[WTDTY] Một xã hội chà đạp lên tất cả những tiến bộ của nền văn minh
Nhân tính, nhân quyền và khoa học là những gì mà xã hội Việt Nam đang vứt bỏ vì một mục tiêu không tưởng “0 ca nhiễm covid”
Dịch covid đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam. Trong tình thế này, Chính phủ đã và đang áp dụng những biện pháp chống dịch được cho là “mạnh tay”. Tuy nhiên, chính những biện pháp đó đang gây ra những hậu quả khôn lường. Đối với đa số người, có lẽ họ sẽ cảm thấy những biện pháp đó là cần thiết – bởi vì họ nghĩ một cách rất ngây ngô rằng Việt Nam sẽ hoàn toàn dập được dịch covid.
Hãy bắt đầu bằng một câu chuyện gần đây, khi mà một shipper bị phạt 2 triệu VNĐ vì tưởng rằng được phép hoạt động sau 18h.
Tôi là người rất ít khi đặt hàng qua mạng. Đợt dịch này tôi cũng không hề có nhu cầu phải mua gì cần giao hàng cả. Nhưng tôi cảm thấy phẫn nộ khi đọc được bài báo trên. Phẫn nộ vì cái quy định phản khoa học, vi phạm nhân quyền và cả quyền công dân cơ bản (được quy định trong Hiến pháp) một phần; phẫn nộ hơn nữa vì cách trả lời vô nhân tính đến từ lãnh đạo và lực lượng chức năng. Trích: “lãnh đạo P.9 không chấp nhận lý do này, và cho rằng shipper phải tự biết tính toán quãng đường di chuyển để đảm bảo về nhà trước 18 giờ.”
Đúng là những lời này chỉ có thể được nói ra bởi những kẻ ngồi mát ăn bát vàng. Tôi tự hỏi là không biết những người này mang cái mác là làm trong “ủy ban nhân dân” để làm gì khi họ còn quá xa lạ với đời sống nhân dân? Nếu họ giả định rằng “shipper phải tự biết tính toán quãng đường di chuyển để đảm bảo về nhà trước 18h”, tại sao họ không giả định luôn rằng “tất cả người dân đều có hiểu biết và đều biết cách phòng chống dịch bệnh, vì vậy không cần áp đặt những quy định lố bịch như thế này”?
Tôi có thể chấp nhận có người chết vì covid, vì đây là một bệnh dịch mới, khoa học còn chưa có nhiều giải pháp. Nhưng tôi không thể chấp nhận được việc giới lãnh đạo áp dụng những quy định lố bịch khiến người dân bị đói ăn trong tình cảnh này. Đây là thế kỉ 21, và bất kì nhà lãnh đạo nào trên thế giới nên cảm thấy xấu hổ và nhục nhã khi để chính người dân của mình lâm vào tình cảnh này, nhất là trong thời kì kinh tế khó khăn. Và để người dân chết vì y học bó tay đã đành, nhưng để người dân chết vì đói là một tội ác khủng khiếp đi ngược lại với sự phát triển của xã hội văn minh.
Sẽ có người nói rằng cần phải hạn chế người chết vì covid. Ừ, tôi không hề phản đối. Nhưng mục đích là một chuyện, làm sao để đạt được mục đích đấy lại là chuyện khác – nhất là khi cuộc sống có rất nhiều rủi ro khác nhau. Tôi đã có một bài viết về vấn đề này ở đây:
Và để trực quan thì tôi cũng nêu ra số liệu của một số loại rủi ro khác:
- Hơn 122 nghìn người tử vong vì ung thư trong năm 2020
- 80 người tử vong mỗi ngày vì bệnh liên quan tới tiểu đường
- 6700 người tử vong vì tai nạn giao thông trong năm 2020
Và bạn có nhìn thấy được giới lãnh đạo đã làm gì để khắc phục tình trạng trên không? Không hề – ít nhất là theo những gì tôi quan sát được. Có thể họ vẫn đang cố gắng, chắc là thế, nhưng chúng ta không biết. Tôi không phủ nhận nỗ lực của họ. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc những gì họ đang làm với dịch covid là đúng – ngay cả sự ưu tiên và chú tâm một cách quá mức về covid đã là một điều không nên xảy ra.
Tôi có thể là người gay gắt khi tranh luận, nhưng tôi cũng hề có vấn đề gì nếu như ai đó mắc sai lầm. Tôi sẵn sàng cho họ cơ hội học hỏi, sửa sai. Tôi cũng sẵn sàng chấp nhận quan điểm đối lập nếu như có bất đồng, hay nếu như tôi thấy sai thì tôi cũng chấp nhận, xin lỗi. Đó là lý do vì sao tôi không đưa ra nhận định của bản thân về vấn đề dịch covid một cách công khai trước đây, ngay cả khi tôi tin rằng tôi có nhận định chính xác. Bởi vì tôi biết là tôi không có chuyên môn, khối lượng kiến thức tôi tìm hiểu được có hạn và tôi cũng không ở vị trí chịu trách nhiệm cho những diễn biến của dịch bệnh tại Việt Nam. Tôi thông cảm được nếu như có gì đó không mong muốn xảy ra khi giới lãnh đạo cố gắng giải quyết tình huống khó khăn này.
Nhưng đó là chuyện của 2020, khi mà tất cả mọi đất nước trên thế giới (trừ Trung Quốc) chẳng hay biết phải làm thế nào. Tất cả mọi sai lầm rồi sẽ phải khắc phục. Dữ liệu từ những biện pháp chống dịch, cả tệ cả tốt, dần được đưa ra ánh sáng khoa học. Thậm chí là vaccine còn được phát triển và sản xuất với tốc độ chưa hề có trong lịch sử nhân loại. Hết thời gian thử nghiệm rồi. Đã đến lúc giới lãnh đạo cập nhật dữ liệu và kinh nghiệm của các nước khác để đưa ra giải pháp tốt hơn.
Nhưng không. Trong năm 2021, họ làm lại y chang những gì họ đã làm trong năm 2020. Có lẽ họ mong đợi rằng với những biện pháp đã góp phần đưa Việt Nam tới “thành công” trong năm 2020 thì cũng sẽ giúp họ “thành công” lần này. Họ đã sai. Và thay vì sửa sai, họ càng tìm cách áp dụng những biện pháp cực đoan hơn mà không hề dựa vào bất kì số liệu hay nghiên cứu khoa học nào. Chính xác là con số 0. Và cùng lúc đấy, chính người dân là người gánh chịu hậu quả khổng lồ mà những biện pháp đó gây ra. Chỉ có giới lãnh đạo và người giàu là có vẻ như không chịu ảnh hưởng mấy.
Một số người sẽ hoài nghi về những nhận định trên của tôi. Cũng hợp lý thôi, vì suy cho cùng thì tôi không phải chuyên gia, kiến thức cũng có hạn và cũng không phải chịu trách nhiệm như đã nói. Nhưng nếu chỉ đơn thuần vì thế mà phủ định thì sẽ thật là nực cười – bởi vì mặc cho tất cả những hạn chế của cá nhân mà tôi đã nêu, những dự đoán tôi đưa ra chính xác nhiều đến nỗi thậm chí bạn bè tôi còn phải nhắc tôi thì tôi mới nhớ ra là mình đã từng đưa ra dự đoán như thế. Những người quen biết cá nhân tôi trên Facebook có thể kiểm chứng điều này, và bạn cũng có thể.
Một ví dụ đơn giản: từ đợt dịch đầu tiên khoảng tháng 3 năm 2020, tôi đã đưa ra nhận định rằng việc phun xịt khử khuẩn chỉ có tác dụng “làm màu” là chính và hoàn toàn không hề có khả năng ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. Thế nhưng tới tận những ngày cuối cùng của tháng 7 năm 2021 này, chính quyền TP. HCM và Hà Nội vẫn tuyên bố rằng họ sẽ điều xe đi phun xịt khử khuẩn.
Bạn biết đấy, phun xịt khử khuẩn thì có chữ “khuẩn”, mà khuẩn thì là vi khuẩn (bacteria) còn tác nhân gây covid thì là virus. Logic trực quan mách bảo tôi rằng việc khử khuẩn chẳng có tác dụng gì. Cộng thêm với những kiến thức cơ bản về cấu trúc của virus thì càng củng cố nhận định đó. Tất cả những gì cần để có thể đưa ra nhận định trên là việc bạn học hành tử tế trong 12 năm phổ thông và biết dùng não – hoàn toàn không cần tí kiến thức chuyên môn nào. Còn nhiều ví dụ khác nữa nhưng hãy để khi khác.
Tôi hiểu là giới lãnh đạo cần phải tỏ ra là họ đang nỗ lực để kiểm soát tình hình. Nhưng nỗ lực bằng cách áp dụng những biện pháp phản khoa học không phải cách đúng đắn. Và nếu như cái thằng chỉ tốt nghiệp 12/12 , làm IT và tìm hiểu covid là một thú vui như tôi còn có thể đưa ra nhận định chính xác đến như thế từ hẳn một năm trước, thì câu hỏi bạn nên đặt ra là “thế thì giới lãnh đạo đang làm gì với tất cả nguồn lực họ đang có?” Và như một lẽ thường “nước đến chân mới nhảy”, giới lãnh đạo TP. HCM mới lục đục thành lập tổ tư vấn phòng chống dịch covid và phục hồi kinh tế vài hôm trước.
Điều này lại nảy sinh một câu hỏi khác: vậy từ trước tới giờ, họ – không chỉ giới lãnh đạo TP. HCM mà còn trên cả nước – phòng chống dịch kiểu gì?
Ồ, chẳng phải là chúng ta có Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch covid-19, đứng đầu bởi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hay sao? Chẳng phải Ban Chỉ đạo quy tụ toàn những “giáo sư đầu ngành” hay sao? Nhân tiện, tôi trích một câu nói vui thế này:
Ở Việt Nam toàn hydra thôi. Ngành nào cũng nhiều đầu lắm. Chẳng ông nào không phải đầu ngành cả.
Hay “giáo sư đầu ngành” như này?
Đáng lý ra, một nhà nước dân chủ thì phải có sự đối thoại giữa người dân và nhà nước trong mọi vấn đề, ngay cả vấn đề phức tạp như dịch covid lần này. Song điều đó không hề xảy ra. Các cuộc đối thoại luôn xảy ra một chiều, trên bảo sao dân nghe vậy. Không hề có sự phản biện xã hội, không hề có sự chất vấn với giới lãnh đạo. Đi làm còn có KPI, nhưng phòng chống dịch thì không hề có mục tiêu – hoặc nó là mục tiêu không tưởng “0 ca covid” hay mục tiêu mập mờ “càng thấp càng tốt”. Có chăng, người dân vẫn được cổ vũ “sáng tạo” trong phòng chống dịch, để rồi những thứ như thế này xuất hiện:
Có ai có thể nói cho tôi là cái “sáng kiến” này đã được áp dụng ở đâu chưa?
Một ví dụ trên cả hoàn hảo cho sự thất bại về giáo dục.
Đã là bệnh nhân thì vận chuyển cần xe cấp cứu và nằm trên cáng, cần đội ngũ y bác sĩ ở cạnh, cần các thiết bị y tế đầy đủ đề phòng trường hợp xấu xảy ra. Theo tôi thấy thì cái “sáng kiến” này không dành cho bệnh nhân mà là dành cho tội phạm đặc biệt nguy hiểm như Hannibal Lecter, hoặc dành cho người đột biến có khả năng tiết ra chất độc chết người. Thật buồn cười khi cái “sáng kiến” này được Vietnamnet đăng trên mục “giáo-dục” xuyệt “khoa-học” vì theo tôi thấy thì nó đi ngược lại cả hai. Ồ, tôi không có ý xem thường người sáng chế ra cái đấy đâu, họ cũng chỉ là nạn nhân của một nền giáo dục thất bại thôi.
Và đấy là còn chưa kể sự phi nhân tính và chà đạp lên nhân quyền của cái sáng kiến này. Tôi không hiểu covid thì có gì khác các bệnh viêm đường hô hấp khác để mà người bệnh phải chịu đựng sự đối xử như kia?
Chính vì nền giáo dục thất bại không đào tạo ra được những con người có đủ trình độ, cho nên có lẽ cũng là hợp lý khi giới lãnh đạo cảm thấy việc đối thoại với người dân trong công cuộc phòng chống dịch covid là không cần thiết. Còn những người đủ trình độ như những “giáo sư đầu ngành” thì sao? Lần cuối cùng bạn thấy họ xuất hiện trên TV, đưa ra những nhận định về tình hình dịch bệnh là khi nào? Tại sao người phát biểu về vấn đề dịch bệnh luôn là những chính trị gia chẳng có tí chuyên môn liên quan gì? Và những bài phát biểu đó đều nhuốm màu tuyên giáo và không hề dựa trên bất kì thông tin khoa học có ích nào? Tôi sẽ dễ dàng chấp nhận những thứ đó hơn nếu như họ được dạy về tư duy phản biện, về cách suy luận khoa học cơ bản và về cách đọc số liệu xác suất/thống kê. Nhưng hình như họ chẳng bao giờ được học thì phải.
Sự im lặng đến đáng sợ của cá nhân những người có chuyên môn tại Việt Nam (ngoại trừ những kẻ gieo rắc sự sợ hãi bằng những ví dụ riêng lẻ) nên là hồi chuông cảnh báo rằng những gì bạn đang biết và thấy không phải thực sự những gì đang xảy ra. Tôi thách thức bất kì “giáo sư đầu ngành” nào nói lên quan điểm thật của họ về covid theo khía cạnh khoa học và thực tế trên TV. Bởi vì một sự thật hiển nhiên là vẫn sẽ có người nhiễm virus, vẫn sẽ có người mắc bệnh, vẫn sẽ có người chết và cuộc sống của những người còn lại vẫn phải tiếp tục – bởi vì ngay cả khi Việt Nam đưa số người mắc về 0 thì chúng ta cũng không thể tự cách ly mình với phần còn lại của thế giới mãi mãi. Thuốc chữa bệnh không thể nào nguy hiểm hơn căn bệnh được.
Và khi những người có chuyên môn không dám nêu ra quan điểm cá nhân, chỉ tồn tại một tiếng nói có trọng lượng duy nhất đến từ Bộ Y tế – cơ quan chịu trách nhiệm cho sức khỏe và tính mạng của chúng ta. Mỉa mai thay, chỉ trong vòng chục ngày gần đây nhưng Bộ Y tế đã có những tuyên bố và hành động không thể phản khoa học và phi logic hơn được nữa: từ việc phủ định tốc độ tiêm chủng gần bét thế giới, tới việc phủ định sự thiếu minh bạch trong quá trình tiêm chủng, và mới đây nhất là cho phép một số doanh nghiệp quảng cáo thuốc sai công dụng ngay trên chính sóng của đài truyền hình quốc gia VTV (để rồi vài ngày sau chỉ đơn giản là ra công văn “thu hồi”). Có hẳn một điều luật trong Bộ luật Hình sự cho sự vi phạm của Bộ Y tế nhưng đến giờ vẫn không thấy động tĩnh gì – cũng giống như số phận của cái dự thảo nghị định cấm tiết lộ thông tin cá nhân từ năm ngoái vậy.
Có lẽ – có lẽ – là tôi sẽ vẫn còn một chút niềm tin vào những gì mà Bộ Y tế đang làm nếu như họ có thể đưa vaccine tới tay những đối tượng bị ảnh hưởng nhất: người cao tuổi. Nhưng không. Tốc độ triển khai tiêm chủng rùa bò, thêm cả những bất cập và phản khoa học trong việc lựa chọn đối tượng tiêm chủng. Tệ hơn nữa là những vụ việc như Vingroup và Novaland được phép “mượn” vaccine để tiêm cho người của họ – trong khi biết bao nhiêu người cao tuổi đang phải chờ dài cổ. Vài nghìn liều vaccine đấy tương đương với cả nghìn người cao tuổi được cứu khỏi covid, bởi vì tỉ lệ tử vong vì covid cho nhóm tuổi đó lên tới khoảng 10-20%. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho sự mất mát về tính mạng này?
Vậy, khi mà giới lãnh đạo và những người có chuyên môn không hề có mong muốn hay ý định trao đổi với người dân, khi mà nền giáo dục thất bại đào tạo ra những con robot chỉ biết nghe lời, lấy đâu ra sự phản biện xã hội? Liệu truyền thông sẽ đảm nhận vai trò đó, là cầu nối giữa người dân và giới lãnh đạo/người có chuyên môn?
Fuck no. Truyền thông – đặc biệt là truyền thông chính thống ở Việt Nam – là một bãi rác không hơn không kém. Nghĩa là, bạn có thể đào thật lâu, thật kĩ để tìm được cái gì đó có giá trị mà ai đó lỡ vứt đi; nhưng trong phần lớn thời gian, những thứ bạn thấy chỉ là rác. Đặc biệt là những vấn đề đặc thù chuyên môn như khoa học, xã hội hay kinh tế. Truyền thông chính thống ở Việt Nam tệ đến nỗi ngay cả fake news CNN hay New York Times vẫn còn chất lượng hơn. Tôi không nghĩ là tôi đòi hỏi chất lượng truyền thông quá khắt khe đâu, khi đến VTV24 còn đưa tin sai về một sự thật khoa học đơn giản mà bạn chỉ cần 5 phút để google.
Tệ hại hơn nữa, truyền thông Việt Nam – cả chính thống lẫn không chính thống – tự biến mình trở thành vũ khí để tấn công chính người dân Việt Nam, một cách vô tình hay cố tình, vì mục đích lợi nhuận. Nhất là trong dịch covid này, rất nhiều người chỉ đơn thuần là dương tính với virus đã bị lộ thông tin cá nhân, trở thành đối tượng để lực lượng “dân phòng mạng” (hay có thể gọi là lực lượng “tác chiến điện tử” - tôi chôm ở trang Vỡ lòng công nghệ) đấu tố, công kích:
Hay như những clip về người dân vẫn ra đường tập thể dục, được mang lên làm thứ để ban biên tập VTV24 giễu cợt và chứng tỏ “đạo đức ưu việt” và sự “có hiểu biết” của họ:
Chỉ tiếc là khoa học và số liệu không đứng về phía VTV24, hay giới lãnh đạo:
Và có vẻ như để đề phòng cho những “sai sót” này, kênh YouTube của VTV24 chẳng bao giờ mở phần bình luận – cũng giống như kha khá các kênh YouTube hay Facebook khác của VTV. Dân chủ. Sẵn sàng nhận ý kiến đóng góp. Nah.
Sự tệ hại về kiến thức và đạo đức nghề nghiệp của những người làm truyền thông như VTV24 khiến tôi nghĩ rằng sự tồn tại của họ là mối nguy hiểm thực sự đối với xã hội. Họ không những không giáo dục được đại chúng mà còn gieo rắc những thông tin thiếu sự kiểm chứng, gây chia rẽ xã hội. Họ hạ thấp giá trị của một kênh truyền hình quốc gia để đua theo những lượt tương tác như những kênh truyền thông lá cải rẻ tiền. Thậm chí, họ còn tấn công ngay chính những công dân Việt Nam khi làm các phóng sự về những nhân vật như Độ Mixi. Và điều tồi tệ nhất là sau khi họ đăng tin sai sự thật, họ hoặc là kệ đấy không đính chính, hoặc là xóa toẹt và coi như chưa hề có gì xảy ra. Việc chỉ ra những thông tin nghèo nàn, sai sự thật trên VTV24 – hay bất kì kênh truyền thông chính thống nào khác – là điều quá dễ dàng đối với tôi. Giá như có ai đó trả tiền cho tôi để tôi làm việc đó nhỉ, chẳng mấy chốc tôi sẽ thành triệu phú.
Và ngay khi đang viết những dòng này, VTV24 lại tiếp tục đưa thông tin sai sự thật mà không kiểm chứng. Tôi cũng đến “cạn lời”.
Truyền thông chính thống đã mất đi vai trò là người đưa tin, người phơi bày sự thật ra ánh sáng, là cầu nối giữa người dân và giới lãnh đạo. Truyền thông độc lập đến từ các cá nhân và các nhóm tự phát gần như khó có thể tạo tác động đủ lớn để thay đổi cục diện này. Liệu còn ai có thể thay thế vai trò này nữa đây?
Chúng ta đang sống ở năm 2021 nhưng không khác gì người tối cổ sống trong hang cả – những cái hang bằng bê tông cốt thép. Còn ngoài kia là những rủi ro đang rình rập – những rủi ro có thể khiến bạn khuynh gia bại sản – đến từ chính những gì được cho là đang “bảo vệ” chúng ta.
“Chống dịch như chống giặc”. Nhưng chỉ có người dân mới gây ra lây nhiễm bệnh dịch, giới lãnh đạo – bằng một phép màu nào đó – chẳng ai bị nhiễm cả. Đến Cựu Tổng thống Mĩ Donald Trump còn bị nhiễm, hay như Thủ tướng Anh Boris Johnson còn phải nằm hồi sức tích cực thì chắc hẳn là giới lãnh đạo Việt Nam có sự chăm sóc y tế cực kì hiện đại. Vậy phải chăng “giặc” ở đây là người dân?
Câu chuyện bên lề
Hôm trước tôi có ra đường mà quên đeo khẩu trang rồi bị phạt. Anh cán bộ nói với tôi rằng tôi bị phạt là do vi phạm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Tôi mới nói lại với anh ta rằng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ không phải là văn bản quy phạm pháp luật, do đó không có tính pháp lý và cưỡng chế đối với công dân. Anh ta vẫn khăng khăng là tôi vi phạm như anh ta đã nói, vậy nên tôi bảo anh ta mở ngay điện thoại ra và đọc về Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, Điều 4 và xem Chỉ thị nằm ở chỗ nào. Và như đã dự đoán, anh ta còn không dám mở điện thoại ra để làm như những gì tôi đã yêu cầu. Anh ta chỉ đưa ra được văn bản căn cứ để xác định vi phạm khi dẫn tôi về chốt.
Trong suốt quá trình lập biên bản thì họ có quay phim tôi. Họ nói rằng đoạn phim này chỉ để lưu giữ nội bộ và là bằng chứng cho vi phạm của tôi nếu như sau này có khiếu nại hay kiện cáo. Vậy nếu như các bạn có thấy mặt tôi xuất hiện đâu đó trên mạng thì các bạn có thể coi đó là bằng chứng không thể chối cãi cho những điều sau:
- Cán bộ thi hành luật không hề nắm và hiểu luật.
- Cán bộ thi hành luật vi phạm quy định về lưu trữ tài liệu liên quan đến xử lý vi phạm, để lộ ra ngoài.
Một điều buồn cười là ngay khi tôi vẫn đang bị lập biên bản vì lỗi “không đeo khẩu trang nơi công cộng” thì ngay gần đấy là một anh cán bộ khác đang ngồi và bỏ khẩu trang ra. Tôi có hỏi người đang lập biên bản rằng “nếu đồng đội của anh có vi phạm thì các anh có xử phạt không”. Anh ta trả lời rằng “tôi đang làm việc với anh rồi thì sao tôi làm việc với người khác được, còn nếu đồng đội tôi vi phạm thì chúng tôi có xử lý chứ”. Nhưng khi tôi định quay ra để chỉ thì anh cán bộ không đeo khẩu trang kia đã đi mất. Giả như bây giờ đội công tác của họ ngồi với nhau, bỏ khẩu trang ra thì ai biết bây giờ nhỉ?
Và đấy còn không phải là lần đầu tiên tôi trông thấy cán bộ phường đi lùa dân đeo khẩu trang nhưng bản thân họ thì không đeo. Nhà nước pháp quyền là như thế đấy.
Tôi cam đoan bằng tất cả danh dự và tính mạng rằng những điều tôi nói trên là sự thật. Tuy vậy, tôi sẽ không tiết lộ danh tính của những người cán bộ đó trừ khi họ phát tán đoạn phim mà họ quay lại.
Ít ra là anh cán bộ lập biên bản với tôi còn rủ tôi đi uống bia sau khi hết dịch. Hi vọng anh ta giữ lời. Hì.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất