác là giá của sức lao động mà bạn bán được. Thị trường lao động là thị trường thuận mua vừa bán, có người bán đắt, có người bán rẻ, nhưng đều theo nguyên tắc chung: bạn đồng ý bán và người khác đồng ý mua, chẳng ai ép buộc được ai cả.
Vậy nên sẽ rất khó nếu bạn không xác định được "mình đáng giá bao nhiêu". Đáng ra đó phải là điều quan trọng nhất khi bước ra trường đời, là điều cần được đánh giá kỹ lưỡng nhất, thì lại rất ít người quan tâm.
Nếu chưa biết giá trị của bản thân, bạn hãy tìm hiểu một vài công việc đang có mức lương ra sao nhé:
- Lương trung bình của nhân viên kế toán mới ra trường
- Lương của nhân viên bán đồ ăn nhanh như KFC, lotteria xem 1h được bao tiền
- Thu nhập của người chạy xe ôm Grap...
Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao có sự phân hóa mức lương? Tại sao cùng 1 công việc mà có người được trả lương cao, thu nhập cao hơn người khác? Lương của bạn do ai trả? Với những người đã từng "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" trên trường đời, họ sẽ trả lời bạn ngay: Lương của tôi do chính tôi trả. Sức lao động của tôi đáng giá xxx, nếu không ở mức đó tôi sẽ đi làm ở nơi khác.
Tại sao họ lại tự tin đến vậy? Bởi họ biết mình đáng giá bao nhiêu. Giá trị sức lao động cho công việc đó thị trường chung đang trả bao nhiêu, họ được trả bao nhiêu.
Bạn có chấp nhận làm 8 tiếng/ngày với mức lương 20.000đ/h, 1 tuần làm 6 ngày (tổng thu nhập khoảng 4 triệu / tháng)? Dễ trả lời đúng không nào. Thuận mua vừa bán thôi. Nếu bạn nghĩ mình đáng được cao hơn, hãy nói lý do để được cao hơn, còn bạn chấp nhận làm thì xin mời. Xin việc không khó như bạn nghĩ.

Thứ 3: Cách nâng cao giá trị bản thân là trải nghiệm
Không phải CV, không phải bảng điểm, mà chính sự "trải nghiệm" mới giúp bạn nâng cao giá trị bản thân. Thay vì tập trung vào CV, hãy tập trung vào việc "trải qua" và "nghiệm - suy ngẫm, cảm nhận, rút kinh nghiệm".
Các bạn đang trong thời kỳ trẻ trung, đầy sức sống. Cuộc đời ở giai đoạn này là đẹp nhất, thế nhưng bạn lại bị cuốn vào những lo lắng, những buồn bã, lãng phí thời gian cho những thứ không đáng. Trải nghiệm ở đây là muốn nói tới việc bạn cần suy nghĩ về những điều đã và đang diễn ra xung quanh bạn, những thứ đã đặt dấu ấn trên cuộc đời bạn. Bạn suy nghĩ về điều đó thế nào, bạn học được gì, bạn sẽ làm gì với những điều tương tự như vậy sẽ tới? Rất nhiều điều bạn có thể "nghiệm" ra được nếu chịu khó suy nghĩ.
Bạn học được nhiều hơn những gì bạn nghĩ. Trường học không chỉ là nơi bạn học kiến thức. Đó là một môi trường cơ bản để bạn làm quen với trường đời. Ở đó bạn có các mối quan hệ, có mục tiêu, có áp lực, có những khó khăn, có những sai lầm... bạn được học rất nhiều, thế nhưng bạn có trân trọng quãng thời gian đó? Sai lầm lớn nhất của chúng ta thường là quá để tâm tới điểm số mà quên đi những điều khác. Cuối cùng cầm bảng điểm để làm gì, trong khi nó chẳng được nhà tuyển dụng ngó qua dù chỉ 1 lần. Họ hỏi bạn là "có kinh nghiệm không", là hỏi bạn có kinh nghiệm sống không, có nhận ra giá trị bản thân không, có quan điểm thế nào về những điều đã diễn ra, có định hướng thế nào cho tương lai. Tất cả những cái đó bạn đã học trong trường đại học rồi mà, sao lại bảo là "chưa có kinh nghiệm"? tại bạn không học hay tại nhà trường không dạy? Bài học không nằm ở trên giấy, mà ở cái bạn trải qua, bạn nghiệm được, cái mà hằn sâu vào cuộc đời bạn đó.

Thứ 4: Sáng tạo công cụ, rèn luyện kỹ năng
Điểm yếu của sinh viên mới ra trường đó là quá trú trọng kiến thức trong sách, nhưng lại rất thiếu kỹ năng thực tế và không có hoặc không biết sử dụng các công cụ. Chúng ta đang tin tưởng và phụ thuộc vào những gì trường đại học dạy, trong khi những điều đó chỉ chiếm một phần trong các yêu cầu làm việc.
Thời đại của công nghệ thông tin, chẳng công ty nào không có máy tính, không sử dụng tin học văn phòng, ấy vậy mà hầu hết ai cũng không coi trọng nó. Chẳng khác nào bạn ăn cơm mà không biết cách dùng đũa vậy. Bạn cứ hình dung đi làm giống như bạn ăn cơm, thì tin học văn phòng, ngoại ngữ nó giống như đũa, thìa, bát vậy. Vấn đề không phải bạn không có, mà là bạn không biết nó quan trọng thế nào, và không chịu dùng nó. Kỹ năng này khá cơ bản và có ích rất nhiều trong công việc, nhưng lại bị coi như thủ tục, để đối phó. Sai lầm thứ hai chính là ở đây. Bạn có biết đến Sếp của cái công ty bạn đang xin việc vẫn phải học thêm Excel không? Họ học để phân tích tình hình kinh doanh, lập kế hoạch tài chính, kiểm soát công việc kế toán, tự động hóa công việc hàng ngày... Chắc bạn chưa nghe tới bao giờ đúng không? Tại sao bạn lại coi thường nó trong khi người giỏi như sếp lại phải căng óc, tốn thời gian ra để học nó?
Có thể bạn sẽ thắc mắc rằng phải tốn nhiều thời gian mới làm được điều đó, nhưng bạn có tự hỏi tại sao mình không học điều này ngay khi còn ngồi trên giảng đường đại học? Tại sao đến khi thất nghiệp rồi mới nghĩ tới việc "phải học một cái gì đó để xin việc dễ hơn", trong khi bạn thừa biết đó là gì từ nhiều năm trước rồi.
Ngay cả việc học ngoại ngữ cũng vậy. Chúng ta cứ tưởng rằng "Ngoại ngữ quan trọng lắm. Có ngoại ngữ là xin việc dễ hơn nhiều". Nhưng thực tế tại môi trường làm việc ở Việt Nam, trừ những công ty lớn và chuyên nghiệp hẳn, làm việc nhiều với nước ngoài thì mới bắt buộc về ngoại ngữ, còn lại đại đa số không yêu cầu quá cao. Đủ để bạn đọc và dịch những từ ngữ thông dụng hàng ngày là được. Vậy mà bạn coi ngoại ngữ như tiêu chuẩn duy nhất, có khi còn quan trọng hơn cả kiến thức chuyên ngành. Thử hỏi 1 ngày làm việc của dân văn phòng xem bao nhiêu giờ họ dùng điện thoại liên lạc với khách hàng, bao nhiêu giờ xử lý giấy tờ, bao nhiêu giờ làm việc trên máy tính, nói bao nhiêu câu ngoại ngữ? Rõ ràng ở đây muốn làm việc tốt chúng ta cần có tổng hợp nhiều kỹ năng, chứ không phải chỉ duy nhất 1 kỹ năng.
Không phải cứ học thật nhiều là tốt, mà cần xác định đúng mục tiêu và nội dung học tập, nếu không thì những kiến thức bạn thu được cũng sẽ vô ích, không được sử dụng. Thời gian và sức lực có hạn, hãy sử dụng nó một cách hiệu quả bạn nhé.
Công cụ cũng là một thứ đặc biệt quan trọng mà chúng ta ít để ý tới. Bạn đừng nghĩ rằng công cụ chỉ là những thứ hữu hình như máy tính, bàn ghế, phương tiện. Nó còn là những thứ vô hình như phần mềm, như thư viện dữ liệu, như google dịch... Những thứ đó hàng ngày bạn vẫn tiếp xúc, vẫn sử dụng và chiếm tỷ trọng rất lớn trong những thứ bạn tiếp xúc hàng ngày. Thế nhưng bạn có chịu chuẩn bị trước những thứ đó không, hay phải đợi tới khi xin được việc làm rồi mới chịu tìm hiểu cách dùng? Mình từng gặp rất nhiều người học 4-5 năm đại học rồi mà còn chưa biết trình bày 1 văn bản sao cho đẹp và đúng tiêu chuẩn, hay còn không biết gửi email như thế nào. Như thế chính bạn đang tự làm khó bản thân bởi vì bạn chưa có sự chuẩn bị, chứ đâu phải bản chất việc xin việc là khó, đúng không nào?
---
Chúng ta thường dễ dàng đổ lỗi cho các yếu tố bên ngoài, như nền giáo dục, như thị trường khắc nghiệt, như sự đòi hỏi thái quá của nhà tuyển dụng, nhưng rất ít khi chúng ta nhìn lại bản thân xem chúng ta có thể làm được gì, chúng ta đáng giá bao nhiêu.
Từ việc rời khỏi ghế nhà trường tới việc bắt tay vào lao động là một quá trình biến đổi cực kỳ lớn đối với mỗi người. Nếu không có sự chuẩn bị từ sớm về tâm lý, kiến thức, kỹ năng thì rất dễ khiến bạn bị lạc lõng trong vòng xoáy của cuộc đời. Muốn đứng vững trước vòng xoáy đó, bạn phải thật sự chủ động và xây dựng cho mình 1 ý chí vững vàng. Một khi bạn đã xây dựng được điều đó thì mọi việc sẽ trở lên dễ hơn nhiều, và bạn sẽ trở thành tâm điểm cho mọi thứ xoay quanh bạn, điều khiển vòng xoáy đó để giúp bạn nâng tầm giá trị bản thân.
---
Xin việc bây giờ khó lắm ư?
Dễ - khó hay không? chỉ một từ
Tĩnh tâm suy ngẫm trăm ngàn thứ
Nhận ra "nếu khó" tại ta hư
Bao năm đèn sách luôn bị động
Học mà chẳng hành, lại về không
Bản lĩnh vững vàng không mơ mộng
Hiên ngang vững bước trước bão giông.
Dễ - khó hay không? chỉ một từ
Tĩnh tâm suy ngẫm trăm ngàn thứ
Nhận ra "nếu khó" tại ta hư
Bao năm đèn sách luôn bị động
Học mà chẳng hành, lại về không
Bản lĩnh vững vàng không mơ mộng
Hiên ngang vững bước trước bão giông.
Thân!
Dương Mạnh Quân - Giảng viên Học Excel Online

Người trong muôn nghề
/nguoi-trong-muon-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Thong Le
Đọc bài một cách dài dòng, mình xin nói vài ý:
Thứ nhất, bài của bạn, đọc sơ thì thấy hay đấy, nhưng nó chả mang lại tí ích lợi gì, vì nó chỉ toàn nói tới những thứ đao to búa lớn, những cách giải quyết cụ thể thì mình không thấy nhắc tới. Cả bài đơn thuần là nói đi nói lại những thứ mà các thanh niên bán khóa học self help vẫn thường hay nói.
Thứ hai, bạn coi thường sự quan trọng của kiến thức nền tảng một cách quá đáng. Ai nói là nhà tuyển dụng không coi bảng điểm, ai nói nhà tuyển dụng chỉ cần bạn biết cách sử dụng công cụ? Theo mình nó nhảm một cách quá mức. Hình như mục đích của bạn đăng bài này là để quảng cáo cho cái lớp excel của bạn?
- Báo cáo

Alejandro
Ccmnl, đọc xong mà chả hiểu mình vừa đọc cái gì =))
- Báo cáo

Trưởng Trần
comment của bạn làm mình nhớ đến một quan điểm : kỹ năng cứng trước, kỹ năng mềm sau
, mềm chỉ bổ sung cho cứng thôi . Rất tiếc là dạo gần đây, một nhóm đối tượng lợi dụng khao khát cải thiện kỹ năng mềm ( cái mà người Việt còn yếu) mà tung hô , quảng cáo cho những khóa học chương trình của mình, làm nhiều người lơ là việc trau dồi kiến thức gốc của mình. Thật đáng lo ngại

- Báo cáo

Thong Le
Theo mình, cái mềm không có, nhưng nếu cái cứng bạn có, bạn vẫn làm việc được. Nhưng có mềm mà không có cứng, thì bạn chẳng hơn gì một cái hộp rỗng ruột, không thể làm được cái gì cả. Truyền thông đã cổ xúy cho kỹ năng mềm một cách thái quá, gây lệch lạc nhận thức cho nhiều người quá rồi.
- Báo cáo

duongAQ

Cảm ơn bạn đã góp ý. Mình xin trả lời lại như sau:
Thứ 1 là mình không phủ nhận kỹ năng cứng. Cái mình nói là ngoài kỹ năng cứng ra những thứ khác đều yếu hoặc bị thiên lệch.
Thứ 2 là mình dựa trên kiến thức, trải nghiệm cá nhân để chia sẻ. Vì mình làm về dạy tin học văn phòng nên mình có gặp gỡ, tiếp xúc nhiều người và từ người đã đi làm nhiều năm cho tới người còn đang đi học. Tất cả là chia sẻ chứ không phải quảng cáo 1 khóa học hay gì cả. Chính người đọc mới là người đang nghĩ theo hướng khác.
Thứ 3 là có ích lợi gì hay không thì mỗi người tự đọc và cảm nhận. Nếu bạn chỉ nghĩ theo hướng "đây là 1 bài pr" thì tất nhiên bạn sẽ cảm nhận theo hướng đó, không ai ép bạn được.
Bài viết hoàn toàn dựa trên sự trải nghiệm bản thân và kinh nghiệm sau 7 năm lăn lộn trên trường đời, mong chia sẻ để các bạn có thêm góc nhìn về khía cạnh xin việc. Còn các bạn đón nhận ra sao, đánh giá thế nào là tùy mỗi người. Mình trả lời vì muốn nói rõ hơn ý này thôi.
- Báo cáo

Thong Le
Xin lỗi mình không hiểu vài thứ, mong bạn giải đáp.
Ở trong bài, bạn liên tục nói đến việc bảng điểm không quan trọng, kiến thức học ở trường ra xài ít, cái cần là kỹ năng mềm, là trải nghiệm, xong ở dưới trả lời comment lại nói rằng không phủ nhận kỹ năng cứng?
Bảng điểm, ít nhiều gì nó cũng phản ánh lượng kiến thức bạn tiếp thu được. Và môi trường đại học, bản chất của nó, là truyền thụ kỹ năng cứng, chứ không phải kỹ năng mềm. Việc học là suốt đời, nhưng những kiến thức liên quan đến chuyên ngành thì khi bạn ra trường không ai dạy cả, vì thế, trong 4 năm đại học, việc bạn nên làm là tập trung tích lũy kiến thức nền tảng để phục vụ cho công việc về sau, chứ không phải là những kỹ năng mềm có thể học được sau khi ra trường,
Thứ hai, bạn đề cao cái gọi là trải nghiệm. Vui lòng cho mình hỏi, trải nghiệm đó là gì? Việc vứt bảng điểm qua một bên, không hỏi đến kiến thức chuyên ngành, chỉ hỏi đến trải nghiệm cuộc sống, trải nghiệm bản thân? Cho mình hỏi bạn đi phỏng vấn ở ngành nào vậy, tại khúc này mình đọc thấy nực cười quá. Mà người dạy excel như bạn thì cần gì đi phỏng vấn hay tuyển dụng? Vậy thì vui lòng đừng viết những thứ sai sự thật, làm cho rất nhiều trẻ em trong spiderum tưởng bở 

- Báo cáo

duongAQ

Trải nghiệm theo ý mình là những gì chúng ta trải qua và suy ngẫm về nó. Sau quãng thời gian đi học chúng ta rút ra được kinh nghiệm gì, cách chúng ta thu nhận kiến thức, cách xây dựng các mối quan hệ, cách đặt mục tiêu, cách vượt qua áp lực thi cử... đó chính là cái cần đúc rút ra được để ứng dụng vào trường đời.
Thứ 2 là mình chỉ nói về nếu học đh chỉ chăm chú vào lý thuyết, vào điểm số thì sẽ khiến người học gặp nhiều khó khăn khi đối mặt với thực tế, vì công việc quan trọng hiệu quả chứ không quan trọng làm đúng lý thuyết hay không.
Thứ 3 là bạn nói trường đại học dạy kỹ năng cứng, nhưng thực sự sau khi ngẫm kỹ thì đại học không phải dạy kỹ năng, chỉ trường nghề mới dạy kỹ năng. Đại học dạy tư duy giải quyết vấn đề và cách kết nối các điều kiện, khả năng để giải quyết. Do đó ở trình độ đại học mà yếu về kỹ năng mềm sẽ khó có thể có cách giải quyết tốt.
Thứ 4 là bài viết mình đặt ở mục truyền cảm hứng, không phải luận điểm để cần phản biện. Đúng hay sai thì nó chỉ thể hiện người đọc có thấy cảm hứng sau khi đọc không thôi. Nội dung viết mang tính chất selfhelp nên bạn đọc thấy giống như sách selfhelp nói. Còn đúng sự thật hay không thì như bao điều chúng ta đã đọc trong sách selfhelp: đúng với người này nhưng không đúng với người khác. Do quan điểm và cách tiếp nhận của mỗi người khác nhau.
- Báo cáo

Thong Le
Cái thứ 2, thứ 3 của bạn mình không đồng ý.
Hình như bạn cũng lớn tuổi rồi, mà còn không hiểu kỹ năng cứng là gì? Kỹ năng cứng, không phải là kỹ năng làm việc như kỹ năng mềm. Kỹ năng cứng mình nói tới, là kiến thức nền tảng, nó là bất biến và cố định, đặc biệt là đối với sinh viên khối ngành kỹ thuật hay là kỹ sư.
Công việc trọng hiệu quả chứ không trọng lý thuyết? Bạn đi hỏi một ông kỹ sư xem ổng có trọng lý thuyết không nhé.
Chú trọng vào điểm số, bạn sẽ có một nền tảng kiến thức vững vàng. Khi ra đời, nếu bạn đủ khôn lanh, thì bạn sẽ sớm thích ứng với những yêu cầu mới của nó và hoàn thành tốt công việc được giao. Còn nếu bạn chỉ trọng những trải nghiệm, kỹ năng mềm mà bỏ qua hoặc học không kĩ kiến thức nền tảng, bạn sẽ khó mà phát triển thêm, trừ khi bạn nhảy vào mảng quản lý hay kinh doanh. Còn nếu làm kỹ sư mà không có kiến thức nền, thì đó là một kỹ sư thất bại.
Còn sách selfhelp, cái mình nói tới, là ngoài việc nó nêu ra hàng chục vấn đề đao to búa lớn, nhưng nó lại nói một cách lang mang, không đem ra được một giải pháp cụ thể. Đọc nó, nghe thì thấy hay, nhưng chả giúp ích được gì cả. Chỉ có những ai nghĩ mình giỏi hoặc cực kì giỏi mới thấy những cuốn selfhelp có ích thôi. Còn lại, như mình đã nói, những cuốn đó không hơn gì ngoài sách đọc cho vui, vì bản thân nó chả đáng 1 xu giá trị.
- Báo cáo
Azle14142
bạn à nếu bạn không hiểu thì bài này viết về trải nghiệm của cá nhân, chứ không phải để thuyết giảng về vấn đề nào cả. Nên mình mong bạn đọc hiểu cho rõ sau đó hãy nhận xét. Mình cảm thấy bạn chưa hiểu được vấn đề đã nhảy dựng lên nói. Thân
- Báo cáo