Bạn đã biết cách “bán mình”?
“Ai rồi cũng đều phải đi phỏng vấn” - Trừ khi bạn sinh ra từ vạch đích hoặc may mắn trong diện ông bà già tao lo hết, còn không nếu...
“Ai rồi cũng đều phải đi phỏng vấn” - Trừ khi bạn sinh ra từ vạch đích hoặc may mắn trong diện ông bà già tao lo hết, còn không nếu bạn cũng bình thường như tôi và đặc biệt hơn là bạn sắp tốt nghiệp, sắp bước vào đời, sắp phải đi làm, chuẩn bị phải đi phỏng vấn xin việc thì well, bài viết này dành cho bạn. Xin lưu ý là bài viết này đặt ở hoàn cảnh là cho anh em IT lập trình, với mỗi ngành nghề sẽ có sự khác biệt ít nhiều, nhưng Huy tin là về cơ bản nó cũng cùng bản chất. Ok, anh em cùng Huy đi khám phá một buổi phỏng vấn công nghệ nha. Lét gâu!
Yo, tiếp tục với chủ đề bán hàng nào.
Thông thường khi anh em đi phỏng vấn - bán hàng, mình hay chuẩn bị những gì nhỉ? Luyện nói, ôn tập các câu hỏi về Thuật toán, Cấu trúc dữ liệu, OOP, Database, Projects, … rất nhiều, rất nhiều thứ phải chuẩn bị. Nhưng mà bạn ơi, mình đang đi bán hàng mà đúng không? Chúng ta đôi khi bị tập trung quá vào việc bán những gì mình có mà quên mất một điều rồi, đó là suy nghĩ xem khách hàng của mình đang thực sự cần gì? Vậy nhà tuyển dụng đang mong chờ điều gì ở chúng ta, đặc biệt là những bạn trẻ vừa mới tốt nghiệp, những người mà chưa có nhiều kinh nghiệm dev ở trường. Thông thường sẽ có vài tiêu chí như sau, cùng nhau phân tích ha:
1. SỰ CHUẨN BỊ:
Tất nhiên đây là thứ mà tuyển dụng dễ nhìn thấy nhất ở bạn, chỉ với quan sát và vài ba câu hỏi là họ nhận ra là bạn có thực sự chuẩn bị cho buổi phỏng vấn hay không? Bạn có đến sớm trước giờ phỏng vấn không? Bạn có ăn mặc lịch sự khi đi phỏng vấn? Bạn có luyện tập nói những thứ bạn ghi trong CV? Bạn có tìm hiểu trước về công ty? Bạn có chuẩn bị trước mức lương mình mong muốn nhận được? Vân vân và mây mây, có rất nhiều thứ sẽ bộc lộ ra sự chuẩn bị của bạn ra sao trước khi đi phỏng vấn. Bản thân tôi cũng thường hay kết thúc luôn buổi phỏng vấn khi chưa quá 15 phút với những bạn như vậy, vì tôi biết rằng, đối phương chưa có sự chuẩn bị kỹ càng, đồng nghĩa với việc họ cũng chưa nghiêm túc với công việc này, vậy nên tôi không cần phải mất thêm thời gian của tôi và của bạn nữa.
Để thực sự nâng cao xác suất “win” được trong một buổi phỏng vấn thì theo tôi chúng ta còn phải chuẩn bị nhiều hơn thế nữa. Như khi các bạn đồng hành cùng với tôi, chúng tôi còn phải phân tích xem với JD này, thực sự nhà tuyển dụng đang quan tâm vào khía cạnh gì của công nghệ, cái nào sẽ là trọng tâm. Rồi thì phân tích xem người phỏng vấn bạn là ai, mình có thông tin không? Tech lead mình sẽ có cách nói chuyện khác mà khi ngồi với Manager mình sẽ lại có cách chia sẻ khác. Đặc biệt là có bạn còn phỏng vấn với CEO nữa thì lại còn “khó tả” hơn nhiều. Thậm chí còn chi li hơn nữa là mình phỏng vấn sáng hay chiều, đầu tuần hay cuối tuần, online hay offline, mỗi một yếu tố có thể ảnh hưởng đến cách bạn bán hàng cũng như khả năng bạn được nhận. Vì dù sao, chúng ta chỉ có 30 phút để thuyết phục khách hàng của mình thôi và xin bạn hãy lưu ý một điều rằng, ngoài bạn ra còn có hàng chục ông cũng đang chào hàng giống như bạn. Vậy nên hãy chuẩn bị thật kỹ càng và thực sự nghiêm túc trong một buổi phỏng vấn. Không ai tự hào khi đi phỏng vấn đến vài chục lần mà vẫn không đậu đâu bạn của tui nha
2. SỰ TRUNG THỰC:
Phải nói rằng, thời đại 4.0 bây giờ đúng là thật giả lẫn lộn không sai. Đến mặt người còn Pha ke thì đúng thật sự sao có thể tin được CV này của bạn là nói về chính bạn. Đó chính là lý do người ta cần phải ngồi trực tiếp phỏng vấn bạn đó, với một mục đích hàng đầu là kiểm tra xem bạn có đang thực sự nói thật không? Một trong những câu phỏng vấn mà tôi rất thích và thường áp dụng mà cũng chẳng cần phải giấu luôn, đó chính là: “Hãy kể về một vấn đề lớn nhất mà bạn đã gặp phải, và cách mà bạn đối mặt cũng như vượt qua nó”. Với câu hỏi này, ai cũng có thể biết trước đề bài, nhưng không phải ai cũng trả lời được. Hiển nhiên, bạn chưa từng làm gì thật thì bạn lấy đâu ra vấn đề để kể lại, bạn chưa từng khổ sở với cái bug mà mất cả tuần mới fix được thì bạn đâu có nỗi đau được nói ra.
Ai ai trong cuộc sống đều có những vấn đề, từ chuyên gia cho đến người bình dân, điều khác biệt chính là độ lớn của những vấn đề đó. Bạn càng giỏi, vấn đề của bạn càng lớn. Chỉ có những ai không làm thật mới không có vấn đề hoặc làm hời hợt thì vấn đề qua ư là nhỏ bé, nhà tuyển dụng sẽ nhìn ra tất cả. Hãy viết tất cả những gì bạn có thể mang lại giá trị cho công ty vào CV một cách khéo léo và hãy nhớ đừng phóng đại hay “pha ke” những thứ bạn có thể làm được nha, lộ ngay đó!
Hãy trung thực nha!
3. SỰ CHỦ ĐỘNG
Thì đúng rồi, giờ là thời đại của quá nhiều máy móc và AI, tôi là người mua hàng, tôi phải mua về những sản phẩm có tính người chứ ai lại đi tuyển một người về rồi chỉ chờ được sai bảo như cái máy phải không nào? Nhưng đây cũng là một yếu tố rất khó để đánh giá, chủ yếu nó sẽ diễn ra và nhận ra trong 2 tháng bạn thử việc. Tuy là khó nhưng trong buổi livestream bán hàng của mình, các bạn vẫn có cách thể hiện để nâng cao ý thức hệ trong nhà tuyển dụng rằng bạn là một người chủ động. Bạn có bao giờ chủ động hỏi công ty đang mong muốn một ứng viên như thế nào? Bạn có hỏi về công việc mình sẽ phải làm cụ thể khi ứng tuyển mà JD chưa mô tả hết? Bạn đã bao giờ tự chủ động kể câu chuyện, vấn đề của mình đã trải qua, hay chỉ đơn giản là chờ được hỏi?
Tất nhiên việc chủ động này cũng là một nghệ thuật, làm quá đà sẽ biến bạn trở thành một kẻ láu táu trong mắt nhà tuyển dụng. Chủ động kết hợp với lắng nghe sẽ giúp cho việc chia sẻ được hiệu quả, cũng như ghi điểm cần thiết trong mắt khách hàng của mình. Cái này thì phải luyện tập, nói xuông không thể diễn tả trong vài dòng ngắn ngủi được. Tuy nhiên điều bạn cần lưu tâm ở đây chính là, đừng ngồi như một ông phỗng và giao tiếp như một cái máy, hỏi gì trả lời đấy, thậm chí chưa chắc bạn bằng cái máy ấy, vì máy AI giờ còn chủ động hơn bạn nhiều. Nhớ chủ động lên nhé bạn của tôi
Yeah, bạn thấy không, chỉ cần từ việc chúng ta suy nghĩ xem nhà tuyển dụng mong muốn điều gì là chúng ta đã biết cần phải làm một đống thứ cho buổi phỏng vấn rồi. Tất nhiên không có một công thức bán hàng chung cho tất cả mọi người, vì nếu có thì cả làng đều giàu hết rồi!
Muốn bán được sản phẩm thì chúng ta hãy quay về giá trị cốt lõi đó chính là chất lượng của sản phẩm và các đặc trưng độc nhất vô nhị của nó (chính là phẩm chất của bạn đó)trước khi hướng đến những thứ màu mè khác. Và rồi thì thời buổi ngày nay, “tốt gỗ và tốt cả nước sơn” chính là điều cần thiết để anh em có thể bán được mình tốt nhất.
Và rồi xin phép được kết bài theo văn mẫu ha: Hãy nhớ rằng mỗi buổi phỏng vấn là một cơ hội để học hỏi và phát triển bản thân, dù kết quả có như thế nào. Đừng ngần ngại từ thất bại mà hãy sử dụng nó như một cơ hội để nâng cao bản thân và chuẩn bị tốt hơn cho cơ hội tiếp theo. Chúc bạn thành công trong hành trình tìm kiếm việc làm!
Nếu muốn mình chia sẻ thêm về chủ đề nào thì hãy comment để mình chuẩn bị nhé. Xin chào mình là Huy Đê Tê!
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất